Giáo xứ Bàn Cờ: Lễ cầu cho các linh hồn

Giáo xứ Bàn Cờ: Lễ cầu cho các linh hồn

WGPSG -- Hằng năm, Giáo Hội dành tháng 11 để nhắc nhở mọi người tín hữu nhớ đến các bậc tiền nhân cách đặc biệt. Ngày 01.11, Giáo Hội mừng lễ Các Thánh để cùng sẻ chia niềm vui với những người đã được diễm phúc Nước Trời; ngày 02.11, Giáo Hội cầu nguyện cách riêng cho các linh hồn đang còn nơi thanh luyện để qua những Thánh lễ, những hy sinh và lời cầu nguyện của người tín hữu, nguyện xin Chúa tha phần phạt cho các linh hồn để các ngài sớm được về hưởng tôn nhan Chúa.

Trong bầu khí phụng vụ đầy ý nghĩa này, vào lúc 06g00 ngày 02.11.2018, giáo xứ Thánh Giuse Bàn Cờ đã cử hành Thánh lễ cầu cho các đẳng linh hồn tại phòng chờ Phục Sinh của giáo xứ. Cha chánh xứ Gioan Baotixita Phạm Minh Đức đã chủ sự Thánh lễ kính nhớ và cầu nguyện cho mọi người đã qua đời, không kể lương giáo, cách riêng cho những tiền nhân đang an nghỉ tại đây và cho cha cố Phêrô.

Bằng chất giọng truyền cảm, cha Gioan Bt. giảng trong Thánh lễ, với số lượng người đông đảo, nhưng không một tiếng động tĩnh, ai cũng chăm chú nghe ngài giảng:  Tháng 11 hằng năm được dành để cầu nguyện cho những người quá cố, trong kinh cầu cũng như các bài hát chúng ta cầu cho các linh hồn “được lên chốn nghỉ ngơi”. Tại sao lại xin cho họ được nghỉ ngơi? Có phải là chúng ta sợ họ sẽ về quấy rầy chúng ta? Chúng ta tin rằng: con người chết là chết thật, thân xác con người nằm im bất động đấy nhưng phần linh thiêng mà chúng ta gọi là linh hồn vẫn tồn tại. Nhiều tôn giáo cho rằng linh hồn phảng phất trên không trung hay là đầu thai vào kiếp khác. Còn Kitô hữu chúng ta tin rằng, linh hồn về với Chúa hoặc xuống hỏa ngục hoặc vào luyện ngục. Vì thế, không có chuyện các linh hồn đi lang thang, hoặc cầu xin cho các linh hồn đừng về quấy nhiễu con cháu.

Như vậy, ý nghĩa cầu nguyện cho các linh hồn quá cố được yên nghỉ có ý nghĩa như thế nào? Tiếng “yên nghỉ” trong Phụng vụ mang một ý nghĩa đặc biệt, nó có nghĩa là “bình an”, “hòa bình”. “Bình an” nghĩa là sống trong tình nghĩa với Chúa, vượt qua những chướng ngại do tội lỗi đã gây ra: hận thù, chết chóc. “Bình an” là cầu xin cho các ngài được thông hiệp hoàn toàn với Chúa, được yêu thương, được tha thứ. Như thế, nguyện cầu cho các linh hồn được nghỉ ngơi là chúng ta xin cho họ được sống bên Chúa mãi mãi, Chúa là tình thương, là hạnh phúc, là tha thứ. Đồng thời, trong tháng 11 này, chúng ta cũng hướng đến chính mình để tái xác định lại hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì. Đó chính là Thiên Chúa, nếu chúng ta có Thiên Chúa, chúng ta được thông phần vào sự sống sung mãn, tình yêu, công bằng, tự do. Còn ngược lại, chúng ta sẽ mất sự sống vĩnh cửu, mất tự do và yêu thương, con người trở nên cô độc và tù hãm trong chính mình, không còn khả năng thông hiệp với tha nhân và Thiên Chúa nữa. Và chúng ta sẽ sống cô độc, tuyệt vọng, tù hãm trong chính mình.

Tháng 11, chúng ta không chỉ làm việc bác ái cho những người đang sống mà còn cho những người quá cố, không chỉ cho các tín hữu mà còn cho cả những anh chị em lương giáo. Đức tin được diễn tả qua đức ái, qua đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Phần dâng lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng. Sau đó, mọi người hiệp nguyện đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính để hưởng nhờ ơn Đại xá, nhường cho các đẳng linh hồn, nhất là những linh hồn đang cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Những người thân khóc lóc, xin Chúa thương các linh hồn trong những giờ kinh hằng ngày, trong những hy sinh, để những người thân yêu sớm hưởng phúc thiên đàng.

Thánh lễ hôm nay thật cảm động, thật sốt mến và kết thúc trong bình an lay động tâm hồn những người tham dự. Thánh lễ đã hết nhưng nhiều người chưa muốn về, muốn lưu lại bên hài cốt những người thân yêu trong gia đình để tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho họ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top