Trò Chuyện Với Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ: Chuyến Viếng Thăm Việt Nam tháng 11/2010
Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ, LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm, vừa trở lại Hoa Kỳ ngày 3 tháng 12, 2010 sau chuyến viếng thăm Việt Nam ba tuần trong tháng 11 vừa qua. Phóng viên của Website Liên Đoàn có cuộc trò chuyện thân mật với Cha dưới đây.
PV: Thưa Cha, xin cho biết mục đích của chuyến đi kỳ này?
CL: Chúng tôi về Việt Nam với các mục đích sau: Thăm viếng và tìm hiểu về tình hình lũ lụt 2010 cùng việc cứu trợ của Giáo Hội VN qua Caritas, HĐGM VN; thăm viếng và tìm hiểu về tình hình các Cha già hưu dưỡng; chào thăm HĐGM VN và tham dự Đại Hội Dân Chúa.
PV: Xin Cha cho biết về tình hình lũ lụt vừa qua và việc cứu trợ như thế nào?
CL: Chúng tôi có đến Nha Trang, Vinh, Huế chào thăm các Đức Cha, cũng như vào Sài Gòn gặp Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám Đốc Caritas, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội HĐGM VN, để tìm hiểu. Các ngài đã chia sẻ rằng, trong hai tháng 10, 11 vừa qua, lũ lụt đã tấn công vào Miền Trung nhiều đợt, đặc biệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Nha Trang, Thừa Thiên-Huế, gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của dân chúng. Tính đến nay, có 159 người thiệt mạng, hơn 1,000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị úng, ngập nước, khoảng 27,000 hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái bị hư hại, nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đường sá bị hư hỏng và thiệt hại vật chất lên đến nhiều tỉ đồng. Những ngày ở Việt Nam, chúng tôi được tin lũ lụt lại tấn công Huế, triều cường sông Hương dâng cao, nhiều đường phố bị ngập lụt, lưu thông gián đoạn, và cũng làm thiệt mạng thêm ít nhất 4 người. Ngay trong mùa lũ lụt, các địa phận ở Việt Nam đã kêu gọi mọi người quyên góp và giúp đỡ nạn nhân. Nhiều địa phận cùng với Caritas Trung Ương Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức các đoàn đến cứu trợ những nơi lũ lụt, phân phối thuốc men, thực phẩm, nông cụ cho đồng bào nạn nhân không phân biệt lương giáo. Tại Nha Trang, chúng tôi có gặp đoàn của một Caritas giáo phận đang trên đường đi cứu trợ, dừng chân ở Tòa Giám Mục. Hiện tại, việc trợ giúp ‘hậu lũ lụt’ là điều khẩn thiết. Người dân tại các vùng lụt cần được giúp đỡ về y tế, hạt giống, nông cụ để ổn định lại cuộc sống. Nhu cầu cần được trợ giúp quá lớn do có nhiều nạn nhân lũ lụt, trong khi khả năng thì ít, là mối lo lắng chính của các Giám Mục liên hệ và của Caritas, HĐGM VN.
PV: Đâu là nguyên nhân của các vụ lũ lụt xảy ra hằng năm ở Việt Nam?
CL: Nhiều người cho rằng có hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là việc biến đổi áp suất, khí hậu, nhiệt độ trong vùng, và nguyên nhân chủ quan: do việc phá hoại môi sinh, khai thác, chặt cây rừng bừa bãi, cũng như hậu quả của việc xây dựng, quản lý yếu kém, thiếu kiểm soát và phối hợp hoạt động giữa các công trình thủy điện với những vùng, xã, làng nằm trong khu vực, do đó đa số các vùng này bị lũ lụt nặng. Ngay cả báo chí trong nước cũng kêu lên rằng: hậu quả của lũ lụt do thiên tai thì ít mà do nhân tai thì nhiều! Một số xã, huyện bị ngập lụt cũng đã khởi tố công trình thủy điện và đòi bồi thường thiệt hại về nhân mạng và tài sản.
PV: Liên Đoàn làm gì để trợ giúp nạn nhân lũ lụt?
CL: Ngay trong tháng 11 vừa qua, Liên Đoàn đã phát động chiến dịch lạc quyên rộng rãi trên Hoa Kỳ giúp đồng bào lũ lụt không phân biệt lương giáo. Hiện nay, có nhiều giáo xứ, cộng đoàn và ân nhân đã hưởng ứng và gởi về Liên Đoàn qua địa chỉ: Lien Doan, PO Box 1958, Flowery Branch – GA 30542, check đề: LIEN DOAN, memo: HELP LulutVN 2010. Liên Đoàn sẽ gởi các đóng góp về Caritas của HĐGM VN như thường lệ. Chiến dịch sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 12, 2010. Tất cả các tin tức và danh sách đóng góp đăng trên vietcatholic.org và liendoanconggiáo.net. Chúng tôi cũng gởi thư cám ơn riêng đến từng giáo xứ, cộng đoàn và ân nhân khi nhận được sự đóng góp.
PV: Tình hình sinh hoạt và việc nâng đỡ cho các Cha già hưu dưỡng tại Việt Nam như thế nào?
CL: Chúng tôi có tiếp xúc với các Đức Cha liên hệ, cùng với việc chúng tôi và Ban Chấp Hành Hội Tương Trợ LM Hưu Dưỡng VN đến thăm viếng các Cha Già tại một số giáo phận. Qua những cuộc tiếp xúc, thăm viếng trực tiếp này, chúng tôi nhận thấy các Cha già đều được các giáo phận chăm sóc chu đáo từ đời sống đến tinh thần. Tuy nhiên nhu cầu quá bao la, khả năng lại hạn chế, cho nên vẫn rất cần sự giúp đỡ lâu dài của quý ân nhân. Đặc biệt, các Cha đều tuổi cao, bệnh tật thường xuyên, cần được chăm sóc đời sống và y tế, thuốc men. Các Đức Cha cho biết, HĐGM VN hằng năm vẫn phân phối quà cho các Cha qua sự giúp đỡ của quý ân nhân khắp nơi trên Hoa Kỳ đến Hội Tương Trợ LM Hưu Dưỡng. Danh sách các Cha già được các Giám Mục địa phận cập nhật thường xuyên. Chúng tôi cũng chân thành cám ơn sự quảng đại trợ giúp cho các Cha già VN của nhiều giáo xứ, cộng đoàn tại Hoa Kỳ cho chương trình này.
PV: Được tin Cha có ra Hà Nội, xin cho biết thêm chi tiết về chuyến đi?
CL: Vâng, chúng tôi có ra Hà Nội trước Đại Hội Dân Chúa để chào thăm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGM VN và Đức Cha Phụ Tá Laurenso Chu Văn Minh, được các ngài ưu ái tiếp đón. Một vài Cha ở Hà Nội cũng cho biết thêm, Đức Tổng dù mới về Hà Nội được vài tháng nay, đã cố gắng đi viếng thăm và làm mục vụ ở nhiều giáo xứ, cộng đoàn. Ngài được các Cha và giáo dân khắp nơi tỏ lòng quý trọng và yêu mến, nhất là khi thấy ngài là người cầu nguyện, đạo đức cao, nhẹ nhàng, giàu lòng nhân ái và khiêm nhường, có cuộc sống nội tâm sâu sắc và luôn quan tâm đến việc phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh chị em của mình dù ở đâu, trong cương vị nào. Với ngài, ngài nói, cũng gặp ít nhiều khó khăn do còn mới, cần thời gian để nắm bắt và hiểu thêm về tình hình nhân sự và nhu cầu của giáo phận. Ngài chân thành chia sẻ, luôn cảm nghiệm được sự Bình An trong cuộc sống hiện tại, vì đã vâng lời Đức Thánh Cha ra đây dù muôn ngàn khó khăn và phức tạp. Đức Tổng cũng cho biết, ưu tư hàng đầu của ngài là truyền giáo và mục vụ cho Giáo Phận. Đây cũng là những thao thức chung của các Giám Mục VN chúng tôi có dịp tiếp xúc.
PV: Được biết, Cha có đến thăm Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tình hình sức khỏe của ngài hiện ra sao?
CL: Chúng tôi có ra Nho Quan thăm ngài cùng với Ban Chấp Hành Hội Tương Trợ LM Hưu Dưỡng VN, để tường trình hoạt động giúp các Cha già của Hội và chuyển lời hỏi thăm và quan tâm đến ngài của nhiều Linh Mục và giáo dân ở Hoa Kỳ. Ngài tỏ lòng biết ơn, cũng như thay mặt cho các Cha già, ngài cám ơn tất cả quý ân nhân và Hội đã tích cực hoạt động giúp đỡ. Đức Tổng có vẻ mạnh khỏe, tươi tắn hơn trong khung cảnh thiên nhiên, đồng quê tại đây. Ngài cho biết, tình trạng mất ngủ thường xuyên vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan và cũng còn ảnh hưởng đến khả năng làm việc trí óc. Ngài có dẫn chúng tôi đi tham quan các nơi sinh hoạt của nhà dòng: vườn rau, ao cá, nhà làm nến, khu nuôi heo, thỏ v.v.. Ngài tỏ vẻ hài lòng với cuộc sống ở đây trong bầu khí cầu nguyện và lao tác của nhà dòng.
PV: Nghe nói có nhiều đoàn, người đến Nho Quan thăm ngài và nhà dòng, bản thân ngài có gặp ... khó khăn gì không?
CL: Vâng, nhiều người mộ mến và đến thăm ngài lắm. Ngài cho biết chưa gặp phiền hà hay khó khăn gì từ phía chính quyền. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, địa phận Phát Diệm, cũng cho hay về phía địa phận cũng vậy.
PV: Việc ngài về đó để tĩnh dưỡng, có gây ra vấn đề hay ảnh hưởng gì đến các Giám Mục khác không?
CL: Chúng tôi có đặt câu hỏi này với nhiều vị Giám Mục khi về tham dự Đại Hội Dân Chúa, các ngài cho biết, không có vấn đề hay ảnh hưởng gì cả, ngược lại, các ngài thấy rất thuận lợi cho Đức Tổng vì khung cảnh, bầu khí nhà dòng, và khí hậu ở Nho Quan thích hợp và tốt cho sức khỏe của ngài. Các Đức Cha cũng mong sức khỏe của ngài chóng phục hồi, để có thể tiếp tục ra phục vụ trở lại. “Ngài còn quá trẻ để nghỉ hưu”, một vị chia sẻ.
PV: Theo sự nhận định của một số người, những vụ việc xảy ra liên quan đến công bình, công bằng và sự thật ở Việt Nam trong các năm gần đây, đã ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của HĐGM VN và sự Hiệp Nhất trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cha nghĩ sao?
CL: Những nhận định trên có cơ sở và lý do riêng, tuy vậy, chúng ta cũng nên bình tâm suy xét vấn đề với con mắt khách quan để nhận định được chính xác và phù hợp hơn trong bối cảnh và tình trạng chung. Chúng ta đều thấy, ở khắp nơi trên thế giới đều luôn xảy ra những vụ việc liên quan đến công bình, công bằng và sự thật, và không ai có khả năng giải quyết vấn đề một cách triệt để và rốt ráo, do thể chế chính trị, pháp luật, quân sự, kinh tế, giáo dục, hay do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, xã hội và con người luôn tác động vào. Cũng dễ dàng nhận ra, những quốc gia nào có chính sách và pháp luật thật sự tôn trọng tự do, nhân quyền, dân chủ và nâng cao nhân phẩm thì vấn đề ít nổi cộm hơn. Trong nhiều năm qua, chính Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục của các nước đã không ngừng lên tiếng với nhân loại và chính phủ các nước cần quan tâm và giải quyết các vấn đề này. Tiếng nói của các ngài được tôn trọng và lắng nghe, nhưng kết quả xem ra vẫn còn quá...khiêm nhường! Tình trạng áp bức, bất công, bất bình đẳng vẫn còn đó; tình trạng giàu-nghèo ngày càng cách biệt; quyền sống của thai nhi, nhân phẩm và tự do của con người bị chà đạp trắng trợn; những giá trị đạo đức, tôn giáo và gia đình truyền thống xuống cấp và biến thái trầm trọng; những tệ đoan xã hội: trộm cướp, lừa gạt, dối trá, xì ke, ma túy, mãi dâm, mua bán trẻ em, bóc lột lao động v.v. có chiều hướng gia tăng đến mức đáng ngại tỉ lệ thuận với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia.
Tại Việt Nam, các vấn đề và tình trạng nêu trên không phải là hiện tượng cá biệt so với các quốc gia khác. Chúng ta cũng nên công tâm và khách quan nhận ra rằng, trong bối cảnh đất nước và xã hội hiện nay, HĐGM VN cũng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại trong việc kêu gọi thực thi công lý, công bằng và sự thật. Được nghe các ngài và những người trong cuộc chia sẻ, chúng tôi mới có thể hiểu và biết thêm hơn những nỗ lực của HĐGM VN, và của từng Giám Mục giáo phận, trong những việc làm âm thầm và công khai những khi có thể được, để phục vụ Giáo Hội và Dân Chúa. Chúng tôi cũng nhận thấy, mỗi giáo phận đều có những thuận lợi lẫn khó khăn riêng, không nơi nào giống nơi nào, như ở Hoa Kỳ, tùy theo tình hình thực tế ở giáo phận, các Giám Mục trong trách nhiệm Chủ Chăn địa phương được Đức Thánh Cha trao phó, có những chương trình, phương cách riêng sao cho việc phục vụ mọi người đạt được ích lợi nhất. Cầu nguyện, cảm thông và tích cực cộng tác để cho những bất công diễn ra khắp nơi ít hơn, cũng như để cho nền công lý, hòa bình và sự thật sớm hiển trị, thiết nghĩ, là những thái độ cần thiết hiện nay của mỗi người chúng ta nên có đối với Giáo Hội Mẹ Việt Nam nói chung và với HĐGM VN nói riêng.
PV: HĐGM VN trong cuộc họp mới đây đã cho thành lập Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám Mục địa phận Vinh, được phân công trách nhiệm về Ủy Ban này. Cha có cảm tưởng gì khi gặp ngài?
CL: Trong dịp đến địa phận Vinh để tìm hiểu về tình hình lũ lụt, chúng tôi được Đức Cha tiếp đón hết sức chu đáo và chân tình. Ngài đã chia sẻ với chúng tôi về tình hình và những nỗ lực cứu trợ nạn nhân lũ lụt, cũng như công việc của Ủy Ban và những chương trình mục vụ ở giáo phận. Cảm tưởng về ngài? Chúng tôi rất quý trọng nhân cách, tinh thần dấn thân và phục vụ của ngài, cũng như cảm phục học lực uyên bác và những tư tưởng, suy tư sâu sắc bày tỏ trong những sách báo đăng tải đó đây trong nước và ở hải ngoại. Chúng tôi nhận thấy, như các vị Giám Mục VN khác và nhiều người Việt Nam trong nước lẫn hải ngoại, ngài có lòng yêu mến thiết tha với vận mạng và tiền đồ của Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam. Ngài có những thao thức, ưu tư về cuộc sống của người dân nghèo và những bất công xảy ra trong xã hội mà họ là những nạn nhân khốn khổ. Chúng tôi được biết, ngài đã tu học và trong một thời gian dài làm việc mục vụ ở nhiều nước khác nhau. Với kiến thức và kinh nghiệm phong phú đó, cộng thêm kinh nghiệm khi cọ sát và tiếp cận với tình hình thực tế, cảm nghiệm và chứng kiến những thực trạng xảy ra trong lòng đất nước, con người và Giáo Hội VN, chắc chắn ngài sẽ có những đóng góp hữu ích cho Đất Nước, Giáo Hội Việt Nam nói chung và cho Giáo Phận Vinh nói riêng. Hiện nay, như những Ủy Ban khác của HĐGM VN, công việc của ngài trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình rất nặng nề, phức tạp và nhiều khó khăn, khi nhân sự và phương tiện làm việc còn quá thiếu thốn. Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám Đốc Caritas, cũng giải thích thêm, Ủy Ban này quan tâm đến những nguyên tắc và đối tượng gây ra các bất công, trong khi Ủy Ban Bác Ái và Xã Hội lo cho các nạn nhân và giúp cải thiện đời sống của họ. Vô hình trung hai ủy ban liên quan mật thiết với nhau để phục vụ cho cùng một mục đích: thực thi Công Lý và Hòa Bình. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta: hãy cùng chung tay góp sức kiến tạo nền ‘văn hóa sự sống’ và ‘văn minh tình thương’ trên toàn thế giới theo lời mời gọi tha thiết của Tòa Thánh, đặc biệt là của các Đức Giáo Hoàng quá cố hay đương nhiệm.
PV: Cha có đến thăm các chủng viện? Ơn gọi tại Việt Nam lúc này như thế nào?
CL: Vâng, khi ở Nha Trang chúng tôi được Cha Giám Đốc Chủng Viện Sao Biển mời đến gặp gỡ và chia sẻ với các Thầy về các sinh hoạt của Liên Đoàn, cũng như về những vui buồn trong Ơn Gọi và đời sống Linh Mục ở Hoa Kỳ. Tại Vinh, chúng tôi dâng Thánh Lễ và chia sẻ lời Chúa với các anh em tiền chủng sinh trong nhà nguyện của Tòa Giám Mục. So với các quốc gia khác, Ơn Gọi ở Việt Nam chúng ta khá dồi dào. Tuy vậy, nhân sự phục vụ, đặc biệt là Linh Mục, còn thiếu thốn nhiều ở các địa phận. Dù gặp khó khăn như vậy, chúng tôi cũng được biết, Giáo Hội chúng ta trong những năm gần đây, cũng đã quảng đại chia sẻ nhân sự với các Giáo Hội Nhật bản, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Mã Lai, Indonesia, Campuchia và cả Hoa Kỳ.
PV: Theo Cha, trong việc huấn luyện và đào tạo chủng sinh tại Việt Nam, vấn đề gì cần nên quan tâm trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay?
CL: Khi trao đổi với các Giám Mục cũng như với những vị có trách nhiệm tại các chủng viện, chúng tôi được biết, các chương trình và môn học tại Việt Nam chúng ta, giống như các nước khác, đều theo sát chương trình đào tạo và huấn luyện của Tòa Thánh. Do hoàn cảnh gặp khó khăn trong quá khứ dẫn đến việc thiếu thốn nhân sự làm việc mục vụ khắp nơi trong nước, các chủng viện hiện đang nỗ lực để đáp ứng cho đủ nhu cầu hiện tại. Việc này hiện nay vẫn còn chưa xong, và chắc là cần thêm một thời gian tương đối lâu dài nữa. Tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa không riêng gì trong lãnh vực thông tin, truyền thông, giáo dục, kinh tế hay thương mại, theo thiển ý, các chủng viện nên khuyến khích và tạo điều kiện để chủng sinh hiểu biết hơn về tình hình, đời sống của xã hội, con người và môi trường ngay tại Việt Nam; khuyến khích họ trau giồi thêm các sinh ngữ phổ thông, và nếu có hoàn cảnh và điều kiện, nên cho họ tiếp cận với các văn hóa, phong tục, tôn giáo, tập quán và con người của các dân tộc khác, nhờ đó trước hết công việc mục vụ ngay trong nước sẽ tốt hơn, cùng với việc sẵn sàng làm việc mục vụ truyền giáo cho những dân tộc hay các quốc gia khác trong tương lai.
PV: Xin Cha chia sẻ một vài cảm nghiệm khi tham dự Đại Hội Dân Chúa ở Sài Gòn vừa qua?
CL: Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Hòa Phú, Tổng Thư Ký, và chúng tôi cùng tham dự Đại Hội này. Đây là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam vì là lần đầu tiên Đại Hội đã quy tụ khá đầy đủ đại diện các thành phần Dân Chúa. Về mặt tổ chức, Đại Hội được Tổng Giáo Phận Sài Gòn lo lắng hết sức chu đáo dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, Trưởng Ban Tổ Chức, cùng quý thành viên và nhân viên trong Ban Tổ Chức. Về mặt nội dung, Đại Hội diễn ra trong bầu khí cầu nguyện sốt sắng với lịch trình hằng ngày, ba Giám Mục của ba Giáo Tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn, lần lượt trình bày các tham luận chính theo chủ đề Giáo Hội: Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ. Đại Hội sau đó cũng nghe những tham luận của các đại biểu khác. Sau đó phân chia về nhóm đóng góp thêm ý kiến trong những bài tham luận chủ lực. Chúng tôi nhận thấy nhiều ý kiến đóng góp, đáng chú ý từ các đại biểu Giáo Dân. Họ đã phản ánh những ưu tư, tâm tình cũng như đưa ra những đề nghị hữu ích, thiết thực để xây dựng và phát triển Giáo Hội. Chúng tôi cảm nghiệm được sự trưởng thành, tinh thần dấn thân, trách nhiệm và lòng nhiệt thành xây dựng Giáo Hội của anh chị em Giáo Dân. Chúng tôi nghĩ rằng, nhiều Giáo Dân sẽ hoàn thành tốt các trách nhiệm được tín nhiệm giao phó phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của họ. Với những đóng góp trí tuệ, tiềm năng về nhân sự, tài chánh trong nước lẫn hải ngoại, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, Giáo Hội Việt Nam sẽ có một bước tiến đáng kể về mọi mặt, đặc biệt trong sứ mạng Truyền Giáo. Tưởng cũng nên nói thêm, sự hiện diện khá đông đủ quý Đức Cha trong HĐGM VN, ngoại trừ một vài vị do già yếu hay tình trạng sức khỏe không cho phép tham dự, cũng như sự hiện diện của các đại diện HĐGM các quốc gia bạn, cùng đại diện cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, đã nói lên sự Hiệp Nhất và Hiệp Thông với nhau trong cùng một Giáo Hội duy nhất do Chúa Giêsu thiết lập. Chúng tôi cũng tâm đắc với HĐGM VN về Sứ Điệp của Đại Hội Dân Chúa 2010 công bố trong ngày bế mạc 25/11/2010, đặc biệt việc HĐGM VN “đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc”. Thiết nghĩ, đây là những đề nghị hết sức chính đáng và khẩn thiết. Giáo Hội ở đâu cũng mong góp phần mình phục vụ cho công ích và cho mọi người không kể lương giáo. Hai lãnh vực Giáo Dục và Y Tế ở những quốc gia khác đều luôn có sự đóng góp tích cực của các tôn giáo, do vậy xã hội được lành mạnh và tốt đẹp hơn.
PV: Việc Đức Cha Kontum Micae Hoàng Đức Oanh đã gặp khó khăn với một vài chính quyền địa phương, khi ngài đi thăm viếng và thi hành mục vụ cần thiết mà các Chủ Chăn cần phải làm ngay trong giáo phận của ngài trong thời gian vừa qua, Cha có nghe và nhận định gì?
CL: Nhiều người phản ảnh, đó là việc đáng buồn và đáng tiếc xảy ra, khi vẫn còn một số địa phương đó đây gây ra những trở ngại, khó khăn không cần thiết liên quan đến tự do tôn giáo, nhất là hiện nay, Việt Nam đang cố gắng hòa nhập vào dòng sinh hoạt chung của thế giới về mọi phương diện. Những việc làm đó, hiển nhiên, làm cho bộ mặt của Việt Nam xấu đi trên trường quốc tế. Chúng tôi được nghe, Đức Cha cũng đang cố gắng đối thoại với những chính quyền địa phương đó để giải quyết những ‘lấn cấn’ trong sự cảm thông, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Hy vọng rằng, ngài sẽ đạt được kết quả tốt đẹp để tương lai không còn xảy ra những việc đáng tiếc đó nữa.
Về vấn đề tự do và cởi mở tôn giáo, xem ra Trung Quốc đang đi trước chúng ta. Đức Cha đại diện HĐGM Đài Loan tham dự Đại Hội Dân Chúa có cho chúng tôi biết, Trung Quốc đã gởi các nữ tu sang làm việc mục vụ ở Đài Loan, và hiện đang chuẩn bị gởi chủng sinh sang đó tu học nữa. Tiến Sĩ Trác Tân Bình, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Thế Giới của Trung Quốc, ngay trong Chương I: Tôn Giáo là gì? trong tác phẩm Lý Giải Tôn Giáo, do nhà Xuất Bản Hà Nội ấn hành năm 2007, cũng chỉ rõ, do sự hiểu biết tiêu cực về tôn giáo, chính những học giả tôn giáo của Trung Quốc trong một thời gian khá dài trước đây, có những nhận định sai lạc và thành kiến về bản chất tôn giáo. Sau những phân tích khách quan, khoa học và đầy tính thuyết phục, ông khẳng định: “Tôn giáo là một bộ phận của văn hóa tinh thần các dân tộc, nếu chỉ nói đến một công năng tiêu cực nào đó của tôn giáo, thì sẽ không thấy được một cách biện chứng, lịch sử, toàn diện, phát triển những tác dụng xã hội của tôn giáo trong toàn bộ quá trình phát triển văn minh nhân loại, không có lợi cho chúng ta trong việc coi trọng lịch sử văn hóa, tư tưởng tình cảm của các dân tộc anh em trong và ngoài nước, cũng không có lợi cho sự giao lưu văn hóa thế giới và thúc đẩy sự đoàn kết giữa các dân tộc”.
Đức Cha Kontum là người hết lòng quan tâm đến tương lai của đất nước và Giáo Hội, đặc biệt là giới trẻ, rườm cột của nước nhà. Do vậy, thỉnh thoảng chúng ta nghe ngài lên tiếng hướng dẫn các sinh viên, học sinh Công Giáo để học hành và sống tốt lành hơn. Ngài cũng lên tiếng về những vấn đề liên quan đến nền Giáo Dục bất cập hiện tại, và như HĐGM VN, mong chính quyền Việt Nam xem xét lại chính sách Giáo Dục hiện tại, để cho các tôn giáo cùng cộng tác trong lãnh vực này. Phải chăng chính vì vậy, ngài bị các địa phương gây khó dễ?
PV: Cha cũng đã đại diện cho Liên Đoàn có bài tham luận và những đề nghị trong Đại Hội. Phản ứng của dư luận như thế nào?
CL: Những phản ứng chúng tôi nhận được tại Việt Nam hay khi về lại bên này, rất tích cực. Một số vị Giám Mục, Linh Mục, Nữ Tu, Giáo Dân đã khen ngợi, nhất là các đề nghị nêu lên cụ thể và hữu ích. Cũng cần nói ngay, bài tham luận là công trình tập thể của Liên Đoàn. Chúng tôi chân thành cám ơn một số vị trong Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn đã cùng cộng tác, đóng góp ý kiến, sửa chữa bản thảo để bài tham luận được hoàn chỉnh. Liên Đoàn chúng ta trong tình Hiệp Thông với Giáo Hội Mẹ đóng góp ý kiến trong Đại Hội, cùng với những đóng góp từ nhiều người khác, mong góp phần xây dựng Giáo Hội Mẹ mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.
PV: Nghe đồn rằng, Đà Lạt sắp sửa có Giám Mục mới và khả năng về đó là... Đức Cha Hưng Hóa Antôn Vũ Huy Chương, Cha có nhận được thông tin gì không?
CL: Chúng tôi có gặp ngài trong Đại Hội Dân Chúa, ngài tủm tỉm cười, nói rằng, ‘Chưa nghe Tòa Thánh gọi’. Hỏi thăm một vài đấng khác, “tin chính thức từ Tòa Thánh thì chưa, tin đồn thì... tùm lum rồi, mà tin đồn ở Việt Nam bây giờ... chắc là có...thật!”. Quay lại nói với Đức Cha: “Nghe tin đồn... tùm lum, thì chắc là thật...rồi, Đức Cha sẵn sàng đi Đà Lạt chưa?” Ngài lại cười, vui vẻ trả lời, “Luôn luôn sẵn sàng, Đức Thánh Cha kêu đi đâu thì đi đó, không bao giờ thắc mắc”. Gặp một Cha Đà Lạt về tham dự Đại Hội, than thở, “Đà Lạt đang ‘khát’ Đức Cha mới muốn chết..., ai về cũng được! Công việc ở Giáo Phận mấy tháng nay cứ trì trệ mãi, không ai có thẩm quyền quyết định việc gì trừ Đức Cha. Ai nấy đều mỏi mệt quá chừng!”
PV: Sau Đại Hội, Giáo Phận Mỹ Tho có tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn ngày 26/11/2010, mừng 50 năm thành lập Giáo Phận 1960-2010, Giáo Phận Mỹ Tho hiện nay thế nào?
CL: Chúng tôi được tháp tùng Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn, và phái đoàn về tham dự theo lời mời của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho. Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGM VN, cùng nhiều vị Giám Mục khác cũng hiện diện Hiệp Thông trong Thánh Lễ này. Trên đường vào lễ đài tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, có rất nhiều giáo dân của các giáo xứ kéo về chung vui ngày hội lớn của Giáo Phận. Đức Hồng Y đã chủ tế và Đức Cha Mỹ Tho chia sẻ lời Chúa thật súc tích. Được biết, từ khi thành lập bởi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Giáo Phận có 3 Giám Mục chính: Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Đức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam, và Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đương nhiệm. Giáo dân hiện nay có 123,864, giáo xứ 84, giáo họ 24, Linh Mục 120 và chủng sinh 40. So với thời điểm năm 1960, tất cả đều tăng trưởng mạnh. Đức Cha Mỹ Tho, nổi danh là ‘thần học gia’ ở Việt Nam, luôn vui cười, bình dân, thoải mái và giản dị, đúng là phong cách của dân...miền Nam. Đức Hồng Y trước khi về Tổng Giáo Phận Sài Gòn vốn là Giám Mục Phó (1993-1998) của địa phận này, có lẽ ‘uống nước nhớ nguồn’, nên trước khi ban phép lành cuối lễ, đã kể ba chuyện vui về truyền giáo ‘đặc sệt’ miền Nam... thật dí dỏm, bình dị và dễ thương.
PV: Trong thời gian tới, Liên Đoàn hay cá nhân Cha có những chương trình và hoạt động gì?
CL: Trước mắt, Liên Đoàn cố gắng hoàn tất chiến dịch lạc quyên giúp lũ lụt. Sang năm 2011, Liên Đoàn tiếp tục tổ chức Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại thủ đô Washington vào tháng 6/2011, Đại Hội Phó Tế diễn ra vào tháng 7/2011 và Đại Hội Linh Mục Việt Nam- Emmaus IV, vào tháng 10/2011, cả hai Đại Hội sẽ tổ chức tại Houston, Texas. Các vị trong Ban Tổ Chức đã chuẩn bị ráo riết chương trình từ mấy tháng nay rồi. Cá nhân chúng tôi cùng Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn sẽ làm việc chặt chẽ và hỗ trợ cho các Ban Tổ Chức liên hệ để các chương trình được thành công tốt đẹp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình đến thăm viếng các Miền, giáo xứ, cộng đoàn Việt Nam trên Hoa Kỳ để nối kết tình Hiệp Thông, cũng như chia sẻ về Chương Trình Nâng Đỡ Các Cha Già Hưu Dưỡng ở Việt Nam do HĐGM VN đề ra và mời gọi Liên Đoàn cộng tác hơn 2 năm về trước. Chúng tôi cũng sẽ tham dự các phiên họp do Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương của HĐGM Hoa Kỳ triệu tập, và tham dự các Đại Hội, Hành Hương cấp Miền, Vùng nếu thời gian cho phép. Song song đó, chúng tôi cũng bắt đầu tiến hành các chuẩn bị cần thiết để bầu cử Chủ Tịch Cộng Đồng Giáo Sĩ & Nam Tu Sĩ, cũng là Chủ Tịch Liên Đoàn, cho nhiệm kỳ mới, kết quả dự kiến sẽ có vào tháng 8/2011, để ngài sẵn sàng làm việc, khi nhiệm kỳ của chúng tôi chấm dứt vào tháng 10/2011.
PV: Cảm ơn Cha đã chân thành chia sẻ.
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam