Giáo xứ Thị Nghè: Thay đổi phương thức "Lễ đèn - Ngắm đứng"
MỘT PHƯƠNG THỨC ĐẠO ĐỨC GIÁ TRỊ
Trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam, Giáo Hội đã vận dụng một cách tự nhiên và tinh tế nhiều lọai hình văn hóa dân tộc để diễn tả niềm tin Kitô-giáo, ví dụ: Lễ đèn hay Ngắm đứng, Ngắm 15 sự Thương khó của Chúa Giêsu.
Lễ đèn (theo cách nói của miền Nam) hay Ngắm đứng , Ngắm 15 sự Thương khó của Chúa Giêsu (theo các nói của miền Bắc) là một hình thức đạo đức bình dân sử dụng các làn điệu ca ngâm riêng của từng vùng – miền hầu chuyển dịch chương đoạn Tin Mừng nói về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Đây là công trình rất sáng tạo của các thừa sai, các linh mục bản xứ và cộng đoàn dân Chúa trong bối cảnh Tin Mừng chỉ được đọc bằng cổ ngữ La tinh, chưa được dịch sang tiếng Việt. Hình thức “nguyện ngắm” như thế vừa giúp tín hữu tiếp cận với một chương đọan Tin Mừng quan trọng, vừa suy gẫm, đọc kinh cầu nguyện một cách sốt sắng thông qua hình thức diễn ngâm bản địa phù hợp với khẩu vị của người giáo dân.
Xúc cảm của người diễn ngâm cũng là một công cụ chuyển tải, lan tỏa tình cảm đạo đức, rất chân thành và rất nhanh. Thêm vào đó, hình ảnh Thánh giá vắt khăn tang, ngọn nến ánh đèn lung linh, tiếng trống, tiếng mõ vang từng tiếng trong không gian vắng lặng ... cũng dẫn đưa người tín hữu vào cuộc tử nạn đau khổ và thánh thiêng bằng hiệu ứng hình ảnh và âm thanh rất phù hợp. Để nâng cao hiệu quả của hình thức đạo đức này, nhiều nới đã sử dụng “con dao hai lười” là thi ngắm đứng ... Chúng ta không thể trình bày hết ưu điểm của Lễ đèn hay Ngắm đứng trong khuôn khổ bài biết này.
MỘT THỰC TRẠNG
Thế nhưng, có một ai đó nói rằng “nếu cứ đem cái tốt của hôm qua để thực hiện cho hôm nay thì chưa chắc đã là tốt!”
Vào những năm cuối thế kỉ XX, giáo xứ Thị Nghè vẫn nghiêm chỉnh giữ gìn truyền thống cử hành Lễ đèn (Ngắm đứng). Những khó khăn, bất cập bắt đầu bộc lộ.
1. Thời gian : trong tam nhận Thánh , cộng đoàn bắt đầu “ngắm 15 sự thương khó” từ 05 giờ sáng, và kết thúc vào lúc 6giờ 30 ; người tín hữu thường không thể tham dự đầy đủ vì còn phải chuẩn bị đi làm cho kịp giờ; sau đó, giáo xứ phải thích nghi với thời giờ của giáo dân, nên mỗi ngày chỉ ngắm 5 ngắm, đồng thời giảm bớt số kinh đọc sau mỗi ngắm.
2. Sự khác biệt về nguồn gốc quê hương của tín hữu : Từ xa xưa, Thị Nghè là một vùng đất “giang hồ tứ chánh” tụ hội. Nay, Thị Nghè vẫn là nơi qui tụ người dân từ mọi miền đất nước. Cơ bản là giáo dân gốc miền Nam, có thêm đông đảo giáo dân gốc miền Bắc – thuộc nhiều giáo phận – và một số ít giáo dân gốc miền Trung. Giáo xứ chọn phương án “dĩ hòa vi quí”, làm phép cộng các làn điệu diễn ngâm. Ai biết “ngắm” theo cách thức của giáo phận nào, thì cứ “ngắm” theo giáo phận đó. Vậy nên, người giáo dân gốc miền Nam không “nghe” được làn điệu luyến láy của người Hà Nội. Người Hà Nội không “thưởng thức” được cách “ngắm” của người Bùi Chu. Người Phát Diệm không “hiểu” người miền Trung “nói’ gì ! Cách “gẫm” của người miền Nam đơn giản, dễ nghe, thì lại bảo là suôn đuột.
3. Khó tìm người kế thừa : Giáo xứ may mắn có một Cha Sở rất giỏi nhạc , hát hay, gẫm rất truyền cảm . Nhưng nhìn chung, trong giáo xứ , những người “gẫm” hay, “ngắm” giỏi hiếm dần. Nhân tài như lá mùa thu. Thôi thì ai biết gẫm, biết ngắm thì cứ mạnh dạn tham dự sinh hoạt chung. Giới trẻ cũng có dăm ba người bạo gan “tầm sư học gẫm” , làn điệu, cung giọng còn vấp váp, nhưng “thiện chí” là chính.
4. Sự thay đổi thị hiếu âm nhạc : Cuộc sống đô thị dồn dập, khiến cho cảm thức nghệ thuật của con người cũng thay đổi. Những cung bậc thanh âm trầm lắng, chậm rãi của văn hóa nông nghiệp dần dần mất chỗ đứng. Các thể loại nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương và các “di sản” như ca trù phải hết sức đổi mới mình để tồn tại. Các làn điệu “gẫm”, “ngắm” cũng không thoát ra khỏi qui luật đó. Lơp trẻ không cảm thụ được với cung bậc truyền cảm của người xưa , không hiểu người “gẫm”, người “ngắm” đang đọc gì , nếu không nắm bắt được một vài từ là chìa khóa của chặng đường Thương khó đang suy gẫm ! Số người dự “Lễ đèn” toàn là người cao niên, và thưa dần, thưa dần. ...Trong lúc đó, các làn điệu thánh ca đương đại rất đa dạng và thích hợp với khẩu vị nghệ thuật của người giáo dân hôm nay thì không sử dụng đến. ...
5. Sự tiếp cận Thánh kinh của giáo dân dễ dàng hơn trước : Ngày nay, trình độ văn hóa của người giáo dân được nâng cao hơn, họa hiếm mới có người mù chữ. Số người thường xuyên trực tiếp đọc Thánh Kinh ngày một nhiều hơn. Các tài liệu nghiên cứu , tìm hiểu, diễn giải Kinh Thánh cũng phong phú hơn. Việc tiếp cận Thánh Kinh gián tiếp qua hình thức “gẫm, ngắm” , vì vậy, không còn hấp dẫn với giáo dân giáo xứ Thị Nghè.
THAO THỨC MỘT HƯỚNG ĐI MỚI
Vấn đề thay đổi phương thức tổ chức “Lễ đèn – ngắm đứng” được đưa ra bàn bạc giữa Cha Sở và Hội đồng mục vụ giáo xứ. Cha Sở yêu câu Hội đồng mục vụ giáo xứ đề xuất một phương thức mới hợp lí và khả thi.
Đến năm 2007, giáo xứ có một Cha phụ tá mới. Vấn đề lại được đặt ra. Mọi người xác định tính chất cơ bản của “Lễ đèn – ngắm đứng” là diễn đọc và cầu nguyện, suy gẫm Tin Mừng về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Vậy thì tổ chức đọc Tin Mừng như thế nào để không trùng lặp với cách đọc phân vai và cách hát bài Thương khó trong Tuần Thánh? Phương thức suy niệm đối với người tín hữu hôm nay cũng không phải là quá khó khăn. Được sự đồng ý của Cha Sở, Cha Phụ tá nhờ các soeurs Dòng Thánh Phaolô chuẩn bị Nội dung suy niệm Cuộc Thương khó của Chúa trong ba buổi sáng Tam nhật Thánh với thời lượng vừa phải.
Nội dung đọan Tin Mừng và suy niệm phù hợp với nghi thức phụng vụ cử hành trong từng ngày : thứ năm, thứ sáu và thứ bảy Tuần Thánh. Các soeurs và các thầy Dòng Thánh Tâm và một số tín hữu đọc đọan Tin Mừng một cách chậm rãi và truyền cảm theo lối phân vai, kết hợp với việc sử dụng đèn chiếu để giúp người tín hữu vừa nghe, vừa nhìn , hầu đạt hiệu quả tiếp nhận cao hơn. Xen kẽ là những giây phút suy niệm, thinh lặng và những bài Thánh Ca hiện đại trầm lắng, tha thiết. Khung cảnh Cung Thánh vẫn là khung cảnh Thương khó theo qui định của phụng vụ. Chẳng hạn, buổi suy niệm sáng thứ bảy Tuần Thánh diễn ra giữa hình ảnh Thập giá vươn cao và tượng Chúa Giêsu chịu chết mang lại hiệu quả cảm xúc trào dâng ...
Lần thử nghiệm này được giáo dân đón nhận tích cực. Rất mừng . Không có tiếng phê phán vì sự “liều lĩnh” dám phá vỡ một truyền thống. Có giáo dân hoan hỉ nhận xét : “Năm nay, với hình thức suy niệm này, chúng con được no đầy ân sủng của Chúa”. Năm thứ hai, phương thức suy niệm này hoàn chỉnh hơn.
Và năm nay, 2010, giáo xứ Thị Nghè tiếp tục “Lễ đèn- Ngắm đứng” theo phương thức mới, có đôi nét hao hao giống hình thức cầu nguyện theo Cộng đòan Taizé. Chúng tôi nghĩ rằng đây là phương thức suy niệm phù hợp với cộng đoàn tín hữu trong một thành phố năng động. Giáo xứ Thị Nghè là một giáo xứ đã hình thành trên 220 năm, một giáo xứ rất coi trọng truyền thống, nhưng cũng không dừng lại trong một hình thức cố định và nhất định của truyền thống.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông