Mèo trông nhà
Cái điểm khác nhau cơ bản giữa hội hoạ giá vẽ và nghệ thuật mới* (nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…) là ở chỗ. Hội hoạ giá vẽ phải đạt mục đích cuối cùng là đẹp. Tranh phải đẹp. Không nhất thiết phải có ý tưởng gì. Như H. Matisse vẽ tĩnh vật lọ hoa, P.Cezanne vẽ quả táo, V.Vangogh vẽ đôi giày. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ai ai cũng đều thích nhìn ngắm những bức tranh đẹp. Nghệ thuật mới thì khác hẳn, không nên gọi nó là hội hoạ ngoài giá vẽ. Đó là một loại hình nghệ thuật độc lập.
Mục đích của nghệ thuật mới không phải tạo ra cái đẹp về mặt thị giác. Mục đích của nghệ thuật mới là tạo ra một thông điệp. Một tác phẩm nghệ thuật mới bắt buộc phải có ý tưởng, phải xuất phát từ một ý tưởng nào đó cũng như kết thúc nơi người xem ở chỗ họ phải nhận được ý tưởng của nghệ sỹ thông qua tác phẩm. Hiệu quả thị giác của các tác phẩm nghệ thuật mới vì thế có thể là ghê rợn, kinh hãi, hoảng sợ, hoang mang, căng thẳng. Tất nhiên dù gì đi chăng nữa thông qua cái đẹp thị giác của hội hoạ giá vẽ hay những ý tưởng nằm dưới các trạng thái thị giác “không đẹp” của nghệ thuật mới thì cũng đều gặp nhau ở điểm cuối cùng là làm cho tâm hồn của người xem đẹp hơn thôi. Loại hình nghệ thuật nào, cũ hay mới cũng đều phải đánh cược vào những câu chuyện của con người, những số phận, thân phận của con người để làm con người đẹp hơn. Không có nghệ thuật nào lại tụng ca cho những điều “phản người” cả.
Với những suy nghĩ như trên về hội hoạ giá vẽ và nghệ thuật mới thì khi xem triển lãm Máy của Lê Quảng Hà*, tôi thấy Lê Quảng Hà có sự nhầm lẫn? Triển lãm của anh gồm hai phần, những bức tranh sơn dầu, sơn mài trên vải và những tác phẩm sắp đặt theo tinh thần tượng. Tất cả những bức tranh của Hà đều vẽ những con người – máy, người lai máy, nửa người nửa máy trông rất ghê rợn, rất quái gở, khô khan, lạnh lẽo. Dù vẽ máy móc, cơ khí, lưỡi cưa, dây điện, cua-roa, răng cưa thì vẫn không nên thiếu cảm xúc, không nên vô cảm như vậy. Cho dù người ta vẽ cảnh tang tóc, chiến tranh súng ống thì vẫn phải vẽ bằng sự cảm động. F. Léger vẽ nhà máy, công nhân mặc quần áo bảo hộ nhưng vẫn cảm động. Tôi nghĩ Hà vẽ những bức tranh này lạnh lùng quá, “máy móc” quá. Anh quá chú trọng chạy theo ý tưởng. Những bức tranh của Lê Quảng Hà nhiều ý tưởng quá mà lại thiếu vẻ đẹp thị giác. Những bức tranh có vẻ như một bài phản biện, cũng không sao nhưng nó phải được chuyển tải bằng cái đẹp. Tranh chứ không phải là một bài xã luận.
Phần 2 của triển lãm là những tác phẩm sắp đặt dưới dạng “điêu khắc” bằng cách lắp ghép, sắp xếp, móc nối, hàn gắn những chi tiết máy móc cũ quá date để thành những hình người, thành những ông Phúc Lộc Thọ trông rất khó chịu, rất tức mắt, rất man rợ, rất “khủng bố” trông rất “xấu”, rất bực mình nhưng rất hấp dẫn, rất đã, rất sướng đúng kiểu chơi của sắp đặt vì như trên đã nói nghệ thuật sắp đặt đâu cần đẹp mắt. Và qua những cái “rất” đó Lê Quảng Hà đã thành công khi truyền được cái thông điệp của anh đến người xem như anh nói: “Khi quan sát những đồ vật, dụng cụ, máy móc, xe cộ đã qua sử dụng và bị bỏ đi, hay như cái cây cổ thụ đã chết, một toà nhà xấu xí, một khu phố lộn xộn, một thành phố mất trật tự…tôi thường nghĩ, liệu mình có thể tái sinh chúng bằng cách sắp xếp lại chúng với cái nhìn thẩm mỹ mang tính nghệ thuật cá nhân mình? Và từ những suy nghĩ lẻ tẻ, rời rạc, đã hình thành một cái gì đó, như một hiệu ứng domino, nó loang như vết dầu, tôi cố tình không kiểm soát nó bằng lý trí, mà thả cho nó phát triển tự do, không bị ràng buộc bởi các lý thuyết hay ý thức hệ về con người và xã hội, nhưng đồng thời vẫn không hề tách rời khỏi con người và xã hội”. Thậm chí còn hơn thế. Khi nhìn những người máy của Hà, người ta còn thấy sự ràng buộc, móc nối, dính líu của người và máy, của những người máy, máy như người và quan hệ của “họ” với xã hội. Nhìn chiếc xe công nông được Hà trang trí lại trông vừa hài hước vừa mơ mộng và giúp người xem được hoang tưởng.
Cái phần chưa được qua triển lãm “Máy “ của Lê Quảng Hà chính là ở chỗ Hà nhầm lẫn 2 khái niệm tranh giá vẽ và nghệ thuật sắp đặt. Giả sử sau khi anh làm xong các tác phẩm sắp đặt thì anh hãy quên chúng đi, hãy đi đâu đó, hãy tạm “chết” cái anh nghệ sĩ sắp đặt đi đã rồi hãy quay về xưởng hoạ, ngồi trước toan, đợi anh hoạ sĩ giá vẽ trở về và mới bắt đầu cầm bút, bóp sơn ra bảng pha màu…thì tốt hơn. Hay nói cách khác, trong lúc vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa…trông nhà. Kết cục là nhà không còn một con chuột nào nhưng trong nhà cũng chẳng còn đồ đạc gì vì bọn trộm đâu có sợ mèo. Nói cách khác Hà đừng mang cái tâm thế của một nghệ sĩ sắp đặt để vẽ tranh thì chắc là những bức tranh của Hà sẽ tranh hơn chăng?
*Nghệ thuật mới cũng hay được gọi là nghệ thuật đương đại.
* Triển lãm Máy của Lê Quảng Hà diễn ra từ ngày 24-10 đến 7 tháng 11 /2008 tại Viện Goethe Hà Nội.
Nguồn: tiasang.com.vn
bài liên quan mới nhất
- Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994)
-
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu -
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại -
Ánh Sáng – Lửa Tin Yêu Trong Gió -
Khai mạc triển lãm Tranh, Ảnh Tượng "Ánh sáng, lửa tin yêu trong gió" -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam -
Người đầu tiên khai phá tranh Mỹ thuật Sơn mài Việt Nam -
CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC TRONG TRIỂN LÃM "DẤU ẤN ĐỨC TIN II" -
Hoạ sĩ Kim Long và cõi tâm linh