Giáo xứ Hà Nội: Sám hối và canh tân

Giáo xứ Hà Nội: Sám hối và canh tân

WGPSG -- Sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin. Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, con người mới nhận được ơn cứu rỗi và tình thương của Chúa.

Nhằm giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn mừng Đại lễ Phục sinh, lúc 19g00 các tối 27, 28 và 29.3.2012, giáo xứ Hà Nội đã tổ chức ba buổi tĩnh tâm dành cho người lớn và giới trẻ với chủ đề: “Thiên Chúa và tôi” do Cha Antôn Lê Ngọc Thành, CSsR đến hiệp dâng Thánh lễ và chia sẻ.

Trước Thánh lễ, qua các bài Thánh ca kết hợp với cử điệu, các anh chị trong nhóm “Thánh Kinh Cầu Nguyện” đã giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn để cảm nghiệm nội dung đề tài theo từng ngày.

Ngày 27.3.2012: Thiên Chúa hài lòng và chấp nhận con người vô điều kiện (Lc 3, 21-22)

Vì tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Ngài đã tạo dựng nên người nam và người nữ, để sinh sản, giáo dục con cái và nối tiếp công trình kiến tạo vũ trụ của Ngài. Thế nhưng vì kiêu ngạo muốn bằng bằng Thiên Chúa, con người đã phạm tội. Nhưng vì Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Ngài đã sai Con Một xuống thế để cứu chuộc nhân loại, và Thiên Chúa đã hài lòng về người con của mình: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22b).

Thế nhưng ngày nay, con người vẫn tiếp tục phạm tội đến Chúa và anh em! Sống thiếu lương tâm và trách nhiệm với Thiên Chúa và chính mình, hủy diệt sự sống do chính mình góp phần tạo dựng... Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn hài lòng và chấp nhận con người vô điều kiện, thậm chí khi con người khước từ tình yêu, Ngài vẫn luôn hài lòng về con người!

Ngày 28.3.2012: Thái độ của con người đối với Thiên Chúa (Lc 15, 11-32)

Qua đoạn Tin Mừng “Người cha nhân hậu”, chúng ta nhận ra rằng: Người con thứ cần gia tài của người cha, nhưng không cần người cha. Tuy nhiên, sau khi sa ngã, người con thứ đã cảm nhận được tình thương của cha mình, và đã mạnh dạn đứng dậy trở về với cha, dù chỉ được đón nhận như người tôi tớ; nhưng thật bất ngờ, anh lại được người cha đón nhận với tấm lòng bao dung, thứ tha vô điều kiện. Ngược lại, người con cả tuy sống bên cạnh người cha, nhưng lại không cảm nghiệm được tình yêu của cha dành cho mình nên đã đem lòng ganh tỵ với người em.

Cũng vậy, chúng ta chỉ biết xin ơn Chúa, nhưng lại không quan tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình! Tình trạng trở nên bi đát là, tuy là con cái Chúa nhưng chúng ta lại không cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Con người thật hạnh phúc biết bao, khi Chúa Giêsu xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại! Vậy, chúng ta hãy mở lòng đón nhận và sống với Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, sống gắn bó và hiệp nhất với Người như Thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Ngày 29.3.2012: Đau khổ của Thiên Chúa và đau khổ của con người (Mt 27, 45-50)

Đoạn Tin Mừng về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã giúp cộng đoàn suy nghĩ về các khổ đau mà chúng ta đang gánh chịu. Đôi khi chúng ta oán trách Chúa, và tâm hồn trở nên trống rỗng, không còn tin vào Thiên Chúa toàn năng trước những khó khăn, vấp ngã, bất hạnh... trong cuộc đời mình. Thế nhưng, mấy ai ngộ ra rằng, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền tự do lựa chọn, và Ngài luôn yêu thương chúng ta, dẫu chúng ta có tồi tệ thế nào đi nữa!

Tác giả thư gởi Do Thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin Đấng có quyền cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Chính vì lẽ đó, khi theo Đức Kitô, những khổ đau của con cái Chúa chỉ là cái bóng chóng qua, nhưng không thể làm hại được con người. Cần tỉnh thức đón nhận những khổ đau, để chúng ta tìm gặp được hạnh phúc nơi Đức Kitô. Vì chính Ngài đã nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái. Nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).

Buổi tĩnh tâm cuối cùng kết thúc, Ông Antôn Đỗ Sơn Hùng - Chủ tịch HĐMVGX - đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn cha Antôn đã đến chia sẻ với cộng đoàn những tâm tình thật sâu lắng với chủ đề “Thiên Chúa và tôi”, cảm ơn nhóm Thánh Kinh Cầu Nguyện. Đặc biệt, cảm ơn toàn thể cộng đoàn, đã đáp lại lời mời gọi của cha chánh xứ, đến tham dự 3 buổi tĩnh tâm thật đông đảo và sốt sắng.

Qua 3 buổi tĩnh tâm, cộng đoàn đã cảm nghiệm được tình thương bao la của Thiên Chúa đối với con người. Ngài đã yêu thương con người vô điều kiện, dù con người đã phạm tội, Ngài vẫn luôn trông chờ con cái ăn năn sám hối, và đã sai Ngôi Hai xuống thế làm người, để chia sẻ những khổ đau của con người. Bởi lẽ đó, đây là thời điểm thuận tiện nhất, để mỗi người chúng ta sám hối ăn năn, canh tân đời sống và sống xứng đáng là con cái Chúa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top