Tham luận của Sư huynh Simêon Phạm Quang Tùng
ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ I : Củng cố mối hiệp thông giữa tín hữu với Thiên Chúa
Kế họach thực hiện
Để thực hiện tốt ưu tiên mục vụ 1, đặc biệt là để công đoàn Dân Chúa cử hành Thánh lễ một cách có ý thức, tích cực và sống động, và để Thánh lễ không chỉ là CỬ HÀNH mà còn TIN và SỐNG như ĐGH Bênêdictô XVI mong muốn ( Sacramentum Caritatis), trong cương vị ( tu sĩ ) giáo dân, xin có những bổ sung cho Kế họach thực hiện như sau:
1. Giáo dân phải được hướng dẫn và tập luyện phát huy vai trò “tư tế cộng đồng” của mình trong chính cuộc sống của họ. Nếu việc sống Thánh Thể của các giáo sĩ tập trung vào việc cử hành TRONG Thánh lễ, thì giáo dân cũng tham gia và sống Thánh Thể một cách đặc thù TRƯỚC và SAU Thánh lễ
* TRƯỚC THÁNH LỄ, giáo dân chuẩn bị góp lễ vật :
- Những lời kinh, những việc thực hành nhân đức, những việc bác ái … chính là những lễ hương mà trong cuộc sống hằng ngày họ làm để góp phần làm nên những của lễ mà bánh và rượu chỉ là tượng trưng ( như trong Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu đã mang đến cho nghi lễ bẻ bánh )
- Những gian nan, khó khăn, đau khổ … ( quá nhiều !) trong cuộc sống, nếu được ý thức sẽ chính là những của lễ sát tế mà họ bổ sung nơi chính họ: cuộc sống gia đình, nghề nghiệp của họ “những gì còn thiếu sót nơi cuộc thương khó của Đức Kitô” (1Cl 24)
Với ý thức như vậy, người giáo dân sẽ không đến thụ động “chầu rìa” Thánh lễ với hai bàn tay trắng mà hớn hở đích thực cộng tác tích cực vào việc cử hành cuộc hiến tế Thánh Thể của Đức Kitô, với những của lễ mang đầy trên đôi tay mà cà ngày, hay cả tuần họ đã tạo nên.
* SAU THÁNH LỄ, Mình và Máu Đức Kitô mà họ đã “ăn và uống” sẽ tiếp sức họ sống chính sự sống của Đức Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cuộc sống dân sự thường nhựt.
Mặt khác, họ cũng sẽ nhìn thấy Đức Kitô trong tha nhân và nỗ lực để cho Đức Kitô sử dụng bàn tay, môi miệng, trái tim … của họ mà tôn trọng, thương yêu và phục vụ mọi người, đặc biệt những người bé mọn.
Và việc hiệp thông với Đức Kitô Thánh Thể trong Hiệp lễ sẽ đi đến độ trong đời sống thường nhật của họ, dù ăn ,dù uống, dù làm bất cứ việc gi họ cũng làm để tôn vinh Chúa (1 Cr10, 31) và không phải là họ mà chính là Đức Kitô sống trong họ (Gl 2,20).
Với ý thức như vậy, người tín hữu cũng thông phần chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô trong Thánh Lễ. Và như thế, Bí tích Thánh Thể mới thực sự linh hoạt cả ngày sống của họ,và Thánh Thể mới đích thực là của ăn hằng sống của họ và linh đạo Thánh Thể giáo dân mới có sức biến đổi và thánh hóa đời sống người tín hữu. Và không là quá xa vời việc nếu thái độ cũa họ đối với Thánh lễ đươc canh tân đích thực.
2. Canh tân việc ban và nhận bí tích Giao Hòa theo đúng bản chất và hiệu quả của nó sao cho bí tích này thực sự là bí tích của Tình Yêu bao dung của Thiên Chúa
Sự e dè, ngượng ngùng không đến và sống thánh lễ như một người con thảo, như một người tình của Thiên Chúa hẳn cũng có lý do sâu xa là do tâm hồn của người tín hữu còn lấn cấn chưa thực sự làm hòa với Thiên Chúa. Mà làm sao người con- cái-Adong-sau-khi-ăn-trái-cấm lại có thể mạnh dạn đến với Bí tích Giao Hòa nếu người tội nhân không cảm nhận được lòng nhân từ và quảng đại thứ tha của Thiên Chúa ?
Nếu Bí tích Giao Hòa được các linh mục ban với tinh thần của
* Một Thiên Chúa Cha “trông thấy người con hoang đàng từ xa, đã chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”;
* Một Đức Kitô chăn chiên“để 99 con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”
* Một Giáo Hội hành xử như “trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì 99 người không cần phải sám hối ăn năn” ( Lc 15)
thì sẽ có rất nhiều cơ may người ta đến với Bí tích Giao Hòa dông đảo và tích cực hơn. Và như thế trong tinh thần của Năm Thánh Linh Mục, thừa tác viên bí tích Giáo hòa có thể được xem như theo sát gương thánh quan thầy là Jean Marie Vianey (một vị thánh không hẳn tuyệt vời trên tòa giảng, không luôn xuất thần trên bàn thờ, nhưng rất nổi danh và hữu hiệu tại tòa giải tội ).Và mong ước rằng đông đảo tín hữu đến với Thánh Thể sẽ không còn chỉ là giấc mơ xa vời.
Ngoài ra, mong sao có những sáng kiến chủ động dám đi tìm và cứu những gì đã mất tận nhà hối nhân thay vì “ngồi tòa “ chờ họ đến xưng tội, theo gương Đức Giêsu Kitô đi bước trước đến tận nhà Giakêu để rồi có được những cuộc trở lại ngoạn mục của ông trùm thu thuế như trong Tin Mừng ( cf. Lc 19, 1-10)
Cũng mong sao những nghi thức và hình thức ban Bi tích Giao Hòa mới ( Post-concilar Order of Penance) theo tinh thần Vaticanô II được áp dụng rộng rãi để Bí tích này diễn tả trọn vẹn hơn bản chất và hiệu quả của nó (De Sacra Liturgia 72)
ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ V : Loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh ngày nay.
Kế họach thực hiện
Xin bổ sung yếu tố sau:
Cổ động và phát huy vai trò ngôn sứ của toàn thể các tín hữu qua việc truyền giáo bằng chứng tá
Truyền giáo không chỉ là việc rao giảng mà chính yếu là làm chứng. Với phương thế này thì giáo dân sẽ có rất nhiều cách đóng góp tích cực chứ không chỉ là thụ động (thậm chí còn miễn cưỡng!) góp tiền vào quĩ truyền giáo.
Các giáo dân phải được hướng dẫn để ý thức rằng việc sống đạo, sống Tin Mừng trong bổn phận dân sự và đời thường đã là một lời rao giảng có sức thuyết phục mãnh liệt và hữu hiệu khôn sánh. Cũng phải giúp họ ý thức rằng những cháu nhỏ chăm ngoan, những nông dân, công nhân cần cù, những bà mẹ tảo tần chăm lo gia đình, ngay cả những người hầu như kiệt sức vác thánh- giá-bệnh-tật …, những người sống đời sống của đấng bậc mình trong hiệp thông với Đức Kitô Thánh Thể là đang chung tay xây dựng Giáo Hội và mở mang Nước Trời. Thật vậy, chương trình cứu độ của Đúc Giêsu Kitô là toàn bộ cuộc sống trần thế của Ngài mà trong đó chỉ có 1/11 thời gian dành cho rao giảng còn 10/11 cuộc đời của Ngài là sống đời người con bác thợ mộc thành Nazarét không tên tuổi. Cũng vậy, một Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ quanh quẩn với những bổn phận thường ngày trong bốn bức tường tu viện cũng được Giáo Hội công nhận là ngang hàng với Phanxicô Xaviê bôn ba viễn xứ. Phải hiểu rằng, chu toàn, với lòng yêu mến cao độ, điều mà ĐGH Piô XII gọi là “cái kinh khủng thường nhựt” cũng đã là sống Tin Mừng ở mức độ gương mẫu đáng được vinh phong hiển thánh như thánh Sư Huynh Bênilđô. Và, như lời Chân Phước Têrêsa Calcutta nhắn nhủ Tôi Tớ Chúa Phanxicô Nguyễn văn Thuận nói :”Điều đáng kể không phải là số lượng công việc được hoàn thành mà chính là mức độ tình yêu mà ta gửi gấm trong những công việc đó “
Có như thế toàn Dân Chúa trong Giáo Hội sống một cách phong phú và hữu hiệu bản chất truyền giáo của mình chứ không chỉ có một nhóm người ít ỏi.
SH Simêon Phạm quang Tùng, FSC
(Dòng Lasan)
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam