Hạt Xóm Mới: Hang Belem 2010 tại các giáo xứ
WGPSG -- Ðịa danh Xóm Mới không rõ xuất hiện tự bao giờ và do ai đặt. Có lẽ không người nào có thể giải đáp một cách chính xác. Ngày nay, Xóm Mới không còn là một “xóm mới” nữa, mà đã trở thành một “xóm cũ” từ mấy chục năm rồi. Nhưng địa danh Xóm Mới vẫn tồn tại trong lòng người Việt Nam, dù sống ở trong nước hay nước ngoài, mỗi khi nghe đến địa danh Xóm Mới, ai cũng nghĩ đến một vùng ngoại ô Sài Gòn, một địa bàn có đến 90% người theo đạo Công giáo, đến từ các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Hà Đông, Lạng Sơn, Thái Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Ðịnh, Bắc Giang, Yên Bái, Hưng yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí có cả người sinh ở Quảng Nam và Huế.
Hiện nay, giáo hạt Xóm Mới có 15 giáo xứ với gần 60.000 giáo dân, nằm trên 3 trục đường chính:
- Đường Lê Đức Thọ có 8 giáo xứ: An Nhơn (Ngã 3 Lê Hoàng Phái và Lê Đức Thọ), Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Hoàng Mai, Tân Hưng, Trung Bắc, Lạng Sơn, Lam Sơn và Nữ Vương Hòa Bình.
- Đường Thống Nhất có 5 giáo xứ: Hà Đông, Hà Nội, Bắc Dũng, Thái Bình và Tử Đình.
- Đường Phạm Văn Chiêu có 2 giáo xứ: Hợp An và Thạch Đà.
Trung tâm hạt Xóm Mới là tam giác được hình thành bởi 3 con đường trên.
Hằng năm, cứ đến ngày Giáng sinh, toàn thể tín hữu Công giáo hân hoan đón mừng ngày Con Chúa giáng trần. Ngày nay, lễ Chúa Giáng sinh không chỉ dành riêng cho người theo đạo Công giáo, mà còn là ngày lễ hội của toàn thể nhân loại.
Chúa Giêsu Hài đồng sinh ra nơi hang đá Bêlem trong mùa đông giá lạnh. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Cảnh hang đá và cây thông giúp tạo nên bối cảnh để nhờ đó người ta trải nghiệm về ‘Mầu nhiệm’ Giáng sinh của Chúa Giêsu”.
Vì thế, để chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh, mô hình hang đá Belem và cây thông tuyết luôn xuất hiện từ trong nhà thờ ra ngoài đường phố, về đến xóm ngõ, len lỏi vào từng gia đình. Những ánh đèn điện muôn màu chớp nháy liên tục, lúc mờ lúc tỏ được bà con giáo dân chăng khắp các ngõ hẻm, đã tạo nên cảnh quan huyền ảo của đêm đông, lôi cuốn người tham quan miệt mài rảo bước để chiêm ngắm các hang đá.
Ngoài những công tác mục vụ như: Tĩnh tâm và giải tội Mùa Vọng, hội thi thánh ca, nguyện ca, hội chợ cho các em thiếu nhi, công việc bác ái, ủy lạo người nghèo, các trại phong và nhà mở, hiến máu nhân đạo… việc thực hiện các hang đá ở nhà thờ cũng được các cha xứ và HĐMVGX rất quan tâm thực hiện trong tinh thần tiết kiệm. Thế nhưng, tích tiểu thành đại, từ những nguyên vật liệu được cất giữ từ năm này sang năm khác, năm nay các hang đá tại hạt Xóm Mới đã được thực hiện khá lớn và công phu, với nhiều hình dáng, kích thước, mầu sắc và chủ đề rất phong phú như:
Xem almum ảnh hang Belem hạt Xóm Mới
1/ Giáo xứ An Nhơn, ĐMHCG, Hoàng Mai, Tân Hưng, Trung Bắc trên trang web
http://www.tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20101221/8135
2/ Giáo xứ Hợp An, Lạng Sơn, Lam Sơn, Nữ Vương Hòa Bình, Thạch Đà (Xem bộ sưu tập hang Belem 2 ở trên)
3/ Giáo xứ Hà Đông, Hà Nội, Bắc Dũng, Thái Bình, Tử Đình trên trang web
http://www.tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20101221/8138
Năm nay, đa số các giáo xứ đã thể hiện hang đá theo hình dáng cổ xưa, có núi đá, tuyết rơi, thác nước chảy với Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ… Tuy nhiên, về tổng thể và mức độ quy mô lại được thể hiện ở nhiều góc cạnh và chủ đề khác nhau. Đơn cử như:
- Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình: Chúa sinh ra trong căn nhà rông Tây Nguyên, giữa khoảng sân rộng lớn trước nhà thờ, với từng dãy núi đá trùng điệp, đã lôi cuốn người xem nghĩ về miền cao nguyên Việt Nam. Chúa không chỉ đến với người Do Thái, nhưng Ngài đã đến với muôn dân, kể cả dân tộc thiểu số vùng cao.
- Giáo xứ Tử Đình: Trình bày hang đá theo chiều hướng hội nhập văn hóa: Các nhân vật đều mặc y phục truyền thống Việt Nam. Với chủ đề “Thương nhớ về miền Trung, cùng Chúa đi vào lũ”, Hài Nhi được đặt nằm trên võng và Mẹ Maria mặc áo bà ba, vừa đưa võng vừa hát ầu ơ; 3 vị vua không còn cỡi lạc đá, nhưng đi thuyền để vượt lũ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Trong cảnh Thiên Thần truyền tin và Đức Mẹ đi viếng bà Elisabet, Thiên Thần, Đức Maria và bà Elisabeth đều mặc áo bà ba, đã gây ấn tượng cho người xem: Để “Mầu Nhiệm” Giáng sinh được thể hiện, Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, tiếng nói…
- Giáo xứ Lạng Sơn: Thể hiện chủ đề khá mới mẻ: Vì Adong, Eva ăn trái cấm, con người đã phạm tội và chối từ tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, từ trời cao, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc con người. Ngài đã ký kết với các tổ phụ giao ước tình yêu, sai Ngôi Hai xuống thế làm người bởi một Eva mới là Đức Maria.
- Giáo xứ Thái Bình: Với khuôn viên rộng lớn, cảnh quan xinh đẹp, hang đá được thể hiện bằng một quần thể trải dài từ cổng đến cạnh trái nhà thờ, dài trên 20m. Khách tham quan sẽ cảm nhận được hồng phúc lớn lao Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại qua từng chặng đường lịch sử ơn cứu độ: Adong Eva phạm tội, Đức Mẹ nói lời xin vâng; với tâm tình phó thác và tin tưởng, Thánh Giuse đón Đức Maria về nhà mình; cảnh hang đá Bêlem…
- Giáo xứ Hoàng Mai: Được chia thành 6 giáo khu - Mân Côi, Giu-se, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Lộ Đức, Fatima, Vinhsơn Liêm. Mỗi giáo khu được chia thành 6 xóm. Trong mùa vọng, các khu xóm đã treo đèn trên lối đi hầu như phủ kín các con đường trong giáo xứ. Mỗi khu xóm đều làm hang đá trong sự háo hức của mọi người, hang đá nào cũng thật đẹp, các em thiếu nhi là những người hạnh phúc nhất khi được ngắm hang đá và đèn Noel. Việc làm hang đá ở khắp các khu xóm ngoài ý nghĩa giúp người Kitô hữu hướng về Chúa Giêsu Hài Nhi, còn mang ý nghĩa truyền giáo, vì trong địa bàn giáo xứ còn nhiều người không Công giáo. Xung quanh nhà thờ còn có nhiều hang đá do các đoàn thể phụ trách.
Và còn rất nhiều những mô hình hang đá khác được thể hiện với nhiều chủ đề khác nhau. Chỉ đến khi chứng kiến tận mắt, người xem sẽ dạt dào niềm cảm xúc và cảm nghiệm được Mầu nhiệm Giáng sinh.
Xin chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu đã trao ban một quà tặng cho nhân loại đó chính là Hài nhi Giêsu. Người muốn chúng ta hãy đáp trả bằng một tình yêu tự do, quảng đại đối với Thiên Chúa và tha nhân. Cầu chúc mọi người một mùa Giáng sinh: An lành - Thánh thiện - Hạnh phúc.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng phía Nam cho biết, đúng vào đêm Giáng sinh, đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM, nơi tập trung rất nhiều giáo xứ sẽ có một đợt triều cường lớn. Vì vậy, người dân Thành phố sẽ mất đi một điểm tham quan nổi tiếng do việc trang hoàng các hang đá bị hạn chế. Bù lại, xin mời các bạn trẻ đến tham quan các hang đá tại hạt Xóm Mới.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Bình: Gia đình nên thánh theo gương Thánh Gia
-
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh ngày 25-12-2021 -
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Đại lễ Chúa Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ vọng Chúa Giáng Sinh năm 2021 -
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh 2021 -
Giáo xứ Thăng Long: Mừng bổn mạng giáo xứ - Lễ Thánh Gia 26.12.2021 -
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021 -
Giáo xứ Phú Hòa: Lễ Thánh Gia Thất 2021 - Kỷ niệm hôn phối -
Giáo xứ Tân Phú: Lễ Thánh Gia và kỷ niệm Hôn Phối - ngày 26-12-2021 -
Giáo xứ Tân Chí Linh: Lễ Thánh Gia Thất kỷ niệm Hôn phối 2021
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh
-
Thánh lễ an táng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bắc ngày 14-1-2021 -
Gx. Tân Phước: Một điển hình tiên tiến -
Giáo xứ Vinh Sơn: Lễ Giỗ mãn tang Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống -
Thánh lễ Tạ ơn của tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Trọng -
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận -
Cáo phó: Thân mẫu của Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh qua đời 9-8-2021 -
Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: giờ lễ trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Giáo xứ Thủ Đức: Thánh lễ An táng Bà cố Maria Huỳnh Thị Sương -
Thánh đường im vắng tiếng chuông