Đôi dòng tiểu sử Cha Đaminh Maria
Trước năm 1955
Ngài sinh đêm 29/11/1906, tại Giáo xứ Đồng Quan, tỉnh Thái Bình. Ông bà cố Ngài là Đaminh Trần Đình Trí (1866-1945), và Maria Phạm thị Thận (1876-1956). Bà cố Thận là con gái cả của cụ Phạm văn Đô được phúc tử đạo đời Văn Thân. Ông ngoại của ông cố Trí cũng được chịu tử đạo đời vua Tự Đức. Ngài là người con thứ 6 trong số 11 người con, (6 trai, 5 gái), mang tên Trần Đình Phán, rửa tội đúng vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 08/12/1906, tại nhà thờ Đồng Quan và nhận thánh Đaminh làm bổn mạng.
Bảy tuổi bé Phán rước lễ lần đầu và lãnh phép thêm sức do Đức cha Muragori Trung OP, giám mục Bùi Chu ngày 13/05/1914.
Khi bé Phán lên 8 tuổi, cố Trí bàn với ông Cửu Nhuận, là cậu ruột bé Phán để liệu cho bé đi tu với cha già Toàn, chánh xứ Đông Thành, phủ Tiền Hải, gần bờ biển, cách xa Đồng Quan đến gần một ngày đi bộ.
Ngày 13/05/1914, bé Phán được cậu dẫn đi đến Đông Thành, nơi ông Cửu Nhuận vẫn đi lại buôn bán hải sản. Có lẽ cha già Toàn đã quen với ông Cửu Nhuận, nên bé Phán được nhận ngay vào nhà xứ của Ngài. Nhưng vì quá nhớ nhà, bé Phán nằng nặc đòi theo cậu trở về Đồng Quan.
Ít lâu sau, thầy Thận, nghĩa tử cha già Thức, chánh xứ Đồng Quan thời bấy giờ, rủ bé Phán vào tu ngay tại nhà xứ Đồng Quan để đỡ nhớ nhà. Bé Phán và cả gia đình bằng lòng. Tu tại nhà xứ Đồng Quan suốt 7 năm trường, nhưng vẫn nhớ nhà, cứ ra ra vào vào đến 7 lần. Tới năm 1921, lúc đó cậu Phán lên 15 tuổi, tạm có ý thức, nên cậu quyết chí theo đuổi con đường tu trì.
Cậu Phán được cha Mariano Louis Định OP, nhận làm nghĩa tử, cùng với cậu Hoàng Văn Đoàn. Cậu Đoàn rất thân tình với cậu Phán, vì là anh em cùng một nghĩa phụ. Do đó, sau này Cậu Đoàn được thụ phong Giám mục, coi sóc địa phận Bắc Ninh và Qui Nhơn, đã tận tình hỗ trợ dòng Đồng Công do cha Thủ sáng lập.
Năm 1923, cậu Phán 16 tuổi, thi vào tiểu chủng viện và đã đậu. Về đây, vì lớp trên đã có cậu Phán, nên bề trên đã đổi tên cậu Phán là Phan. Thời gian học ở tiểu chủng viện, cậu Phan vì có trí khôn xuất sắc, nên cuối niên học, cậu chiếm bậc nhất về La ngữ, và đứng hạng nhì về các môn khác, đặc biệt là pháp ngữ.
Sau năm năm ở tiểu chủng viện Ninh Cường, cậu Phan nhập đại chủng viện Bùi Chu và bắt đầu học triết học kinh viện và thầy rất có năng khiếu về môn này, cuối niên khoá, thầy đứng bậc nhất với số điểm 99/100.
Năm 1928, cha Louis Định OP, nghĩa phụ của thầy Phan bệnh nặng, phải về Pháp và không trở lại Việt Nam nữa, nên thầy nhận cha Nguyễn Đức Thạc làm nghĩa phụ. Thầy Phan đi thử hai năm để tập làm việc mục vụ. Mùa hè 1931, thầy Phan gần 25 tuổi, được bề trên sai đến phục vụ họ giáo Rang Thôn, thuộc xứ Kẻ Vân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Họ giáo này nhỏ bé túng nghèo, có chừng năm hay sáu chục người. Việc mục vụ ở họ giáo thật là buồn nản khó khăn, thiếu mọi phương tiện. Đời sống cô đơn nguy hiểm, nhưng thầy Phan đã tỏ ra khôn ngoan, trưởng thành, thánh thiện.
Sau hai năm thử, thầy Phan được bình an trở về học thần tại chủng viện thánh Albertô, Nam Định. Trong suốt bốn năm học thần học, thầy Phan rất chăm chỉ, nhất là về môn tín lý. Về hạnh kiểm, cuối niên học thầy được phê là “optimus” (tuyệt vời).
Tháng 10 năm 1936, Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn truyền chức năm và sáu cho thầy Phan, và ngày 22/05/1937, thầy nhận chức linh mục tại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu. Đây là lần đầu tiên Đức cha truyền chức linh mục cho cha Phan và một cha khác, nên Đức cha đổi tên cha Phan là cha Thủ.
Sau khi chịu chức linh mục, Đức cha Hồ nhận thấy cha Thủ có đời sống thánh thiện, lại giỏi triết học và thần học, nhất là môn tín lý, nên Ngài đặt cha làm giáo sư triết học và linh hướng cho các chủng sinh đại chủng viện Bùi Chu. Sau này trong số các cậu học trò ấy, có ít vị nhận Ngài làm bố và đã chịu chức linh mục, trong số con của Ngài có ba cha, sau khi chịu chức, đã xin vào tu Dòng Đồng Công do Ngài sáng lập, ba vị ấy nay cũng đã qua đời trong lời khấn Dòng Đồng Công.
Trong số ba vị linh mục, con thiêng liêng của Ngài, nổi bật nhất là cha Trung, sau khi vào dòng Đồng Công được đổi tên là cha Bênadô M. Bùi Khải Hoàn. Sau khi cha Hoàn khấn dòng, đã được cha bề trên Đaminh Maria sai đi giúp dòng nữ, và chính cha Hoàn cũng lại trở nên vị cải tổ dòng, để sáng lập nên một hội dòng mới, đó là dòng “Nữ Tu Thừa Sai Trinh Vương” (gọi tắt là Dòng Trinh Vương)
Chính thời gian cha Thủ làm giáo sư triết và linh hướng tại đại chủng viện Bùi Chu, Ngài được ơn soi sáng lập dòng. Sau 5 năm hướng dẫn các chủng sinh, Ngài xin rút khỏi chủng viện để thực hiện ý định lập dòng. Sau khi cha Thủ không làm giáo sư đại chủng viện Bùi Chu, Đức cha Hồ đặt Ngài làm chánh xứ Dương A, rồi cha xứ Liên Thuỷ. Trước khi cha Thủ được ơn soi sáng lập dòng, Ngài rất ước muốn đi tu dòng, nên đã liên lạc tìm hiểu một số dòng như: Đa Minh, Châu Sơn v.v…
Khi được ơn soi sáng lập dòng, Ngài đã bàn hỏi với cha linh hướng, cuối cùng Ngài quyết định dứt khoát “xin vâng” theo ý định của Thiên Chúa.
Ngài đã suy nghĩ cầu nguyện và chọn ngày 21/11/1941, thực hiện việc tận hiến toàn thể hội dòng tương lai cho Đức Mẹ.
Hiến pháp Dòng Đồng Công của Ngài được tòa thánh thẩm tra ngày 15/12/1952, sau đó ngày 02/02/1953, đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu, đã tuyên sắc thành lập dòng “Đức Mẹ Đồng Công”, trong ngày này, có lớp tập sinh đầu tiên 36 anh em.
Năm 1954, Dòng Đồng Công di chuyển vào miền Nam…
Ngài khấn trọn ba lời khấn dòng ngày 02/02/1955, tại nhà thờ Tân Định trước mặt Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi.
Sau năm 1955
Dưới sự dìu dắt của Đức Mẹ Đồng Công và Cha Thánh Giuse; Cha đã chèo lái con thuyền Đồng Công vượt qua vô vàn sóng gió, nhất là từ sau năm 1975, để theo Chúa Kitô trên con đường tử giá. Danh xưng mà Ngài chọn từ lâu đã linh nghiệm không sai một nét: ĐAMINH MARIA THÁNH GIÁ.
Vì tuổi cao sức yếu, ngày 15/06/2006, Cha Đaminh đã ủy quyền Tổng Phục Vụ cho Linh mục Gioan Maria Đoàn Phú Xuân thay thế. Từ đây Cha có thêm thời giờ nghỉ ngơi. Ngày 03/01/2007, Cha rất yếu mệt, nên anh em dòng đã đưa Ngài đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5, và Ngài tỏ ra rất sẵn sàng về với Chúa sau khi lãnh phép Xức Dầu và chịu Mình Thánh Chúa. Nhưng với những lời cầu nguyện và hy sinh thiết tha của anh em dòng cũng như của nhiều người, Chúa và Đức Mẹ lại thương đưa Cha Đaminh về chung sống với nhà dòng vào ngày 09/01/2007.
Ngày 11/06/2007, bệnh tình Cha Đaminh trở nặng, anh em dòng lại đưa ngài đi cấp cứu. Ngày 15/06/2007, bệnh Cha Đaminh trở nên nguy kịch, các bác sĩ quyết định đưa Ngài vào phòng hồi sức đặc biệt...
Tuy nhiên, mọi phương cách trần gian đều phải khuất phục thánh ý Chúa. Người đã gọi Cha Đaminh về với Người lúc 20 giờ 45 phút, thứ năm, ngày 21/06/2007 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau 101 năm trên cõi đời, hơn 70 năm làm Linh mục của Chúa Kitô, 52 năm làm Tu sĩ và là Đấng Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công.
bài liên quan mới nhất
- François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện
-
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Cha cố GB Đoàn Vĩnh Phúc: “Nên mọi sự cho mọi người” -
Ngôi làng hy vọng -
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, tử đạo ngày 21 tháng 8 năm 1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, tử đạo ngày 12 tháng 8 năm 1838 -
Hạnh Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838
bài liên quan đọc nhiều
- "Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại
-
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sống GH Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Hạnh Thánh Vinhsơn Đỗ Yến, tử đạo ngày 30/06/1838 -
Hạnh Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, tử đạo ngày 26/06/1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin