Đồng hương Lai Tê: Nhớ về quê hương

Đồng hương Lai Tê: Nhớ về quê hương

WGPSG -- “… Tuổi càng cao, nỗi nhớ quê càng da diết. Nay sức khỏe không cho phép về thăm quê hương, nhưng những hình ảnh năm xưa, tưởng như mới ngày nào cứ mãi xuất hiện trong tôi. Thời gian tưởng như dừng lại, mới đây mà đã 56 năm rời quê cha đất tổ, vào Nam lập nghiệp sinh sống, để đến nay, hằng năm mong ngóng ngày họp mặt đồng hương mau đến, để cùng nhau trò chuyện, kể lể bao kỷ niệm xa xưa của những người con xa xứ, để nỗi nhớ quê vơi đi phần nào… “.

Lời tâm sự trên đây của một vị cao niên, nhân ngày đồng hương Lai-Tê, mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng đồng hương tại Thánh đường giáo xứ Hà Nội vào lúc 10g00 ngày 03/12/2010, khiến cụ bà lấy khăn chậm nước mắt. Người cháu gái tuy không nói gì, nhưng chắc đã thấu hiểu đâu là tình đồng hương, đâu là tình làng nghĩa xóm.

Hiểu được nỗi niềm trên, trước Thánh lễ, cha chủ tế Đaminh Đinh Ngọc Lễ, chánh xứ Hà Nội, kiêm Hạt trưởng hạt Xóm Mới đã tâm sự cùng cộng đoàn: Hằng năm, các đồng hương thường chọn một nhà thờ để họp mặt, cùng nhau ôn lại kỷ niệm quá khứ, những vui buồn trong năm, gặp gỡ để giúp nhau cùng đi lên trong xã hội và củng cố niềm tin yêu trong Chúa Thánh Thần. Giáo xứ Hà Nội rất hân hạnh được đón tiếp quý ông bà, anh chị em đồng hương Lai-Tê đến đây, để cùng hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn, cầu nguyện cho tổ tiên, dân làng và cho nhau.

Trong bài chia sẻ, cha Đaminh nhắc lại tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê và nhấn mạnh đến trách nhiệm truyền giáo của người tín hữu hôm nay:

Thánh Phanxicô Xaviê được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Ngài có tinh thần truyền giáo cao độ, luôn hướng tới Chúa và yêu mến các linh hồn. Ngài đi tới các nước Châu Á, đến với những con người chưa biết Chúa. Ngài luôn mang trong mình hai tình yêu đã nên một: Tình yêu Ðức Giêsu Cứu Thế và tình yêu các linh hồn…

Bắt chước Chúa Giêsu, Thánh Phanxicô suốt ngày đi rao giảng, làm việc bác ái. Đêm xuống, ngài vào phòng đóng cửa lại hay tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và suy gẫm…

Mừng kính thánh nhân, chúng ta học hỏi nơi ngài sự trung kiên, chấp nhận đến những vùng đất xa xôi để loan báo Tin Mừng cứu độ, để đem Chúa đến cho mọi người. Đồng thời, chúng ta cũng tự tra vấn lương tâm: “Là người Công giáo, chúng ta đã làm gì cho Giáo hội?”

• Chúng ta có dám loan báo Tin Mừng đến cho mọi người không?

• Chúng ta có dám tuyên xưng đức tin nơi mà không có hoặc có rất ít người Công giáo?

Tất nhiên, trong từng thời điểm và từng hoàn cảnh xã hội khác nhau, chúng ta cần khôn khéo lựa chọn các phương thế thích hợp để loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, chứng tá tốt nhất để minh chứng cho Tình Yêu của Đức Kitô, chính là cuộc sống của mỗi người chúng ta:

• Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải sống một cuộc sống thánh thiện, luôn là tấm gương tốt để minh chứng cho tình yêu Đức Kitô thật sống động nơi trần thế.

• Gặp gỡ những người chưa nhận biết Chúa, tùy vào từng hoàn cảnh và thời điểm thích hợp để nói với họ về Chúa của chúng ta.

Và còn nhiều cách khác để họ nhận biết Thiên Chúa, để tỉ lệ người Công giáo tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 7%, nhưng sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn nữa.

Buổi họp mặt khép lại lúc 13g00 với bữa cơm gia đình. Dù người lớn tuổi hay thanh niên thiếu nữ, khi nghe hai tiếng “đồng hương”, mọi người đều thổn thức nhớ mong, vui mừng khi gặp mặt và bịn rịn lúc chia tay. Kính chúc tình đồng hương sẽ mãi gắn kết tình bằng hữu giữa những người con xa quê:

Những người con xa quê,
Bên nhau tình đồng hương,
Cùng sớt chia nhọc nhằn,
Một nỗi nhớ quê nhà.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top