Giáo xứ Thánh Linh: Tăng Nhơn Phú xưa và nay
I. Ngày hội của giáo xứ
WGPSG -- Ngay từ sáng sớm, bầu khí giáo xứ Thánh Linh nhộn nhịp khác thường, từ trong khuôn viên thánh đường đến địa bàn chung quanh: mọi người đang nô nức chuẩn bị đón Đức Cha Phêrô, GM Phụ tá Giáo phận Tp. HCM, về ban Bí tích Thêm sức cho gần 100 em trong giáo xứ. Niềm vui được tăng thêm vì có thêm một số em được rước lễ lần đầu trong dịp này.
Để có được kết quả hôm nay, trước hết là do sự nhiệt tâm của cha xứ, nguời đã hy sinh quên mình, không ngại gian nan, không quản vất vả để lo cho đoàn chiên. Thứ đến là công ơn của các anh chị giáo lý viên, những người đã cống hiến thời giờ, tâm huyết để tận tình hướng dẫn các em trong suốt thời gian dài. Và không thể không nói đến các bậc cha mẹ, những người đã đồng hành, khích lệ con em mình, cộng tác với chủ chăn để giúp các em đào sâu đức tin cũng như thực hành việc sống đạo một cách thực tiễn hơn.
Càng lúc, khung cảnh trong khuôn viên thánh đường càng nhộn nhịp hơn: người từ khắp nơi trong giáo xứ quy tụ về; các em thiếu nhi trong hàng ngũ chỉnh tề để đón Đức Cha; giáo dân ổn định chỗ ngồi dọc theo hành lang nhà thờ (nhà thờ không đủ chỗ).
Thánh Lễ được cử hành vào lúc 7g00, nhưng Đức Cha đã đến sớm hơn để có thời gian thăm hỏi giáo xứ và chuẩn bị tâm hồn trước khi cử hành Phụng vụ.
Đúng 7g00, Đức Cha và các cha đồng tế tiến vào nhà thờ trong tiếng hát rộn ràng, giữa cộng đồng Dân Chúa. Sau lời mở đầu, Đức Cha bắt đầu cử hành Thánh Lễ.
Trong phần giảng, Đức Cha nói đôi lời khích lệ các em. Ngài đưa ra những câu hỏi cho các em chuẩn bị rước lễ lần đầu và ngài hài lòng với những câu trả lời đơn sơ của các em. Rồi qua những gợi ý cụ thể, bằng những giải thích đơn giản, Đức Cha hướng dẫn các em (và cả cộng đoàn) đi vào trọng tâm của Bí tích Thánh Thể và Thêm sức. Ngài dùng cả tiếng hát “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi…” để làm cho lời giảng của ngài thêm sống động. Ngài không quên nói đôi lời với cộng đoàn để nhắc nhở mọi người quan tâm hơn đến việc giáo dục đức tin và đời sống đạo đức cho con em mình; đồng thời ngài khuyến khích giáo dân cộng tác tích cực với cha xứ trong việc này.
Nghi thức ban Bí tích Thêm sức được cử hành rất trang trọng và trật tự. Từ đây Ấn Tín Chúa Thánh Thần đã đóng dấu trong tâm hồn các em; ước gì các em luôn là chứng nhân sống động của tình yêu Chúa để loan báo Tin Mừng một cách cụ thể trong xã hội hôm nay.
Trong phần Hiệp Lễ, các em rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu được dành cho một sự quan tâm đặc biệt. Chắc chắn hôm nay sẽ để lại một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn thơ bé của các em.
Thánh Lễ kết thúc với Phép lành trọng thể của Đức Cha cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa. Sau đó, vị đại diện giáo xứ dâng lời cám ơn Đức Cha, cha xứ, cha khách, các anh chị giáo lý viên và mọi người đã cộng tác trong việc tổ chức Thánh Lễ hôm nay. Một lời thật hay: “Trong muôn ngàn vẻ đẹp, có vẻ đẹp của lòng biết ơn” có thể tóm gọn tâm tình tri ân của mọi người đối với nhau.
II. Lược sử giáo xứ Thánh Linh
Giáo xứ Thánh Linh tọa lạc tại Phường Tăng Nhơn Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Nhìn ngắm ngôi thánh đường khang trang, khách thập phương tự hỏi: Giáo xứ này bắt nguồn từ đâu? Quá trình hình thành của giáo xứ thế nào? Tình hình hiện nay của giáo xứ ra sao? Khi đặt câu hỏi, ai cũng mong được lời giải đáp. Sau đây là đôi nét rất khái quát về giáo xứ Thánh Linh, mong trả lời được một phần những câu hỏi trên.
1. Sự khai sinh của giáo xứ
Vào khoảng năm 1965, một số giáo dân đến lập cư tại vùng Tăng Nhơn Phú. Vì nhu cầu tôn giáo, họ đã làm hai nhà nguyện: một cho họ đạo Tăng Nhơn Phú, một cho họ đạo Thánh Tâm.
Năm 1971, giáo dân thuộc họ đạo Tăng Nhơn Phú, khoảng 700 người, đã góp công sức để xây dựng một nhà nguyện khang trang hơn.
Năm 1972, họ đạo Tăng Nhơn Phú được chính thức nâng lên hàng giáo xứ với tên gọi mới: Giáo xứ Thánh Linh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của cha xứ Henri Nguyễn Xuân Xuyên (1972-1975), giáo xứ Thánh Linh bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Tuy nhiên, sự xây dựng giáo xứ gặp trở ngại vì thời cuộc và vì hai lần thay đổi chủ chăn trong thời gian quá ngắn: cha Phêrô Nguyễn Văn Châu (1975-1977) và cha cha Đaniel Nguyễn Thăng Cao (1977-1980).
Năm 1980, cha Phaolô Đỗ Quang Chí được bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ Thánh Linh. Cũng trong năm này, họ đạo Thánh Tâm tách rời khỏi giáo xứ Thánh Linh.
Năm 1999, giáo xứ khởi công xây một ngôi thánh đường mới để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của giáo dân; đến năm 2003, giáo xứ khánh thành ngôi thánh đường mới này.
Năm 2007, một lần nữa giáo xứ được đón chủ chăn mới, cha Vinh Sơn Phạm Văn Tính. Hai năm, một thời gian chưa đủ dài để có thể hình thành một mô hình giáo xứ hợp với hoàn cảnh hiện nay như lòng vị chủ chăn mong ước. Tuy nhiên, ngài đang nỗ lực mở ra một hướng giáo dục đức tin mới, không những cho thiếu nhi, thanh thiếu niên, mà còn cho cả các bậc cha mẹ nữa. Ngài mời gọi mọi thành phần trong giáo xứ cộng tác chặt chẽ với ngài trong việc xây dựng giáo xứ, với sự quan tâm đặc biệt đến chiều kích tâm linh. Việc này được thể hiện qua sinh hoạt của các đoàn thể trong giáo xứ, nhất là đoàn Thiếu nhi Thánh Thể.
2. Số giáo dân và các hội đoàn
Hiện nay giáo dân trong giáo xứ khoảng 3.000 người; một số không nhỏ đã gia nhập các hội đoàn trong giáo xứ:
Giáo xứ có 4 ca đoàn, Hội Lêgiô, Hội Đức Bà Phù hộ các tín hữu, Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Hội Sinh viên Công giáo, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể.
Đặc biệt, còn có Hội Đồng Mục vụ, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa, giáo lý viên là những người đang sát cánh với cha Vinh Sơn trong việc điều hành và phục vụ giáo xứ.
3. Những khó khăn hiện tại
- Về cơ sở vật chất
Giáo xứ rất mừng vì có được ngôi thánh đường khang trang, thoáng mát để làm nơi quy tụ dân Chúa, cử hành phụng vụ. Nhưng với việc tăng dân số, nhà thờ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Hiện nay, giáo xứ chưa có nhà xứ, phòng giáo lý, phòng hội; bãi giữ xe chưa đủ chỗ.
- Về nhân sự
Việc tìm người cộng tác trong lãnh vực đào tạo đức tin không dễ. Đa số vì việc học, vì mưu sinh nên không có thời gian dành cho công việc đòi hỏi phải hy sinh cả thời giờ lẫn năng lực.
Do đó, giáo xứ phải xin sự hỗ trợ của các tu sĩ Dòng Phanxicô trong việc dạy giáo lý cho các em.
- Về quan điểm
Hiện nay, nhiều cha mẹ chú trọng quá nhiều vào việc đầu tư kiến thức cho con cái, nhưng lại lơ là việc giáo dục đức tin, ít quan tâm đến đời sống tâm linh của con em mình.
Về phần các em, do dành quá nhiều thời giờ cho các môn học, nên không còn năng lực để trau dồi những gì cần thiết cho việc sống đạo.
4. Hướng về tương lai
Tuy có những trắc trở về nhiều phương diện, nhưng cha xứ, Hội đồng Mục vụ và những cộng tác viên nhiệt thành trong giáo xứ Thánh Linh, đang sát cánh cùng nhau tìm giải pháp vượt qua những khó khăn về vật chất, cũng như nỗ lực hình thành một đường hướng giáo dục đức tin có thể đem lại hiệu quả trong bối cảnh hôm nay.
Ước mong rằng, những hạt giống hôm nay được gieo vãi trên cánh đồng giáo xứ Thánh Linh sẽ gặp được những mảnh đất tốt, để mỗi hạt có thể sinh ba mươi, sáu mươi, một trăm…
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông