Giáo xứ Tân Định: Khám chữa bệnh vùng biển đảo

Giáo xứ Tân Định: Khám chữa bệnh vùng biển đảo

WGPSG -- Sáng thứ Bảy, ngày 19/7/2014, khi trời chưa sáng, người dân Sài Gòn còn đang chìm sâu trong giấc ngủ thì từ nhà thờ Tân Định, có một đoàn xe lặng lẽ lăn bánh chở theo khoảng 200 người gồm các y, bác sĩ, dược sĩ (30 người) và các luật sư hướng về huyện đảo Cần Giờ – một huyện nghèo nhất của TP.HCM. Cha sở Gioan Baotixita Võ Văn Ánh vui mừng đến chúc lành và vẫy tay tiễn đưa đoàn.

Dẫn đầu nhóm các Luật sư là bác Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Luật sư Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, một người dù đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn luôn có mặt trong những chuyến công tác Mùa Hè Xanh của luật sư đoàn. Cùng chung với các luật sư có nhóm y - bác sĩ, dược sĩ do anh Nguyễn Hoài Lộc, Phó Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa Tân Định làm trưởng đoàn. 

Sau khi qua phà Bình Khánh, đến Cần Giờ, đoàn chia làm hai đội: đội 1 đi xã Lý Nhơn, đội 2 đi tàu ra đảo Thiềng Liềng. Đội 2 mất thêm một giờ đi tàu nữa mới đến đảo. Đây là ấp đảo nghèo nhất của huyện Cần Giờ: ngoài vài chục nóc nhà lưa thưa còn lại toàn là những ruộng muối. Nghề chính của cư dân nơi đây là làm muối và đánh bắt hải sản. Điện lưới quốc gia vẫn chưa đến được với dân trên đảo, thay vào đó là những tấm năng lượng mặt trời, ngày nào nắng to thì người dân có điện xài thoải mái, hôm nào âm u hay mưa bão thì điện chỉ đủ để thắp sáng.

Lúc đoàn 2 chúng tôi đến nơi thì đã gần trưa, bệnh nhân đang ngồi đợi khắp trong sân của một trường cấp 1. Cả đoàn vội vã bắt tay vào làm việc trong điều kiện hết sức thô sơ, có người còn chưa kịp thay áo blouse. Các bạn luật sư trẻ chia nhau: người thì sinh hoạt với các em thiếu nhi trên đảo, một số thì phụ giúp dân sửa đường, một số giúp chúng tôi trong việc ghi tên phát phiếu khám bệnh, phát thuốc, số còn lại tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân có nhu cầu. Đến hơn 1 giờ trưa thì việc khám chữa bệnh cũng kết thúc. Trời bất chợt đổ cơn mưa, mọi người tranh thủ ăn vội bữa cơm thấm đậm yêu thương do cư dân và các chiến sĩ bộ đội biên phòng chuẩn bị sẵn.

Mưa tạnh, đoàn chúng tôi tiếp tục lên tàu. Sau gần một giờ lênh đênh trên sông nước, chúng tôi đến đồn biên phòng Thạnh An. Lúc này đã hơn 3 giờ chiều. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những người dân gồm ông già, bà lão, phụ nữ, trẻ em... ngồi chờ đợi đầy kín trong sân. Lúc này đoàn 1 bên Lý Nhơn cũng vừa đến. Hai đoàn nhập làm một, mỗi người một việc... nhìn đâu cũng thấy hình ảnh mọi người làm việc hăng say, dù áp lực và tần suất làm việc cao như vậy nhưng nụ cười luôn nở trên môi những thân xác dù đã mệt mỏi rã rời sau gần một ngày làm việc và phải nhiều lần di chuyển bằng các phương tiện đường bộ cũng như đường sông. 

Bệnh nhân cuối cùng cũng được khám xong. Hơn 600 bệnh nhân nghèo của hai xã Lý Nhơn, Thạnh An và một ấp đảo Thiềng Liềng đã được khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Đồn biên phòng nhỏ ở xã đảo mà phải sắp xếp nơi ăn chốn ở cho 200 người đến từ thành phố, trong đó có cả nam lẫn nữ là một điều không đơn giản. Dù gặp rất nhiều bất tiện về vấn đề vệ sinh, dù phải nằm ngủ dưới đất nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy bất kỳ lời than phiền nào, mọi người vẫn vui vẻ chờ đợi nhau, nhường nhịn nhau từ việc vệ sinh cá nhân đến chỗ ngủ trên những chiếc chiếu đơn của các chiến sĩ biên phòng.

Sau bữa cơm tối là chương trình giao lưu giữa các chiến sĩ của đồn biên phòng và đoàn công tác từ thiện. Các bạn luật sư trẻ đã có một buổi tối vui vẻ với lửa trại và những bài hát tình ca về tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình yêu lứa đôi. Đến hơn 2 giờ sáng, các ca nghệ sĩ nghiệp dư mới chịu kết thúc. Đoàn y, bác sĩ chúng tôi đã tặng cho đồn bốn thùng thuốc thiết yếu để dùng cho các anh em chiến sĩ. Đáp lại, chúng tôi cũng được đại diện đồn biên phòng tặng những món quà lưu niệm.

Sáng Chúa nhật, các luật sư chia nhau đến từng nhà trao quà cho người nghèo. Những món quà dù không đủ giải quyết hết những khó khăn của một kiếp nghèo nhưng đong đầy yêu thương có lẽ sẽ giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để bước tiếp qua những khó khăn thử thách của cuộc sống.

Hai ngày cuối tuần trôi qua thật nhanh. Sau bữa cơm trưa thắm tình thân ái, đoàn chúng tôi từ giã ra đi trong sự bịn rịn của các chiến sĩ đồn biên phòng, trong sự lưu luyến của người dân trên đảo. Trên đoạn đường hơn 1 km ra bến tàu (con đường duy nhất dẫn lên đảo) một số em bé đi theo nắm tay các anh chị luật sư trẻ như không muốn chia tay. Đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những nụ cười, ánh mắt hân hoan của người dân, kèm theo những lời chào quyến luyến, những lời nhắn nhủ chứa đựng biết bao niềm tin và hy vọng: “bái bai nha”, “lần sau gặp lại nhé”, hoặc “khi nào các anh chị lại đến?” Hằng ngày, ở thành phố, tôi vẫn thường nghe những câu nói này như một hình thức xã giao tối thiểu... vậy mà ở đây khi nghe những câu này tôi chợt nhớ đến lời bài thơ được phổ nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trung Thông: “Các anh đi... Bao giờ trở lại… Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong. Làng tôi nghèo, nho nhỏ bên sông, gió bấc lạnh lùng, thổi vào mái rạ…

Tôi bất chợt thấy cay cay nơi sống mũi!!! Tôi không biết mình sẽ còn có dịp trở lại nơi này thêm một lần nào nữa không? Nhưng tôi tin chắc rằng rồi sẽ còn nhiều và nhiều hơn nữa những nhóm tình nguyện khác sẵn sàng đem yêu thương, chia sẻ đến cho những người còn nghèo khó, bất hạnh trên những vùng đất xa xôi của đất nước chúng ta.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top