Tham luận của giới Giáo chức Công giáo TGP. Tp. HCM
[Bản tham luận này được xem là của GCCG TGPSG. Nhưng thành thật mà nói, đây mới chỉ là ý kiến của một số anh chị em GCCG. Chắc chắn là còn rất nhiều những GCCG chưa có được dịp cất lên tiếng nói của mình hay tiếng nói chưa vang được đến nơi cần đến. Hẳn cũng còn không ít thầy cô giáo, dù sinh ra và lớn lên trong môi trường đức tin Kitô giáo, nhưng vì những hoàn cảnh nào đó đã không còn những gắn bó thân thiết/đều đặn với các sinh hoạt đạo. Thực lòng, chúng tôi rất mong được gặp gỡ, chia sẻ và để được nghe những tiếng lòng, những tiếng nói “im lặng” của rất nhiều anh chị em “ở xa” này. Đấy là những tiếng nói/góp ý cần được quan tâm lắng nghe. Chúng tôi tin rằng đây là một trong những sứ mạng của Đại hội Dân Chúa]
Suy tư về Mầu nhiệm trong Năm Thánh, các anh chị em trong nhóm GCCG đều có cảm nhận động lực của việc sống chiều kích Mầu nhiệm đến từ niềm tin, từ ơn gọi Kytô hữu (chứ không phải từ nghiệp giáo chức). Gắn với ơn gọi Ki-tô hữu như thế, hầu hết anh chị em trong nhóm đều ý thức phải sống tương giao mật thiết hơn, sống động hơn với Thiên Chúa trong môi trường và hoàn cảnh sống mà chính Thiên Chúa đã gửi cho.
1. Một vài suy tư
Sống mầu nhiệm Giáo Hội
Theo thiển ý của chúng con, chủ đề “Mầu nhiệm” có ý muốn chúng con suy tư và sống mầu nhiệm Giáo Hội theo chiều sâu chứ không nệ vào hình thức bên ngoài.
Mầu nhiệm Giáo Hội đòi hỏi chúng con phải tỏ lộ được sự thánh thiện của Giáo Hội nơi con người yếu đuối, bất toàn và khả năng giới hạn của chúng con. Mầu nhiệm Giáo Hội cũng đòi hỏi chúng con phải biểu tỏ được dung mạo “hiền từ và khiêm nhường” của Đức Kitô _ Thầy Nhân Lành - trong đời sống phục vụ của chúng con, trong vai trò của người giáo chức.
Mầu nhiệm Giáo Hội cũng đòi hỏi chúng con phải góp phần thánh hóa không chỉ đời sống chúng con, nhưng còn thánh hóa môi trường sống của chúng con cùng với những người trẻ mà Thiên Chúa trao cho chúng con.
Sống mầu nhiệm Giáo Hội cũng đòi hỏi chúng con yêu mến Giáo Hội ngay cả khi phải chứng kiến những yếu đuối, sai lầm của các đấng các bậc trong Giáo Hội. Nhìn vào những yếu đuối và sai lầm ấy, chúng con thấy rõ hơn tác động của Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa Giáo Hội suốt dòng lịch sử, vì chắc chắn đó không phải những sai lầm, yếu đuối đầu tiên mà cũng chẳng phải là những sai lầm yếu đuối cuối cùng trong Giáo Hội.
Sống hiệp thông với Giáo Hội và dân tộc
Hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa là một đòi hỏi của đời sống Kitô hữu trong đó có giáo chức chúng con. Tuy nhiên, một khi nhìn nhận mọi người đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con một Cha trên trời, là anh em với nhau, thì cách nào đó, chúng con cũng phải sống hiệp nhất và gắn bó với mọi con dân nước Việt, mà trước hết là những học sinh, sinh viên, những đồng nghiệp của chúng con.
Như thế, chúng con không thể sống mầu nhiệm Giáo Hội trong một không gian bó hẹp, trong một nhóm thu nhỏ, trong một môi trường vốn sẵn đạo đức tốt lành để chỉ biết lo cho phần rỗi chúng con; nhưng chúng con cần và phải sống mầu nhiệm Giáo Hội trong không gian sống, trong tập thể nơi làm việc, trong môi trường giáo dục ngày nay với đầy đủ mọi mặt tích cực cũng như tiêu cực của nó.
Sống mầu nhiệm Giáo Hội như thế, chúng con không thể là người bên ngoài xã hội, không phải là kẻ đứng xem, nhưng phải là người trong cuộc, phải chia sẻ không chỉ những điều tốt lành, nhưng cả những những tật ách của nền giáo dục Việt Nam hôm nay.
Sống Sứ Vụ Kitô Hữu
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo và chúng con đoan chắc rằng, một cách nào đó, nghề nghiệp của chúng con được Chúa cho gắn bó với sứ vụ truyền giáo cách đặc biệt.
Hàng ngày mỗi giáo chức sống, làm việc, hướng dẫn và tác động trên hàng vài chục (có khi đến cả trăm) học sinh – sinh viên. Trong hoàn cảnh đặc thù ấy, đời sống của giáo chức có thể là lời chứng hoặc cũng có thể là lời phản chứng rõ rệt cho một Giáo Hội Duy Nhất – Thánh Thiện – Công Giáo – Tông truyền đối với nhiều người trẻ Việt Nam ở vào giai đoạn đang hình thành nhân cách sống của họ.
Bên cạnh việc giáo dục, giáo chức chúng con cũng có bổn phận dạy dỗ học sinh, sinh viên các chân lý khoa học. Không có chân lý nào mà lại không xuất phát từ Thiên Chúa và cũng không có chân lý nào được tìm hiểu cách thấu đáo lại không tỏ lộ cho người ta hình ảnh về Thiên Chúa. Như thế, sống sứ vụ truyền giáo, những giáo chức chúng con được mời gọi nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy sự thật, sống và làm chứng cho sự thật bằng đời sống của chúng con.
2. Những nỗ lực và thách thức
Những nỗ lực
Là những con người bất toàn và yếu đuối, nên để sống mầu nhiệm Giáo Hội như thế, chúng con cần phải trở về với Thiên Chúa, với Đức Kitô là đầu và là sức mạnh của chúng con. Chúng con đã cố gắng thực hiện sự trở về ấy qua việc năng tham dự phụng vụ Hội Thánh và lãnh nhận các bí tích.
Được làm việc trong môi trường trí thức, các giáo chức công giáo có điều kiện thuận lợi để suy gẫm, trao đổi và chia sẻ Lời Chúa, học hỏi Giáo lý hàng ngày.
Giáo chức công giáo chúng con đã cố gắng sống hiệp nhất với nhau, tìm nhiều phương cách để giúp đỡ nhau về chuyên môn, nâng đỡ nhau về tinh thần. Chúng con đã cố gắng để giúp ích nhiều nhất cho các sinh viên của chúng con. Chúng con cũng đã hướng việc nghiên cứu khoa học của chúng con đến những người thiệt thòi, yếm thế trong xã hội.
Để thể hiện mình là dân Thiên Chúa, là người thuộc về Đức Kitô, phần lớn giáo chức công giáo cố gắng sống hiền lành, khiêm nhường, chu toàn bổn phận với tình yêu thương. Nhiều giáo chức công giáo đã can đảm tuyên xưng niềm tin nơi làm việc, không bon chen, không tham lam, chấp nhận sống thanh thản với vị trí xã hội khiêm tốn, với mức thu nhập ít ỏi để thể hiện gương mặt Đức Kitô trong xã hội.
Những thách thức
Những thách thức trong đời sống Kitô hữu của giáo chức chúng con đến cả từ xã hội và giáo hội.
Trong công việc và đời sống xã hội, là Kitô hữu nên trong một khoảng thời gian dài giáo chức công giáo được “để ý” nhiều hơn, được đòi hỏi nhiều hơn, nhưng lại ít được ưu ái, ít cơ hội thăng tiến hơn so với các đồng nghiệp.
Trong hoàn cảnh sống với nhiều khó khăn, là một thiểu số trong môi trường làm việc, không phải mọi giáo chức công giáo đều đủ can đảm và tuyên xưng niềm tin trong công việc hàng ngày. Thêm vào đó, mọi liên hệ mật thiết hơn bình thường giữa các anh chị em trong cùng một nơi làm việc cũng dễ trở thành một câu hỏi, một nghi vấn không có lợi.
Đời sống kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp khiến cho cuộc mưu sinh chiếm phần lớn thời gian của anh chị em giáo chức. Phần lớn chỉ có thể tham dự thánh lễ cộng đoàn vào Chúa Nhật và nếu có tham gia dạy giáo lý thì cũng không có nhiều thời gian để chuẩn bị bài vở cho chu đáo.
Là những người có học thức, nhưng với đa số anh chị em, kiến thức giáo lý nói chung, cũng như về thần học, thánh kinh .v.v. rất khiêm tốn so với kiến thức về khoa học, về xã hội. Thời gian qua, giáo phận có tổ chức một số lớp thần học giáo dân, nhưng anh chị em rất khó tham gia vì nhiều lý do. Bởi thế, đáng lẽ phải nêu gương và góp phần hướng dẫn cho giới trẻ sống mầu nhiệm giáo hội một cách sống động, thì chính những giới hạn này đã hạn chế giáo chức trong phạm vi chăm lo đời sống đức tin riêng mình.
Là người trí thức, nên anh chị em cũng nhạy cảm với những ứng xử không mấy thích hợp của hàng giáo sĩ trong cách “cai trị/quản trị” Giáo Hội. Gặp những trường hợp mà bí tích được dùng như một “công cụ cai trị” của hàng giáo sĩ chứ không phải như phương thế thánh hóa, anh chị em rất dễ lui vào âm thầm, ngại cộng tác, thậm chí hoang mang thiếu sức mạnh và sự tự tin để sống mầu nhiệm giáo hội.
3. Những mong đợi và hy vọng
Chúng con tin rằng, Giáo Hội Đức Kitô là một giáo hội của người nghèo, người yếu thế, người bị bỏ rơi. Niềm hy vọng mà Đức Kitô đem đến trước hết là để dành cho những người như thế và chính Đức Kitô cũng đã sống cuộc đời nghèo khó.
Trong hoàn cảnh nghề nghiệp của chúng con, hầu hết học sinh, sinh viên của chúng con là những người nghèo. Bởi vậy, trước hết chúng con mong ước, giáo chức chúng con có thể sống tinh thần nghèo khó cách triệt để, từ đó có thể cảm thông, yêu thương và đồng hành với các em theo tinh thần của Đức Kitô. Đồng thời, chúng con cũng mong ước Giáo Hội Việt Nam thực sự là một Giáo Hội của người nghèo, người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề. Chúng con ước mong nhìn thấy Giáo Hội mạnh mẽ lên tiếng an ủi và ở bên họ trong mọi hoàn cảnh sống.
“tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Chúng con kính trọng các phẩm trật Giáo Hội, nhưng chúng con cũng muốn nhìn thấy một Giáo Hội Việt Nam bớt đi tinh thần “giáo sĩ trị” để đời sống Giáo Hội trở nên phong phú hơn, đi vào chiều sâu hơn và thực sự nên nhân chứng hơn; để cho mọi người nhìn thấy “họ yêu thương nhau là nhường nào”.
Chúng con ý thức rằng, tri thức của chúng con là những nén bạc mà Thiên Chúa trao ban cho chúng con. Nhưng chính chúng con cũng là những đồng bạc mà Thiên Chúa trao cho mỗi vị chủ chăn nơi chúng con sống và các vị cũng có bổn phận để những đồng bạc đó sinh lợi ích. Vì vậy, chúng con mong ước có sự cộng tác chặt chẽ hơn, sáng tạo hơn, giữa chúng con với các linh mục, tu sĩ để có thể làm được nhiều việc ích lợi cho Giáo hội, và xã hội.
Trong thời gian qua, Giáo Hội Việt Nam chứng kiến nhiều biến cố vui buồn. Có thể nhận thấy Chúa đã đặt “một cái dằm” (2 Cr 12,7) trong thân thể Giáo Hội Việt Nam. Nhưng cũng như thánh Phaolô, chúng con muốn thấy Giáo Hội cảm tạ Chúa và yêu quí cái dằm ấy chứ đừng trì triết, lên án hay cố gắng loại bỏ nó, vì cũng như thánh Phaolô, để “sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ lộ” (2 Cr 12,9).
Là những nhà giáo, chúng con đặc biệt lo lắng đến việc giáo dục Đức Tin cho giới trẻ. Dường như việc dạy giáo lý vẫn nặng về truyền đạt kiến thức hơn là hướng dẫn sống Đức Tin. Cần xem xét lại cả về chương trình, thời gian học và phương pháp sư phạm giáo lý. Đặc biệt là chú trọng nâng cao đời sống Đức Tin của giáo lý viên, vì như Đức Phaolô VI đã nói “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy đó là những chứng nhân”.
Đôi khi chúng con tự hỏi và có lẫn đã nêu câu hỏi: bệnh thành tích trong Giáo Hội nặng hay nhẹ hơn trong xã hội? Đến hôm nay chúng con vẫn đợi câu trả lời.
Kính thưa đại hội,
"Vui mừng và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của con người thời nay” cũng như của Giáo hội đều là vui mừng và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của giáo viên Công giáo chúng con. Hoà mình vào nhịp đập của Giáo hội, chúng con chia sẻ mầu nhiệm Giáo hội với con người trong xã hội chúng con đang sống hôm nay. Đó là lời mời gọi đồng thời cũng là thách đố cho mỗi giáo viên chúng con.
Chúng con rất mong các thành phần dân Chúa thêm lời cầu nguyện và nâng đỡ để chúng con có thể vượt qua những khó khăn và hạn chế của bản thân hầu có thể hoàn tất sứ mạng được trao ban.
Qua đại hội này chúng tôi cũng mời gọi tất cả giáo viên trong giáo phận hưởng ứng tham gia các sinh hoạt của giáo chức. Dù vẫn biết quy thầy cô đang rất bận rộn với công tác giảng dạy và lo toan đời sống gia đình, hoặc nhiều anh chị em đang tham gia các công tác giáo xứ hoặc xã hội khác, nhưng ít ra mỗi quí anh chị có thể tham dự 1 lần để giữ tinh thần hiệp thông nâng đỡ nhau. Hiện thời các sinh hoạt của giới giáo chức đang còn đơn sơ. Chính sự hiện diện và đóng góp của quy thầy cô sẽ giúp cho sinh hoạt của chúng ta thêm phong phú và ý nghĩa.
Xin Chúa chúc lành cho quí Đức Cha, quí Cha, quí Tu sĩ và toàn thể đại hội.
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam