Gx. Gia Định: Hành Hương Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
WGPSG -- "'Sống vì đạo' có nghĩa là sống vì Chúa, vì tha nhân, đó chính là tử đạo trong đời sống thường nhật của Kitô hữu trong thời đại hôm nay”. Đó là lời mời gọi của linh mục chủ tế Phanxicô Assisi Lê Hoàng Lâm với gần 400 người trong đoàn hành hương giáo xứ Gia Định, được cử hành lúc 08g00 ngày 16/07/2018 tại Nhà Thờ Mồ Kính Các Vị Tử Đạo Bà Rịa.
Để mọi người hiểu rõ hơn về mảnh đất mình đang đặt chân, đầu lễ, cha chủ tế trình bày sơ lược nguồn gốc của nó. Dưới triều vua Tự Đức, nhà ngục Phước Dỉnh (Phước Lễ ngày nay) do các quan quân dựng lên để giam giữ các tín hữu với hơn 300 đàn ông. Vào ngày 07/01/1862, khi quân đội Pháp tiến quân từ Vũng Tàu vào, quan quân triều đình không kháng cự nổi nên phải rút lui, nhưng họ không tha người Công giáo, nên đã nổi lửa đốt cháy nhà ngục thiêu sống các tín hữu. Sau đó, xác các vị được chôn trong ba huyệt gần nhà ngục. Về sau, cha Jules Jean Baptiste Errard cho cải táng hài cốt vào chung nấm mồ bằng cẩm thạch được đưa từ Hồng Kông về và nấm mồ đang hiện diện trước mặt mọi người.
Trong bài chia sẻ, ngài hát lại bài “Đây Bài ca ngàn trùng, bài ca thấm nhuộm máu đào. Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu” để một lần nữa diễn tả nét đẹp của người Việt Nam, nét đẹp mà Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Vatican rất yêu thích và yêu cầu được nghe các thầy Đại Chủng viện hát khi ngài đến Việt Nam năm 2005. Bài hát lột tả tình yêu của một Kitô hữu theo Chúa bất chấp mọi gian khổ, ngay cả hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Những gian khổ, những bắt bớ của các thánh Tử Đạo vượt sức chịu đựng con người, quả thật là không tưởng, nhưng cái chết của các ngài là bằng chứng xác thực. Đời sống các ngài là đời sống đức tin mà Chúa đã gieo vào lòng các ngài. Các ngài đã được gieo mầm đức tin cũng giống như mọi Kitô hữu và đã diễn tả đời sống đức tin của mình bằng nhiều cách khác nhau, ở những chức vụ khác nhau. Tuy nhiên, đời sống đức tin của các ngài cũng không khỏi những thăng trầm. Có những vị luôn sốt mến luôn trung thành, đơn cử như ông trùm Anrê Thông hay như chủng sinh trẻ Tôma Thiện. Các ngài quyết không bước qua thánh giá và anh dũng chết vì đạo. Vì các ngài đã nhận ra: Chúa chính là cùng đích và hạnh phúc vinh quang của các ngài.
Ngược lại, cũng có những người từng sống trong tội lỗi như tướng cướp Phaolô Hạnh. Vốn là người Công giáo, hạt mầm đức tin vẫn âm thầm nẩy nở trong anh. Một hôm, biết được đàn em của mình đã làm một chuyện hết sức tồi bại, là đi ăn cướp nhà một thiếu phụ nghèo khổ, “đại ca” Hạnh được Chúa thức tỉnh, bỗng cảm thấy bức xúc thương tâm và quyết ra tay bắt chúng phải trả lại tất cả cho nạn nhân. Thế là bọn đàn em tức giận quyết tâm trả thù. Họ tố cáo với chính quyền rằng anh Hạnh là người Công giáo. Anh bị bắt giam, nhưng dù bị tra tấn anh vẫn cương quyết tuyên bố: “Tôi là người Công giáo, dù có phải chết tôi cũng không bao giờ bỏ đạo”. Thánh Phaolô Hạnh đã yếu đuối trong đường tội lỗi, nhưng khi đã trở về sám hối, lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa thì lại nhận được sức mạnh lạ lùng.
Tưởng nhớ các ngài, các Kitô hữu không chỉ cảm phục thôi nhưng còn phải noi gương sống đức tin của các ngài. Ngày nay, không còn những vụ bách hại như ngày xưa, nhưng vài nơi vẫn còn những vụ bắt đạo dưới hình thức rất tinh vi. Hôm nay, Kitô hữu được mời gọi “Sống vì đạo” có nghĩa là sống vì Chúa, vì tha nhân, đó chính là tử đạo hằng ngày trong đời sống mỗi người, khi biết yêu thương dám quên mình đi, khi biết hy sinh tha thứ bỏ qua hận thù, khi biết phục vụ bằng những việc làm cụ thể bằng công sức hay vật chất. Chính những quan tâm đó, những sáng kiến tốt đẹp làm cho đời sống đạo trở nên phong phú hơn.
Để kết, ngài nguyện xin Chúa cho mỗi người, sau chuyến hành hương này sẽ theo gương sống của các thánh Tử Đạo, thêm lòng tin, đức mến để đời sống gia đình ấm áp hơn, và nhờ gương sống đời chứng nhân tình yêu sẽ đem nhiều người đến với Chúa hơn.
Sau lời nguyện hiệp lễ, đoàn thành kính nhận phép lành toàn xá. Đoàn nhanh chóng chụp hình lưu niệm theo nhóm nhỏ và đoàn hành hương tiếp tục di chuyển đến viếng Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu.
Đứng dưới chân núi, người già yếu cũng như trẻ thơ kính dâng lên Đức Mẹ những lời kinh Mân Côi “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ, khi đời đầy môi cười, và khi cô đơn lệ rơi, con say sưa đọc lên lời: Ave Maria...”
Sau đó, đoàn tự do: tiếp tục cầu nguyện riêng, viếng nhà Chầu Thánh Thể, lên núi hay đi Đàng Thánh Giá. Còn các gia đình trẻ cùng nhau ngụp lặn dưới nước.
Chuyến Hành Hương kết thúc vào lúc 17 giờ cùng ngày. Mệt nhưng tràn đầy thánh ân và rất vui vì đã có một ngày sống vì Chúa và vì nhau.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông