Gx. An Nhơn: Mừng kính Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, bổn mạng HĐMVGX

Gx. An Nhơn: Mừng kính Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, bổn mạng HĐMVGX

WGPSG -- Vào lúc 18g00 ngày 14/02/2011, Hội đồng Mục vụ giáo xứ An Nhơn đã long trọng mừng lễ bổn mạng - thánh Phaolô Lê Văn Lộc linh mục.

Trước Thánh lễ, cha chánh xứ Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chủ tế, đã giới thiệu với cộng đoàn quý cha là nguyên chánh xứ, phụ tá của giáo xứ trong các thời kỳ trước, gồm cha Trần Phương Phy, cha Đinh Châu Trân, cha Bình, cha Hiệp, cha Vũ, riêng cha Nguyễn Ngọc Tân (vì bận công việc mục vụ nên không đến được). Các ngài đã chia sẻ đôi lời cùng cộng đoàn giáo xứ.

Sau phần giới thiệu, quý cha và cộng đoàn đã cùng xem một video clip ghi lại quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ.

Đúng 18g30, hòa chung lời ca của ca đoàn Hiền mẫu, quý cha đồng tế và HĐMV/GX đã rước kiệu tượng và xương thánh cha Lộc từ cuối thánh đường lên cung thánh.

Trong bài giảng, cha xứ đã nêu lên những đóng góp to lớn của các vị tiền nhiệm, trong đó Dòng Đaminh có cha Giuse Đinh Châu Trân (Giám tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam) được cố Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm về phụ trách giáo xứ, ngài đã xây dựng tượng đài Đức Mẹ, tượng đài Thánh Martin và Thánh Tử đạo Việt Nam Phaolô Lê Văn Lộc. Cha xứ cũng không quên tri ân các vị cựu viên chức và quý vị ân nhân đã hết lòng phục vụ giáo xứ trong các nhiệm kỳ qua.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha chánh xứ có lời cám ơn quý cha, quý vị HĐMV/GX và cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, các em thiếu nhi đã lên tặng quý cha những bó hoa tươi thắm.

Sau phép lành cuối lễ, quý cha và cộng đoàn đã đến đền thánh Phaolô Lê Văn Lộc niệm hương.

Buổi lễ kết thúc, quý cha, quý tu sĩ và Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã dùng chung bữa cơm huynh đệ tại sân nhà thờ.

Tiểu sử thánh Phaolô Lê Văn Lộc, linh mục Tử đạo (13/02/1859)

Thánh Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1831 tại làng An Nhơn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh ).

Thân phụ là ông Lê Kim Ngân và thân mẫu là bà Võ Thị Tây, đã lần lượt qua đời lúc ngài mới 10 tuổi. Ngài được cha Lợi đưa về nuôi, sau đó được cha Phước ở Chợ Quán dạy học, rồi gởi đi học ở Tiểu Chủng viện Cái Nhum một năm.

Năm 1843 sau khi được học và giúp Đức cha D. Lefèbre một năm, trong lúc ngài đang phải trốn ở Cái Nhum, ngài được cử đi du học tại Chủng Viện Poulo-pinang (Mã Lai), một Chủng viện do Hội Thừa sai Paris (M.E.P) thiết lập để đào tạo linh mục cho vùng Đông Nam Á.

Trong 7 năm học, thì 3 năm đầu ngài thường bị bệnh, việc học bị gián đoạn. Bốn năm cuối, sức khỏe có khá hơn nên việc học cũng tốt, được xếp hạng 3/26, được đánh giá là hiền lành đạo đức, một chủng sinh trung bình không có gì đặc biệt xuất sắc.

Năm 1850, thầy Phaolô Lê Văn Lộc trở về Sài Gòn và tiếp tục học thêm với cha Lợi. Nhưng vì sức khỏe yếu nên phải về nhà người anh ruột ở An Nhơn nghỉ 1 năm, sau đó được cử đi dạy học ở Tiểu Chủng viện Thủ Đức, sau này chuyển về Thị Nghè.

Ngày 07-02-1857, thầy Phaolô Lê Văn Lộc lãnh nhận chức linh mục và được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thị Nghè (nay là Đại Chủng viện Thánh Giuse).

Cuối năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, tình hình cấm đạo gay gắt ở nhiều nơi, nhưng ở miền Nam vẫn còn dễ dàng hơn, Tiểu Chủng viện cũng còn hoạt động đôi chút nhưng phải di chuyển nhiều nơi, lúc ở Lái Thiêu khi thì ở Cái Nhum, khi thì ở Thị Nghè v v… và cũng chỉ được thêm một thời gian ngắn rồi Tiểu Chủng viện cũng phải giải tán.

Linh mục Lộc dẫn một số chủng sinh trốn chạy, lúc ở nơi này mai chạy nơi khác, không dám ở hẳn nhà giáo dân nào cả. Cuối cùng, ngài bị một người dân tố cáo để lãnh thưởng. Ngày 21/12/1858, ngài bị bắt và bị giam cầm tới 13/02/1959.

Sáng sớm ngày 13/02/1859, khi quân Pháp tấn công vào Sài Gòn (Cần Giờ) thì quân triều đình lật đật dẫn ngài ra chém ở Trường Thi (nay là nhà Văn hóa Thanh Niên, góc Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai). Giáo dân họ Chợ Quán cùng với bà Nở và Tổng Đàn xin lấy thi hài cha đem về chôn cất ở đồng Mật Cật, sau chuyển cốt về Dòng Saint Paul (nhà Trắng).

Cha Phaolô Lê Văn Lộc đã sớm được phúc chịu tử đạo, ngài được phong Chân Phước ngày 02/05/1909 và phong Hiển Thánh ngày 19/06/1988. Hiện xương thánh đang được bảo quản và tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top