Gx. Đaminh Ba Chuông: Nén hương thảo hiếu đầu xuân
Trong niềm hân hoan của những ngày đầu Xuân năm mới, theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội Việt Nam ngày mồng 2 Tết được dành để kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ, tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Đó là truyền thống đạo đức đáng trân trọng của dân tộc nói chung và với người Kitô hữu nói riêng. Đó cũng là một cách thể hiện chữ hiếu của con người.
Trong tâm tình đó, hôm nay ngày mồng 2 Tết Tân Mão (04.02.2011) các thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Đaminh - Ba Chuông đều được cử hành để kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ, cầu cho các bậc sinh thành dưỡng dục, những người còn sống cũng như những vị đã qua đời.
Riêng thánh lễ thứ hai được cử hành long trọng tại Từ đường Phục sinh của giáo xứ vào lúc 6 giờ sáng. Trước giờ lễ, đông đảo giáo dân, những người có hài cốt thân nhân đang an nghỉ trong Từ đường này đã đến viếng thăm và cầu nguyện. Bước vào Từ đường, khói hương ngào ngạt hòa quyện với những lời kinh thành tâm cầu nguyện cho người thân, cho các linh hồn. Một bầu khí linh thiêng và sống động nói lên sự hiệp thông giữa các thành phần trong Hội Thánh.
Đúng 6 giờ, trong tiếng hát êm đềm nhẹ nhàng của Ca đoàn Cêcilia, đoàn đồng tế tiến ra Bàn thờ. Cha chủ tế đại diện cộng đoàn niệm hương kính nhớ tổ tiên ông bà và cha mẹ cũng như những người đang an nghỉ nơi đây. Hiệp dâng với cha Bề trên Chánh xứ trong thánh lễ này có quý cha, quý tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
Bước vào thánh lễ, cha chủ tế nói lên ý nghĩa của những ngày lễ mùng 2 tết, ngày của lòng hiếu thảo. Cha nhấn mạnh bầu khí thiêng thánh của Từ Đường, nơi hội ngộ linh thiêng giữa người sống và những người đã khuất.
Trong bài chia sẻ sau Tin Mừng, cha Bề trên Chánh xứ đã nêu lên ý nghĩa và cốt lõi của chữ hiếu. Cốt lõi của chữ Hiếu bắt đầu bằng việc tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống. Tưởng nhớ phụng thờ cha mẹ khi qua đời. Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa trong giới răn thứ bốn. Bởi thế, với niềm tin yêu và niềm tri ân hiếu thảo, chúng ta phải nhớ đến các bậc tiền bối kính yêu để báo đáp công ơn các ngài.
Đạo hiếu là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân cũng là thời điểm thuận tiện để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể lý và tâm linh. Người Kitô hữu chúng ta ý thức Đạo Hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ hiếu cũng đồng thời chúng ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong tinh thần yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
Mỗi người Việt Nam đều có một đạo rất gần gũi, đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu. Trong mỗi gia đình người Việt, dù sang hay hèn cũng dành một nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ gia tiên. Ông bà cha mẹ dù có khuất đi nhưng vẫn luôn hiện diện gần gũi với con cháu. Những ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày Tết, gia đình làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên.
Người con hiếu thảo là người con biết đến cội nguồn, nhớ về cội nguồn, vì tổ tiên ông bà cha mẹ là những bậc sinh thành và gây dựng sự nghiệp cho con cháu. Các ngài đã trải qua dòng đời với những công lao vất vả khó nhọc để cho thế hệ con cháu được thừa hưởng. Mặc dầu các ngài đã khuất bóng, nhưng vẫn luôn yêu thương chúng ta và có một mối giây liên kết mật thiết và linh thiêng với chúng ta.
Dựa trên bài trích sách Huấn Ca (bài đọc I), cha chủ tế nói đến các bậc tổ tiên tinh thần trong gia đình nhân loại và gia đình giáo hội, các bậc danh nhân trong xã hội và các thánh nhân trong giáo hội, đã để lại cho chúng ta một truyền thống tốt đẹp để noi theo. Tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng đồng nghĩa với việc phát huy công đức của các ngài, và tích đức để lại cho cháu con.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân, sau thánh lễ, người người gặp gỡ chúc mừng nhau một năm mới an lành, hạnh phúc. Rất nhiều người còn nán lại tại Từ đường để cầu nguyện, viếng thăm nơi an nghỉ của cha mẹ, bạn bè và những người thân yêu.
Tạ ơn Chúa, nhờ tình yêu của Chúa qua mẹ cha, chúng con được hiện hữu trên cõi đời này. Xin Chúa chúc lành cho các bậc tổ tiên ông bà và cha mẹ chúng con. Xin thưởng công bội hậu cho các ngài. Xin ban cho các ngài được dồi dào sức khỏe, bình an, phúc lộc khi còn sống, và được chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng khi được về nhà Cha trên trời.
Xin cho tất cả mọi người biết sống trọn tình hiếu thảo với các bậc Tiền bối. Ước mong những nén hương lòng thảo kính trong ngày đầu Xuân sẽ cháy mãi trong tâm hồn mỗi người hôm nay và mãi về sau.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông