Giáo xứ Tân Hưng - Xóm Mới: Hiệp nhất yêu thương
Xin được gọi như thế, để phân biệt với giáo xứ Tân Hưng (Chợ Cầu), tuy ở cùng một địa phương.
Hôm nay, Chúa nhật 11/10/2009, giáo xứ Tân Hưng như được thay áo mới với tưng bừng cờ xí và những trang hoàng đẹp mắt, đặc biệt nơi khu Thánh đường tôn nghiêm, vì hôm nay, toàn thể xứ đạo hân hoan chào đón Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm về ban Bí tích Thêm sức cho 88 con em của mình.
Thánh lễ thật long trọng với sự đồng tế của 6 cha: Cha Khổng Thành Bao, Cha Phùng Ngọc Mỹ, Cha Phạm Đình Nhu, Cha Nguyễn Văn Bút và cha Đặng Văn Hải.
Rất long trọng nhưng cũng đầy thân tình ấm cúng, vì đã có nhiều tràng pháo tay và cả những nụ cười hoan hỉ, nhờ tính dung dị gắn bó và dễ gần của Đức cha chủ tế, vì như mọi người đều biết, đây chính là một nét son theo bản tính của Ngài.
Càng vui hơn nữa, như lời giảng trong Thánh lễ, Ngài như có dịp về thăm nhà, để được gặp và chào mừng những người thân quen, đặc biệt, Cha xứ Tân Hưng, Phêrô Nguyễn văn Thiềm, chính là một trong những người anh đi trước của Ngài.
Giáo xứ Tân Hưng
Là một giáo xứ có thể nói là nghèo, với phần lớn giáo dân là các công chức và những người sống bằng lao động chân tay hoặc làm nông nghiệp với nghề trồng rau muống. Có thể là nghèo về vật chất tiền của, nhưng về tri thức và dân trí, những giáo dân Tân Hưng không nghèo chút nào, đặc biệt, về tinh thần với lòng sùng mộ trong đời sống đạo, họ đã minh chứng một cách thuyết phục qua các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của mình.
Cho đến lúc này, trong giáo xứ vẫn không có tệ nạn xã hội như: mãi dâm, cờ bạc hoặc xì ke trộm cấp. Chồng bát trong chạn vẫn có đôi khi còn xô lệch, thỉnh thoảng chín người mười ý với những dị biệt và cá tính khác nhau của từng người, nên trong cả giáo xứ, chẳng thể nói là không có xích mích hoặc bất đồng này nọ, nhưng tất cả, cuối cùng, đều đã được thu xếp hài hòa vui vẻ, trong tinh thần con chung một Cha, người cùng một nhà của một đại gia đình là giáo xứ.
Để được như thế, từ mấy thập niên qua, không ai có thể quên nhiều công khó qua những dìu dắt uốn nắn của người đứng đầu, đó chính là vị chủ chăn khiêm nhu hiền hòa của họ.
Nếu phải nói một lời ngắn nhất về giáo xứ Tân Hưng, thì người nào cũng hãnh diện nói về nơi chốn của mình rằng, đây là một giáo xứ "Hiệp nhất yêu thương". Đây quả là một nét nổi bật thật đáng quý.
Quá trình hình thành và phát triển
Linh mục Chánh xứ hiện nay của giáo xứ Tân Hưng là cha Phêrô Nguyễn Văn Thiềm 63 tuổi (sinh 1947), người đã gắn bó với Tân Hưng lâu nhất, từ tháng 08.1975 đến giờ, với một Hội đồng Giáo xứ năng động và nhiệt thành là các vị:
1/ Ông Giuse Nguyễn Văn Khang: Chánh trương.
2/ Ông Đaminh Đặng Đình Chính: Phó Nội vụ.
3/ Ông GB Lê Xuân Minh: Phó Nội vụ
4/ Ông Giuse Nguyễn Ngọc Thành: Thư ký.
5/ Ông Phêrô Nguyễn Văn Thịnh: Thủ quỹ.
Giáo xứ được thành lập năm 1955 với những giáo dân di cư từ Bắc vào. Cộng đoàn được sự dìu dắt và nâng đỡ từ các linh mục tiên khởi, lần lượt như sau:
- Cha Giuse Phan Trọng Kim: 1955 – 1959, Chánh xứ
- Cha Giuse Mai Xuân Hòa: 1955 - 1960, Phó xứ
- Cha Hưu: 1959 – 1962, giúp giáo xứ
- Cha Giuse Đỗ Sỹ Vịnh: 1960 – 1962, Chánh xứ
- Cha Phêrô Trần Văn Thận: 1959 – 1962, giúp giáo xứ
- Cha Phêrô Dư Tác Thiện: 1962 – 1975, Chánh xứ
- Cha Cha già Ngoạn: 1965 – 1969, giúp giáo xứ
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Thiềm: từ 1975 đến nay, Chánh xứ
- Thầy Phêrô Phan Văn Sài: 1955 – 1975, giúp giáo xứ
Với 323 gia đình gồm 1.776 giáo dân, Tân Hưng được chia thành 4 Khu: Duy Tân, Tân Hợp, Đông Thịnh, Bắc Hợp.
Dòng tu, Đoàn thể và các Ban: Dòng Đa Minh, Hiệp hội Thánh Mẫu, Giới Gia trưởng, Ban Văn hóa Giáo dục, Ban Mục vụ Giới trẻ... luôn sinh hoạt tích cực.
Tuy có 3 ca đoàn, Cecilia, Gia trưởng và Thiếu nhi, nhưng Ca đoàn Gia trưởng có những nét rất riêng. Đây là một khối quy tụ toàn nam giới đã có gia đình, với lòng nhiệt thành và sùng mộ để sinh hoạt cùng mọi người qua các buổi lễ.
Hàng ngày, tuy làm ăn vất vả, nhưng các anh em vẫn phụ trách hát lễ sáng quanh năm, thay cho ca đoàn Cecilia còn trẻ bận bịu học hành và sinh kế. Họ sinh hoạt và tập hát đúng vào 8 giờ 30 mỗi tối thứ năm hàng tuần, luôn đầy đủ các ca viên.
Thánh đường và những công trình xây dựng
Ngôi thánh đường khang trang hiện nay với tổng diện tích 426m42 chính là công khó của toàn thể giáo dân Tân Hưng, cùng với biết bao ân nhân xa gần, đã chung lòng chung sức dựng lên để mọi người có nơi thờ phượng Chúa hàng ngày.
Để được như hiện trạng, ngôi Thánh đường đã phải qua 3 lần xây dựng, khởi từ ngôi nhà lợp lá đơn sơ, rồi từng bước tu bổ sửa sang qua mỗi thời kỳ, để cuối cùng như hôm nay, gồm đủ tháp chuông, nhà xứ, hội trường, trường học... và đặc biệt, một Đài Đức Mẹ La Vang đã được khánh thành vào ngày Chúa Nhật 07/02/1965.
Tính đến nay, đã hơn 44 năm, Đài Đức Mẹ La Vang vẫn là nơi mỗi sáng trước khi đi làm ăn, buôn bán, chạy xe hoặc kiếm kế sinh nhai, mỗi người con Tân Hưng đều cúi đầu chào Mẹ. Và khi về, từng người con lại ngả mũ tạ ơn Mẹ đã giúp con cái hoàn thành công việc . Một nét sinh hoạt và sống đạo thật cảm động.
Chăm sóc ơn gọi
Linh mục và các tu sĩ nam nữ luôn là các nhân tố quan trọng hàng đầu cho dời sống đạo và phát triển tôn giáo. Với số giáo dân không nhiều, nhưng con số các Linh mục và tu sĩ nam nữ xuất thân từ giáo xứ Tân Hưng thật đáng khích lệ với các vị như sau:
1/ Linh mục đầu tiên: Cha Phêrô Nguyễn Văn Thiềm: Chánh xứ Tân Hưng từ ngày 17/08/1975.
2/ Linh mục Antôn Ngô Văn Hữu: Chánh xứ Hải Xuân, kiêm Hạt trưởng hạt Vũng Tàu, Giáo phận Bà Rịa.
3/ Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am: Giám học SDB Đà Lạt ( Salédien Don Bosco).
4/ Thầy Giuse Đồng Minh Hiệp Độ: đang theo học tại Đại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.
5/ Thầy Giuse Nguyễn Anh Tài: đang theo học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse.
6/ Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Phượng: khấn trọn đời ngày 30/4/1974.
7/ Nữ tuCecilia Nguyễn Thị Mạnh Để: Nữ tu Dòng Khiết Tâm Đồng Nai. Hiện đang phục tại Úc.
8/ Nữ tu Maria Đỗ Thị Thư: Nữ tu Dòng Sisters of Mercy. Hiện đang phục vụ tại Úc.
9/ Nữ tu Lucia Nguyễn thị Kim Loan: Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Hiện đang theo học và phục vụ tại Hoa Kỳ.
Từ năm mới thành lập giáo xứ Tân Hưng đến nay, nữ tu Kim Loan chính là một nhân tố gương mẫu cho giới trẻ nữ noi theo để có các hạt giống tốt như các vị Nữ tu:
1/ Nữ tu Lê thị Tình.
2/ Nữ tu Lê thị Định.
3/ Nữ tu Loan.
4/ Nữ tu Lê thị Hội.
Thay lời kết
Bí tích Thêm sức là một hồng ân lớn lao và cũng là một biến cố trọng đại luôn khắc sâu trong lòng mỗi người tín hữu. Hôm nay, 88 em được nhận lãnh Bí tích cao trọng ấy tại ngôi Thánh đường thân thương của mình, những chồi non và các búp măng đang mọc để chuẩn bị tiếp nối những cụm tre già giáo xứ Tân Hưng.
Trong dịp long trọng này, không gì ý nghĩa hơn là cùng nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của xứ đạo mình, quê hương tinh thần của mình như một sự biết ơn để cùng học hỏi noi theo. Đó chính là nét văn hóa ngàn đời vậy.
Xin được cùng với cộng đoàn Dân Chúa để dâng lời tạ ơn về ngày được nhận lãnh Bí tích Thêm sức của 88 thành viên của giáo xứ Tân Hưng Xóm Mới.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông