Vì một nền văn hóa sự sống
Cách đây 2 tuần, chúng tôi có giới thiệu bài "Hồng Y Ouellet bị một nhóm phụ nữ tấn công thô bạo" của Phóng Viên Normand Lester. Có thể nói, vị Hồng Y Giáo Chủ Canada và Tổng Giám Mục Québec, thuộc Hội Các Linh Mục Xuân Bích, đang là tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống tại đất nước có bao điều tốt đẹp nhưng vẫn còn đó nhiều lấn cấn này. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu những lời của chính Đức Hồng Y, được đăng tải lần đầu tiên vào ngày 16.5 vừa qua.
Chẳng biết là tôi được diễm phúc hay vô phúc khi bảo vệ phẩm giá con người một cách vô điều kiện và bất khoan nhượng. Trong cuộc tranh cãi hiện nay về cái chết êm dịu, người ta bảo rằng tôi là một kẻ cổ hủ và cố chấp. Một số người không nhìn nhận sự thật rằng phẩm giá con người không hề sút giảm chút nào khi con người ấy chưa được sinh ra, khi con người ấy bệnh hoạn, tật nguyền hay hấp hối. Tôi khẳng định phẩm giá của nhân vị vẫn có một cách tròn đầy kể từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến khi sự hiện hữu ấy hoàn toàn chấm dứt. Phẩm giá ấy là bất khả xâm phạm. Lý do thật đơn giản: vì đó là một nhân vị!
Dù luật pháp của con người cho phép hay không cho phép (việc giết người), thì từ trong lương tâm sâu thẳm, luật luân lý tự nhiên vẫn bảo ta rằng không được giết người, rằng ta phải tôn trọng sự sống con người và phải bảo vệ những con người mong manh yếu đuối nhất. Tôi đã nói chuyện về điều này với Liên Hiệp Các Tổ Chức Y Tế Công Giáo Canada. Rồi tôi cũng đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp với Jean-Luc Mongrain, trong đó tôi không tự giới hạn mình nơi tư cách một người hữu trách tôn giáo nói theo quan điểm mục vụ, kẻo người ta sẽ lập tức hô cái khẩu hiệu rằng « tôn giáo của người này không phải là luật cho người khác. » Thực vậy, tôi đã tranh luận hoàn toàn từ quan điểm thuần lý, quan điểm mà trên nguyên tắc mọi người đều nhìn nhận.
Vào cái ngày mà người ta đặt ra một điều kiện cho sự tôn trọng nhân vị, thì xã hội sẽ đánh mất nền tảng đạo đức của nó, và cánh cửa sẽ mở toang cho những kẻ mạnh nhất tha hồ lạm dụng những con người yếu nhất. Vào cái ngày mà người ta nói rằng đứa trẻ trong bụng mẹ nó được tôn trọng và bảo vệ với điều kiện là nó khỏe mạnh và đồng thời không đe dọa sức khỏe của mẹ nó, hay với điều kiện là nó đã được thụ thai hợp lúc, hay với điều kiện là nó đã được mong muốn và chờ đợi, thì ngày đó nhân quyền bắt đầu bị chà đạp, cho dù luật của quốc gia ấy cho phép chọn phá thai và chọn cái chết êm dịu. Phẩm giá của con người đâu phải là một món hàng để người ta có thể đổi chác để lấy một thứ khác. Phẩm giá con người chính là bạn, là tôi, trong tư cách là nhân vị. Đó là nền tảng luân lý của nền văn minh chúng ta.
Nền tảng này hiện nay đang bị tranh cãi và bị thay thế bởi những xu hướng chủ quan và nhất thời của các cá nhân. Một số người nghĩ rằng sự đau đớn vào lúc gần chết biện minh cho việc chọn một cái chết êm dịu. Sự đau đớn ấy chỉ nói lên rằng cần có những hỗ trợ của y khoa để làm giảm nhẹ nó. Một số người tố cáo rằng tôi không cảm thông nỗi khốn quẫn của những phụ nữ vốn không hề nhẹ dạ khi chọn phá thai. Hãy tin rằng tôi rất cảm thông với nỗi khổ cùng cực của họ. Nỗi khổ của họ càng là lý do để đừng đơn giản hóa việc phá thai, coi nó chỉ như một tiến trình y khoa và không đặt nó vào một khuôn khổ pháp lý.
Thật quan trọng việc suy nghĩ về tương lai của xã hội chúng ta và hướng đến một sự cách tân văn hóa, phục vụ cho một nền văn hóa sự sống. Ở Québec, 30.000 đứa trẻ bị chết oan do phá thai hằng năm; phải chăng những đứa trẻ này không thể được tiếp đón bởi các gia đình hay các tổ chức nhận nuôi? Chưa kể rằng giá trị nội tại của sự sống con người phải được bảo vệ, ai cũng biết rõ chúng ta đang rất cần nguồn lực con người, và các chương trình nhập cư của chúng ta chưa đủ sức để lấp đầy các thiếu hụt trong những năm sắp tới.
Một số cây bút xã luận công kích chính phủ trung ương vì chính phủ không đưa việc phá thai vào nghị trình của G8 bàn về vấn đề săn sóc sức khỏe các bà mẹ và trẻ em tại những nước thuộc thế giới thứ ba. Tôi thì cho đó là điều may. Vì như vậy, chính phủ không bành truớng cách thực hành của chúng ta tới những nền văn hóa khác, và nhất là tránh áp đặt một não trạng tân thực dân trên những nước giàu lòng tôn trọng sự sống. Chúng ta tự hào mình là một quốc gia tiên tiến; những phải chăng chúng ta đang « tiên tiến » xét theo tiêu chuẩn tôn trọng phẩm giá của nhân vị? Tinh thần cộng đồng vốn rất mạnh mẽ nơi các dân tộc thuộc thế giới thứ ba, nhưng tinh thần ấy có tồn tại nơi chúng ta không? Chúng ta cần phải học tinh thần cộng đồng ấy, để biết bảo vệ những con người mong manh yếu ớt nhất trong xã hội của mình.
dịch từ « Pour une culture de la vie » của Hồng Y Marc Ouellet, trong <www.sulpc.org/sulpcdoc_gdtc_2010_5_20_f_0.pdf>
bài liên quan mới nhất
- Tròn một năm Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học Luân lý Y Sinh học Công giáo
-
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Bác thằng bần -
Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
“Quyền phá thai” coi thường các tiêu chuẩn luân lý và luật pháp -
ĐTC cổ võ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo -
Thư của Bộ Giáo lý Đức Tin gởi các Giám Mục về đồng tính -
Hội nghị Quốc tế của các Thần học gia Luân Lý tại Sarajevo, Bosnia và Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị -
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý -
Khi bác sĩ sản phụ là kẻ vô lương
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Có phải tiền là tất cả ? -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Giới thiệu sách: “Thần học về Thân xác” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II