Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (3)
Đáp ứng Vị Thiên Chúa đang nói với ta
Ta được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa
22. Khi nhấn mạnh tới nhiều hình thức của lời, ta đã có thể chiêm ngưỡng được một số cách Thiên Chúa dùng để nói và gặp gỡ con người, làm cho Người được biết đến trong đối thoại. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, điều chắc là “cuộc đối thoại này, khi nói tới mạc khải, kéo theo tính tối thượng của lời Chúa được ngỏ với con người” (71). Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng lên tiếng mời gọi con người bằng chính lời của Người, và con người, kẻ đáp ứng, dù nó cho thấy rõ đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người đồng trang lứa; điều ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không hề là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng đơn thuần là một hồng ân của Thiên Chúa. Với hồng ân đầy yêu thương này, Thiên Chúa bắc nhịp cầu qua mọi phân cách và làm chúng ta trở nên các “bạn tình” (partners) của Người, hầu tạo nên mầu nhiệm hôn phối đầy yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi người trong chúng ta xuất hiện như một chủ thể được lời nói với, thách thức và mời gọi bước vào cuộc đối thoại yêu thương bằng một đáp ứng tự do. Như thế, mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp ứng lời Người. Ta được tạo dựng trong lời và ta sống trong lời; ta không thể hiểu được chính ta nếu ta không chịu cởi mở đón nhận cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho ta thấy bản chất hiếu tử và có tương quan của cuộc hiện hữu nhân bản. Thực vậy, ta được ơn thánh mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.
Thiên Chúa nghe ta và trả lời các vấn nạn của ta
23. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, ta hiểu được chính ta và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất của trái tim ta. Lời Chúa thực sự không thù nghịch đối với ta; nó không làm ngột ngạt các khát vọng của ta, nhưng đúng hơn soi sáng chúng, thanh tẩy chúng và đem chúng đến thỏa mãn hoàn toàn. Trong thời đại ta, việc nhận ra chỉ có Chúa mới đáp ứng các khát vọng trong trái tim mỗi người chúng ta là việc quan trọng biết bao nhiêu! Điều đáng buồn cần phải nói là ngày nay, ở Tây Phương, người ta đang có ý niệm phổ biến cho rằng Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống và các vấn nạn của con người, và sự hiện diện của Người chỉ có thể là một đe dọa đối với quyền tự lập của họ. Ấy thế nhưng, toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi đều chứng minh rằng Thiên Chúa lên tiếng và hành động trong lịch sử vì thiện ích ta và để cứu vớt ta một cách toàn diện. Như thế, đứng trên quan điểm mục vụ, điều có tính quyết định là trình bày lời Chúa trong khả năng nó có thể bước vào đối thoại với các vấn nạn thường ngày mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người tới để chúng ta được sống dồi dào (xem Ga 10:10). Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn của ta, một trả lời cho các câu hỏi của ta, một mở rộng đối với các giá trị của ta và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài mong của ta. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải làm rõ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và yêu cầu xin giúp đỡ của ta ra sao. Như Thánh Bonaventura từng nói trong cuốn Breviloquium (Đoản Thoại?): "Hoa trái của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa trái nào, mà là chính sự viên mãn của hạnh phúc đời đời. Thánh Kinh là sách chứa đựng lời ban sự sống đời đời, đến nỗi, ta không phải chỉ tin mà còn có sự sống đời đời nữa, một sự sống trong đó ta sẽ thấy và sẽ yêu, và mọi khát vọng của ta đều được thoả mãn hoàn toàn” (72).
Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Người
24. Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người. Ở đây, dĩ nhiên ta nghĩ tới Sách Thánh Vịnh, trong đó, Thiên Chúa ban cho ta lời dùng để nói với Người, để đặt đời sống ta trước mặt Người, và do đó, biến chính đời sống trở thành nẻo đường đưa ta tới Thiên Chúa (73). Trong các Thánh Vịnh, mọi tâm tình nhân bản có thể có đều được nói tới, được trình bày một cách tuyệt vời trước nhan thánh Chúa; niềm vui và nỗi đau, nỗi sầu muộn và niềm hy vọng, nỗi sợ sệt và nỗi lắng lo: tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh Vịnh, ta cũng thấy nhiều đoạn khác của Sách Thánh nói lên việc ta hướng về Thiên Chúa trong lời kinh chuyển cầu (xem Xh 33:12-16), trong bài ca chiến thắng hân hoan (xem Xh 15) hay trong cơn buồn sầu vì gặp khó khăn trên đường thi hành sứ vụ (xem Gr 20:7-18). Theo cách đó, lời ta thưa với Chúa trở thành chính lời Chúa, và như thế củng cố bản chất đối thoại của mọi mạc khải Kitô Giáo (74), và trọn hiện sinh của ta trở nên một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi ta và hướng dẫn đời ta. Ở đây, lời Chúa cho ta thấy: trọn cuộc sống ta diễn ra dưới lời mời gọi của Người (75).
Lời Chúa và đức tin
25. "‘Vâng tin’ (Rm 16:26; xem Rm 1:5; 2 Cor 10: 5-6) phải là đáp ứng của ta với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Bằng đức tin, ta tự ý tín thác hoàn toàn nơi Chúa, ‘tâm trí và ý chí ta hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải’ và sẵn sàng đồng thuận mạc khải của Thiên Chúa” (76). Qua những lời này, Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” muốn nói lên tư thế chính xác mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Đáp ứng nhân bản thích đáng đối với vị Thiên Chúa đang nói chính là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ điều này “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí của mình ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ có khả năng hiểu lời Chúa hiện diện trong Sách Thánh” (77). Sự thực, chính việc rao giảng lời Chúa đã phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta đồng tâm nhất trí với chân lý đã được mạc khải cho ta và ta hoàn toàn tín thác vào Chúa Kitô: “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người. Chúa Giêsu Kitô vẫn hiện diện trong lịch sử hôm nay, trong nhiệm thể Người là Giáo Hội; vì thế, hành vi đức tin của ta cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính giáo hội.
Tội lỗi là khước từ không nghe lời Chúa
26. Lời Chúa cũng không thể không mạc khải khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút chân ra khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, cuộc đối thoại mà vì nó ta đã được dựng nên. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vốn rình rập trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả là việc từ khước không nghe lời, là bẻ gẫy giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vốn mời gọi ta hiệp thông với Người (78). Sách Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, vốn là sự bất tuân và từ khước không nghe. Sự vâng lời căn để của Chúa Giêsu cho đến chết trên thập giá (xem Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Sự vâng lời của Người đã phát sinh ra Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người, và ban cho ta khả thể giao hòa. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền vì tội lỗi ta và tội lỗi toàn thế giới (xem 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, ta được hiến tặng khả thể cứu chuộc đầy nhân từ và việc khởi đầu một sự sống mới trong Chúa Kitô. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải dạy tín hữu biết nhìn nhận rằng cội rễ của tội chính là việc từ khước không nghe lời Thiên Chúa và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, sự tha thứ vốn có đó để ta bước vào cứu độ.
Đức Maria, “Mẹ Lời Chúa” và “Mẹ đức tin”
27. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp Thứ Mười Hai này là “đổi mới đức tin của Giáo Hội đối với lời Thiên Chúa”. Để làm được điều đó, ta cần nhìn lên đấng mà nơi ngài hành động qua lại giữa lời Chúa và đức tin đã trở thành hoàn hảo, đó chính là Trinh Nữ Maria, “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với lời giao ước và sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa” (79). Thực tại nhân bản, do lời tạo ra, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng lời của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa. Ngài là Vô Nhiễm Thai, là đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (xem Lc 1:28) và vâng phục lời của Người vô điều kiện (xem Lc 1:38). Đức tin vâng lời của ngài đã lên khuôn cho cuộc đời ngài mọi giây mọi phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Là một Trinh Nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe lời Chúa, ngài sống hoà điệu hoàn toàn với lời ấy; ngài trân qúi trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành như một bức tranh ghép duy nhất (xem Lc 2:19, 51) (80).
Thời ta, tín hữu cần được giúp đỡ để thấy rõ hơn sợi dây nối kết giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc nghe lời Chúa với niềm tin trọn vẹn. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu mối liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về lời. Điều này rõ ràng hết sức có ích đối với cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Thực thế, điều mà sự hiểu biết của đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở tâm điểm chân lý Kitô Giáo. Vì người ta sẽ không thể nào quan niệm được sự nhập thể của lời nếu tách biệt nó khỏi sự tự do của người phụ nữ trẻ này, người, nhờ sự đồng thuận của mình, đã nhất quyết hợp tác với việc bước vào thời gian của Đấng Trường Cửu. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa, một lời đang lên xương thịt trong ngài. Đức Maria cũng tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân; cho sự lắng nghe đầy tích cực, một sự lắng nghe biết nội tâm hóa và thẩm thấu, một sự lắng nghe trong đó lời trở thành một lối sống.
28. Ở đây, tôi muốn nhắc đến sự thân quen của Đức Maria đối với lời Chúa. Điều này thấy rõ trong Kinh Ngượi Khen (Magnificat). Trong kinh này, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã đồng nhất hóa với lời, nhập hẳn vào lời; trong ca khúc đức tin đầy kỳ diệu này, Trinh Nữ đã ca bài tán tụng Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Ngượi Khen, bức chân dung vẽ chính linh hồn ngài, có thể nói như vậy, hoàn toàn đã được dệt bằng các sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi chỉ rút ra từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn thân thuộc ra sao đối với lời Chúa, ngài thoải mái vào ra lời ấy. Ngài nói và suy nghĩ bằng lời Chúa; lời Chúa trở thành lời ngài, và lời ngài phát xuất từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy tư tưởng của ngài hòa điệu ra sao đối với tư tưởng Thiên Chúa, ý chí của ngài là một với ý Chúa như thế nào. Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể (81).
Đàng khác, nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới luôn mời gọi tự do của ta cam kết như thế nào, vì nhờ đức tin, lời Chúa biến đổi chúng ta. Công việc tông đồ và mục vụ của ta không bao giờ hữu hiệu nếu không học nơi Đức Mẹ cách để Thiên Chúa lên khuôn ta trong ta: “việc lấy lòng sốt sắng và tin yêu lấy Đức Mẹ làm khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có một tầm quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời ta một thay đổi điển hình cụ thể trong mối tương quan của Giáo Hội với lời, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn trong việc dấn thân một cách quảng đại vào sứ vụ và rao giảng” (82).
Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Kitô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Kitô đều tượng thai và sinh hạ lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Kitô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin (83). Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.
Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội
Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh
29. Một chủ đề chính nữa phát sinh trong Thượng Hội Đồng mà giờ đây tôi muốn lưu ý là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sợi dây liên kết nội tại giữa lời và đức tin cho ta thấy rõ:khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể có bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu nơi lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin, sẽ không có chìa khóa để mở tung bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một nguồn suối, chẩy ra sự chắc chắn và sự hiểu biết toàn bộ Thánh Kinh. Do đó, không ai có thể đạt được kiến thức về chân lý ấy nếu không trước nhất có đức tin dấn thân vào Chúa Kitô, vốn là ngọn đèn, là cửa và là nền tảng của mọi Sách Thánh” (84). Còn Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa của Tin Mừng, cũng chỉ sát hại, nếu không có ơn thánh bên trong của đức tin chữa lành” (85).
Ở đây, ta có thể chỉ ra tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh đệ nhất để giải thích Thánh Kinh là đời sống Giáo Hội. Điều này không có nghĩa coi ngữ cảnh Giáo Hội như qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân phục, nhưng đúng hơn nó là một điều được chính bản chất của Thánh Kinh cũng như phương thức dần dần thành hình của nó đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin hình thành ra ngữ cảnh sống động cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc các truyền thống trên được lồng vào ngữ cảnh này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, lẫn thế giới trí thức, thế giới văn hóa và những thăng trầm trong lịch sử các định chế này. Cũng một cách tương tự như thế, việc giải thích Thánh Kinh đòi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ” (86).
Thành thử, “vì Sách Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự soi sáng của cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra” (87), nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn bộ dân Chúa phải tiếp cận nó trong bản chất thực sự của nó, tức lời Thiên Chúa được chuyển tải tới ta bằng ngôn ngữ con người (xem 1 Tx 2:13). Đó là dữ kiện thường hằng hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời tiên tri nào trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không bao giờ do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Giáo Hội nhận ra lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội Công Giáo không hướng dẫn tôi làm như thế” (88). Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội, đã giúp ta khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thế giá. Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích nó một cách chân chính.
30. Thánh Giêrôm nhắc ta rằng ta không bao giờ được đọc Sách Thánh theo ý riêng mình. Làm như thế, ta sẽ gặp rất nhiều chiếc cửa khép kín và chắc chắn sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Thánh Kinh được Dân Chúa viết cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông ấy với Dân Chúa, ta mới có thể thực sự, như một “chúng tôi”, bước vào tâm điểm sự thật mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho ta (89). Thánh Giêrôm, người từng nói rằng “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (90), đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài: Sách ấy là chính tiếng nói của Dân lữ hành Thiên Chúa, và chỉ bên trong đức tin của Dân này, ta mới có cùng một cung điệu để hiểu Sách Thánh, có thể nói như thế. Vì thế, một giải thích chân chính về Thánh Kinh luôn luôn phải hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy học lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể giảng giải người ta theo học lý lành mạnh và đánh bại những kẻ nói ngược lại nó” (91).
Tách khỏi đức tin, bất cứ cách tiếp cận bản văn thánh nào cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về bình diện cấu trúc và hình thức bản văn, nhưng người ta đã chứng minh một cách chắc chắn rằng các yếu tố này chỉ là những cố gắng bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi lặp lại nguyên tắc đã được khoa giải thích thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “việc đạt tới sự hiểu biết thích đáng các bản văn thánh chỉ dành cho ai biết lưu tâm đến điều Thánh Kinh nói trên căn bản kinh nghiệm sống” (92). Tất cả những điều này giúp làm rõ mối liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Thánh Kinh. “Như độc giả trưởng thành trong sự sống Chúa Thánh Thần thế nào, thì khả năng hiểu các thực tại được Thánh Kinh nói tới của họ cũng tăng trưởng như thế” (93). Cường độ trong kinh nghiệm chân chính của Giáo Hội chỉ có thể dẫn tới sự tăng trưởng trong hiểu biết đức tin; ngược lại, đọc Thánh Kinh bằng đức tin cũng sẽ dẫn tới việc tăng trưởng trong chính đời sống Giáo Hội. Ở đây, một lần nữa, ta có thể nhận ra sự thật của câu nói thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng” (94). Việc lắng nghe lời này dẫn nhập và gia tăng sự hiệp thông giáo hội với tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.
"Linh hồn của thần học thánh"
31. "Việc nghiên cứu Sách Thánh phải là chính linh hồn của thần học, có thể nói như thế” (95). Câu trích dẫn từ Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa" này, với thời gian, càng ngày càng trở nên thân quen hơn. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải hay nhắc tới kiểu nói trên như một biểu tượng cho việc lưu tâm mới mẻ đối với Sách Thánh. Cuộc Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng hay nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả mối liên hệ giữa việc tìm tòi lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu lời Chúa trong Giáo Hội đã lớn mạnh trong mấy thập niên qua, và các ngài tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và thần học gia đã tận tụy, dấn thân và đầy khả năng tiếp tục đóng góp đáng kể vào việc hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của Thánh Kinh, khi đề cập tới những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh gặp phải trong thời đại ta (96). Lời cám ơn chân thành cũng đã được ngỏ với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả quá khứ lẫn hiện tại, trong hợp tác gần gũi với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã tiếp tục cung hiến khả năng chuyên môn của mình để khảo sát nhiều vấn nạn đặc thù do khoa nghiên cứu Thánh Kinh nêu ra. Tương tự như thế, Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy có nhu cầu phải nhìn vào tình trạng nghiên cứu Thánh Kinh hiện nay và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào thành quả của mối tương quan giữa ngành chú giải và thần học. Vì thế, tôi thấy trình bày ra đây một số suy niệm từng phát sinh ra từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng là điều quan trọng.
Khai triển việc nghiên cứu Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội
32. Trước hết, ta cần nhìn nhận các lợi ích mà ngành chú giải phê bình lịch sử và một số phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội (97). Muốn có cái hiểu Công Giáo về Thánh Kinh, việc lưu tâm tới các phương pháp như thế là điều nhất thiết, vì việc này vốn có liên hệ đến chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Việc nhất thiết này là hậu quả của nguyên lý Kitô Giáo từng được phát biểu trong Tin Mừng Thánh Gioan 1:14: Ngôi Lời đã thành xác phàm. Sự kiện lịch sử này chính là chiều kích ‘hiến định’ của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu rỗi không phải là thần thoại học, mà là lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp tìm tòi có tính lịch sử nghiêm túc” (98). Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi ta phải biết các phương pháp tìm tòi này và các áp dụng thực tiễn của chúng. Đã đành, trong thời hiện đại, người ta đã đánh giá cao hơn nhiều các phương pháp tìm tòi đó, dù không phải nơi nào cũng cùng một mức độ như nhau, song truyền thống lành mạnh của Giáo Hội vẫn luôn tỏ ra quí mến việc nghiên cứu “chữ nghĩa” loại này. Ở đây, ta chỉ cần nhắc tới nền văn hóa đan viện vốn tạo nền tảng tối hậu cho văn hóa Âu Châu; ở gốc rễ nền văn hóa đó, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Chúa hàm chứa lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Người, nên ta phải học cách đào sâu bí ẩn của ngôn ngữ, cách hiểu cấu trúc của nó và phương thức phát biểu của nó. Do đó, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, khoa học thế tục nào dẫn tới việc hiểu ngôn ngữ nhiều hơn đều trở thành quan trọng” (99).
33. Huấn quyền sống động của Giáo Hội, một huấn quyền vốn có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích chân chính lời Chúa, bất kể dưới hình thức chữ viết hay hình thức truyền khẩu” (100), từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan tới đáp ứng đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng tới các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Gioan Phaolô II có nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này nhân kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố (101). Sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi rơi vào các tấn kích của chủ nghĩa duy lý, tuy nhiên, không khỏi rơi vào việc đi tìm an ổn nơi ý nghĩa thiêng liêng nhưng xa rời lịch sử. Không hề né tránh phương pháp phê bình khoa học, Giáo Hội chỉ lo ngại trước “những định kiến tự cho là có căn bản khoa học, nhưng thực tế đã lén lút làm cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó” (102). Về phần ngài, Đức Giáo Hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều tấn kích từ phía những người chủ trương một lối chú giải tự gọi là huyền nhiệm, một lối chú giải bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận có tính khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu rất thận trọng tránh né bất cứ gợi ý nào về một lưỡng phân giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng dùng cho nội bộ”; đúng hơn, thông điệp này khẳng định cả “ý nghĩa thần học của nghĩa đen, được định nghĩa một cách có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi chú giải khoa học” (103). Bằng cách đó, cả hai văn kiện cùng bác bỏ “sự chia cắt giữa nhân bản và thần linh, giữa tìm tòi khoa học và việc tôn kính đức tin, giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng” (104). Sự quân bình này sau đó được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công trình giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là lời Thiên Chúa. Trách vụ chung của họ sẽ không chu toàn nếu họ mới chỉ xác định được các nguồn, định nghĩa được các hình thức hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt tới mục tiêu thực sự trong công việc của mình khi giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như là lời Thiên Chúa nhắn gửi thời đại ngày nay” (105).
Việc giải thích Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần lãnh nhận
34. Trong bối cảnh trên, người ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc lớn trong việc giải thích đúng đắn dành cho ngành chú giải Công Giáo do Công Đồng Vatican II đưa ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Xét vì trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói qua những con người nhân bản theo lối con người, nên các nhà giải thích Sách Thánh, nếu muốn quả quyết điều Thiên Chúa có ý định thông đạt cho ta, nên cẩn thận tìm cho ra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự có trong đầu, tức ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định mạc khải qua việc dùng các lời nói của họ” (106). Một đàng, Công Đồng muốn nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể (literary genres) và ngữ cảnh lịch sử như các yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa thực sự của tác giả thánh. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong Người nó đã được viết ra, nên Hiến Chế Tín Lý đưa ra 3 tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Sách Thánh: 1) bản văn phải được giải thích bằng cách chú ý tới tính thống nhất của toàn bộ Sách Thánh; ngày nay, người ta gọi tiêu chuẩn này là giải thích theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy của đức tin. “Chỉ khi nào biết tôn trọng cả bình diện phương pháp phê bình lịch sử lẫn bình diện thần học, người ta mới có thể nói tới một chú giải thần học, tức một chú giải xứng đáng với Sách này” (107).
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng rất đúng khi tuyên bố rằng hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp tìm tòi có tính phê bình lịch sử là điều không thể chối cãi được. Nhưng dù ngành giải thích bác học hiện nay, trong đó có các học giả Công Giáo, rất có khả năng trong lãnh vực phương pháp phê bình lịch sử, nhưng ta vẫn phải nói rằng một chú tâm tương tự cần phải được dành cho chiều kích thần học trong các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu sắc hơn, phù hợp với 3 yếu tố đã được Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nêu ra (108).
Sự nguy hiểm của chủ nghĩa nhị nguyên và khoa chú giải bị thế tục hóa
35. Về phương diện này, ta nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng hiện nay của cách tiếp cận duy nhị nguyên đối với Sách Thánh. Phân biệt hai bình diện tiếp cận Sách Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng thành đối lập, cũng không đơn thuần đặt chúng bên cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu trong hỗ tương mà thôi. Chẳng may, đôi khi người ta dã tách biệt chúng một cách vô bổ, và do đó, đã tạo ra các hàng rào phân rẽ giữa chú giải và thần học, và điều này “diễn ra cả ở bình diện cao nhất của học thuật” (109). Ở đây, tôi muốn nhắc tới các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh. Trước nhất và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất mà thôi, thì kết cục Thánh Kinh chỉ là một bản văn thuộc quá khứ: “Người ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý từ đó, họ có thể học biết lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và chú giải không còn tính cách thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy hay lịch sử văn chương” (110). Rõ ràng, lối tiếp cận có tính giản lược ấy không bao giờ có khả năng làm ta hiểu được biến cố mạc khải của Thiên Chúa bằng lời của Người, sự mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.
Việc thiếu một nền chú giải đức tin liên quan tới Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ của nó nhất thiết sẽ có một lối giải thích khác, tức lối giải thích duy nghiệm (positivistic) và thế tục hóa, một lối giải thích xét cho cùng đã dựa trên xác tín cho rằng Đấng Thần Linh không hề can thiệp vào lịch sử con người. Theo lối giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của thần linh, thì đều phải giải thích cách khác, phải giản lược mọi sự thành yếu tố nhân bản. Điều này dẫn tới một lối giải thích hoàn toàn bác bỏ tính lịch sử của yếu tố thần linh (111).
Người ta đã chứng minh được rằng một chủ trương như thế chỉ có hại cho đời sống Giáo Hội, vì nó khiến người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng, thí dụ như việc thiết lập Phép Thánh Thể và việc phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một lối giải thích triết học, tức lối giải thích bác bỏ khả thể Đấng Thần Linh có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận lối giải thích này trong các nghiên cứu thần học nhất thiết sẽ phát sinh ra một lưỡng phân rõ nét giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và nền thần học chỉ nhằm thiêng liêng hóa ý nghĩa của Sách Thánh, một việc khiến người ta không còn tôn trọng đặc điểm lịch sử của mạc khải nữa.
Tất cả những điều ấy nhất thiết cũng sẽ có một tác động tiêu cực trên đời sống thiêng liêng và trên sinh hoạt mục vụ; “như một hậu quả của việc thiếu vắng bình diện thứ hai về phương pháp, một hố phân cách sâu thẳm sẽ mở ra giữa việc chú giải có tính khoa học và việc đọc lời Chúa (lectio divina). Việc ấy sẽ phát sinh ra sự thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ (112). Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra mơ hồ lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đảm nhiệm các thừa tác vụ trong Giáo Hội (113). Tóm lại, “nơi nào chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội, thần học ấy sẽ không còn căn bản nữa” (114). Bởi thế, ta cần xem sét cẩn thận hơn nữa các định chuẩn mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã cung cấp về phương diện này.
Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh
36. Tôi tin rằng điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et Ratio của ngài có thể dẫn ta tới một hiểu biết đầy đủ hơn về chú giải và mối tương quan của nó với toàn bộ thần học. Ngài viết rằng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng rút tỉa chân lý Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà bỏ qua nhu cầu cần một lối giải thích có tính toàn bộ hơn, là lối giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt được một nghĩa đầy đủ hơn về bản văn. Những ai tận tụy với việc nghiên cứu Sách Thánh luôn nên nhớ rằng các phương thức giải thích khác nhau đều có cơ sở triết học riêng của chúng, những cơ sở mà ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi đem áp dụng vào các bản văn thánh” (115).
Suy tư sâu rộng ấy giúp ta thấy rõ một phương thức giải thích Thánh Kinh nhất thiết sẽ đụng đến mối tương quan thích đáng giữa đức tin và lý trí ra sao. Thực vậy, lối giải thích Thánh Kinh bị thế tục hóa chính là sản phẩm của một lý trí toan tính có hệ thống nhằm loại bỏ bất luận khả thể nào cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc sống ta và nói với ta bằng ngôn ngữ con người. Cả ở đây, ta cũng cần phải nhấn mạnh tới việc mở rộng phạm vi của lý trí (116). Khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta không được chọn bất cứ tiêu chuẩn nào tiên thiên loại bỏ việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong lịch sử con người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện đang dùng để giải thích Sách Thánh giả thiết phải có sự hoà điệu giữa đức tin và lý trí. Một đàng, tính thống nhất đó đòi phải có một đức tin, một đức tin mà để duy trì được mối tương quan đúng đắn với lý trí đúng đắn, không bao giờ được thoái hóa trở thành duy tín (fideism), một thứ chủ nghĩa mà trong lãnh vực Thánh Kinh sẽ kết cục trở thành chủ nghĩa cực đoan. Đàng khác, tính thống nhất ấy còn đòi một lý trí, khi tìm tòi các yếu tố lịch sử có trong Thánh Kinh, biết cởi mở và không tiên thiên bác bỏ bất cứ điều gì không thuộc tham chiếu của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Lời nhập thể cũng tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc đối với bất cứ ai thành thực đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và lịch sử của mình.
Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng
37. Như Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đóng góp có ý nghĩa đối với việc phục hồi lối giải thích Thánh Kinh cách thỏa đáng cũng có thể phát sinh từ một chú tâm đổi mới đối với các Giáo Phụ và phương thức giải thích của các ngài (117). Các Giáo Phụ trình bày với ta một nền thần học vẫn còn giá trị với ta ngày nay vì ở tâm điểm nền thần học này, ta thấy có viêc nghiên cứu Sách Thánh như là một toàn bộ. Thực vậy, chủ yếu và trong yếu tính, các Giáo Phụ chính là “những nhà chú giải Sách Thánh” (118). Gương sáng của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một lối tiếp cận thực sự có tính tôn giáo đối với Thánh Kinh, và cũng thế, một lối giải thích luôn luôn hoà điệu với tiêu chuẩn hiệp thông vào cảm nghiệm của Giáo Hội, là định chế đang lữ hành qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (119).
Dù hiển nhiên không có được các tài nguyên triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại đang sử dụng, nhưng truyền thống giáo phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Sách Thánh, bắt đầu là nghĩa đen, nghĩa chiểu tự, tức “nghĩa do chính lời Sách Thánh chuyển tải và khoa chú giải khám phá ra, theo các qui luật của khoa giải thích lành mạnh” (120). Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, viết rằng “mọi nghĩa của Sách Thánh đều đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự” (121). Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thời các giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:
"Littera gesta docet, quid credas allegoria,
Moralis quid agas, quo tendas anagogia".
(Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin;
Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta) (122).
Ở đây, ta ghi nhận sự thống nhất và mối tương quan qua lại giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng, mà ta có thể tái phân thành 3 nghĩa, tức nghĩa nói tới nội dung đức tin, nghĩa nói tới đời sống luân lý và nghĩa nói tới hoài mong cánh chung của ta.
Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo Phụ điều này: việc chú giải chỉ “thực sự trung thành với ý định của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trái tim của câu nói để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của ta” (123). Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta. Theo nghĩa này, định nghĩa của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh dành cho nghĩa thiêng liêng, theo cái hiểu của đức tin Kitô Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: nó là “nghĩa được bản văn thánh phát biểu khi đọc, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong ngữ cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sự sống mới phát sinh từ ngữ cảnh kia. Ngữ cảnh này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Sách Thánh. Bởi thế, ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của ngữ cảnh mới này, một ngữ cảnh của sự sống trong Chúa Thánh Thần” (124).
Cần phải vượt quá “chữ viết”
38. Như thế, muốn tái khám phá hành động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải nắm chắc việc bước từ chữ viết qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá (transcended) chữ viết: “lời Chúa không bao giờ đơn thuần là một với chữ viết trong bản văn. Muốn nắm được lời của Người, phải có một sự vượt quá (chữ viết) và một diễn trình tìm hiểu, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ tác phẩm, và do đó, phải trở thành một diễn trình sống” (125). Ở đây, ta nhận ra lý do tại sao diễn trình giải thích chân chính không bao giờ đơn thuần chỉ là một diễn trình tri thức mà còn là một diễn trình sống nữa, một diễn trình đòi ta phải dấn thân vào đời sống của Giáo Hội, tức đời sống sống “theo Thần Khí” (Gl 5:16). Như thế, tiêu chuẩn đưa ra tại số 12 của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” trở nên rõ ràng hơn: việc vượt quá (chữ viết) kia không thể xẩy ra nếu chỉ nhìn từng mảnh văn cá thể, trái lại phải nhìn chúng trong tương quan với toàn bộ Thánh Kinh. Thực vậy, mục tiêu mà ta nhất thiết phải tiến tới là Lời duy nhất. Trong diễn trình này, ta thấy một diễn biến bên trong, vì cuộc quá độ diễn ra trong quyền lực của Chúa Thánh Thần này nhất thiết can dự tới tự do của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô từng sống cuộc quá độ này một cách trọn vẹn trong cuộc sống của ngài. Trong câu của chính ngài: “Chữ viết sát hại, còn Thần Khí thì ban sự sống” (2 Cor 3:6), Thánh Phaolô đã diễn tả bằng những ngôn từ triệt để ý nghĩa của diễn trình vượt quá chữ viết ấy và việc ngài đạt tới chỗ chỉ hiểu nó theo cái toàn bộ. Ngài thấy rằng “Thần Khí tự do có tên riêng, và do đó, tự do ấy có một tiêu chuẩn nội tại: ‘Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí Chúa, ở đấy có tự do’ (2 Cor 3:17). Thần Khí tự do không phải đơn thuần chỉ là ý niệm riêng của nhà chú giải, không phải là cách nhìn riêng của họ. Thần Khí ấy là Chúa Kitô, và Chúa Kitô là Chúa chỉ đường cho ta” (126). Ta biết rằng với cả Thánh Augustinô nữa, câu đó vừa gây ấn tượng vừa có tính giải thoát; ngài tin rằng Thánh Kinh, mà thoạt nhìn ngài cho là lỏng lẻo và có chỗ thô thiển hết sức, nhưng nhờ diễn trình vượt quá chữ viết mà ngài học được nơi Thánh Ambrôsiô trong việc giải thích loại hình (typological interpretation), nên toàn bộ Cựu Ước đã trở thành đường dẫn tới Chúa Giêsu Kitô. Đối với Thánh Augustinô, việc vượt quá nghĩa chiểu tự khiến chữ viết trở thành khả tín, và giúp ngài sau cùng tìm được câu trả lời cho nỗi khắc khoải nội tâm sâu thẳm và lòng thèm khát chân lý của ngài (127).
Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh
39. Trong cuộc quá độ từ chữ viết qua tinh thần và trong truyền thống vĩ đại của Giáo Hội, ta cũng học được cách nhìn ra tính thống nhất của mọi Sách Thánh, một sự thống nhất đặt cơ sở trên sự thống nhất của lời Chúa, vốn thách thức cuộc sống ta và không ngừng mời gọi ta hồi tâm (128). Ở đây, lời của Hugh thuộc (đan viện) Thánh Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn: “Tất cả các Sách Thánh đều chỉ là một Cuốn Sách. Cuốn Sách duy nhất đó là chính Chúa Kitô, nói về Chúa Kitô và được nên trọn trong Chúa Kitô” (129). Dĩ nhiên, nếu chỉ đơn thuần nhìn theo phương diện lịch sử hay văn chương, thì Thánh Kinh không thể nào là một cuốn sách duy nhất được, mà là một hợp tuyển các bản văn đa dạng được soạn tác trong một ngàn năm hay hơn, và ngay những cuốn cá thể cũng không dễ gì cho thấy một sự thống nhất bên trong; trái lại, ta thấy nhiều chỗ bất nhất rõ ràng giữa chúng với nhau. Đây đương nhiên là trường hợp của Sách Thánh Do Thái mà Kitô hữu chúng ta quen gọi là Cựu Ước. Nhưng còn hơn thế nữa, khi Kitô hữu chúng ta coi Tân Ước và các sách của nó như một thứ chìa khóa giải thích Sách Thánh Do Thái, coi nó như đường dẫn tới Chúa Kitô. Xét chung, Tân Ước không sử dụng hạn từ “sách thánh” (Xem Rm 4:3; 1 Pr 2:6) mà là “các sách thánh” (xem Mt 21:43; Ga 5:39; Rm 1:2, 2 Pr 3:16), ấy thế nhưng chúng vẫn được nhìn trong cái toàn bộ của chúng như lời duy nhất Thiên Chúa dùng nói với chúng ta (130). Điều ấy chứng tỏ: chính ngôi vị Chúa Kitô đã đem lại sự thống nhất cho mọi “Sách Thánh”, làm chúng nên một “Lời”. Với cách đó, ta hiểu được lời lẽ của Số 12 trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nhắc đến tính thống nhất bên trong của toàn bộ Thánh Kinh như tiêu chuẩn quyết định của việc giải thích chính xác bằng đức tin.
Mối tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước
40. Trước tấm phông thống nhất mọi Sách Thánh trong Chúa Kitô, các nhà thần học và cả mục tử nữa đều cần phải ý thức được mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trước nhất, Tân Ước hiển nhiên nhìn nhận Cựu Ước là lời Chúa và do đó chấp nhận thẩm quyền của Sách Thánh Do Thái (131). Tân Ước mặc nhiên nhìn nhận Cựu Ước bằng cách sử dụng cùng một ngôn ngữ như nhau và thường hay trích dẫn các đoạn trong Sách Thánh ấy. Nó minh nhiên thừa nhận Sách Thánh Do Thái ở chỗ đã trưng dẫn nhiều phần trong đó làm căn bản cho luận chứng của mình. Trong Tân Ước, một luận chứng đặt căn bản trên Cựu Ước như thế có một giá trị dứt khoát, cao hơn giá trị các luận chứng chỉ có tính nhân bản. Trong Tin Mừng thứ bốn, Chúa Giêsu nói rằng “Không thể bác bỏ Thánh Kinh” (Ga 10:35). Thánh Phaolô thì đặc thù tuyên bố rõ: mạc khải của Cựu Ước vẫn có giá trị đối với Kitô hữu chúng ta (xem Rm 15:4; 1 Cor 10:11) (132). Ta cũng quả quyết rằng “Chúa Giêsu Nadarét là một người Do Thái và Đất Thánh là quê mẹ của Giáo Hội” (133): gốc rễ Kitô Giáo là ở nơi Cựu Ước, và Kitô Giáo liên tục rút tỉa được của nuôi dưỡng từ các gốc rễ này. Do đó, học lý lành mạnh của Kitô Giáo luôn luôn chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa Marcion (nhị nguyên luận) vốn chủ trương đặt Cựu Ước đối nghịch với Tân Ước trong nhiều phương diện (134).
Hơn nữa, chính Tân Ước cũng cho là mình nhất quán với Cựu Ước và tuyên xưng rằng trong mầu nhiệm sống, chết và phục sinh của Chúa Kitô, Sách Thánh của Dân Do Thái đã tìm được sự nên trọn hoàn toàn của chúng. Tuy nhiên, cần nhận xét điều này ý niệm nên trọn của Sách Thánh là một ý niệm phức tạp, vì nó có tới ba chiều kích: chiều kích liên tục về căn bản với mạc khải Cựu Ước, chiều kích gián đọan và chiều kích nên trọn và vượt quá. Mầu nhiệm Chúa Kitô luôn liên tục về ý hướng với tín ngưỡng hy lễ của Cựu Ước, nhưng lại diễn ra một cách khác hẳn, phù hợp với một số lời tuyên bố tiên tri và do đó đạt tới sự toàn hảo chưa bao giờ có. Cựu Ước thì đầy những căng thẳng giữa hai khía cạnh định chế và tiên tri. Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô hoàn toàn phù hợp với các lời tiên tri và tiên đoán của Sách Thánh Do Thái, dù bằng một cách ít ai dự ứng được; ấy thế nhưng nó lại cho thấy những khía cạnh rõ ràng của một gián đoạn đối với các định chế của Cựu Ước.
41. Những xem xét đó cho thấy tầm quan trọng độc đáo của Cựu Ước đối với Kitô hữu, dù cùng một lúc chúng cho ta thấy sự mới lạ trong lối giải thích có tính Kitô học. Từ thời các Tông Đồ và trong Truyền Thống sống động của mình, Giáo Hội vốn nhấn mạnh tới tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước, qua việc sử dụng hình loại học (typology); thủ tục này không hề có tính võ đoán, nhưng nó nội tại ngay trong các biến cố được các bản văn thánh thuật lại và do đó bao gồm toàn bộ Thánh Kinh. Hình loại học “trong công trình của Thiên Chúa thời Giao Ước cũ, biện phân được những hình ảnh báo trước điều Người sẽ hoàn thành vào thời viên mãn trong con người của Con nhập thể của Người” (135). Nhờ thế, các Kitô hữu đã đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Dù việc giải thích theo hình loại học cho ta thấy nội dung khôn dò của Cựu Ước theo quan điểm Tân Ước, ta đừng quên rằng Cựu Ước vẫn duy trì được giá trị tự tại của nó trong tư cách mạc khải, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (xem Mc 12:29-31). Thành thử, “Phải đọc Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước. Nền giáo lý Kitô Giáo ban sơ luôn luôn sử dụng Cựu Ước (xem 1 Cor 5:6-8; 1 Cor 10:1-11)” (136). Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng: “Cái hiểu Thánh Kinh của người Do Thái Giáo tỏ ra hữu ích đối với Kitô hữu để họ hiểu và nghiên cứu Sách Thánh” (137).
Thánh Augustinô từng nói một cách thông sáng rằng “Tân Ước dấu ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ lộ trong Tân Ước” (138), Cho nên, điều quan trọng là trong cả hai khung cảnh mục vụ và học thuật, mối tương quan gần gũi giữa hai Giao Ước phải được chỉ ra cách rõ ràng, hợp với câu nói của Thánh Grêgôriô Cả: “Điều Cựu Ước hứa, Tân Ước phải biến thành hữu hình; điều Cựu Ước công bố một cách bí nhiệm, Tân Ước phải công bố công khai như đang xẩy ra. Cho nên, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và bản chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước” (139).
Những đoạn “tối” của Thánh Kinh
42. Khi thảo luận mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng xem xét các đoạn trong Thánh Kinh mà vì tính bạo lực và vô luân thỉnh thoảng có trong chúng, cho nên tỏ ra tối nghĩa và khó hiểu. Ở đây, trước hết và trên hết, ta cần nhớ rằng mạc khải Thánh Kinh bắt rễ sâu trong lịch sử. Chương trình của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được hoàn thành một cách chậm chạp, qua nhiều giai đoạn tiếp nối nhau và bất kể các chống đối của con người. Thiên Chúa chọn một dân tộc và kiên nhẫn hướng dẫn và giáo dục họ. Mạc khải vừa với trình độ văn hóa và luân lý của thời xa xưa và do đó diễn tả các sự kiện và phong tục, như gian lận và đánh lừa, và các hành vi bạo lực và tàn sát, mà không minh nhiên lên án tính vô luân của những điều ấy. Điều ấy có thể giải thích bằng ngữ cảnh lịch sử, ấy thế nhưng nó có thể khiến độc giả hiện đại sửng sốt, nhất là nếu họ không chịu tính đến nhiều việc “tối tăm” đã diễn ra trong nhiều thế kỷ trước và cả ngày nay nữa. Nhưng cũng trong Cựu Ước, lời rao giảng của các tiên tri luôn mạnh mẽ thách thức bất cứ thứ bất công và bạo lực nào, bất kể là của tập thể hay của cá nhân, và do đó, trở thành cách Thiên Chúa dùng để huấn luyện dân Người chuẩn bị đón nhận Tin Mừng. Bởi thế, sẽ là một lầm lẫn khi bỏ qua những đoạn Thánh Kinh đối với chúng ta có vấn đề. Đúng hơn, ta nên biết rằng giải thích đúng đắn các đoạn văn đó đòi phải có một trình độ chuyên môn, chỉ có được nhờ một cuộc huấn luyện để giải thích bản văn theo ngữ cảnh văn chương lịch sử và trong viễn tượng Kitô Giáo, một viễn tượng vốn lấy “Tin Mừng và giới răn mới mà Chúa Giêsu Kitô đã đưa ra trong mầu nhiệm vượt qua” làm chìa khóa giải thích (140). Tôi khuyến khích các học giả và mục tử giúp mọi tín hữu tiếp cận các đoạn văn đó bằng một sự giải thích sao cho ý nghĩa của chúng xuất hiện dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Kitô.
Kitô hữu, người Do Thái Giáo và Sách Thánh
43. Sau khi đã xem sét mối tương quan gần gũi giữa Tân Ước và Cựu Ước, dĩ nhiên bây giờ ta sẽ nhìn tới sợi dây nối kết đặc biệt mà mối tương quan kia phát sinh ra giữa Kitô hữu và tín hữu Do Thái Giáo, một sự nối kết không bao giờ được bỏ qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi nói tới người Do Thái Giáo, đã gọi họ là “ người ‘anh em thân yêu’ của chúng ta trong đức tin Ápraham, tổ phụ của chúng ta” (141). Nhìn nhận sự kiện này không hề coi thường các điển hình gián đoạn liên quan tới các định chế của Cựu Ước từng được Tân Ước quả quyết, càng không coi thường sự nên trọn của Sách Thánh trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, vốn được nhìn nhận là đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa và căn để này không hề hàm nghĩa một sự thù địch hỗ tương. Trái lại, thí dụ của Thánh Phaolô (xem Rm 9-11) cho ta thấy “thái độ tôn trọng, quí mến và yêu thương đối với dân tộc Do Thái là thái độ duy nhất có tính Kitô Giáo thực sự trong tình thế hiện nay, một tình thế vốn là một phần đầy mầu nhiệm trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa” (142). Thực vậy, Thánh Phaolô nói về người Do Thái như sau: “theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ, vì khi Thiên Chúa đã ban ơn, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:28-29).
Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh đáng yêu của cây ôliu để diễn tả mối liên hệ gần gũi giữa Kitô hữu và người Do Thái: Giáo Hội của Dân Ngoại giống như nhành ôliu dại được tháp vào cây ôliu tốt là Dân của Giao Ước (xem Rm 11:17-24). Nói cách khác, ta hút được của nuôi dưỡng từ cùng một gốc rễ thiêng liêng. Ta gặp nhau như anh chị em mà trong một lúc nào đó của lịch sử đã có những mối liên hệ căng thẳng, nhưng hiện nay đang cam kết bắc các nhịp cầu thân ái bền vững (143). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói vào một dịp khác: “Chúng ta có nhiều điều chung với nhau. Cùng với nhau, chúng ta có thể đóng góp nhiều cho hòa bình, công lý và một thế giới huynh đệ và nhân đạo hơn” (144).
Tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng Giáo Hội hết sức trân qúi cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, ta nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, công khai cũng như tư riêng, và nhờ thế phát huy sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau, quí mến và hợp tác hỗ tương, cũng như nghiên cứu Sách Thánh.
Giải thích Sách Thánh một cách cực đoan
44. Việc chúng ta lưu tâm tới các khía cạnh khác nhau trong đề tài giải thích Sách Thánh, giờ đây, giúp ta xem sét một chủ đề từng xuất hiện nhiều lần trong Thượng Hội Đồng: đó là chủ đề giải thích Sách Thánh theo quan điểm cực đoan (145).
Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, trong tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng. Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhắc tới các cách tiếp cận không biết tôn trọng sự chân xác của bản văn Thánh Kinh, mà đi cổ vũ các lối giải thích chủ quan và võ đoán. Chủ nghĩa “duy chiểu tự” (literalism) do cách tiếp cận duy cực đoan cổ vũ thực ra đại biểu cho sự phản bội cả nghĩa chiểu tự lẫn nghĩa thiêng liêng và mở đường cho nhiều hình thức thao túng như phổ biến các lối giải thích Thánh Kinh chống lại Giáo Hội. “Vấn đề căn bản của lối giải thích duy cực đoan là: vì từ khước không chịu lưu tâm tới đặc điểm lịch sử của mạc khải Thánh Kinh, nên nó tự làm cho mình không có khả năng nhìn nhận trọn vẹn chân lý về chính sự nhập thể. Về mối tương quan với Thiên Chúa, chủ nghĩa cực đoan tìm cách xa lánh bất cứ sự gần gũi nào giữa thần thiêng và nhân bản… vì lý do này, họ thường coi bản văn thánh như đã được Chúa Thánh Thần đọc từng lời. Nó không chịu thừa nhận rằng lời Thiên Chúa đã được trình bày bằng ngôn ngữ và biểu thức do nhiều thời kỳ khuôn định” (146). Mặt khác, trong lời, Kitô Giáo nhận ra chính Lời Thiên Chúa, tức Ngôi Lời, Đấng đã tỏ lộ mầu nhiệm của mình qua sự phức tạp và thực tại của lịch sử con người (147). Câu trả lời đúng sự thực cho lối tiếp cận duy cực đoan chính là “lối giải thích Thánh Kinh đầy đức tin”. Lối giải thích, “từng được thực hành từ thời cổ xưa trong Truyền Thống Giáo Hội này, mưu tìm chân lý cứu rỗi cho cuộc sống các Kitô hữu cá thể và cho toàn thể Giáo Hội. Nó nhìn nhận giá trị lịch sử của truyền thống Thánh Kinh. Chính nhờ giá trị của Thánh Kinh như một nhân chứng lịch sử, lối đọc này tìm cách khám phá ra ý nghĩa sống động của Thánh Kinh đối với cuộc sống các tín hữu ngày nay” (148), tuy nhiên vẫn không quên sự trung gian nhân bản của bản văn linh hứng và các văn thể của nó.
Đối thoại giữa các mục tử, thần học gia và nhà chú giải
45. Lối giải thích chân chính bằng đức tin mang lại nhiều hệ quả quan trọng đối với sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Thí dụ, chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khuyến cáo phải có một mối tương quan làm việc gần gũi giữa các vị mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải. Các Hội Đồng Giám Mục nên cổ vũ những cuộc gặp gỡ như thế với “mục tiêu phát huy sự hiệp thông lớn lao hơn để phục vụ lời Chúa” (149). Sự hợp tác loại này sẽ giúp mọi người chu toàn việc làm của mình một cách hữu hiệu hơn vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đối với các học giả cũng thế, xu hướng mục vụ này bao gồm việc tiếp cận bản văn thánh với ý thức rằng đó là sứ điệp mà Chúa muốn ngỏ với ta để cứu rỗi ta. Theo lời của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”, thì “các nhà chú giải Công Giáo và những người khác đang làm việc trong lãnh vực thần học thánh nên chuyên chăm làm việc chung với nhau, dưới sự quan tâm của huấn quyền thánh. Nhờ sử dụng các kỹ thuật thích đáng, họ nên cùng nhau bắt tay xem sét và giải thích các bản văn thánh một cách nào đó để càng nhiều thừa tác viên lời Chúa càng hay biết phân phát một cách sung mãn chất nuôi dưỡng của Thánh Kinh cho dân Chúa. Chất nuôi dưỡng này soi sáng tâm trí, tăng cường ý chí và hun đốt trái tim mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa” (150).
Thánh Kinh và việc đại kết
46. Ý thức rằng Giáo Hội xây nền trên Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh bên trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn đạt trọn vẹn sự hợp nhất của mọi tín hữu trong Chúa Kitô (151). Chính trong Thánh Kinh đã có lời cầu nguyện cảm động của Chúa Giêsu ngỏ cùng Chúa Cha xin cho các môn đệ nên một, để thế gian tin (xem Ga 17:21). Tất cả những điều này nhằm tăng cường xác tín của ta rằng chỉ nhờ cùng lắng nghe và suy niệm Thánh Kinh, ta mới cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thực, dù vẫn chưa trọn vẹn (152); “cùng nhau lắng nghe Thánh Kinh như thế sẽ thúc đẩy ta hướng tới đối thoại trong bác ái và giúp cho cuộc đối thoại chân lý ấy tiến triển” (153). Cùng nhau lắng nghe lời Chúa, tham gia đọc lời Chúa (lectiona divina) trong Thánh Kinh, để lòng mình cảm kích trước sự tươi mát của lời Chúa, một lời không bao giờ già nua xưa cũ, thắng vượt câm điếc đối với những lời không hợp với ý kiến hay định kiến riêng của ta, lắng nghe và học hỏi bên trong việc hiệp thông với các tín hữu mọi thời: tất cả những việc ấy nói lên cách ta tiến tới hợp nhất trong đức tin như một đáp trả đối với việc nghe lời Chúa” (154). Lời của Công Đồng Vatican II khá rõ ràng về phương diện này: “trong chính cuộc đối thoại (đại kết), Sách Thánh là dụng cụ quí giá trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa để đạt được sự hợp nhất kia, một sự hợp nhất mà Đấng Cứu Thế muốn dành cho mọi người” (155). Thành thử, nên có sự gia tăng về nghiên cứu, thảo luận và cử hành đại kết lời của Thiên Chúa, trong khi vẫn tôn trọng một cách thích đáng các qui định hiện thời và sự đa dạng về truyền thống (156). Các cử hành này đẩy mạnh chính nghĩa của phong trào đại kết và khi được thi hành một cách thích đáng, chúng có thể nói lên những giờ phút cô đọng của cầu nguyện chân chính nhằm xin Chúa làm cho mau tới ngày ta có thể ngồi cùng bàn với nhau và uống chung một chén. Tuy nhiên, dù việc cổ vũ cho những buổi cầu nguyện như thế là điều đáng khen và đúng đắn, nhưng ta nên cẩn thận, đừng giới thiệu các cử hành đó như các hình thức thay thế cho việc cử hành Thánh Lễ vào Chúa Nhật hay lễ buộc.
Trong việc nghiên cứu và cầu nguyện này, ta thanh thản nhìn nhận các khía cạnh vẫn còn cần được thăm dò một cách sâu xa hơn và những khía cạnh ta vẫn còn khác nhau, như việc tìm hiểu chủ thể giải thích có thẩm quyền trong Giáo Hội và vai trò quyết định của huấn quyền (157).
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh tới lời tuyên bố của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về tầm quan trọng đại kết của các bản dịch Thánh Kinh ra các ngôn ngữ khác nhau. Ta biết rằng phiên dịch một bản văn không hề là một trách vụ chỉ có tính kỹ thuật máy móc, nhưng, theo một nghĩa nào đó, nó thuộc công trình giải thích. Về phương diện này, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã nhận định rằng “bất cứ ai nhớ lại việc các cuộc tranh luận về Thánh Kinh từng ảnh hưởng ra sao đối với việc phân rẽ, nhất là tại Tây Phương, hẳn có thể đánh giá được bước tiến có ý nghĩa mà các bản dịch chung này vốn đại biểu cho” (158). Cổ vũ các bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong công trình đại kết. Tôi xin cám ơn tất cả những người đã dấn thân vào công trình quan trọng này và xin khuyến khích họ kiên trì trong các cố gắng của mình.
Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học
47. Một hậu quả khác nữa của việc giải thích thỏa đáng bằng đức tin liên quan tới các hệ luận tất yếu của nó đối với việc đào tạo giải thích và thần học, nhất là trong việc đào tạo các ứng viên làm linh mục. Cần phải thận trọng để bảo đảm rằng việc nghiên cứu Sách Thánh phải thực sự là linh hồn của thần học theo nghĩa nhìn nhận nó như là lời Thiên Chúa ngỏ với thế giới ngày nay, ngỏ với Giáo Hội và ngỏ với đích thân mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn ấn định trong Số 12 Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” phải được thực sự lưu ý và trở thành đối tượng cho một nghiên cứu sâu sắc hơn. Không nên khuyến khích ý niệm cho rằng việc tìm tòi có tính bác học phải tỏ ra trung lập đối với Thánh Kinh. Đồng thời với việc học các ngôn ngữ nguyên thủy mà trong đó Sách Thánh đã được viết ra, cũng như các phương pháp giải thích thoả đáng, các sinh viên còn cần phải có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, ngõ hầu biết lượng giá điều này: chỉ có thể hiểu được Sách Thánh khi mang nó ra sống mà thôi.
Theo chiều hướng trên, tôi khẩn khoản yêu cầu cho việc nghiên cứu lời Chúa, cả truyền khẩu lẫn bản viết, không ngừng được tiến hành trong tinh thần sâu xa của Giáo Hội, và việc đào tạo học thuật biết lưu tâm đến những can thiệp thích đáng của huấn quyền, là các can thiệp “không cao hơn lời Chúa, nhưng đúng hơn làm tôi tớ cho lời ấy. Huấn quyền chỉ dạy những điều đã được truyền lại. Theo lệnh truyền của Chúa và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, huấn quyền lắng nghe điều ấy một cách sốt sắng, cung kính gìn giữ nó và trình bày nó một cách trung thành” (159). Do đó, cần thận trọng để những lời giáo huấn đưa ra biết nhìn nhận rằng “Thánh Truyền, Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội hết sức gắn bó và liên kết với nhau đến nỗi một trong ba không thể đứng vững nếu không có hai thứ kia” (160). Tôi hy vọng rằng luôn trung thành với giáo huấn của Công Đồng Vatican II, việc nghiên cứu Thánh Kinh, thực hiện bên trong sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ, sẽ thực sự là linh hồn của việc nghiên cứu thần học (161).
Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh
48. Việc giải thích Thánh Kinh sẽ không đầy đủ nếu nó không gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống lời Chúa, tức các thánh (162). Thực vậy, "viva lectio est vita bonorum" (bài đọc sống động chính là cuộc sống của những người tốt lành) (163). Việc giải thích Thánh Kinh sâu sắc nhất phát sinh từ chính những người từng để mình được lời Chúa lên khuôn qua việc lắng nghe, đọc và chăm chỉ suy niệm.
Chắc chắn không phải tình cờ mà các phong trào tu đức vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội đều phát sinh từ việc minh nhiên tham chiếu Sách Thánh. Tôi nghĩ tới trường hợp Thánh Antôn đan viện trưởng, đấng đã xúc động khi nghe Chúa Kitô phán: “Nếu muốn nên trọn lành, con hãy đi, bán hết mọi sự con có rồi cho người nghèo, con sẽ có một kho tàng trên trời; rồi tới theo Thày” (Mt 19:21) (164). Không kém lưu ý, là câu hỏi được Thánh Basiliô Cả đặt ra trong cuốn Moralia: "Đâu là đặc điểm rõ nét của đức tin? Hoàn toàn chắc chắn, không một chút do dự là lời Thiên Chúa linh hứng là lời chân thật… Đâu là đặc điểm rõ nét của tín hữu? Đời họ sống theo cùng một sự chắc chắn hoàn toàn đối với ý nghĩa lời Sách Thánh, không dám thêm hay bớt bất cứ điều gì” (165). Trong Qui Luật của mình, Thánh Bênêđíctô gọi Sách Thánh là “qui luật hoàn hảo nhất đối với cuộc sống con người” (166). Còn Thánh Phanxicô Assisi, theo lời Thomas thành Celano thuật lại, “khi nghe người ta bảo các môn đệ của Chúa Kitô không nên sở hữu vàng, bạc hay tiền, cũng như không nên mang theo bao bị, bánh ăn, cũng như gậy đi đường, cả giầy dép cũng như hai áo khoác… bèn sảng khoái trong Chúa Thánh Thần, lập tức kêu lớn: ‘đó chính là điều tôi muốn có, chính đó là điều tôi hằng cầu xin, hằng tha thiết muốn thực hiện với hết tâm hồn tôi!’” (167). Thánh Clara thành Assisi hoàn toàn cũng có chung một cảm nghiệm như thánh Phanxicô: Bà viết “Hình thức sống của Dòng Chị Em Hèn Mọn là đây: tuân giữ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (168). Thánh Đa Minh cũng thế “ở mọi nơi, luôn tỏ ra mình là người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như trong việc làm” (169) và muốn các tu sĩ của mình cũng là “người của Tin Mừng” (170). Thánh Nữ Têrêxa thành Avila của Dòng Cát Minh, đấng luôn dùng các hình ảnh Thánh Kinh để giải thích các cảm nghiệm huyền nhiệm trong các trước tác của mình, vốn nói rằng chính Chúa Giêsu mạc khải cho Bà hay “mọi sự ác trên thế gian đều phát xuất từ việc không biết rõ ràng các chân lý của Sách Thánh” (171). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu khám phá ra tình yêu như ơn gọi bản thân của mình là nhờ nghiền ngẫm Thánh Kinh nhất là các Chương 12 và 13 trong Thu thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (172); cũng vị thánh này đã mô tả sự lôi cuốn của Sách Thánh: “ngay khi thoáng đọc Tin Mừng, tôi đã lập tức hít được hương thơm đời sống Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy tới đâu” (173). Mọi vị thánh đều như tia sáng phát ra từ lời Chúa: ta có thể nghĩ tới Thánh Inhaxiô thành Loyola trong cuộc đi tìm chân lý của ngài cũng như trong việc ngài biện phân các loại tinh thần; Thánh Gioan Bosco, trong việc say mê giáo dục thanh thiếu niên; Thánh Gioan Maria Vianey trong ý thức của ngài về sự cao cả của chức linh mục như một hồng ân và một trách nhiệm; Thánh Piô thành Pietrelcina trong việc ngài phục vụ làm khí cụ của lòng thương xót Chúa; Thánh Josemaria Escrivá trong việc giảng dạy về ơn gọi phổ quát phải nên thánh; Chân Phúc Têrêxa thành Calcutta, nhà truyền giáo của tình Chúa yêu thương những người nghèo nhất trong số người nghèo, rồi các vị tử đạo của chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Cộng Sản, đại biểu bởi Thánh Têrêxa Bênêđícta Thánh Giá (Edith Stein), một nữ tu Dòng Cát Minh, và Chân Phúc Aloysiô Stepinac, Hồng Y Tổng Giám Mục Zagreb.
49. Như thế, sự thánh thiện được lời Chúa linh hứng, theo một nghĩa nào đó, thuộc truyền thống tiên tri, trong đó, lời Thiên Chúa biến chính cuộc sống của vị tiên tri thành người phục vụ của nó. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Giáo Hội cấu thành một việc giải thích Thánh Kinh mà ta không được xem thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các tác giả thánh, cũng cùng là Thần Khí từng thúc đẩy các thánh hiến đời mình cho Tin Mừng. Bằng cách ráng học theo gương các ngài, ta quả đang trên đường chắc chắn hướng tới một cuộc giải thích Thánh Kinh đầy sống động và có hiệu quả.
Ta đã được thấy các chứng nhân trực tiếp làm chứng cho mối liên kết giữa sự thánh thiện và lời Chúa này ngay trong lúc có Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Lần Thứ Mười Hai, khi 4 vị hiển thánh mới được tôn phong vào ngày 12 tháng Mười tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đó là các vị: Gaetano Errico, linh mục và người lập ra Tu Hội Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bernarda Bütler, quê Thụy Sĩ và là một nhà truyền giáo tại Ecuador và Colombia; Nữ Tu Alphonsa Vô Nhiễm Thai, vị thánh đầu tiên sinh tại Ấn Độ được tôn phong; và nữ tín hữu trẻ người Ecuador là Narcisa de Jesús Martillo Morán. Bằng cuộc sống của mình, các vị làm chứng, trước mặt thế giới và Giáo Hội, cho sự sung mãn vĩnh hằng của Tin Mừng Chúa Kitô. Nhờ lời cầu bầu của các vị thánh được tôn phong vào thời điểm cuộc họp của Thượng Hội Đồng về lời Chúa này, ta hãy xin Chúa để chính đời sống ta trở thành “thửa đất tốt” cho Đấng Gieo Hạt Thần Linh trồng lời của Người trên đó, ngõ hầu lời ấy trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện trong ta, “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần” (Mt 4:20)
------
[71] Proposition 4.
[72] Prol. Opera omnia V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.
[73] Cf. BENOÎT XVI, Discours au monde de la Culture au Collège des Bernardins à Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), pp. 721-730.
[74] Cf. Proposition 4.
[75] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Relatio post disceptationem, n. 12.
[76] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. Sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 5.
[77] Proposition 4.
[78] Par exemple Dt 28,1-2.15.45; 32,1; dans les prophètes cf. Jr 7,22-28; Is 2,8; 3,10; 6,3; 13,2; jusqu’aux derniers: cf. Za 3,8. Chez saint Paul cf. Rm 10,14-18; 1Th 2,13.
[79] Proposition 55.
[80] Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis (22 février 2007), n. 33: AAS 99 (2007), pp. 132-133).
[81] Idem, Deus caritas est (25 décembre 2005), 41: AAS 98 (2006), p. 251.
[82] Proposition 55.
[83] Cf. Expositio Evangelii secundum Lucam 2, 19: PL 15, pp. 1559-1560.
[84] Breviloquium, Prol. Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.
[85] Somme Théologique, Ia-IIae, q.106, art.2.
[86] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), III, A, 3: Ench. Vat. 13, n. 3035. Dans l’édition du Cerf, Paris, 2010 (citée par la suite), p. 83.
[87] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 12.
[88] Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42,176.
[89] Cf. BENOÎT XVI, Audience générale (14 novembre 2007): L’ORf, 20 novembre 2007, p. 12.
[90] Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24,17.
[91] Epistula 52, 7: CSEL 54, p. 426.
[92] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), II, A, 2: Ench. Vat. 13, n. 2988.
[93] Ibidem, II, A, 2: Ench. Vat. 13, n. 2991.
[94] Homiliae in Ezechielem, I, VII, 8: CCL 142, 87 (PL 76, 843 D).
[95] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 24; cf. LEON XIII, Lett. enc. Providentissimus Deus (18 novembre 1893), Pars II, sub fine: AAS 26 (1893-94), pp. 269-292; BENOÎT XV, Lett.enc. Spiritus Paraclitus (15 septembre 1920), Pars III: AAS 12(1920), pp. 285-422.
[96] Cf. Proposition 26.
[97] Cf. COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), A-B: Ench. Vat. 13, nn. 2846-3150.
[98] BENOÎT XVI, Intervention orale durant la XIVe Congrégation Générale du Synode des Évêques (14 octobre 2008); La DC n. 2412, p. 1015; cf. Proposition 25.
[99] Idem BENOÎT XVI, Discours au monde de la Culture au Collège des Bernardins à Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), pp. 721-730.
[100] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 10.
[101] Cf. JEAN-PAUL II, Discours à l’occasion du 100e anniversaire de Providentissimus Deus et du 50e anniversaire de Divino affl ante Spiritu (23 avril 1993): AAS 86 (1994), pp. 232-243.
[102] Ibid. n. 4: AAS 86 (1994), p. 235; La DC n. 2073, p. 504.
[103] Ibid. n. 5: AAS 86 (1994), p. 235; La DC n. 2073, p. 505.
[104] Ibid. n. 5: AAS 86 (1994), p. 236; La DC n. 2073, p. 505.
[105] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), III, C, 1: Ench. Vat. 13, n. 3065.
[106] N. 12.
[107] BENOÎT XVI, Aux participants de la XIVe Congrégation Générale du Synode des Évêques (14 octobre 2008); La DC n. 2412, p. 1015; cf. Proposition 25.
[108] Cf. Proposition 26.
[109] Proposition 27.
[110] BENOÎT XVI, Aux participants de la XIVe Congrégation Générale du Synode des Évêques (14 octobre 2008); La DC n. 2412, pp. 1015-1016; Proposition 26.
[111] Cf. Ibid.
[112] Ibid.
[113] Cf. Proposition 27.
[114] BENOÎT XVI, Aux participants de la XIVe Congrégation Générale du Synode des Évêques (14 octobre 2008); La DC n. 2412, pp. 1015-1016.
[115] JEAN-PAUL II, Lett. enc. Fides et ratio (14 septembre 1998), n. 55: AAS 91 (1999), pp. 49-50.
[116] Cf. BENOÎT XVI, Discours au 4eme Congrès national ecclésial d’Italie (19 octobre 2006): AAS 98 (2006), pp. 804-815; L’ORf, 24 octobre 2006, p. 3-4.
[117] Cf. Proposition 6.
[118] Cf. SAINT AUGUSTIN, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.
[119] CONGRÉGATION POUR L’ÉDUCATION CATHOLIQUE, Instr. Inspectis dierum (10 novembre 1989), n. 26: AAS 82 (1990), p. 618.
[120] Catéchisme de l’Église Catholique, n. 116.
[121] Summa Theologiae, I, q.1, a.10, ad 1.
[122] Catéchisme de l’Église Catholique, n. 118.
[123] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), II, A, 2: Ench. Vat. N. 2987.
[124] Ibid., II, B, 2: Ench. Vat. 13, n. 3003.
[125] BENOÎT XVI, Rencontre avec le monde de la culture au Collège des Bernardins de Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), p. 726.
[126] Ibidem.
[127] Cf. BENOÎT XVI, Audience générale (9 janvier 2008): L’ORf, 15 janvier 2008, p. 12.
[128] Cf. Proposition 29.
[129] De arca Noe, 2, 8: PL 176, 642 C-D.
[130] Cf. BENOÎT XVI, Rencontre avec le monde de la culture au Collège des Bernardins de Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), p. 725.
[131] Cf. Proposition 10; COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Le peuple juif et ses Écritures saintes dans la Bible chrétienne (24 mai 2001), n. 3-5: Ench. Vat. 20, nn. 748-755.
[132] Cf. Catéchisme de l’Église catholique, n. 121-122.
[133] Proposition 52.
[134] Cf. Préface à COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Le peuple juif et ses Écritures saintes dans la Bible chrétienne (24 mai 2001), 19: Ench. Vat. 20, nn. 799-801; cf. ORIGÈNE, Homélies sur les Nombres 9, 4: SC 415, p. 238-242.
[135] Catéchisme de l’Église catholique, 128.
[136] Ibidem, 129.
[137] Proposition 52.
[138] Questiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.
[139] Homiliae in Ezechielem, I, VI, 15: PL, 76, 836 B.
[140] Proposition 29.
[141] JEAN-PAUL II, Message au Grand Rabbin de Rome (22 mai 2004). La DC n. 2316, p. 553.
[142] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Le peuple juif et ses Écritures saintes dans la Bible chrétienne (24 mai 2001), n. 87: Ench. Vat. 20, n. 1150.
[143] Cf. BENOÎT XVI, Discours de congé à l’aéroport international Ben Gourion de Tel Aviv (15 mai 2009): L’ORf, 26 mai 2009, p. 13.
[144] JEAN-PAUL II, Discours aux grands rabbins d’Israël (23 mars 2000), La DC n. 2224, p. 372.
[145] Cf. Propositions 46 et 47.
[146] COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, L’interprétation de la Bible dans l’Église (15 avril 1993), I, F; pp. 62-63: Ench. Vat. 13, n. 2974
[147] Cf. BENOÎT XVI, Rencontre avec le monde de la culture au Collège des Bernardins de Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), p. 726.
[148] Proposition 46.
[149] Proposition 28.
[150] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 23.
[151] On rappelle cependant qu’en ce qui concerne les Livres dits deutérocanoniques de l’Ancien Testament et leur inspiration, les Catholiques et les Orthodoxes n’ont pas exactement le même canon biblique que les Anglicans et les Protestants.
[152] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Relatio post disceptationem, n. 36.
[153] Proposition 36.
[154] Cf. BENOÎT XVI, Discours au IXe Conseil ordinaire du Secrétariat général du Synode des Évêques (25 janvier 2007): AAS 99 (2007), pp. 85-86.
[155] CONC. ŒCUM. VAT. II, Décret sur l’œcuménisme Unitatis redintegratio, n. 21.
[156] Cf. Proposition 36.
[157] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 10.
[158] Lett. enc. Ut unum sint, (25 mai 1995), n. 44: AAS 87 (1995), p. 947.
[159] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 10.
[160] Ibidem.
[161] Cf. Ibid., n. 24.
[162] Cf. Proposition 22.
[163] S. GRÉGOIRE LE GRAND, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.
[164] Cf. SAINT ATHANASE, Vita Antonii, 2, 4: PL 73, 127.
[165] Moralia, Regula: LXXX, XXII, PG 31, 867.
[166] Règle, n. 73, 3: SC 182, p. 673.
[167] TOMMASO DE CELANO, La vita prima di S. Francesco, 22, 2-3: FF 670.672.
[168] Règle, I, 1-2: FF 2292.
[169] B. GIORDANO DA SASSONIA, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104: Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Roma 1935, 16, p. 75.
[170] ORDRE DES FRÈRES PRÊCHEURS, Premières Constitutions ou Consuetudines, II, XXXI.
[171] Vie 40, 1.
[172] Cf. Histoire d’une âme, Ms B, foglio 3 recto.
[173] Ibidem, Ms C, foglio 35 verso.
bài liên quan mới nhất
- Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô -
Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013 -
Malta: Các Giám mục ban hành văn kiện “Những tiêu chí áp dụng Chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia” -
Giới thiệu Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, bản Việt ngữ -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia -
Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia
bài liên quan đọc nhiều
- 40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
Những câu hỏi thông thường về Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1) -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia