Giáo xứ Phú Hạnh: heo đất mùa Xuân
Lược sử giáo xứ Phú Hạnh
Nhà thờ Phú Hạnh toạ lạc số 121 Phan Đăng Lưu (xưa kia là Đại lộ Chi Lăng). Năm 1975, Cha Isidoro Bùi Thái Học đã xây ngôi thánh đường Phú Hạnh bằng vật liệu nhẹ. Đến năm 1989, nhà thờ được xây dựng lại kiên cố hơn, và đã được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thánh hiến.
Năm 2001, cha Đaminh Trương Kim Hương chính thức được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ thay thế cha Isidoro Bùi Thái Học nghỉ hưu. Khi đó, nhà thờ lại được đại tu cho phù hợp với số giáo dân mỗi ngày một đông thêm. Cũng thời gian đó, nhà xứ cũng được xây dựng lại, nhà Giáo lý cũng được xây thêm cho thiếu nhi có phòng học tử tế.
Năm tháng qua đi với nhiều đổi thay …
Ngày nay, số giáo dân đã lên tới 5515 nhân danh, sống trong 1426 gia đình. Đặc biệt trong năm 2009, giáo xứ đã đón nhận hơn 70 gia đình mới đến xin gia nhập.
Hiện nay, Giáo xứ chia làm 5 Khu xóm. Mỗi Xóm đạo do một Xóm Trưởng phụ trách. Ban Mục vụ mới được bầu lại gồm 9 thành viên như sau :
1- Ông Pherô Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Ban Mục Vụ
2- Joach Nguyền Tuấn - Quyền Phó nội vụ
3- Anna Nguyễn Thị Liên - Phó ngoại vụ
4- Guise Nguyễn Văn Trung - Thư ký
5- Maria Nguyễn Thị Lệ Thu - Thủ quĩ
6- Giuse Hồng Ngọc Chu - Phụng tự
7- Micae Cao Thái Tùng - Phụ trách giới trẻ
8- Giuse Ngô Văn An - Phụ trách Hội đoàn
9- Catarina Võ Kim Hạnh - Bác ái xã hội.
Để đoàn ngũ hóa các thành viên trong Giáo xứ, các Hội đoàn sau đây đã được thành lập:
1/ Hội Gia trưởng (Liên Minh Thánh Tâm)
2/ Các Bà Mẹ Công Giáo
3/ Legio Mariae
4/ Gia đình Khôi Bình
5/ Học Hỏi Kinh Thánh
6/ Lòng Thương xót Chúa
Nhà thờ kiểu Tân Á đông, nhỏ bé, mà giáo dân mỗi ngày một tăng, nên ngày Chúa nhật phải có 5 thánh lễ, sáng 3 chiều 2 (5giờ, 7giờ, 8giờ, 17giờ và 19giờ). 5 Ca đoàn được thành lập để mỗi Ca đoàn phụ trách một thánh lễ.
Mỗi tuần, nhà thờ được 5 bà mẹ chuyên lo quét bụi, lau chùi sạch sẽ khiến cho nhà thờ lúc nào cũng sạch sẽ, bóng loáng. Thánh lễ được cử hành rất đúng giờ, trật tự và nghiêm trang, giảng giải ngắn gọn.
Bà con giáo dân đến từ Bắc, Trung, Nam, đa số là dân lao động, nhưng tấm lòng lại quảng đại, nhất là khi cần đóng góp trong công việc từ thiện bác ái. Đấy chính là câu trả lời cho thắc mắc: Nhà thờ sử dụng máy lạnh hằng ngày chứ không chỉ ngày Chúa nhật, vậy lấy đâu ra tiền để trả tiền điện mỗi tháng? Thưa, giáo xứ đâu có nguồn lợi gì để chi phí, nên mỗi ngày Chúa nhật khi bỏ tiền thau, bà con bỏ thêm chút ít. Ví dụ như trước khi có máy lạnh bỏ 1000đ thì nay bỏ 2000đ. Thế là mỗi tháng khỏi lo tiền điện. Tất cả do lòng quảng đại và sự ý thức của giáo dân.
Heo đất mùa Xuân
Nói chung, giáo dân rất nhiệt tình đóng góp trong công việc từ thiện bác ái. Phần đông bà con đều ý thức cần phải “thương người như thể thương thân”. Đặc biệt, từ hơn 10 năm nay, giáo xứ Phú Hạnh đã tổ chức thực hiện “Con Heo đất” tiết kiệm để giúp người nghèo và bệnh nhân vào dịp Tết Nguyên Đán. Phóng viên web Tổng Giáo Phận Tp.HCM (tgpsaigon.net) đã được trò chuyện với cha sở Phú Hạnh về "Con Heo đất" tình nghĩa này.
WGPSG: Thưa cha, nguyên nhân nào khiến giáo xứ thực hiện “Con Heo đất”?
Cha sở: Khởi sự từ lòng trắc ẩn. Các anh chị em Legio hằng tuần đi thăm viếng các bệnh nhân ung bướu ngay gần giáo xứ, gội đầu cho họ, giúp đỡ họ trong những công việc mà họ không tự làm đuợc vì quá đau đớn, mệt mỏi. Các bệnh nhân thường thiếu người chăm sóc. Chúng tôi phát động phong trào nuôi heo đất trong giáo xứ để chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân ung bướu này, giúp nồi súp cho bệnh nhân ung bướu hằng ngày, đồng thời cũng giúp những gia đình khó khăn, già cả neo đơn.
Mỗi năm gần Tết, ai cũng chuẩn bị trong gia đình đón Xuân nên rất khó kêu gọi đóng góp. Việc dễ dàng hơn là nuôi heo đất, là tiết kiệm hằng ngày: mỗi khi đi chợ về còn dư dăm ba đồng tiền lẻ bà con bỏ vào con heo. Lâu ngày, tích tiểu thành đại, nhiều con heo được tiền triệu có con tới ba bốn triệu… Như thế gần Tết không cần kêu gọi, chỉ việc đi thu heo đất cũng được một số tiền giúp bà con khó khăn kém may mắn.
Điều đặc biết là từ hơn 10 năm nay không năm nào heo đất năm sau lại thua năm trước! Mỗi năm, heo đất đều được nhân lên, bất chấp kinh tế khó khăn hay khủng hoảng. Năm đầu tiên nuôi heo đất được 35.000.000đ, năm 2008 được 210.000.000đ, năm 2009 được 237.000.000đ. Sự đóng góp không chỉ có nơi giáo dân hiện sống trong giáo xứ, mà cả bà con khi đi xa rồi, trong cũng như ngoài nước, ai cũng nhớ nuôi con heo đất, nhất là bà con gốc Phú Hạnh định cư ở nước ngoài.
WGPSG: Truyền thống nuôi heo đất hẳn đã giúp cho người tín hữu sống mầu nhiệm hiệp thông nhiều hơn?
Cha sở: Đúng thế, con heo đất tiết kiệm nói lên sự quảng đại, chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn về vật chất một cách cụ thể. Bà con chỉ có thể làm việc này khi đã có sẵn trong tim sự hợp nhất yêu thương đối với mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tộc. Chẳng hạn như vụ động đất kinh hồn vừa qua tại Haiti, bà con rất mau mắn đóng góp. Dù không nhiều so với nhu cầu của nạn nhân, nhưng cũng nói lên tinh thần hiệp nhất yêu thương, đồng lao cộng khổ.
Bác ái xã hội
WGPSG: Ngoài việc nuôi heo đất, giáo xứ còn có chương trình nào khác không, thưa cha?
Cha sở: Từ lâu, qua báo cáo của các anh chị em Legio, chúng tôi rất trăn trở không biết kiếm đâu ra tiền để giúp chút ít cho bà con ung bướu ở Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định mua thuốc điều trị, mặc dầu, mỗi tháng chúng tôi vẫn cố gắng gửi số tiền nhỏ bé 1.500.000đ đóng góp cho “nồi súp ung bướu”, và gửi anh chị em Legio mỗi ngày đến giúp các Sơ Bác ái Vinh Sơn đưa cháo đến cho từng bệnh nhân. Tháng vừa qua, chúng tôi đã mạnh dạn kêu gọi bà con đóng góp cho “Tủ thuốc Ung bướu”. Chỉ hơn một tháng kêu gọi mà bà con đã giúp được 360.000.000đ. Chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vì đây là lần kêu gọi từ thiện bác ái mà bà con đóng góp nhanh nhất. Thật tạ Ơn Chúa vô vàn và xin Chúa trả công bội hậu cho bà con đã quảng đại hy sinh trong công việc bác ái này.
Ngoài ra, mỗi tháng chúng tôi vẫn thường xuyên giúp các em học sinh nghèo và các gia đình đặt biệt khó khăn bằng số tiền nhỏ bé: 6.500.000đ. Đó là công việc thường xuyên làm trong mỗi tháng.
WGPSG: Giáo xứ Phú Hạnh có dự định cụ thể nào trong năm Thánh 2010 để trở thành con tàu NOE theo như lời mời gọi của Đức Hồng Y?
Cha sở: Trong Năm Thánh 2010 này, chúng tôi kêu gọi bà con giáo dân quan tâm đặc biệt tới bà con di dân từ các nơi về chung sống chung quanh mình, thăm viếng, giúp đỡ họ có công ăn việc làm, nhất là nhắc nhở bà con đề phòng những tệ nạn xã hội tràn lan trong Thành phố.
WGPSG: Xin chân thành cám ơn cha đã chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ bác ái rất quý giá.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông