Tình xóm làng nơi thành phố Sài Gòn thời Covid
TGPSG -- Nếu chỉ dựa vào bấy nhiêu đó thôi mà đánh giá văn hóa Sài Gòn là không có ‘tình làng nghĩa xóm’ thì…
Căn nhà chúng tôi thuê trọ có 7 gia đình cùng sinh sống. Tôi về đây đã 4 năm trời rồi mà chỉ biết được nhà của hai bạn thanh niên sát phòng, và gia đình của cô Sáu ở ngay trước cổng nhà, chỗ để xe chung. Thỉnh thoảng thì có chat zalo với chị nhà sau để lấy thông tin điện nước và chuyển tiền thanh toán.
Ở mảnh đất Sài Gòn này, dường như mạnh ai nấy ở, ít để ý đến nhau, không như ở Xuân Lộc quê nhà tôi, hàng xóm chạy qua chạy về, chuyện trò với nhau hằng ngày.
Tuy nhiên, đấy cũng chỉ vì lý do cơm áo gạo tiền. Người sinh sống ở chỗ tôi thuê nhà đa phần là người lao động từ các tỉnh, nên thời gian hầu hết dành cho việc mưu sinh, chắt chiu để sinh tồn, hay để gửi về quê, lo toan cho gia đình. Bởi thế, hầu như người ta không còn thời gian dành cho hàng xóm, cũng không còn tâm trạng để quan tâm căn hộ kế bên nay có gì vui, có gì lạ…
Vì thế, nếu chỉ dựa vào bấy nhiêu đó thôi mà đánh giá văn hóa Sài Gòn là không có ‘tình làng nghĩa xóm’, tôi e rằng còn quá ít thông tin, còn quá ít trải nghiệm; mà những trải nghiệm này xem ra rất khó mà có được, có thể nói là may mắn lắm thì ‘trăm năm mới có một’ mà thôi.
Vậy mà sự kiện ‘trăm năm có một’ này đã diễn ra trong đợt dịch vừa qua, khi cả nước nói chung và Sài Gòn nói riêng thực hiện giãn cách xã hội, cách ly nhà với nhà, người với người, địa phương với địa phương...
Điều lạ lùng là cái tình người, ‘tình làng nghĩa xóm’ lại được thể hiện rất rõ nét ngay trong hoàn cảnh phải cách ly với nhau. Trong hơn 4 tháng qua, 7 gia đình trong căn nhà chúng tôi cùng thuê trọ bỗng thân nhau hẳn ra: biết mặt nhau, nói chuyện nhiều với nhau… Một bó rau cũng chia tứ xẻ tam, một bao gạo cũng san sẻ với nhau.
“Nghĩa ơi, xuống lấy mấy quả trứng nè!”
“Nghĩa ơi, nhà em có hành củ không?”
“Nghĩa ơi, em mua dầu, có không?”
…
Những câu hỏi thăm, hỏi mượn, hay 'tám chuyện' vang lên hằng ngày giữa các phòng trong cùng ngôi nhà thuê trọ; cùng nhau kêu gọi đi test covid, đi tiêm ngừa, hay đăng ký chuyện này, chuyện kia theo chỉ đạo của phường.
Rồi có người xin đâu đó được một vài phiếu đi chợ ở tổ khác khi tổ mình hết phiếu, cũng mau mắn chia sẻ các phiếu hiếm hoi đó cho các hộ còn lại, rồi lại còn hỏi han từng gia đình xem có cần mua gì không...
Khi phát hiện các ca dương tính ở quanh xóm ngõ, hoặc có nhà gần đó phải cách ly y tế, chúng tôi dặn dò nhau bảo vệ sức khỏe, bảo trọng và cẩn thận.
Có chị thuê phòng nhưng không thường xuyên đến ở tại phòng này, mùa dịch này chị ở chỗ khác, nhưng vẫn chia sẻ cho nơi này mỗi hộ 200.000 đồng và 10 kg gạo thơm.
Còn quý hơn nữa, đó là anh chủ nhà đã giảm 50% giá thuê phòng cho từng hộ trong 5 tháng liên tục.
Sau vài tháng cách ly xã hội, chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn, như là một gia đình duy nhất, chứ không còn là sáu hay bảy gia đình nữa.
Thế mới thấy, cái trải nghiệm này nó càng khẳng định rằng người Sài Gòn không vô tâm vô tư, mà vẫn có cái ‘tình nghĩa xóm làng’.
Chỉ là lúc bình thường, ai cũng có thể tự sinh tồn, tự lo toan được, nên họ sẽ ít thể hiện sự quan tâm, ít bộc lộ cái tình nghĩa ra bên ngoài. Còn trong lúc cần nhau hoặc cần sẻ chia, họ sẵn sàng mở lòng và mở vòng tay ra với mọi người xung quanh.
Mr Paul (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ba có… yêu không?
-
Thời Covid: Ấm áp sẻ chia lương thực -
Hai tiếng 'Chúa ơi' thời Covid -
Thời Covid: phải luôn tỉnh thức! -
Mẹ và những đứa trẻ... -
Thời Covid: 'Con bé... nó thiệt là...' -
Khoảng lặng thời Covid -
Giáo xứ Hà Đông: Thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời vì dịch Covid-19 -
Ngày Nhà Giáo: tri ân & cầu nguyện -
‘Ngụp lặn’ trong dịch bệnh và ánh sáng…
bài liên quan đọc nhiều
- Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con'
-
Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch -
Tin nhắn bất ngờ thời Covid -
Thời Covid: phải luôn tỉnh thức! -
Gia đình tôi và Thánh lễ online thời Covid -
Thánh lễ của niềm tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương trong đại dịch -
Chở bệnh nhân qua chốt gác thời Covid -
Chung cư F0 -
Những người bạn đã ra đi thời Covid -
Mẹ tôi ra đi thời Covid