Gx. Bắc Dũng: Lễ hội quà tặng tình yêu
WGPSG -- “Hôm nay chúng ta cử hành một đám cưới tập thể lần thứ 2. Xin tạ ơn Chúa đã trao cho chúng ta người chồng, người vợ. Chúng ta dâng Thánh lễ này để cầu nguyện cho các đôi vợ chồng đang hiện diện nơi đây, cầu nguyện cho các đôi vợ chồng trong giáo xứ và cầu nguyện cho tất cả các đôi vợ chồng trên toàn thế giới”. Đó là lời của cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, chính xứ Bắc Dũng, phát biểu trong Thánh lễ mừng ngày Valentine vào tối thứ Hai 14/2/2011.
Khung cảnh thơ mộng
Chúng tôi có mặt tại Bắc Dũng khi ban tổ chức lễ hội đang tiếp đón những vị khách đầu tiên. Khuôn viên nhà xứ hôm nay được trang trí ấm cúng và lịch sự: những đèn trang trí và những phông hình, những bàn ghế trải khăn hồng có ánh nến lung linh khiến chúng tôi liên tưởng tới lễ cưới và dạ tiệc. Hầu như ai cũng mặc đẹp và trang điểm lại như trong ngày cưới, họ khoác vai nhau trông tình tứ như những phim dạ hội ở nước ngoài.
Trả lời câu hỏi về ý tưởng và quá trình chuẩn bị lễ hội, cha Vinh Sơn cho biết: “Giáo xứ muốn thánh hoá ngày Valentine và muốn dành riêng ngày này cho các gia đình”.
Sống lại tình yêu
Trong bài giảng, với giọng hùng hồn mạnh mẽ, cha Vinh Sơn làm mọi người thích thú lắng nghe. Chúng tôi ghi lại một vài ý chính trong bài giảng:
Theo dự tính ban đầu, giáo xứ sẽ tổ chức một lễ hội cho những người đã và đang yêu nhau. Nhưng hiện diện nơi đây đều là các cặp vợ chồng nên ban tổ chức đã chuyển thành lễ “cưới lần hai” cho toàn thể anh chị em.
Ở ngoài đời nhắc đến Valentine, người ta chỉ nghĩ đến quà tặng cho nhau, trong khung cảnh ấm áp này, chúng ta tặng cho nhau món quà tình yêu. Vậy món quà đó như thế nào? Chồng chính là quà tặng của vợ và vợ chính là quà tặng của chồng và cả hai đều là quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi người hãy tạ ơn Chúa đã dựng nên vợ cho chồng và dựng nên chồng cho vợ. Tình yêu vợ chồng tuy là quà tặng đến từ Thiên Chúa, không phải là sáng tạo của mỗi người, nhưng chúng ta phải đóng góp phần mình vào để làm cho nhau hạnh phúc. Trên ngực áo mỗi người được ban tiếp tân cài cho một hình trái tim, vợ chồng cùng nhìn vào đó để suy nghĩ làm sao cho trái tim mình hoà nhịp đập với trái tim người bạn đời. Hôn nhân xuất phát từ Thiên Chúa nhưng vợ chồng luôn phải kiến tạo hạnh phúc cho nhau.
Đặc tính khác của hôn nhân là phải quan tâm, phải đón nhận và phải hy sinh cho nhau. Có thể nói cội rễ của mọi khó khăn là không biết hy sinh, không chịu hy sinh. Lối sống thực dụng của thời đại luôn kéo theo thói ích kỷ cố hữu, xin hãy yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu yêu chúng ta đến tận cùng bằng cái chết trên Thập Giá. Khi chiêm ngắm Thập Giá là chúng ta chiêm ngắm đỉnh cao của tình yêu.
Theo thời gian, tình yêu lãng mạn những ngày mới cưới thường bị cuộc sống cơm áo gạo tiền biến thành bổn phận. Khá nhiều anh chị em than phiền với các cha xứ là họ sống với nhau chỉ vì bổn phận, vì thề hứa, vì không được chia ly. Đêm nay, lúc này đây, vợ chồng mỗi người cùng sát vai nhau, quan tâm đến nhau, cùng hát thánh ca- tình ca với nhau để cùng nhau sống lại tình yêu thuở ban đầu. Ngày “người anh m” chịu chức linh mục, nào đâu cảm nhận được ý nghĩa ca từ các bài hát vì còn bồi hồi xúc động và còn “lo ra” nhiều chuyện khác. Tôi nghĩ quý ông bà anh chị trong ngày thành hôn của mình cũng chưa cảm nhận hết ý nghĩa những bài hát mà chúng ta sắp hát lại với nhau nơi đây. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người chúng ta.
Đêm tình yêu
Thánh lễ kết thúc lúc 19g40, tiếp theo là phần lễ hội.
Rượu bắt đầu được rót ra để trên khán đài, mỗi cặp vợ chồng cùng nắm tay nhau tiến lên nhận một ly và khi cha Vinh Sơn tuyên bố khai mạc, các cặp vợ chồng bắt đầu kề môi uống chung. Không khí bắt đầu nhộn nhịp dần.
Khi “MC” GB. Đoàn Văn Sơn đọc ý nghĩa và tiểu sử ngày Valentine (Xin xem bài trên trang web: Lễ hội "Tình yêu" tại giáo xứ) thì nhiều vòng tròn lớn nhỏ dần được hình thành. Mọi người cùng nắm tay nhau vui vẻ hát những bài cộng đồng, sau đó tản riêng ra từng cặp để hát bài “Chiều hôm nao tiếng hát bay cao, quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời. Rồi mai đây kiếp sống có đôi…”. Mọi người có thể đến quầy thức ăn tự chọn, do các hiền mẫu phục vụ, để lấy những món ưa thích như mì xào, bánh mặn hay ngọt, trái cây, rượu nho, cà phê… đem về bàn thưởng thức trong khi xem múa hát.
Vợ chồng các anh chị Hồng Đô - Bạch Tuyết, Ngọc Long - Quỳnh Như, Lê Hùng - Nguyễn Kim đã đăng ký lên khán đài trả lời câu hỏi về cách ứng xử trong đời sống gia đình. Câu hỏi là:
a. Anh chị dung hoà như thế nào về sự khác biệt cá tính của mình?
b. Việc giáo dục con cái trong thời đại @ có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ngồi ở dưới theo dõi, mọi người thấy bóng hình của mình của vợ chồng con cái mình ẩn hiện nơi các câu trả lời của họ. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, tương thân đến tương đồng...
Sau phần trao quà kỷ niệm cho 3 gia đình tham dự phần trả lời câu hỏi ứng xử là phần hát tình ca có thưởng. 5 cặp gia đình lần lượt lên biểu diễn những nhạc phẩm trữ tình được nhiều người yêu thích:
“…Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật… thiết tha như yêu lần đầu anh sẽ yêu em dài lâu/ Em ơi lâu đài tình ái đó chắc không có trên trần gian, anh đưa em bằng tiếng hát …/ Như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân, dù gương xưa không được lau soi lấy bóng dáng ban đầu…/ Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau, dường phố ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau…./Một ngày lại đến trái tim ta chợt buồn, không cần biết em là ai không cần biết... Hai nhạc phẩm khác không chấm điểm do các ca trưởng và cha xứ phối hợp trình bày: Ngày Tân hôn và Ông trăng xuống chơi.
Sau màn khiêu vũ của những cặp đôi ưa thích, đêm tình yêu chuyển qua phần toạ đàm với hai gia đình ông bà cố Châu và anh chị Hướng - Minh ,anh Hướng bên ngành giáo dục và chị Minh bên ngành y tế. Tuy anh chị vừa đi dạy thêm vừa có phòng mạch riêng nhưng hai người vẫn dành cho nhau thời gian riêng qua các bữa cơm chung, những buổi kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, và điện thoại cũng giúp anh chị thăm hỏi nhau thường xuyên... Ông cố Châu cho rằng vì gia đình hay hát thánh ca mà có con làm linh mục, bà cố cho rằng mẹ chồng cần vui vẻ chấp nhận, khoan dung và tôn trọng con dâu, là người do con mình chứ không phải mình lựa chọn. Chúng tôi thấy nhiều người bên dưới vừa nghe toạ đàm vừa thủ thỉ tâm sự bên nhau…
Mọi người đã cảm động khi xem một đoạn video clip kèm theo một bài thơ minh họa. Sau đó, cha đã ban Phép Lành cho mọi người trước khi ra về. Bài hát “Kinh hòa bình” được cất lên, các đôi vợ chồng dìu nhau trở về nhà, khung cảnh lễ cưới ngày nào như tái hiện lại dưới ánh trăng đêm nay.
Cầu chúc đêm tình yêu này sẽ tiếp tục đọng lại nơi mỗi người và sẽ là động lực giúp mỗi người vượt qua những khó khăn thử thách trong đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình sẽ triển nở, để tình thân, tình huynh đệ giữa mọi người trong giáo xứ ngày càng gắn kết, và trở nên cộng đoàn tình thương thật sự.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông