Gx. Gia Định: Mừng ngọc khánh các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
WGPSG -- Vào lúc 17g30 ngày 20/3 tại giáo xứ Gia Định, linh mục chánh xứ Ignatiô Hồ Văn Xuân đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn, nhân kỷ niệm ngọc khánh của hai chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Béatrice Nguyễn Thị Mỹ, nguyên Giám tỉnh Tu Hội và Irène Trần Ngọc Dung. Hai chị là những người con trong đại gia đình họ Gia Định đã mang lại niềm hân hoan và vinh dự cho giáo xứ bằng chính đời sống tu trì của mình.
Trong Chúa nhật II Mùa Chay, Tin Mừng nhắc nhở mọi người: “Hãy vâng nghe Lời Người”, mọi người nhận ra rằng, suốt quãng đời 60 năm hồng ân của hai chị là một minh chứng về việc Lắng nghe và Sống Lời Chúa không chỉ của riêng bản thân chị mà là của cả giáo xứ. Giáo xứ Gia Định được hình thành từ một cộng đoàn nhỏ Cầu Bông cách đây 144 năm, trải qua bao thăng trầm, các linh mục phụ trách luôn giúp họ đạo củng cố niềm tin, sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu; đồng thời, khuyến khích giới trẻ dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nhờ đó mới có được thành quả như ngày hôm nay. Trong số 31 linh mục xuất thân từ giáo xứ - đang phục vụ trong và ngoài nước - có Đức cha cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, giáo phận Huế. Và trong số 31 nam nữ tu sĩ thuộc các dòng khác nhau có 11 chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, đang hiện diện.
Trong niềm vui chung của giáo xứ, cha chủ tế muốn gợi lại những sự kiện trên để tạ ơn Chúa vì hồng ân bao la Chúa đã ban cho giáo xứ; đồng thời, nhắc nhở các gia đình khuyến khích và nuôi dưỡng ơn gọi cho con cái mình.
Qua những chuyến đi viếng thăm các cộng đoàn cơ sở phục vụ của Tu Hội tại Việt Nam cũng như tại Pháp, cha rất cảm phục trước những thành quả và những công tác bác ái mà các chị đã thực hiện. Tinh thần mà thánh Vinh Sơn Phaolô và Thánh Nữ Louise de Marillac đề ra là tinh thần của Tin Mừng: Yêu thương phục vụ người khác như “Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương cho chúng ta khi Ngài rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly”. Đời sống của Dì Hai Loan tại trại phong Bến Sắn và của các chị tại các trại phong khác như Di Linh, Kontum cũng như trung tâm Mai Hòa nhắc nhở chúng ta: Bác ái yêu thương là điều cơ bản nhất trong đời sống thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Thay mặt các linh mục và cộng đoàn giáo xứ, linh mục chánh xứ chúc hai chị tiếp tục phục vụ đắc lực hơn trong quãng đời còn lại của cuộc đời mình.
Chị Beatrice cám ơn các linh mục, Hội đồng Mục vụ, ca đoàn và toàn thể cộng đồng đã sốt sắng dâng Thánh lễ cầu nguyện cho hai chị. Chị tạ ơn Chúa đã nâng đỡ các chị trong thời gian qua.
Sau Thánh lễ, mọi người được mời tham dự bữa ăn Agape thân mật tại hội trường giáo xứ và chia sẻ những cảm nghiệm. Được biết, với vai trò giám tỉnh của tỉnh dòng (1993-2002) chị Béatrice, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã gieo và gặt hái nhiều thành quả trên cánh đồng truyền giáo. Tu Hội không chỉ phát triển Tu Hội, nâng đỡ những kẻ bất hạnh, nhưng còn đề ra phương án và giúp giới trẻ thăng tiến về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Sự hiện diện của đông đảo giới trẻ hôm nay là một minh chứng về lòng biết ơn và thành quả của công việc huấn luyện đào tạo học sinh và sinh viên của Tu Hội.
Vài nét về Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
Nguồn gốc, ơn gọi và sứ mạng
Được thành lập tại Pháp vào thế kỷ XVII do thánh Vinhsơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac, Tu hội mang danh hiệu Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn Phaolô, những Nữ tỳ của người nghèo. Tu Hội là một Tu đoàn tông đồ và thuộc quyền Đức Giáo Hoàng. “Để trung thành với bí tích Rửa Tội và để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, các Nữ Tử Bác Ái (NTBA) dâng hiến trọn vẹn chính mình và trong cộng đoàn cho Thiên Chúa, phục vụ Đức Kitô nơi những anh chị em của mình, những người sống nghèo khổ, với tinh thần Tin Mừng là khiêm nhường, đơn sơ và bác ái” (HP7a).
Hoạt động của các chị rất đa dạng và ở khắp mọi nơi: Từ việc săn sóc bệnh nhân nghèo khổ tại nhà, tại bệnh viện, từ thành thị đến thôn quê, nuôi dạy trẻ nghèo mồ côi bị bỏ rơi, những người già yếu, những tù nhân, những binh lính…
Ngày 18/01/1655, Tu Hội được Hồng y de Retz chuẩn nhận và ngày 08/06/1668, được Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX chính thức phê chuẩn.
Tu hội tại Việt Nam
Theo lời yêu cầu của Đức Giám mục Giáo phận Sàigòn Isidore Dumortier, Hội Thừa Sai Paris, ngày 11/12/1928, 3 chị NTBA người Pháp đầu tiên đã đến Việt Nam: Chị Marie Mathide Sempé, chị Jeanne Le Gout và chị Marthe Côte. Các chị thành lập Cộng đoàn tiên khởi của Tỉnh dòng - cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm - đặt ở số 10 Phan Đăng Lưu Gia Định. Nhiệm sở phục vụ đầu tiên của các chị là bệnh viện Nhân Dân Gia Định trong vai trò điều hành.
Cách phục vụ trong khiêm tốn của các chị là dấu chỉ ơn gọi cho các NTBA tiên khởi. Ngày 1/11/1932, chị Francine Lepicard từ Pháp sang, đảm nhận trách nhiệm Giám tỉnh kiêm Giám tập. Cơ sở Thủ Đức là Nhà Chính đầu tiên của Tỉnh dòng. Dần dần các cộng đoàn khác như ở Nha Trang, Đà Lạt, 38 Tú Xương Sài Gòn được thành lập với các hoạt động rất đa dạng: nhà nuôi trẻ, trường Tiểu học, trường Y tá đầu tiên tại Sàigòn, trại phong, các điểm truyền giáo từ Sàigòn, Đà lạt, Di Linh đến Ban Mê Thuột, Kontum...
Hai vị Giám tỉnh người Pháp kế vị là chị Clothilde Durand (1935-1954), chị Anne Liobet (1954-1970). Năm 1941, Nhà Chính Thủ Đức dời về Domaine de Marie (Đồi Mai Anh), ở Đà Lạt.
Từ 16/02 đến 14/03/1963, Mẹ Bề Trên Tổng Quyền Suzanne Guillemin thăm viếng Tỉnh dòng.
Ngày 20/09/1964, thay đổi tu phục truyền thống để chọn một tu phục khác đơn giản hơn.
Các Giám tỉnh người Việt Nam
Chị Catherine Nguyễn Thị Trang là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm Giám Tỉnh Tỉnh dòng (1970-1993). Sau khi đã tham dự Đaị Hội Bất thường của Tu Hội tại Rôma để tu chính Hiến Pháp, theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, chị đã cùng với toàn thể Tu Hội sửa đổi nhiều điểm trong đời sống để thích ứng với hướng đổi mới của Giáo hội.
Năm 1975: Bước ngoặt lớn với nhiều thay đổi trong Tu Hội:
- Nhà Tỉnh dòng được dời về 42 Tú Xương, quận 3, Sài Gòn.
- Các NTBA người ngoại quốc trở về xứ sở của các chị.
- Các NTBAVN được chia thành nhóm nhỏ tản về miền quê sống ơn gọi trong âm thầm bằng chính sự hiện diện và lao động giữa những anh chị em nghèo khổ.
Giám tỉnh Camille Trương Ngọc Hạnh (1981-1993)
Trong thời gian này, nhờ vào chủ trương đổi mới của Nhà Nước, Tu Hội có nhiều hoạt động thoáng hơn: mở các lớp tình thương, giáo dục trẻ em đường phố.
Năm 1992, Tập viện dời về Đồi Mai Anh, các tập sinh có đời sống ổn định hơn để chuyên tập đời sống thánh hiến.
Giám tỉnh Béatrice Nguyễn Thị Mỹ (1993-2002) thêm nhiều đổi mới:
Phát triển Tu Hội: Chương trình Mùa Hè Vui truyền giáo ở miền Bắc.
Gởi các chị em sang học Thần học và chuyên môn trong và ngoài nước.
Thành lập Trung tâm Mai Hòa chăm sóc bệnh nhân AIDS.
Học bổng cho học sinh nghèo Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Giám tỉnh Justina Trần Thị Tươi ( 2002-…) Các hoạt động xã hội ngày càng đa dạng mang nhiều sắc thái phù họp với xã hội mới: xây dựng cơ sở hạ tầng tại nông thôn giúp người nghèo theo hướng phát triển cộng đồng. Phục vụ người di dân, bảo vệ các phụ nữ bị đối xử bất công, bị bạo hành trong gia đình.
Trải qua bao biến cố lịch sử và bao thăng trầm của cuộc sống, Tu Hội ngày càng phát triển lớn mạnh. Hiện nay, Tu Hội có gần 700 chị em âm thầm phục vụ trên khắp mọi miền đất nước. Các chị ý thức rằng “không đóng kín đời thánh hiến trong tu viện, nhưng sẵn sàng phục vụ người nghèo bất cứ nơi nào”. Điểm đặc biệt trong các hoạt động là các chị luôn đổi mới một cách khôn ngoan và tích cực để phù hợp với thời đại.
Không chỉ cứu giúp người nghèo, bất hạnh trong cơn nguy khốn, Tu Hội còn nghĩ đến việc phát triển tương lai, thăng tiến đời sống tâm linh và văn hóa của các học sinh, sinh viên nghèo, giúp các em có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực…Những học bổng lúc đầu chỉ là những “cần câu” be bé, ngày nay các sinh viên đã có thể tự trang bị cho mình những chiếc cần câu máy. Sau khi tốt nghiệp với việc làm ổn định, các em đã có thể đóng góp cho việc phát triển thế hệ đàn em. Để duy trì tình yêu thương hiệp nhất, Tu Hội đã tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, học giáo lý hằng tuần, các buổi tĩnh tâm năm và các trại hè huấn luyện và vui chơi…
Trải qua hơn 80 năm, dẫu gặp không ít khó khăn về mọi phương diện, dù vất vả gian truân, các chị vẫn miệt mài phục vụ, trung thành thực hiện lời nhắn nhủ của Cha Thánh Vinh Sơn: “Thiên Chúa đã trao cho chúng con nhiệm vụ chăm sóc người nghèo và vì thế các con phải cư xử với họ theo tinh thần của Ngài, thông cảm nỗi khốn khó của họ, cảm thấu con người của họ trong chính bản thân mình càng nhiều càng tốt. Đó là cách thế các con phải cư xử để trở thành những NTBA tốt lành (TVS 16/10/1655).
Nếu có dịp đến các vùng sâu vùng xa, các trung tâm phong, trung tâm Mai Hòa, trường Mầm Non 6, ta sẽ cảm nhận được chính “Các NTBA đã thực sự chiêm ngưỡng và gặp gỡ Đức kitô nơi tâm hồn và đời sống của người nghèo” và những kẻ bất hạnh (HP 10a).
Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho những công việc bác ái của các chị luôn đạt được những thành quả tốt đẹp. Nguyện chúc cho các chị luôn trung thành và bền đỗ trong ơn gọi tận hiến mà Thiên Chúa đã trao ban cho các chị trong cuộc hành trình trần thế này. Bởi lẽ, như thánh Phaolô, các chị luôn tâm niệm và sống câu châm ngôn: “Caritas Christi urges nos” - Tình yêu Chúa Kitô thúc bác chúng tôi - (2Cr 5,14).
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông