Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật I Mùa Vọng năm B
Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B
(Mc 13, 33-37)
Phải Tỉnh Thức và Sẵn Sàng
33 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”.
Bài chia sẻ
I. Mùa Vọng là gì?
Mùa Vọng (xưa kia còn gọi là Mùa Át), tiếng Latinh là Adventus, do bởi động từ Advenire có nghĩa là “đến hay đến gần”. Mùa Vọng có hai đặc tính:
1. Đặc tính thứ nhất:
Chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, mừng Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể làm người để thực hiện một phẩm tính của Thiên Chúa là thân cận yêu thương loài người một cách cụ thể nhất và cũng để cứu chuộc loài người khỏi thân phận đổ vỡ ân sủng ân nghĩa với Thiên Chúa do tội nguyên tổ và tội riêng của mỗi người, cho họ thoát thân phận kẻ chết, bước vào thân phận của con người sống, sống trong ân sủng. Cuộc giáng lâm lần thứ nhất này cũng được gọi là cuộc giáng lâm ân sủng, sự giáng lâm lịch sử tại Bêlem.
Đây không phải là việc mừng mang tính kỷ niệm nhưng là mừng Mầu nhiệm Nhập Thể đã khởi sự tại Bêlem và vẫn đang hiện thực liên lỉ mọi thời. Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến và vẫn đang tiếp tục đến với con người chúng ta. Một số tác giả còn gọi tính liên tục và hiện thực này là cuộc giáng lâm mầu nhiệm. Đó là sự Ba Ngôi Thiên Chúa đến cư ngụ trong tâm hồn người công chính bằng ân sủng thánh hóa : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14, 23).
2. Đặc tính thứ hai:
Mùa Vọng còn hướng con người chúng ta tới ngày Quang lâm, ngày Cánh chung (cũng gọi là Giáng lâm lần thứ hai).
Theo căn ngữ, Cánh chung “Ta Eskhata” là những sự sau cùng. Từ ngữ này ám chỉ sự tận cùng, tức ngày chết của con người. Đây là ngày Cánh chung của cá nhân. Từ Cánh chung cũng ám chỉ sự tận cùng của thế giới, ngày Cánh chung tập thể, tức là ngày phán xét chung (Mt 25, 31-46).
II. Sống Tinh Thần Mùa Vọng:
Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, làm người cư ngụ giữa chúng ta. Ngài đã yêu thương cứu độ loài người bằng cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang. Chúa Kitô vinh quang vẫn tiếp tục ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài vẫn liên lỉ thực hiện cuộc giáng lâm mầu nhiệm bằng ân sủng thánh hóa.
- Mỗi người Công giáo chúng ta phải đón gặp được Đức Kitô, nghe và giữ lời Ngài để Ba Ngôi Thiên Chúa đến cư ngụ trong chúng ta.
- Mỗi người Công giáo chúng ta, bằng sự sửa soạn mình xứng đáng là sứ giả Tin Mừng, bằng sự dọn mừng lễ Giáng sinh bên ngoài , hô vang lên cho mọi người biết Đức Kitô và gặp gỡ được Đức Kitô.
Ngày Cánh chung của cá nhân (ngày chết của mỗi người) hay ngày Cánh chung tập thể (ngày tận thế, ngày phán xét chung) sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ vào giờ chúng ta không biết. Đức Kitô cảnh báo cho chúng ta phải canh thức:
“Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (Mc 13, 34).
Khi lãnh Bí tích Rửa tội, con người được tác thánh bằng chính cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, được xức dầu hiến thánh nên chi thể của Đức Kitô. Mỗi tín hữu phải để cho Thiên Chúa tiếp tục tác thành bằng các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải, nuôi dưỡng chúng ta càng ngày càng lớn mạnh bằng Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.
Được trở nên chi thể của Đức Kitô trong Hội Thánh, sứ mạng của Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta, công việc của Chúa Kitô là công việc của chúng ta. Xin cho mỗi tín hữu chúng ta luôn là những tôi tớ trung tín và khôn ngoan, rất mực cần mẫn thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng và dâng mình làm khí cụ để Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc mọi người.
Linh mục Chánh xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông