Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu": chương 2
CHƯƠNG II
ĐỨC GIÊSU CỨU THẾ:
MỘT QUÀ TẶNG CHO Á CHÂU
Quà tặng Đức Tin
10. Trong quá trình thảo luận của Thượng Hội Đồng về những thực tại phức tạp tại Á Châu, thì điều càng ngày càng trở nên rõ ràng đối với mọi người là: sự đóng góp duy nhất của Giáo Hội cho các dân tộc trên lục địa là rao giảng về Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, Đấng Cứu Thế độc nhất và duy nhất cho mọi dân tộc (35). Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu Kitô; và Giáo Hội không thể cất dấu ánh sáng đức tin quý báu dưới cái thùng (x. Mt 5, 15), bởi vì sứ mạng Giáo Hội là chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. "[Giáo hội] muốn trao tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Đức Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu đang đi tìm sự viên mãn của cuộc sống, để họ có thể sống hiệp thông với Chúa Cha và Con của Người là Đức Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần" (36). Niềm tin vào Đức Giêsu là điều gợi hứng cho công trình phúc âm hóa của Giáo Hội tại Á Châu, một công trình thường được thực thi trong những hoàn cảnh khó khăn và còn nguy hiểm nữa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng việc rao giảng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, có thể gây nên những khó khăn đặc biệt trong nền văn hóa của các ngài, lý do là nhiều tôn giáo ở Á Châu dạy chính mình là những biểu lộ thần linh đem lại ơn cứu rỗi. Thay vì làm nản lòng các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, những thách đố mà các ngài gặp phải khi nỗ lực Phúc Âm hóa, lại là một động cơ lớn hơn giúp các ngài cố gắng chuyển đạt "đức tin mà Giáo Hội tại Á Châu đã lãnh nhận từ các Tông đồ và bảo tồn cùng với Giáo Hội của mọi thế hệ và mọi nơi" (37). Thật vậy, các Ngài bày tỏ xác tín rằng "con tim của Giáo Hội tại Á Châu sẽ không an nghỉ cho tới khi toàn cõi Á Châu được an nghỉ trong bình an của Đức Kitô, Chúa Phục Sinh" (38).
Đức tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng đã lãnh nhận và một quà tặng cần được chia sẻ; đó là quà tặng lớn lao nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho Á Châu. Chia sẻ chân lý của Đức Giêsu Kitô với kẻ khác, là một bổn phận chính thức của tất cả những ai đã lãnh nhận quà tặng đức tin. Trong thông điệp Redemptoris Missio, tôi đã viết rằng: "Giáo Hội, và tất cả Kitô hữu trong Giáo hội, không thể che giấu hay giữ riêng cho mình sự mới mẻ và giàu có này mà họ đã nhận được do lòng nhân từ của Thiên Chúa, để truyền thông cho toàn thể nhân loại (39). Cũng trong thông điệp đó tôi đã viết: "Những ai đã gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo, phải tự coi mình là những con người được đặc ân và, do đó, họ phải càng dấn thân làm chứng bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả xứng hợp với Thiên Chúa" (40).
Xác tín sâu xa về điều đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng ý thức đến trách nhiệm riêng của mình cần nắm vững chân lý vĩnh cửu của Đức Giêsu qua việc học hỏi, cầu nguyện và suy tư, hầu mang lại sức mạnh và sức sống của chân lý đó vào giữa những thách đố hiện tại và tương lai của việc Phúc Âm Hóa tại Á Châu.
Đức Giêsu Kitô, Con Người-Thiên Chúa, Đấng Cứu độ
11. Kinh Thánh làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống một cuộc sống con người đích thực. Đức Giêsu mà chúng ta loan báo là Đấng Cứu Độ duy nhất, đã hành trình trên mặt đất như là Thiên Chúa-Con Người (God-Man) với đầy đủ bản tính nhân loại. Người giống như chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Được sinh ra bởi một người Mẹ Đồng Trinh trong một thôn xóm nhỏ bé tại Bêlem, Người cũng yếu đuối như bất cứ một trẻ nào khác, và còn chịu số phận của một kẻ tị nạn lẩn trốn cơn lôi đình của một kẻ cầm quyền tàn nhẫn (x. Mt 2,13-15). Người vâng phục cha mẹ là những con người, không phải luôn hiểu được đường lối của Người, nhưng Người tin tưởng và yêu mến vâng phục (x. Lc 2,41-52). Luôn luôn cầu nguyện, Người ở trong sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa mà người gọi là Abba, "Cha", làm cho những thính giả của Người khó chịu (x. Ga 8, 34-59).
Người sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé, Người tuyên bố họ thật sự có phúc, vì Thiên Chúa ở với họ. Người ăn uống với kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng tại bàn ăn của Cha có chỗ cho họ, khi họ từ bỏ đường tội lỗi và trở về với Người. Khi đụng chạm tới kẻ ô uế và cho phép họ đụng chạm tới mình, Người cho họ hiểu rằng Chúa ở gần họ. Người than khóc một người bạn đã qua đời, Người hoàn lại đứa con trai đã chết cho bà mẹ goá của nó, Người đón tiếp những trẻ nhỏ, và Người rửa chân các môn đệ mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa chưa từng gần gũi cách trực tiếp như thế.
Người bệnh tật, người què, người mù, người điếc và người câm tất cả đều được chữa lành và được ơn tha thứ khi tiếp xúc với Người. Để làm thành những người bạn và những cộng sự viên thân cận nhất, Người đã tuyển chọn một nhóm người bất thường, gồm có những kẻ đánh cá lẫn người thu thuế, những người nhiệt thành và những kẻ không hiểu biết Luật, và cả phụ nữ nữa. Một gia đình mới được thiết lập dưới tình yêu che chở và đáng kinh ngạc của Chúa Cha. Đức Giêsu giảng dạy cách đơn sơ, sử dụng những ví dụ rút ra từ cuộc sống hằng ngày để nói về tình yêu Thiên Chúa và Vương Quốc của Người; và dân chúng nhận rằng Người nói có uy quyền.
Tuy nhiên Đức Giêsu bị tố cáo là kẻ phạm thượng, một người lỗi luật thánh, một kẻ phá rối công cộng cần loại bỏ. Sau lần xét xử dựa trên chứng gian (x. Mc 14,56), Người bị kết án tử hình trên thánh giá như một tên tội phạm, bị bỏ rơi và bị hạ nhục, bị xem như kẻ thất bại. Người được chôn cất cách hối hả trong một ngôi mộ mượn tạm. Nhưng ngày thứ ba sau khi chết, và mặc dầu có lính canh gác, ngôi mộ đó lại bị phát giác trống trơn! Đức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, rồi hiện ra với các môn đệ trước khi trở về với Chúa Cha, chính từ Chúa Cha mà Người đã đến.
Cùng với tất cả mọi Kitô hữu, chúng ta tin rằng đời sống lạ thường đó, một mặt thấy thật tầm thường và đơn sơ, nhưng mặt khác thì hoàn toàn lạ lùng và che khuất trong mầu nhiệm, (cuộc sống đó) đưa Vương Quốc Thiên Chúa vào lịch sử loài người và "làm cho quyền lực của nó ảnh hưởng trên mọi mặt của cuộc sống nhân loại và của xã hội đang bị tội lỗi và cái chết bao vây" (41). Qua lời nói và việc làm, nhất là qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu hoàn thành ý muốn của Chúa Cha là giao hoà toàn thể nhân loại với Người, sau khi tội nguyên tổ đã cắt đứt mối tương quan giữa Đấng Sáng Tạo và thọ tạo. Trên thánh giá, Đức Giêsu gánh lấy tội lỗi của thế giới - tội quá khứ, hiện tại và tương lai. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, do tội mà chúng ta đã chết và sự chết của Người đã đem lại sự sống cho chúng ta: "Thiên Chúa đã cho anh em cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lẫm của chúng ta. Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (Cl 2,13-14). Bằng cách đó, ơn cứu rỗi được đóng ấn một lần thay cho tất cả. Đức Giêsu là Đấng Cứu độ chúng ta theo ý nghĩa đầy đủ nhất, bởi vì những lời nói và việc làm của Người, nhất là sự sống lại từ kẻ chết, đã mạc khải Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời đã có từ trước, Đấng hiển trị mãi mãi như là Chúa và Đấng Cứu Thế.
Thân Thế và Sứ Mạng của Con Thiên Chúa
12. "Cớ vấp phạm" của Kitô giáo là tin rằng Thiên Chúa toàn thánh, toàn năng và toàn tri, lại mặc lấy bản tính loài người chúng ta và chịu thương khó và chịu chết để chiếm đoạt phần rỗi cho mọi người (x. 1Cr 1,23). Đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận, tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã mạc khải và đã hoàn thành kế hoạch cứu độ thế giới và toàn thể nhân loại của Chúa Cha, do bởi "cái Người là" (who he is) và "cái Người làm do bởi cái Người là" (what he does because of who he is). "Cái Người là" và "cái Người làm" chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn khi được đặt vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong triều giáo hoàng của tôi, tôi luôn luôn lưu tâm nhắc nhở người tín hữu về sự hiệp thông sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc. Các thông điệp của tôi Redemptor Hominis, Dives in Misericordia và Dominum et Vivificantem là những suy tư tuần tự về Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và về vai trò các Ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta không thể cách ly hay tách biệt Ngôi này với các Ngôi khác, bởi vì mỗi Ngôi chỉ được mạc khải trong sự hiệp thông sự sống và hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hành động cứu rỗi của Đức Giêsu bắt nguồn từ sự hiệp thông của các Ngôi vị Thiên Chúa, và mở đường cho tất cả những ai tin vào Người cũng được hiệp thông mật thiết với Ba Ngôi và với nhau trong Ba Ngôi.
"Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha", Đức Giêsu khẳng định như thế (Ga 14,9). Chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, sự viên mãn của Thiên Chúa hiện diện cách cụ thể (x. Col 2,9), làm cho Người thành Ngôi lời cứu độ duy nhất và tuyệt đối của Thiên Chúa (x. Dt 1,1-4). Là Lời cuối cùng của Chúa Cha, Đức Giêsu làm cho Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Người được biết đến cách đầy đủ nhất. "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" Đức Giêsu nói (Ga 14,6). Người là "Đường, là sự Thật và là sự Sống" (Ga 14,6), bởi vì, như chính Người nói "Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những công việc của mình" (Ga 10,14). Chỉ trong con người Đức Giêsu, lời cứu độ của Thiên Chúa xuất hiện cách trọn vẹn, phán dạy vào thời kỳ sau hết (x. Dt 1,1-2). Vì thế, trong những ngày đầu của Giáo Hội, Thánh Phêrô mới có thể tuyên bố: "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được ơn cứu độ" (Cv 4,12).
Sứ vụ của Đấng Cứu Thế đạt cao điểm trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Trên Thánh Giá, khi "giang tay ra làm dấu hiệu giữa trời và đất, dấu hiệu muôn đời về giao ước [của Chúa Cha] (42), Đức Giêsu thốt ra lời kêu xin cuối cùng với Chúa Cha, xin Người tha tội cho nhân loại: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Đức Giêsu tiêu diệt tội lỗi bằng quyền lực tình yêu của Người đối với Chúa Cha và cả nhân loại. Ngài mang lấy trên mình vết thương do tội giáng xuống trên nhân loại, và Người ban ơn giải phóng qua sự hoán cải. Những hoa quả đầu tiên của điều đó được thấy rõ trong người ăn trộm sám hối treo trên cây thập giá kia bên cạnh Người (x. 23,43). Lời thốt ra cuối cùng của Người là tiếng kêu của người con trung tín: "Lạy Cha, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Trong lời diễn tả tình yêu tột cùng ấy, Ngài trao toàn diện sự sống và sứ vụ của mình trong tay Chúa Cha, Đấng đã sai mình. Như thế, Người trao phó cho Chúa Cha toàn thể thọ tạo và toàn thể nhân loại, để Chúa Cha đón nhận lại trong tình yêu nhân hậu của Người.
Tất cả những gì Chúa Con là và đã hoàn thành, thì được Chúa Cha đón nhận, Đấng lại ban ân huệ này cho thế gian, khi cho Đức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, và đặt Người ngồi bên hữu Mình, nơi mà tội lỗi và sự chết không còn quyền hành nào nữa. Qua Hy Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu, Chúa Cha dứt khoát ban cho thế gian ơn hoà giải và sự sống tràn trề. Ân huệ lạ lùng này chỉ có thể được ban tặng nhờ Người Con yêu dấu, duy mình Người mới có thể đáp trả trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, tình yêu đã bị chối từ vì tội lỗi. Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta được biết rằng Thiên Chúa không ở xa, ở trên và ở ngoài con người, nhưng ở rất gần, thật sự kết hợp với mỗi người và toàn thể nhân loại trong mọi hoàn cảnh đời sống. Đó là sứ điệp mà Kitô giáo trao ban cho thế giới, và đó là một nguồn an ủi và hy vọng vô song cho mọi người tín hữu.
Đức Giêsu Kitô: Chân Lý của Nhân Loại
13. Nhân tính của Đức Giêsu và mầu nhiệm khôn tả Nhập Thể của Người Con Chúa Cha, rọi ánh sáng trên thân phận con người như thế nào? Người con Nhập Thể của Thiên Chúa không những mạc khải đầy đủ Chúa Cha và chương trình cứu độ của Người; Người còn "mạc khải đầy đủ con người cho chính con người" (43). Những lời nói và hành động của Người, và hơn hết, sự Chết và Phục Sinh của Người, mạc khải cách thâm sâu là người có ý nghĩa gì. Nhờ Đức Giêsu, cuối cùng con người có thể biết sự thật về chính mình. Khi dâng hiến trọn vẹn để yêu mến và phục vụ Chúa Cha và con người, cuộc đời làm người đích thực của Đức Giêsu nói lên rằng ơn gọi của mỗi người là nhận lãnh tình yêu và đáp lại bằng việc trao ban tình yêu. Trong Đức Giêsu, chúng ta kinh ngạc về khả năng vô tận của quả tim con người để yêu Chúa và yêu người, cho dầu khi yêu như thế là kéo theo nhiều đau khổ. Nhất là chính trên Thánh Giá mà Đức Giêsu bẻ gãy quyền lực của sự đối kháng với tình yêu đem lại chết chóc (self-destructive resistance), sự đối kháng mà tội lỗi gây nên nơi chúng ta. Về phần mình, Chúa Cha đáp trả bằng cách cho Đức Giêsu chỗi dậy như là người con đầu lòng của tất cả những ai được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Con của Người (x. Rm 8,29). Vào lúc ấy, Đức Giêsu đã trở nên, một lần thay cho tất cả, vừa là sự mạc khải vừa là sự hoàn thành một nhân loại được tái tạo và đổi mới theo chương trình của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu, chúng ta khám phá sự cao cả và phẩm giá của mỗi con người trong con tim Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người (x. St 1,26), và chúng ta gặp được nguồn gốc của thụ tạo mới mà chúng ta đã trở nên nhờ ân sủng của Người.
Công Đồng Vatican II dạy rằng "chính Con Thiên Chúa khi Nhập Thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người" (44). Trong cái nhìn thâm sâu này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhận ra nguồn suối cơ bản của hy vọng và nghị lực cho người dân Á Châu trong các cuộc chiến đấu và những nghi hoặc của họ. Khi những người nam và nữ, bằng đức tin sống động, đáp trả lại ơn huệ tình yêu của Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Chúa mang đến tình yêu và bình an, biến đổi con tim nhân loại từ bên trong. Trong thông điệp Redemptor Hominis, tôi đã viết: "Sự cứu chuộc thế giới -mầu nhiệm đáng sợ của tình yêu, nhờ đó tạo vật được đổi mới - tại gốc rễ thâm sâu nhất của nó, là sự viên mãn của đức công chính trong một con tim nhân loại - con tim của Người Con trưởng tử- ngõ hầu nó có thể trở nên công chính trong tim của nhiều người, đã được tiền định từ thuở đời đời trong người Con trưởng tử đó, làm con Thiên Chúa và được gọi hưởng nhờ ân sủng, được kêu gọi sống yêu thương" (45).
Như vậy, sứ vụ của Đức Giêsu không những phục hồi sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà còn thiết lập một sự hiệp thông mới giữa những con người sống xa cách nhau vì tội lỗi. Trên mọi chia rẽ, Đức Giêsu làm cho mọi dân tộc có thể sống như anh chị em, bằng cách nhìn nhận chỉ có một Cha trên Trời (x. Mt 23,9). Trong Người, nảy sinh một sự hoà hợp mới, trong đó "không còn chuyện phân biệt, Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gl 3,28). Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta, "Người đã liên kết đôi bên thành một, và đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét" (Ep 2,14). Trong tất cả những gì Người đã nói đã làm, Đức Giêsu là tiếng nói, là bàn tay và cánh tay của Chúa Cha, thu họp tất cả con cái Chúa thành một gia đình yêu thương. Người đã cầu nguyện cho môn đệ Người có thể sống trong hiệp thông, cũng như Người sống hiệp thông với Thiên Chúa Cha (Ga 17,11). Trong những lời nói cuối cùng của Người, chúng ta nghe Người nói: "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,9-12). Được sai đi bởi Thiên Chúa của sự hiệp thông, và trở nên Chúa thật và người thật, Đức Giêsu đã thiết lập sự hiệp thông giữa trời và đất trong chính thân thể của Người. Đức tin của chúng ta là "Thiên Chúa làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl 1,19-20). Ơn cứu độ có thể gặp được trong con người của Con Thiên Chúa làm người, và trong sứ vụ được giao phó cho Người mà thôi như Người Con, một sứ vụ phục vụ và yêu thương để mọi người được sống. Cùng chung với Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu công bố chân lý đức tin: "Chỉ có một Thiên Chúa, có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng tự hiến làm giá chuộc cho mọi người" (1 Tm 2,5-6).
Tính Độc Nhất và Tính Phổ Quát của Ơn Cứu độ
trong Đức Giêsu
14. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại rằng Ngôi Lời có từ trước, Người Con sinh ra từ thuở đời đời của Thiên Chúa, "đã hiện diện trong sáng tạo, trong lịch sử và trong mọi ước muốn điều thiện của con người" (46). Nhờ Ngôi Lời, hiện diện trong vũ trụ ngay cả trước lúc nhập thể, mà thế giới hiện hữu (x. Ga 1,1-4; Cl 1,15-20). Nhưng trong tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể đã sống, chết và chỗi dậy từ kẻ chết, Đức Giêsu Kitô bây giờ được tuyên xưng là sự viên mãn của mọi tạo vật, mọi lịch sử và mọi ước muốn được sống dồi dào của con người (47). Chỗi dậy từ kẻ chết, Đức Giêsu Kitô "hiện diện trong tất cả và trong toàn thể tạo vật, cách mới mẻ và mầu nhiệm" (48). Trong Người "những giá trị chân chính của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa, chẳng hạn như lòng thương xót và sự tùng phục ý muốn Thiên Chúa, lòng trắc ẩn và tính ngay thẳng, bất bạo động và công chính, lòng hiếu thảo và sự hài hoà với tạo vật, tìm thấy sự viên mãn và thực hiện" (49). Từ khởi đầu cho đến kết thúc thời gian, Đức Giêsu là Vị Trung Gian phổ quát duy nhất. Dù với những kẻ không công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế, ơn cứu độ vẫn đến với họ như là một ân sủng do Đức Giêsu Kitô, nhờ sự thông truyền của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta tin rằng Đức Giêsu Kitô, Chúa thật và người thật, là Đấng Cứu Thế độc nhất bởi vì chỉ duy mình Người -Người Con- đã hoàn thành chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha. Như là sự tỏ bày chung cuộc về mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người, Đức Giêsu quả thực là độc nhất và "chính sự độc nhất đó của Đức Kitô cho Người một tầm vóc tuyệt đối và phổ quát, qua đó, vì ở trong lịch sử, Người là trung tâm và cùng đích của lịch sử (50).
Không cá nhân nào, không quốc gia nào, không nền văn hóa nào mà không bị tác động bởi lời mời gọi của Đức Giêsu thốt lên từ chính giữa lòng của thân phận con người. "Chính đời sống của Người đã thốt lên, nhân tính của Người, lòng trung thành của Người đối với chân lý, tình yêu bao quát của Người. Hơn nữa sự chết của Người trên Thánh Giá đã thốt lên, nghĩa là bề sâu khôn dò của sự đau khổ và bị bỏ rơi của Người" (51). Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong bản tính nhân loại của Người, dân chúng tại Á Châu gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất của họ, hy vọng của họ được hoàn thành, nhân phẩm của họ được nâng cao và sự ngã lòng của họ được vượt thắng. Đức Giêsu là Tin Mừng đối với các người nam nữ của mọi thời đại và mọi nơi chốn, trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu và sự thật về bản tính nhân loại của mình.
bài liên quan mới nhất
- Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô -
Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013 -
Malta: Các Giám mục ban hành văn kiện “Những tiêu chí áp dụng Chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia” -
Giới thiệu Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, bản Việt ngữ -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia -
Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia
bài liên quan đọc nhiều
- 40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
Những câu hỏi thông thường về Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1) -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia