Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu": chương 1
CHƯƠNG I
BỐI CẢNH Á CHÂU
Á Châu, Nơi sinh của Đức Giêsu và của Giáo Hội
5. Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mà toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng mừng kỷ niệm trong Đại Năm Thánh 2000, xảy ra trong bối cảnh lịch sử và địa lý nhất định. Bối cảnh đó gây nên một ảnh hưởng quan trọng trên đời sống và sứ vụ của Đấng Cứu Chuộc trong tư cách một con người: "Trong Đức Giêsu thành Nadareth, Thiên Chúa đã mặc lấy những nét đặc trưng của bản tánh nhân loại, gồm có sự thuộc về một dân tộc nhất định và một lãnh thổ nhất định. Nét đặc thù tự nhiên của phần đất và vị trí địa lý của nó không thể tách rời khỏi chân lý là xác phàm con người được Ngôi Lời mặc lấy" (7). Do đó việc hiểu biết thế giới mà Đấng Cứu độ "đã ở giữa chúng ta" (Ga 1,14) là chìa khóa quan trọng giúp hiểu rõ hơn về ý định của Chúa Cha hằng hữu và tình yêu bao la của Người đối với mọi loài thụ tạo: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16).
Cũng vậy, Giáo Hội sống và hoàn thành sứ mạng mình trong hoàn cảnh hiện tại của thời gian và không gian. Sự hiểu biết có phê phán về những thực tại khác biệt và phức tạp của Châu Á là thiết yếu nếu dân Chúa trên lục địa muốn đáp trả lại ý muốn của Thiên Chúa đối với họ trong vấn đề Tân Phúc Âm hóa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng sứ vụ yêu thương và phục vụ của Giáo Hội tại Á Châu được quy định do hai yếu tố: một bên là sự hiểu biết của Giáo Hội về chính mình như là một cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu Kitô, được tập hợp quanh các vị chủ chăn của mình, và bên kia là những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế tại Á Châu (8). Hoàn cảnh Á Châu được nghiên cứu tỉ mỉ trong Thượng Hội Đồng do những vị đã tiếp xúc hàng ngày với những thực tại rất khác biệt của một lục địa to lớn thế đó. Tiếp theo đây là bản tổng hợp thành quả những suy tư của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng.
Những Thực Tại Tôn Giáo và Văn Hóa
6. Á Châu là lục địa to lớn nhất trên trái đất, và là nơi cư ngụ của gần hai phần ba dân số thế giới, với hai nước Trung Hoa và Ấn Độ chiếm gần nửa dân số thế giới. Nét nổi bật nhất của lục địa là sự khác biệt về dân tộc, "thừa kế những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống cổ xưa" (9). Chúng ta không thể không kinh ngạc về nguyên tầm mức dân số Châu Á và sự đan chéo phức tạp của nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, niềm tin và truyền thống, từng đó thứ làm nên một phần đáng kể trong lịch sử và gia sản của gia đình nhân loại.
Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Zoroastrianism, Jainism (Ấn Độ), giáo phái Sikh và Thần Đạo (Nhật). Hàng triệu người cũng theo những tôn giáo truyền thống và bộ lạc, với nhiều cấp độ nghi thức và giáo thuyết. Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.
Dân Á Châu hãnh diện về các giá trị tôn giáo và văn hóa của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sự đơn sơ, hài hoà, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý (10). Họ quý trọng những giá trị như tôn trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ (11). Đặc biệt, họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ có một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới (12). Các dân tộc Á Châu nổi tiếng có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. Tuy không phủ nhận rằng còn có những sự căng thẳng chua xót và những xung đội dữ dội, nhưng có thể nói rằng Châu Á thường tỏ ra có một khả năng thích nghi đặc biệt và cởi mở tự nhiên đối với nền phong phú các dân tộc, giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo và văn hóa. Hơn nữa, mặc dầu bị ảnh hưởng của hiện đại hóa và trần tục hóa, các tôn giáo ở Châu Á tỏ lộ dấu chỉ của một sức sống mạnh mẽ và một khả năng đổi mới, như thấy nơi các phong trào cải cách bên trong những nhóm tôn giáo khác nhau. Nhiều người, nhất là người trẻ, cảm nghiệm một khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiêng liêng, như được chứng tỏ qua sự xuất hiện nhiều phong trào tôn giáo mới.
Tất cả những điều trên chỉ cho thấy một cảm thức thiêng liêng nội tâm và sự khôn ngoan về mặt luân lý trong tâm hồn người Á Châu, và đó là cốt lõi mà xung quanh đó được xây dựng một ý thức đang lớn mạnh về thế nào "là người Á Châu". Nhận thức "là người Á Châu" này được khám phá và khẳng định cách tốt nhất không phải trong sự chạm trán và đối nghịch nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và hoà hợp. Trong khung cảnh bổ sung và hoà hợp này, Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng qua một cách thức vừa trung thành với truyền thống của mình và vừa trung thành với tâm hồn Châu Á.
Những Thực Tại Kinh Tế và Xã Hội
7. Về phương diện phát triển kinh tế, những hoàn cảnh trong lục địa Á Châu rất khác biệt nhau, không thể đơn giản phân loại được. Một số vùng đã phát triển cao, một số vùng khác đang phát triển nhờ các chính sách kinh tế có hiệu quả và một số vùng khác nữa vẫn còn thấy trong cảnh nghèo hèn khốn nạn, quả thế trong số những nước nghèo nhất trên thế giới. Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa duy vật và tục hóa cũng đang xâm lấn, nhất là tại những vùng đô thị. Khi xói mòn những giá trị truyền thống, xã hội và tôn giáo, những ý thức hệ này đe dọa các nền văn hóa Á Châu với những thiệt hại không thể lường trước được.
Các Nghị Phụ Thượng hội Đồng nói về những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong các xã hội Á Châu và nói về những khía cạnh tích cực và tiêu cực do những thay đổi đó mang lại. Trong số đó có hiện tượng đô thị hóa và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ, thường có những khu vực rộng lớn gây ngã lòng, nơi mà các tội ác có tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã hội đang lớn mạnh. Việc di dân cũng là hiện tượng lớn xã hội, đặt hàng triệu người vào những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hóa và luân lý. Dân chúng di cư nội trong khu vực Á Châu và từ Á Châu đến các lục địa khác vì nhiều lý do, chẳng hạn nghèo đói, chiến tranh và xung đột sắc tộc, sự chối bỏ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản. Việc thiết lập những liên hiệp công nghiệp khổng lồ là một lý do nữa của sự di dân nội và ngoại, kèm theo những hậu quả tàn phá đời sống và các giá trị của gia đình. Cũng có nhắc tới việc xây dựng những nhà máy điện nguyên tử, vì quan tâm tới giá cả và muốn có hiệu năng mà ít nghĩ tới sự an toàn dân chúng và sự toàn vẹn của môi trường.
Ngành du lịch cũng cần được lưu ý cách riêng. Mặc dù là một công nghệ chính đáng với những giá trị văn hóa và giáo dục của nó, ngành du lịch trong một vài trường hợp đã có một tác động phá hoại luân lý và phong cảnh thiên nhiên của nhiều quốc gia Á Châu, bằng chứng là nhiều phụ nữ trẻ và cả đến các trẻ em bị mất phẩm giá vì nạn mãi dâm (13). Công tác mục vụ cho các người di dân, cũng như cho các khách du lịch thật gay go và phức tạp, nhất là tại Á Châu nơi những cơ cấu cơ bản cho công việc đó không phải lúc nào cũng có. Chương trình mục vụ ở mọi cấp bậc cần phải lưu ý tới những thực tại này. Trong khung cảnh này, chúng ta không nên bỏ quên những người di dân từ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đang cần chăm sóc mục vụ theo những truyền thống Giáo Hội riêng của họ (14).
Nhiều vùng Á Châu đối diện với những khó khăn liên quan tới sự tăng dân số, đó "không chỉ là một vấn đề dân số hay kinh tế, nhưng cách riêng là một vấn đề luân lý" (15). Rõ ràng, vấn đề dân số liên kết chặt chẽ với vấn đề thăng tiến con người, nhưng những giải quyết sai lầm đe doạ nhân cách và tính bất khả xâm phạm của sự sống thì nhiều và nêu lên một thách đố đặc biệt cho Giáo Hội tại Á Châu. Tới đây, có lẽ nên nhắc lại những đóng góp của Giáo Hội trong việc bênh vực và thăng tiến sự sống, nhờ chăm sóc sức khoẻ, phát triển xã hội và giáo dục, nhằm lợi ích cho dân chúng, nhất là người nghèo. Hội Nghị Đặc Biệt về Á Châu đã làm đúng khi nói lên lòng kính trọng đối với Mẹ Têrêxa Calcuta, "người nổi tiếng trên khắp thế giới vì việc chăm sóc đầy yêu thương và vô vị lợi của Mẹ dành cho người nghèo hèn nhất trong số những người nghèo" (16). Mẹ mãi là một mẫu gương của việc phục vụ sự sống mà Giáo Hội đang trao tặng tại Á Châu, can đảm đối đầu với những quyền lực đen tối đang hoành hành trong xã hội.
Một số Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh đến những ảnh hưởng ngoại lai được mang vào trong các nền văn hóa Á Châu. Nhiều hình thức sống mới đang xuất hiện do việc tiếp cận quá đáng với phương tiện truyền thông đại chúng và những loại văn chương, âm nhạc và phim ảnh đang phổ biến nhan nhãn trên lục địa. Tuy không phủ nhận rằng những phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp ích rất nhiều cho sự thiện, (17) chúng ta không thể coi thường ảnh hưởng tiêu cực nó thường mang lại. Những hiệu quả sinh ích của chúng có thể trở nên vô ích bởi cách thức chúng bị kiểm soát và sử dụng bởi những con người có những mục đích chính trị, kinh tế và ý thức hệ đáng nghi ngờ. Hậu quả là những khía cạnh tiêu cực của truyền thông và những công nghệ giải trí đang đe doạ các giá trị truyền thống và cách riêng, đe doạ sự thánh thiêng của hôn nhân và sự vững bền của gia đình. Ảnh hưởng của những hình ảnh bạo lực, khóai lạc, cá nhân và vật chất chủ nghĩa quá độ "đánh thẳng vào trung tâm những nền văn hóa Á Châu, vào tính tôn giáo của dân chúng, gia đình và toàn thể xã hội" (18). Đây là một hoàn cảnh gây nên một thách đố lớn đối với Giáo Hội và đối với việc loan báo sứ điệp.
Hoàn cảnh nghèo đói dai dẳng và sự khai thác bóc lột dân chúng là những sự việc đáng lo lắng nhất. Tại Á Châu có hàng triệu người bị áp bức, qua bao thế kỷ bị đặt bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị (19). Khi suy nghĩ về hoàn cảnh người nữ trong xã hội Á Châu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng "mặc dầu việc gây ý thức cho người nữ về nhân phẩm và quyền lợi của họ là một dấu chỉ thời đại có ý nghĩa nhất, nhưng sự nghèo đói và khai thác bóc lột người phụ nữ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng cho toàn vùng Á Châu" (20). Phụ nữ mù chữ nhiều hơn đàn ông; và trẻ gái bị giết khi còn là thai nhi hoặc sau khi ra đời xem ra cũng nhiều hơn. Cũng có hàng triệu người bản xứ hay dân bộ lạc khắp vùng Á Châu đang sống biệt lập về mặt xã hội, văn hóa và kinh tế khỏi tầng lớp dân đang thống trị (21). Thật là yên lòng khi nghe các Giám Mục Thượng Hội Đồng nói rằng trong một vài trường hợp, những sự việc trên được quan tâm hơn ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp quốc tế, và Giáo Hội tích cực tìm cách tiếp cận hoàn cảnh nghiêm trọng này.
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã lưu ý rằng, suy tư vắn tắt cần thiết này về các thực tại kinh tế và xã hội tại Á Châu sẽ không đầy đủ, nếu không nhìn nhận sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của nhiều xã hội Á Châu trong những thập niên gần đây: một thế hệ mới gồm những thợ lành nghề, những nhà khoa học và kỹ thuật ngày càng gia tăng và con số đông đảo các người ấy là điềm báo tốt cho sự phát triển của Á Châu. Tuy nhiên, không phải mọi cái đều ổn định và vững chắc trong sự phát triển này, như đã thấy rõ qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng mới đây mà một số vùng Á Châu phải hứng chịu. Tương lai của Á Châu hệ tại ở sự hợp tác giữa các nước Á Châu và với các nước thuộc các lục địa khác, nhưng bằng cách luôn xây dựng trên điều mà các dân tộc Á Châu phải làm để tự phát triển cho mình.
Những Thực Tại Chính Trị
8. Giáo Hội luôn cần có một sự hiểu biết chính xác về hoàn cảnh chính trị trong các quốc gia khác nhau, nơi mà Giáo Hội đang cố gắng chu toàn sứ mạng mình. Ngày nay, tại Á Châu, toàn cảnh chính trị rất phức tạp, phô bày ra một loạt những ý thức hệ, từ những hình thức chính quyền dân chủ, cho tới những hình thức thần quyền. Những thể chế độc tài quân sự và các ý thức hệ vô thần, rất thường xuất hiện. Một vài quốc gia nhìn nhận một quốc giáo chính thức, nên nhóm thiểu số và những kẻ theo các tôn giáo khác ít được hay không được tự do tôn giáo. Có những quốc gia khác, dù không theo hẳ thần quyền, lại quy những nhóm thiểu số vào hạng công dân hạng hai, nên ít quan tâm bảo vệ những nhân quyền cơ bản của họ. Trong vài nơi, người Kitô hữu không được phép thực hành đức tin cách tự do và rao giảng Đức Giêsu Kitô cho kẻ khác (22). Họ bị bách hại và bị khước từ chỗ đứng hợp pháp trong xã hội. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc đến cách riêng dân tộc Trung Hoa và bày tỏ niềm hy vọng thiết tha được thấy tất cả những anh chị em công giáo Trung Hoa, một ngày kia có thể sống đạo trong tự do và công khai tuyên xưng sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Toà Thánh Phêrô (23).
Trong khi đánh giá cao sự phát triển mà nhiều quốc gia Á Châu đang thực hiện dưới nhiều thể chế chính quyền khác nhau, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng quan tâm tới sự tham nhũng đang lan rộng khắp nơi, ở nhiều cấp bậc của cả chính quyền lẫn xã hội (24). Rất thường xuyên, dân chúng xem ra vô phương tự vệ chống lại những nhà chính trị, những nhân viên tư pháp, những người cầm quyền và công chức tham nhũng. Tuy nhiên, có một ý thức đang tăng trưởng khắp Á Châu về khả năng của người dân trong việc thay đổi những cơ cấu bất công. Có những yêu cầu mới cho được công bình xã hội lớn hơn, cho được tham gia nhiều hơn vào chính quyền và đời sống kinh tế, cho được cơ may đồng đều trong giáo dục, cho được chia sẻ công bằng hơn trong tài sản quốc gia. Dân chúng càng ngày càng ý thức về nhân phẩm và các quyền của mình và quyết tâm hơn để gìn giữ nó. Những nhóm thiểu số về nhân chủng, xã hội và văn hóa, lâu nay im lìm, bây giờ đang tìm cách trở thành tác nhân cho sự thăng tiến xã hội của chính mình. Thần Khí Chúa trợ giúp và nâng đỡ những cố gắng của dân chúng trong việc biến đổi xã hội, ngõ hầu khát vọng của con người về một cuộc sống dồi dào hơn, có thể được thoả mãn như lòng Chúa mong muốn (x. Ga 10,10).
Giáo Hội tại Á Châu: Quá Khứ và Hiện Tại
9. Lịch sử Giáo Hội tại Á Châu cũng xưa như chính Giáo Hội, bởi vì tại Á Châu Đức Giêsu đã thở hơi Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Người và sai họ đi tới tận cùng trái đất để rao giảng Tin Mừng và qui tụ những cộng đoàn tín hữu. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (Ga 20,21; x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18; Lc 24,47; Cv 1,8). Theo lệnh của Chúa, các Tông Đồ rao giảng Lời Chúa và thiết lập những Giáo Hội. Có lẽ là điều hữu ích khi nhắc lại một vài yếu tố của lịch sử hấp dẫn và phức tạp này.
Từ Giêrusalem, Giáo Hội lan rộng tới Antiôkia, tới Roma và xa hơn nữa. Giáo Hội đi tới Ethiôpia phía Nam, tới Scythia phía Bắc và tới Ấn Độ phía Đông, vùng đất theo truyền thống, Thánh Tôma Tông Đồ đã tới năm 52 sau Công Nguyên, và thiết lập các Giáo Hội miền nam Ấn Độ. Tinh thần truyền giáo của cộng đoàn Đông-Syria trong thế kỷ III và IV với trung tâm là Edessa, thật đáng kể.
Những cộng đoàn khổ tu Syria là một sức mạnh chủ yếu của việc Phúc Âm hóa tại Á Châu từ thế kỷ III đổ về sau. Những cộng đoàn này đem lại sinh lực thiêng liêng cho Giáo Hội, đặc biệt trong thời kỳ bắt đạo. Vào cuối thế kỷ III, Amênia là quốc gia đầu tiên toàn diện theo Kitô giáo, và nay đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 1.700 năm lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Cuối thế kỷ thứ V, sứ điệp Kitô giáo lan tới các vương quốc Ả rập, nhưng vì nhiều lý do, kể cả những chia rẽ nội bộ người Kitô hữu, sứ điệp không đâm rễ sâu giữa lòng các dân tộc này.
Các thương gia Ba tư mang Tin Mừng tới Trung Hoa trong thế kỷ thứ V. Giáo hội Kitô đầu tiên được thiết lập ở đây vào đầu thế kỷ VII. Dưới triều đại nhà Tần (618-907 Công nguyên) Giáo Hội phồn thịnh gần hai thế kỷ. Sự suy sụp của Giáo Hội đầy sức sống này tại Trung Hoa, ở cuối ngàn năm thứ nhất, là một trong các chương đáng buồn hơn cả của lịch sử Dân Chúa tại Lục địa.
Thế kỷ thứ XIII, Tin Mừng được rao giảng cho người Mông Cổ và người Thổ, và một lần nữa cho người Trung Hoa. Nhưng Kitô Giáo hầu như biến khỏi các vùng này vì một số lý do, trong các lý do đó có sự nổi dậy của Hồi Giáo, sự tách biệt về mặt địa lý, thiếu sự thích nghi thích hợp với những văn hóa địa phương, và có lẽ hơn hết là thiếu chuẩn bị gặp gỡ các tôn giáo lớn tại Á Châu. Cuối thế kỷ XIV chứng kiến sự sa sút mãnh liệt của Giáo Hội tại Á Châu, trừ ra một cộng đồng biệt lập ở Nam Ấn Độ. Giáo Hội tại Á Châu phải chờ đợi một thời đại mới của nỗ lực truyền giáo.
Công lao Tông Đồ của Thánh Phanxicô Xavie, sự thành lập Hội Truyền Bá Đức Tin đời Giáo Hoàng Gregorio XV, và những chỉ dẫn cho các vị thừa sai biết tôn trọng và đánh giá cao những văn hóa địa phương, tất cả góp phần đạt đến những thành quả tích cực hơn suốt thế kỷ XVI và XVII. Vào thế kỷ XIX, lại có sự hồi sinh hoạt động tông đồ. Nhiều dòng tu hoàn toàn hiến thân cho công tác này. Hội Truyền Bá Đức Tin được tổ chức lại. Việc thiết lập những Giáo Hội địa phương được nhấn mạnh hơn. Những công trình giáo dục và bác ái đi đôi với việc rao giảng Tin Mừng. Cho nên, Tin Mừng tiếp tục đến với nhiều người hơn, đặc biệt đám người nghèo và bị thiệt thòi, nhưng đó đây cũng được rao giảng giữa hạng người ưu tú xã hội và trí thức. Những nỗ lực mới được thực hiện để hội nhập hóa Tin Mừng, tuy nhiên chúng chứng tỏ là chưa đủ. Mặc dầu hiện diện lâu đời và cố gắng làm việc tông đồ nhiều, Giáo Hội tại nhiều nơi còn bị coi là xa lạ với Á Châu, và quả thật, Giáo Hội thường bị gắn liền với những quyền lực thực dân trong tâm trí quần chúng.
Đó là tình trạng thời gian trước công đồng Vatican II, nhưng nhờ sự thúc đẩy công đồng mang lại, một sự hiểu biết mới về việc truyền giáo ló dạng và, cùng với nó là một niềm hy vọng lớn. Tính phổ quát chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, bản tính truyền giáo của Giáo Hội và trách nhiệm của mỗi người trong Giáo Hội đối với công tác này, được tái khẳng định cách mạnh mẽ trong Sắc Lệnh Công Đồng về Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, trở nên khuôn khổ của một sự dấn thân mới. Trong Hội nghị đặc biệt, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng minh chứng sự lớn mạnh mới đây của cộng đoàn Giáo Hội giữa nhiều dân tộc khác biệt trong những miền khác nhau của Lục địa, và các Ngài kêu gọi nhiều nỗ lực truyền giáo hơn nữa cho những năm sắp tới, cách riêng khi xuất hiện nhiều khả năng rao giảng Tin Mừng trong vùng Siberia và những xứ Trung Á mới dành được độc lập, như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turmenistan (25).
Một cái nhìn tổng quát về các cộng đoàn Công giáo tại Á Châu cho thấy một sự đa dạng muôn màu muôn vẻ do bởi nguồn gốc và sự phát triển lịch sử của nó, và do những truyền thống thiêng liêng và phụng vụ khác nhau về lễ nghi. Tuy nhiên tất cả đều hợp nhất trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, nhờ chứng tá Kitô hữu, các việc bác ái và sự liên đới nhân loại. Đang khi một số Giáo Hội địa phương thi hành sứ mạng mình trong an bình và tự do, thì có những Giáo Hội khác gặp những hoàn cảnh bạo lực và xung đột, hay cảm thấy mình bị đe doạ bởi các nhóm người khác vì lý do tôn giáo hay lý do nào khác. Trong thế giới rất khác biệt nhau về phương diện văn hóa tại Á Châu, Giáo Hội chạm chán với nhiều thách đố về phương diện triết học, thần học và mục vụ. Công việc của Giáo Hội càng thêm khó khăn do sự kiện Giáo Hội là một thiểu số, chỉ trừ Phi luật tân nơi đa số là người công giáo.
Dầu gặp hoàn cảnh nào đi nữa, Giáo Hội tại Á Châu thấy mình ở giữa những dân tộc rất khát khao Thiên Chúa. Giáo Hội biết rằng sự khát khao này chỉ có thể được thoả mãn hoàn toàn nhờ Đức Giêsu Kitô, là Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi quốc gia. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ước muốn thiết tha rằng Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng cần lưu ý đến sự khao khát này và khuyến khích Giáo Hội tại Á Châu hăng say rao giảng, bằng lời nói và việc làm, rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ.
Thần khí Thiên Chúa, luôn luôn hành động trong lịch sử Giáo Hội tại Á Châu, tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội. Nhiều yếu tố tích cực gặp được trong Giáo Hội địa phương, thường được nêu bật trong Thượng Hội Đồng, củng cố lòng mong đợi của chúng ta về "một mùa xuân mới của đời sống Kitô hữu" (26). Một nguyên nhân vững chắc của niềm hy vọng là con số gia tăng của những giáo dân được đào tạo tốt hơn, nhiệt thành và tràn đầy Thần Khí. Họ càng ngày càng ý thức hơn về ơn gọi chuyên biệt của mình trong cộng đồng Giáo Hội. Trong số họ, các giáo lý viên giáo dân đáng được công nhận và tán dương cách đặc biệt (27). Những phong trào tông đồ và đoàn sủng, cũng là một ân ban của Thần Khí, mang đến đời sống mới và sự hăng say trong việc đào tạo những người nam nữ giáo dân, các gia đình và giới trẻ (28). Khi dấn thân cổ võ nhân phẩm và công bằng, những hiệp hội và những phong trào Giáo Hội làm cho tính phổ quát của sứ điệp Tin mừng trở nên gần gũi và hữu hình, Tin mừng đó là làm cho chúng ta nên nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Rm 8, 15-16).
Đồng thời, có những Giáo Hội đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn, "bị thử thách ghê gớm trong việc thực hành đức tin của mình" (29). Các Nghị Phụ xúc động khi nghe các báo cáo về chứng tá anh dũng, sự kiên trì không hề lay chuyển và sự tăng trưởng vững chắc của Giáo Hội Công Giáo tại Trung hoa, khi thấy các nỗ lực giúp đỡ của Giáo Hội Nam Triều Tiên dành cho dân chúng Bắc Triều Tiên, do tính kiên định khiêm tốn của cộng đoàn công giáo tại Việt Nam, sự cách ly của những Kitô hữu tại những nơi như Lào và Myanmar, sự sống chung đầy khó khăn với thành phần đa số trong các quốc gia Hồi Giáo (30). Thượng Hội Đồng lưu ý cách riêng đến hoàn cảnh Giáo Hội tại Đất Thánh và tại thành thánh Giêrusalem "trung tâm Kitô giáo" (31), một thành phố thân yêu của mọi con cái ông Ápraham. Các Nghị Phụ phát biểu xác tín rằng hoà bình của vùng, và cả của thế giới nữa, phần lớn tuỳ thuộc vào hoà bình và hoà giải mà từ lâu đã vắng bóng tại Giêrusalem (32).
Tôi không thể kết thúc cái nhìn tổng quát vắn gọn về tình trạng Giáo Hội tại Á Châu, mặc dầu rất thiếu sót, mà không nhắc tới các vị thánh và các vị tử đạo tại Á Châu, cả những vị đã được nhìn nhận lẫn những vị chỉ được Chúa biết đến mà thôi, gương sáng các Ngài là nguồn gốc sự "giàu có thiêng liêng và là một phương tiện lớn cho việc Phúc Âm hóa" (33). Các Ngài âm thầm nhưng cách hùng mạnh nhất, nói về tầm quan trọng của sự thánh thiện trong đời sống và sự sẵn sàng hiến mạng sống mình vì Tin Mừng. Các Ngài là thầy dạy và đấng bảo trợ, là vinh quang của Giáo Hội tại Á Châu trong công tác truyền giáo. Cùng toàn thể Giáo hội, tôi cầu xin Chúa sai nhiều thợ gặt dấn thân hơn nữa để thu hoạch mùa gặt các linh hồn mà tôi thấy đã chín mùi và phong phú (x. Mt 9, 37-38). Lúc này đây, tôi nhớ lại điều tôi đã viết trong Thông điệp Redemptoris Missio: "Thiên Chúa đang mở ra cho Giáo Hội những chân trời của một nhân loại đã được chuẩn bị đầy đủ hơn cho việc rao giảng Tin Mừng" (34). Giấc mơ đó về một chân trời mới đầy hứa hẹn, tôi thấy đang hoàn thành tại Á Châu, nơi Đức Giêsu được sinh ra và nơi Kitô giáo bắt đầu.
bài liên quan mới nhất
- Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô -
Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013 -
Malta: Các Giám mục ban hành văn kiện “Những tiêu chí áp dụng Chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia” -
Giới thiệu Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, bản Việt ngữ -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia -
Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia
bài liên quan đọc nhiều
- 40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
Những câu hỏi thông thường về Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1) -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia