Hạnh Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, tử đạo ngày 31 tháng 7 năm 1859
Thánh
Phêrô Đoàn Công Quý
Linh mục (1826 - 1859)
Ngày tử đạo: 31 tháng 7
Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử.
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý chào đời năm 1826 tại họ Búng, tổng Bình Thạnh, Thủ Dầu Một, nay là Bình Dương. Ngài là con út của ông Antôn Miêng và bà Anê Thường. Năm 21 tuổi, cậu được cha Tám giới thiệu với thừa sai Gioan Mịch để học Latinh rồi vào chủng viện thánh Giuse Sài Gòn trước khi học thần học tại Penang.
Năm 1855, thầy Quý hồi hương. Tháng 09/1858, sau ba năm chăm sóc tín hữu tại các họ đạo, cha Quý được lãnh chức linh mục tại Thủ Dầu Một. Cha được bổ nhiệm phục vụ tại các xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, rồi phó xứ Cái Mơn, Vĩnh Long. Với nhiệt tình tuổi trẻ, cha Quý vượt qua mọi gian khổ, đe dọa, hiểm nguy. Nếu bề trên không cản, cha đã nộp mạng để cứu các dì Mến Thánh Giá.
Sau cùng cha Quý được cử về giáo họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, An Giang. Khi quân tổng đốc An Giang bao vây nhà ông Lê Văn Phụng, cha Quý đã ẩn náu an toàn nhưng ra trình diện để cứu gia chủ. Cha nói “Tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo, tôi sẵn sàng chỉ dạy”.
Thế là cha Quý, ông Phụng và 32 tín hữu bị xiềng xích giải về Châu Đốc. Quan tổng đốc khuyên cha bỏ đạo: “Thầy là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo”. Cha Quý trả lời: “Dạ, thưa quan tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được? Vả nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dạy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu”.
Bảy tháng trong ngục, cha Quý an ủi các bạn tù, cử hành bí tích, và cùng họ đọc kinh Mân Côi. Tại đây, cha viết một bài thơ dài gửi mẫu thân, trong đó có những câu:
“... Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử”.
Ngày 30/07/1859, bản án trảm quyết từ kinh đô về đến Châu Đốc. Hôm sau cha Đoàn Công Quý và ông Phụng hớn hở đi ra pháp trường ở xóm Chà Và. Sau ba tiếng trống vang, quân lính thi hành lệnh xử tử và cha Quý đi về quê hương vĩnh cửu ở tuổi 33.
Thi hài vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, năm 1959 được cải táng về Cù Lao Giêng.
Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý được suy tôn chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
bài liên quan mới nhất
- François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện
-
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Cha cố GB Đoàn Vĩnh Phúc: “Nên mọi sự cho mọi người” -
Ngôi làng hy vọng -
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, tử đạo ngày 21 tháng 8 năm 1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, tử đạo ngày 12 tháng 8 năm 1838 -
Hạnh Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838
bài liên quan đọc nhiều
- "Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại
-
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sống GH Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Hạnh Thánh Vinhsơn Đỗ Yến, tử đạo ngày 30/06/1838 -
Hạnh Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, tử đạo ngày 26/06/1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin