Một cách nhìn nghệ sĩ về Nghệ Thuật Thánh
BBT: Không ít họa sĩ và những người làm truyền thông nghệ thuật ở Việt Nam đã cho rằng Nghệ thuật thánh chỉ là thứ nghệ thuật nhằm minh họa Kinh Thánh. Thực tế không đơn giản như vậy. Chúng ta hãy thử lắng nghe các nghệ sĩ khác, ở khắp nơi, trình bày quan điểm của mình về Nghệ thuật thánh.
Để mở đầu, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết ngắn của Linda McCray, một họa sĩ vẽ tranh tôn giáo trừu tượng sống ở Clancy, Montana. Bà tốt nghiệp trường Đại Học Montana, Missoula, với bằng Thạc sĩ Mỹ Thuật về Hội Họa. Bà đã từng dạy mỹ thuật ở đại học Carroll (Giáo phận Helena), Đại Học Montana-Missoula và bây giờ dạy mỹ thuật ở trường Công Nghệ Đại Học Montana-Helena.
NB: Tựa đề bài này do BBT đặt.
Nghệ Thuật thánh là gì?
“Nghệ thuật có một khả năng độc đáo là lấy khía cạnh này hay khía cạnh khác của sứ điệp, rồi chuyển dịch thành màu sắc, hình dáng và âm thanh, để nuôi dưỡng trực quan của những người đến xem hay đến nghe.” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi Nghệ sĩ 1999).
Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy việc sáng tạo nghệ thuật qua các thời đại ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Nghệ thuật thánh ban tặng con người chút cảm nghiệm thoáng qua về những xúc cảm mạnh mẽ phản ánh các chân lý lớn lao hơn. Nó lướt qua tình trạng nhận thức và động chạm trực tiếp đến tâm hồn các tín hữu.
Nghệ thuật thánh thế kỷ 19
Từ thời Tin Lành Cải Cách, đã có sự phân rẽ trong cách người Công giáo ở miền Nam và người Tin Lành ở miền Bắc diễn tả đức tin của mình qua nghệ thuật. Người Công giáo diễn tả đức tin qua những ảnh vẽ hiện đại về các thánh và về Thiên Chúa. Vào thế kỷ thứ 19, một số họa sĩ ở miền Bắc như Joseph Mallord William Turner (1775-1851, người Anh) và Caspar David Friedrich (1774-1840, người Đức), chọn tranh phong cảnh để đem đến cho người xem cảm nghiệm về mầu nhiệm Thiên Chúa ban tặng nằm ngoài con đường chính thống của tôn giáo. Những họa sĩ lãng mạn miền Bắc này phản ứng trước khủng hoảng tôn giáo thời bấy giờ, trước sự thế tục hóa ngày càng gia tăng trong đời sống hiện đại, bằng cách sáng tạo nên những hệ thống hình ảnh tôn giáo mà họ hy vọng sẽ mở ra ánh bình minh của một kỷ nguyên đạo đức và linh thánh. Ý tưởng của họ có ảnh hưởng trên nhiều họa sĩ hiện đại.
Turner thổi vào tranh phong cảnh những cảm thức về Thiên Chúa. Tác phẩm của ông đầy tính thánh thiêng cùng với lời tuyên bố “Có một Thiên Chúa”.
Trái lại, tôi nhìn thấy tác phẩm của Caspar David Friedrich như đang tự hỏi “Có Thiên Chúa không?” Tu sĩ bên Biển của Friedrich miêu tả sự trống vắng mênh mang đang tìm cách dẫn đưa người xem đến cảnh vực thần linh sâu xa phía sau. Nhiều người đã cảm động nhận ra điều tác giả gửi gắm qua bức tranh: họa sĩ vẽ bằng đôi mắt tinh thần chứ không phải đôi mắt của thân xác. Ông nói về việc họa sĩ cần nhắm mắt lại để trước tiên phải thấy những bức họa của mình với đôi mắt tinh thần bên trong. Friedrich tìm những biểu tượng mới để diễn tả những điều siêu việt. Ông dùng một con tàu như sự chuyển hóa trần thế của những hình tượng thánh thiêng, để diễn tả sự biến đổi từ cái chết đến sự sống. Sự chuyển đổi này là một trong những niềm tin căn bản nhất của Kitô giáo, và nhờ vượt qua những giới hạn của biểu tượng Kitô giáo truyền thống, Friedrich đã gây xúc cảm cho lượng người xem rộng rãi hơn. Những bức tranh của ông vì thế mang cả hai chiều kích tôn giáo và thế tục. Robert Rosenblum bình luận rằng “Việc Friedrich đi tìm những biểu tượng mới để diễn tả những kinh nghiệm siêu việt cách mãnh liệt đến nỗi nó chuyển đổi hầu hết những thể loại tranh thế tục trước kia thành một loại tranh tôn giáo” (Modern Painting and the Northern Romantic Tradition: Friedrich to Rothko (Icon Editions), 2nd. ed. New York: Harper & Row Publishers, 1988, 171)
Nghệ thuật thế kỷ 20
Sự trống vắng có tính biểu tượng phong phú. Chẳng hạn, nó giống như quan niệm Sunyata, hư vô, của Phật giáo và quan niệm kenosis, sự trống rỗng trước khi đón nhận ân sủng.
Họa sĩ trường phái Biểu Hiện Trừu Tượng Mark Rothko (1903–1970) đã vẽ nên những diễn dịch hiện đại trong cảm nhận thánh thiêng của Friedrich khi đứng trước sự trống vắng vô tận. Roger Lipsky bàn luận về đám mây của Rothko trong cuốn sách của ông: The Spiritual in Twentieth-Century Art (Tính thánh thiêng trong nghệ thuật thế kỷ hai mươi). Thiên Chúa của Israel không bao giờ xuất hiện trực tiếp cho dân Ngài, nhưng Ngài xuất hiện trong đám lửa đang bốc cháy hay được che phủ bởi đám mây.
Nhiều họa sĩ đã được Chúa Thánh Thần tác động và đã diễn tả điều ấy trực tiếp. Chẳng hạn, Vincent Van Gogh (1853-1890) dùng hoa hướng dương làm biểu tượng của mặt trời, rồi đến lượt mặt trời làm biểu tượng cho điều thánh thiêng. Bức họa Đêm Đầy Sao diễn tả bầu trời đêm, một ẩn dụ đầy say mê về mầu nhiệm của vũ trụ. Ông cũng sáng tạo vô số những cách diễn tả về Người Gieo Hạt Giống, một dụ ngôn truyền thống trong Tin Mừng Matthêu chương 13. Van Gogh bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một giáo dân đi rao giảng và đã đưa lòng nhiệt thành với Tin Mừng vào trong nghệ thuật của mình.
Nhà điêu khắc La mã Constantin Brancusi (1876–1957) sáng tạo một số công trình điêu khắc với chủ đề lên trời. Brancusi nói, “Tôi vẫn luôn làm việc với chủ đề này. Tôi vẫn chưa tìm ra được. Đó không chỉ là con chim, đó còn mang ý nghĩa một chuyến bay lên. Chim trong không gian, nó vùng vẫy... hướng về trời” (Roger Lipsey, The Spiritual in Twentieth-Century Art, New York: Dover Publications, Inc., 1988, 234). Brancusi diễn tả khuynh hướng của ông: “Điều tôi đang làm là điều tôi được giao phó để làm. Tôi đi vào trần gian này với một sứ mạng” (Ibid, 246).
Nghệ thuật thánh đương đại
Câu tuyên bố của các Đức Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ về nghệ thuật thánh đương đại cũng mang tính giáo huấn: “Qua dòng lịch sử Hội Thánh, vẫn có căng thẳng giữa việc tiếp tục cách diễn đạt nghệ thuật truyền thống và nhu cầu diễn tả đức tin với những phương cách thích hợp cho mỗi thời đại trong những nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi thời đại, Hội Thánh đã cố gắng cho các họa sĩ và kiến trúc sư lỗi lạc nhất của thời đại thiết kế các nơi thờ phượng để tụ họp cộng đoàn và làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong quá khứ, việc đối thoại giữa Hội Thánh và các họa sĩ đã nảy sinh mối liên kết giữa đức tin và nghệ thuật, tạo nên những nơi siêu thoát để cầu nguyện, những tòa nhà tạo tâm tình kính sợ, vẻ đẹp siêu việt, và những nơi khiêm tốn để cầu nguyện, và nhờ sự đơn sơ ấy mà con người có được ý thức về sự linh thánh” (Xây bằng những viên đá sống động: Nghệ thuật, Kiến trúc và Thờ phượng, 2000, 49).
Kết luận
Nghệ thuật thánh được liên kết với truyền thống lâu dài của các họa sĩ đã qui hướng về một thế giới vô hình mà chúng ta không thể nhìn thấy nếu không có đức tin. Nghệ thuật thánh đương đại chuyển dịch thần học và linh đạo phổ quát thành một ngôn ngữ hình ảnh, đi qua đức tin và mời gọi các tín hữu đi vào mối tương quan sâu xa hơn với Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994)
-
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu -
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại -
Ánh Sáng – Lửa Tin Yêu Trong Gió -
Khai mạc triển lãm Tranh, Ảnh Tượng "Ánh sáng, lửa tin yêu trong gió" -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam -
Người đầu tiên khai phá tranh Mỹ thuật Sơn mài Việt Nam -
CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC TRONG TRIỂN LÃM "DẤU ẤN ĐỨC TIN II" -
Hoạ sĩ Kim Long và cõi tâm linh