Gx. Hòa Hưng: Về bên Mẹ

Gx. Hòa Hưng: Về bên Mẹ

WGPSG -- Trong hai ngày 13 và 14 tháng 11 năm 2010, một đoàn giáo dân Hòa Hưng gồm 36 người của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và Ban hát Cộng đồng ca do cha sở Hòa Hưng làm trưởng đoàn, đã có một cuộc hành hương tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao và Bãi Dâu.

Viếng Đức Mẹ Tà Pao

Khởi hành từ nhà thờ Hòa Hưng lúc 11 giờ đêm ngày 12, đoàn đã ra đến Tà Pao lúc 4 giờ sáng. Trời còn tối, đường lên tượng đài Đức Mẹ Tà Pao mờ mờ ánh sáng của vài ba bóng đèn tiết kiệm điện, chỗ sáng chỗ không, thế mà mọi người vẫn vượt qua được hơn 400 bậc thang ngoằn ngoèo để hiện diện dưới chân Mẹ Tà Pao. Chúng tôi hiệp thông cùng với rất nhiều người khác đã đến đây sớm hơn để lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Dâng lên Đức Mẹ những ưu tư, lo lắng, buồn phiền, những khát vọng thầm kín, những bệnh tật mà y khoa bất lực … để nhờ Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa nhậm lời. Lời kinh vang vọng khắp núi đồi cỏ cây sông suối, ngày đêm liên lỉ cầu xin Mẹ qua những tràng kinh Mân Côi, những bài Thánh ca ...

Đến 6 giờ 30, tại lễ đài, có giờ khấn Đức Mẹ, sau đó là Thánh lễ đồng tế do hai Đức cha (nguyên Giám mục Phan Thiết): Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế bên cạnh Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi và các cha từ các nơi về hành hương.

Lịch sử Đức Mẹ Tà Pao

Từ bao đời, Tà Pao là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư… Tà Pao tiếng dân tộc K’Ho có nghĩa là Núi Pao. Bình Thuận có đến ngũ Tà: ngoài Tà Pao là Tà Mon, Tà Lễ, Tà Zon, Tà Pứa.

Thánh tượng Đức Mẹ Tà Pao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.

Ngày 8.12.1959, Đức cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, đã cử hành lễ cung hiến và khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tà Pao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha Trang, Ban Mê Thuột, đồng bằng sông Cửu Long…Trong những năm tháng chiến tranh, hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên tượng đài Đức Mẹ Tà Pao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên… Sau 1975, Tà Pao là một điểm kinh tế mới nằm trên địa bàn Giáo phận Phan Thiết mới được thành lập tách ra từ Giáo phận Nha Trang nhưng cũng từ thời điểm này Đức Mẹ Tà Pao chìm vào quên lãng và tượng bị che khuất bởi một rừng tre. Vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại tượng đài Đức Mẹ Tà Pao. Khoảng Phục sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát… Mãi đến năm 1990, cha xứ Đức Tân và một số giáo hữu chặt tre phát cây tạo lại lối đi. Từ đó nhiều người dần dần kéo đến đọc kinh cầu nguyện… Khoảng cuối tháng 6 năm 1991, nhân dịp lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép của Đức Giám mục Phan Thiết bấy giờ là Đức cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia An hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành. Tà Pao tọa lạc nơi vùng đồi núi trên địa bàn xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nên giáo hữu có thể đến đây từ hai hướng Tánh Linh hoặc Tân Phú. Về tôn giáo, Tà Pao nằm trên địa bàn giáo họ Đồng Kho – giáo xứ Đức Tân, giáo hạt Đức Tánh, Giáo phận Phan Thiết. Giáo họ Đồng Kho ngày nay có khoảng 1.000 tín hữu trong tổng số 7.230 dân.

Từ năm 2002, vào các ngày 13 trong năm, Thánh lễ đồng tế do ĐGM Giáo phận chủ sự được cử hành tại nhà thờ Tánh Linh, cách địa điểm Đức Mẹ Tà Pao 7 cây số. Số lượng giáo hữu tham dự khoảng vài ba ngàn người. Ngôi thánh đường mới với diện tích 1.000m2 – cách núi Tà Pao 1,5 km – theo mô hình nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) sẽ hiện diện và vùng đồi núi Tà Pao sẽ trở nên một địa điểm đón nhận thường xuyên khách hành hương thập phương..

Thế rồi, số người hành hương về với Mẹ Tà Pao ngày càng đông, có khi lên đến 10 ngàn người, bất chấp những khó khăn, trở ngại, vất vả. Họ đến vào trước ngày 13 mỗi tháng, cao điểm là ngày 13 của hai tháng kính Đức Mẹ là tháng Mười và tháng Năm. Họ đến cầu nguyện, lần hạt trên núi dưới chân tượng, hoặc chầu Thánh Thể trong nhà thờ Tánh Linh. Đáp ứng nhu cầu đạo đức của các tín hữu, hai Đức Giám mục Giáo phận là Đức cha Nicolas và Đức cha Phaolô đã thay nhau dâng lễ tại đây vào các ngày 13 mỗi tháng, có khá đông các cha đến giúp giải tội và đồng tế.

Mẹ trở thành nguồn hy vọng, nguồn cậy trông cho tất cả mọi người tìm đến.

Viếng Đức Mẹ Bãi Dâu

Sau đó, đoàn Hòa Hưng đã đến trú tại nhà hành hương của Giáo phận tại Bãi Dâu, để kính viếng Đức Mẹ tại đây.

Sau thánh lễ Chúa nhật, kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở nhà nguyện của nhà hành hương, đoàn đã cùng với cha Giuse chánh xứ nhà thờ Hòa Hưng, leo núi tham dự chặng Đàng Thánh Giá.

Lịch sử Đức Mẹ Bãi Dâu

Bãi Dâu khởi đầu mang tên Vũng Mây. Hồi ấy, Vũng Mây còn là rừng rậm, khỉ ho cò gáy, ít người dám lui tới, cọp đôi khi còn về tìm mồi, khỉ thường chạy tung tăng chặn lối đi. Sau này, các cha Thừa sai cho phá rừng, trồng dâu nuôi tằm, để tạo công ăn việc làm cho một số bà con ở đây. Tên Bãi Dâu có từ đấy.

Năm 1962, chính năm khai mạc thánh Công Đồng Vaticanô II, tháng 10 năm 1962 tại Bãi Dâu Vũng Tàu, cha chính xứ kiêm quản hạt Phaolô Nguyễn Minh Tri xây dựng tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn lành cao 7 mét trên sườn núi.

Năm 1963, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tòa Giám mục Sài-Gòn làm phép khánh thành Tượng Đài Đức Mẹ Ban Ơn.

Ngày 04.10.1965 Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. Đức cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục tiên khởi, đã chính thức công bố Bãi Dâu là Trung tâm Thánh Mẫu của Giáo phận Xuân Lộc, ngài cho cất 14 đàng Thánh giá, xây nhà nghỉ mát, và đã nhiệt tình tổ chức các cuộc hành hương trọng thể kính Đức Mẹ Maria. Nhiều giáo dân trong Giáo phận không bao giờ quên được cuộc cung nghinh Đức Mẹ của toàn Giáo phận vào tháng 5.1973. Hằng mấy chục ngàn người và hằng trăm ghe thuyền lớn nhỏ tuốn về Bãi Dâu cử hành một cuộc rước kiệu lớn nhất lúc bấy giờ để tôn vinh Đức Mẹ.

Năm 1992, ngày đầu năm, kính Đức Mẹ Thiên Chúa, Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Xuân Lộc đặt viên đá trùng tu Trung tâm Hành hương. Tượng đài được thay thế bằng tượng Ðức Mẹ Thiên Chúa cao 25 mét, kể cả Chúa Con là 27,5 mét.

Năm 1994, Tượng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã được làm phép và khánh thành ngày 31.12.1994, với sự chủ lễ của Đức Giám mục Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Sau này, nhà nguyện đá được di chuyển xuống chân núi, nhường chỗ cho một nhà thờ mái vòm có sức chứa một ngàn người, đã được kiến thiết. Mặt bằng phía dưới đã được cải tạo, thành một công trường có khả năng chứa một trăm ngàn người.

Tượng Đức Mẹ Ban Ơn đã bao năm đứng bên bờ đại dương được tháo gỡ và đưa về đài mới tại giáo xứ Sao Mai, ngày 10.03.1995 và khách hành hương vẫn còn đưa bước về Sao Mai kính Mẹ Ban Ơn lành. Ngày nay, người người tìm về Bãi Dâu để cầu nguyện và kính viếng đất Mẹ càng ngày càng đông.

Cuối cùng, đoàn đã kết thúc hành hương sau khi đến thăm Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, trở về Hòa Hưng lúc 17 giờ 20.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top