Giáo xứ Lạc Quang: Diễn nguyện cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Giáo xứ Lạc Quang: Diễn nguyện cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

WGPSG -- “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  (Mt 27,46).

Vào lúc 18g thứ Sáu 25.03.2016, giáo xứ Lạc Quang hạt Hóc Môn đã tổ chức buổi diễn nguyện Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu. Một số sự kiện đặc biệt trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu nơi trần thế được tái diễn.

Cuộc diễn nguyện dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Thi, phó biên tập cha Đaminh Trần Quang Khải, đạo diễn anh Phêrô Maria Nguyễn Đình Xuyên và chị Maria Têrêsa Nguyễn Thị Phước, ánh sáng các anh chị giáo lý viên, diễn viên do các ban ngành đoàn thể tham diễn.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Con Một Thiên Chúa mang thân phận con người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu như bị bỏ rơi, chấp nhận hóa thân mình nên thần lương cho nhân loại, bị chính môn đệ phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình, chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết thật. Trên đường lên đồi Gôn-gô-tha, dưới sức nặng của cây Thập giá, Chúa Giêsu ngã xuống đất. Trong ánh mắt người đời, Thiên Chúa đã ngã quỵ trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chết trong thất bại của Đức Giêsu. Dưới áp lực của sự ác lan tràn trong xã hội, len lỏi vào tận cấm địa của niềm tin, người Kitô hữu dễ dàng thốt lên đầy nghi nan và thất vọng: “Lạy Chúa, Ngài ở đâu?”. 

Thế nhưng, tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những con người kiên trì dấn bước theo Chúa. Họ là ai? Hình ảnh Mẹ Maria đã làm mọi người xúc động. Xúc động không chỉ vì tình cảm mẫu tử thiêng liêng, nhưng từ trong cảm thức sâu xa, mọi người nhận ra thái độ “Xin Vâng” của Mẹ. Vâng! Chính trong những khoảnh khắc cuối đời của Chúa Giêsu mà lời “Xin Vâng” của Mẹ trong ngày Truyền Tin trở nên trọn vẹn ý nghĩa!!! Cũng chính trong những giờ phút nghiệt ngã này, Gioan - người môn đệ Chúa yêu - vẫn lặng lẽ theo Thầy. Bên cạnh đó, một Simon vác đỡ Thánh giá với Chúa và những người phụ nữ bước theo chân Chúa để an ủi và chia sẻ nỗi đau đớn cùng cực với Ngài, như bà Veronica chen vào quân dữ để trao khăn cho Chúa lọt mặt in hình tượng vào khăn.

Những chứng nhân phục sinh là ai? Đầu tiên, phải kể đến Maria Mađalêna, một người đã nghe lời Chúa giáo huấn mà rũ bỏ quá khứ tội lỗi. Kế đến là những tông đồ, những người đã cùng sống với Chúa, đã chứng kiến những phép lạ Người làm. Các tông đồ là những người dân chài ít học, họ không lý luận uyên thâm thông thái, họ chỉ nói điều họ đã nghe, đã thấy và đã cảm nhận.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top