Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Cầu nguyện cho Nhật Bản
WGPSG -- Ngày thứ Năm 31.3.2011, Gx. ĐMHCG, Kỳ Đồng đã tổ chức một buổi cầu nguyện với Thánh lễ trọng thể cầu cho Nhật Bản.
Buổi cầu nguyện bắt đầu lúc 18g30. Mọi người được xem lại trên màn hình rộng, ảnh chụp và những thước phim ghi lại một phần thảm họa kể trên. Vừa coi hình ảnh, vừa nghe thuyết minh, hát thánh ca và dâng lời cầu nguyện.
Được biết ngày 11.3.2011 vừa qua, một trận động đất mạnh 8,9 độ richter và cơn sóng thần cao tới 14m đã xảy ra ở miền Đông Bắc nước Nhật Bản, làm khoảng 25.000 người chết và mất tích và hàng triệu người bị mất tài sản. Một số tỉnh, thành phố bị xóa sổ. Nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima bị rò rỉ, khiến cho phóng xạ hạt nhân đã thoát ra ngoài.
Trước thảm họa khủng khiếp này, cả thế giới bàng hoàng, xúc động. Nhiều nước đã gửi người và các phẩm vật cứu trợ đến Nhật.
Về phía Giáo hội, HĐGMVN đã kêu gọi cầu nguyện và cứu trợ nước Nhật. ĐHY/TGM/GP TP.HCM cũng ra lời kêu gọi cầu nguyện và quyên góp tiền bạc gửi về Caritas giáo phận, để nơi đây gửi tới Caritas Nhật Bản.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ĐHY, giáo xứ ĐMHCG quận 3 Tp. HCM cầu nguyện cho Nhật Bản trong các Thánh lễ hằng ngày và quyên góp được 51.400.000VNĐ và 100USD gửi về Caritas giáo phận.
Khoảng 19g05 Thánh lễ đồng tế trọng thể với 19 cha được cử hành do cha Giuse Cao Đình Trị chủ tế. Cha GB Lê Đình Phương chia sẻ Phúc âm.
Đầu lễ, vị chủ tế kêu gọi mọi người hiệp thông trong lời cầu nguyện cho Nhật Bản và My-an-ma bị thiên tai. Cha nói: Có người đặt câu hỏi: tại sao ông trời giết nhiều người thế, trong đó có những người vô tội, những người tốt. Có người cho rằng: động đất, sóng thần là do trời phạt con người. Nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy thiên tai không tự nhiên mà đến, mà có sự cộng tác của con người cách ý thức hay vô ý thức vào những tai họa đó.
Chúng ta sám hối về tất cả những lỗi lầm đó và xin Chúa thứ tha. Xin Chúa đem đến cho trái đất, cho nhân loại sự bình an, ơn hòa bình. Xin Chúa soi rọi trong cõi lòng chúng ta về những tội lỗi đã phạm đến thiên nhiên, đến lẽ công bằng của mọi người xung quanh, để xây dựng nền hòa bình, bình an trên thế giới.
Trong phần chia sẻ Phúc âm, cha giảng cho biết: mục đích của Thánh lễ hôm nay là cầu nguyện cho các nạn nhân tại Nhật Bản. Đó là điều chúng ta có thể làm để xin Thiên Chúa xoa dịu nỗi đau của nước Nhật. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta nữa.
Qua những hình ảnh mà chúng ta vừa xem thì thấy dù bị động đất, sóng thần tàn phá và mất mát nhiều, nhưng người Nhật đã đối phó một cách bình tĩnh, trong trật tự. Họ xếp hàng theo thứ tự, chờ đến lượt mình lĩnh lương thực, thực phẩm, không chen lấn, không giành giật. Câu chuyện về một em bé 9 tuổi, mới học lớp 3, mà đã có lời nói và hành động vị tha, hy sinh phần lương khô của mình được một người hảo tâm cho, góp vào của chung “cho công bằng, vì có người còn đói hơn em” làm cả thế giới phải cảm phục.
Hồi năm 1995, động đất ở Kolbê tuy bị thiệt hại nặng, nhưng chỉ 3 tháng sau, kinh tế Nhật phục hồi. Có người nhận xét: sau thảm họa này (3/2011), người Nhật sẽ phát triển phần mềm. Vì họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh.
Một nhà báo người Trung Quốc nói: “50 năm nữa, Trung Quốc có thể đứng đầu thế giới về kinh tế. Nhưng 50 năm nữa, người Trung Quốc cũng không thể dạy dân mình có trình độ về nhân bản cao như Nhật hiện nay. Tôi xấu hổ khi mình là con cháu Đức Khổng Tử”.
Người Nhật làm cho cả thế giới cảm phục. 99% người Nhật chưa là Kitô hữu, nhưng họ đã sống tinh thần Kitô giáo. Ngoài động đất, sóng thần, còn nguy cơ phóng xạ hạt nhân nữa. Nguy cơ này không chỉ ở Nhật mà cho cả thế giới nữa. Đã có những người Nhật quả cảm, hy sinh làm việc ở nơi nguy hiểm đến tính mạng, để khắc phục sự cố. “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Năm 1986 nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl (Liên xô cũ) nổ gây hậu quả nặng nề, mà ở đó chỉ có một lò. Còn ở Nhật bây giờ có đến sáu lò, lớn nhất thế giới hiện nay. Nếu nó nổ, thì tai họa khó lường cho cả thế giới. Trong bối cảnh Mùa Chay, chúng ta cầu nguyện để nước Nhật sớm khắc phục được sự cố rò rỉ hạt nhân.
Sau thảm họa này, cả thế giới phải suy nghĩ lại cách sống của mình đối với thiên nhiên. Những sự dữ xảy ra có liên quan đến sự thánh thiện của chúng ta. Chúng ta khó hiểu được trong thiên tai có nhân tai (tai họa do con người làm ra). Nước Đức đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra. Các nước khác cũng có những việc làm tương tự.
Vườn địa đàng, thiên đàng biến thành hỏa ngục, khi người ta không làm theo ý Chúa, mà làm theo ý mình. Chúng ta không chỉ sám hối cá nhân mà sám hối cả tập thể nữa về cách đối xử với nhau. Trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình, với đất nước nữa. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội trong sạch thì chính mình phải đi theo chiều hướng đức tin. Chúng ta làm hòa với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân và cả với thiên nhiên nữa.
Bây giờ Chúa cũng có thể nói với chúng ta như đã nói với người Do Thái xưa trong Phúc âm theo Thánh Luca (Lc 15,1-5) như sau: “Các anh tưởng mấy người Nhật phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người khác sao? Tôi nói: không phải thế đâu. Nhưng nếu các anh không sám hối, thì các anh cũng sẽ chết như vậy”.
Chúng ta cầu nguyện cho nước Nhật, chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta, để chúng ta sống tốt hơn. Nếu chúng ta không thay đổi, thì những gì đang xảy ra ở Nhật, cũng sẽ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúa mời gọi từng người trong chúng ta trở về với Ngài. Chúng ta dâng lời cầu nguyện cho anh chị em chúng ta và cho bản thân mình nữa. Xin Chúa hoán cải lòng dạ chúng ta.
Cuối lễ, mọi người theo thứ tự, tiến ra hang đá Đức Mẹ ở sân phía cuối nhà thờ. Đi đầu là thánh giá đèn hầu, các linh mục, các nam nữ tu sĩ và cộng đoàn phụng vụ, từ trên cung thánh xuống giữa lòng nhà thờ tiến ra, từ trên xuống dưới, đi hàng đôi, không ai chen lấn hay phá ngang dành chỗ đi trước. Mỗi người, tay cầm nến sáng, vừa đi vừa hát bài “Kinh Hòa bình”.
Tới nơi, vị chủ tế nói ít lời về việc đến với Đức Mẹ sau Thánh lễ. Vì ngoài Chúa ra, thì Đức Mẹ là Đấng yêu thương, nâng đỡ, cứu giúp chúng ta nhiều nhất, đắc lực nhất, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mọi người hát kết lễ bài Mẹ Hằng Cứu Giúp: “Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp, đầy khoan nhân và tình thương xót, hết những ai biết vững tâm xin Mẹ thương. Đoàn con nay thành tâm yêu mến, đồng thanh xin Mẹ thương xem đến. Mẹ Cứu Giúp. Xin Mẹ hãy đoái thương ban, ngàn ơn cứu giúp chúng con trên cõi đời. Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp, đầy khoan nhân và tình thương xót. Kìa bao gia đình đang tan nát, cầu xin nơi Mẹ Hằng Cứu Giúp, cúi xin Mẹ hãy ban muôn phúc lành”.
Sau đó, theo yêu cầu, mọi người cắm nến sáng tại hang đá Đức Mẹ và thinh lặng ra về trong niềm tin, cậy, mến. Tin rằng Chúa và Mẹ đã thấu tỏ nỗi lòng của đoàn con. Cậy vào lòng thương xót vô biên của Chúa và ơn Hằng Cứu Giúp của Mẹ, nên tin chắc lời cầu đã được các Đấng đoái nhậm. Mọi người cảm thấy yêu Chúa, mến Mẹ nhiều hơn, sâu lắng hơn. Và yêu tha nhân, yêu đồng bào, đồng loại nhiều hơn, yêu tận đáy lòng.
Thánh lễ có trên 100 tu sĩ nam nữ và khoảng trên 1.000 giáo dân tham dự đã kết thúc lúc khoảng 20g15.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông