NSTM 10-2019: Phủ xanh địa cầu và Truyền giáo
CHỦ ĐỀ: PHỦ XANH ĐỊA CẦU - TRUYỀN GIÁO
Trong văn kiện Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Vì mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau, và các vấn đề ngày nay mời gọi một tầm nhìn chạm tới mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nên tôi đề nghị giờ đây chúng ta sẽ xem xét một số yếu tố của ‘hệ sinh thái toàn diện’, với sự tôn trọng các chiều kích nhân bản và xã hội của nó.” (số 137)
…Ngoài những công việc cụ thể không thể bỏ qua như bảo vệ rừng cây, trồng thêm cây xanh, không sử dụng túi nhựa, phân loại và tái chế rác thải, giảm thiểu khói xăng dầu, tiết kiệm điện nước, vv…, việc xây dựng một ‘hệ sinh thái toàn diện’ còn đòi hỏi phải giúp cho mọi người có một hiểu biết sâu xa và thực hành:
- Luật luân lý đã được khắc ghi vào trong bản tính con người giúp con người sống đúng phẩm giá cao cả của mình,
- Nền văn minh tình yêu,
- Khám phá Thiên Chúa trong mọi sự,
- Tham dự Thánh lễ Chúa nhật để chữa lành các mối tương quan,
- Đọc thực tại bằng ‘chìa khóa’ Ba Ngôi.
Đấy là những công việc mà các nhà truyền giáo vẫn miệt mài phổ biến, giống như các nhà môi trường vẫn đang nhiệt thành say sưa với việc ‘phủ xanh địa cầu’.
Tháng 10.2019 - Tháng Truyền Giáo ngoại thường - đang mời gọi chúng ta trở thành những nhà bảo vệ môi trường - những người vừa ‘phủ xanh địa cầu,’ vừa ‘phủ xanh tâm hồn con người’ bằng sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi và Lời khôn ngoan tràn trề sức sống vĩnh cửu của Chúa…
- Tác hại của tư duy tiêu cực
Làm hại sức khỏe thể lý. Loại tư duy này chắc chắn tác động xấu đến hệ miễn dịch và hoạt động của các cơ quan nội tạng.
Làm cho tâm lý mang màu sắc ảm đạm, u tối. Trạng thái tâm lý tiêu cực làm cho suy nghĩ và hành động của người ta cũng trở nên u ám.
Phá hủy các mối tương quan với tha nhân. Chẳng ai muốn tiếp cận, gần gũi với những người bi quan, yếm thế. Thế nên, tương quan với người khác sẽ dần dần lỏng lẻo và đi đến chỗ chấm dứt.
Chôn vùi mọi tiềm năng của bản thân. Khi bi quan về bản thân, người ta cũng không tin tưởng vào khả năng mình, cũng sẽ không cố gắng vươn lên vì nghĩ rằng có cố gắng mấy cũng vô ích, “Tôi không biết, tôi không có năng khiếu, tôi không chắc mình làm được…” và còn nhiều cái tôi tiêu cực khác được trưng ra.
Phá hủy hạnh phúc và tương lai. Tất cả những yếu tố kể trên, sớm muộn gì cũng làm giảm thiểu, hoặc trong trường hợp xấu nhất là phá hủy hạnh phúc và tương lai của con người. Người đầy tớ cuối cùng trong dụ ngôn, vì thiếu cố gắng, vì nhận thức tiêu cực về khả năng của mình, cũng như có cái nhìn tiêu cực về ông chủ, đã lãnh lấy phần bất hạnh cho cuộc đời.
- Ích lợi của tư duy tích cực
Chúng ta có cần nêu lên những ích lợi của lối tư duy tích cực về bản thân hay không? Chỉ cần làm động tác quay ngược những tác hại của lối tư duy tiêu cực, chúng ta dễ dàng có được một đáp án chính xác cho câu hỏi này.
- Rèn luyện
Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đừng bao giờ khuếch đại những điều đáng tiếc đã xảy ra, cũng như đừng bao giờ “nhấm nháp” những điều không mong muốn đã xảy ra trong cuộc đời mình.
Khám phá điều tích cực trong mọi biến cố. Xem thành công là động lực để giúp mình vươn lên và đi tới. Xem thất bại là cơ hội để học hỏi, để rút kinh nghiệm. Thắng không kiêu, bại không nản!
Tin tưởng vào bản thân. “Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta hay nghĩ đến nhất.” (William James). Niềm tin mạnh mẽ giúp chúng ta thành công, ít là trong giai đoạn xuất phát rồi.
Sử dụng thời gian, năng lực, các mối tương quan, phương tiện đang có vào các mục đích tích cực. Hãy sử dụng thời gian hợp lý cho các hoạt động thể lực, tinh thần, giải trí lành mạnh. Khám phá năng lực cá nhân bằng nhiều cách thế khác nhau: đọc sách, viết lách, làm việc tay chân, quan sát thế giới thiên nhiên, chăm sóc cây cảnh, giao tiếp với bạn bè, thưởng thức âm nhạc, tập tư duy giải quyết vấn đề bằng nhiều đáp án khác nhau, và cũng nên dành thời gian lắng đọng cho riêng mình để hướng thượng và hướng thiện.
Hy vọng đây là bước đầu để chúng ta đi đến thành công. Thành công ở đây không nhắm đến bằng cấp, sở hữu bạc tiền, quyền cao chức trọng, nhưng là sự bình an nội tâm, hạnh phúc, và nhất là có được cuộc sống mà chúng ta hài lòng về nó.
THÍ ĐIỂM TRUYỀN GIÁO TẠI RỪNG SÁC
...Tắc Ông Nghĩa năm ấy (1968) là nơi có mặt của trên một ngàn dân tỵ nạn chiến tranh. Họ là những dân quê nghèo nàn, chất phác từ khắp xứ đổ về. Tất cả là người ngoại giáo, chỉ trừ vài ba gia đình công giáo rối rắm. Đa số sống với nghề chài lưới, đốn củi. Hàng trăm trẻ em không được đi học. Các em nhỏ cả ngày chỉ biết vui chơi với sinh lầy, mò lặn dưới mương bắt cua, mò cá. Các em lớn thì phải theo cha mẹ ra sông chài lưới từ sáng sớm. Trông các em thật đáng thương. Chính các em đã gây cho tôi mối thiện cảm đầu tiên nơi vùng sình lầy nước mặn này. Mối thiện cảm ấy đã khiến tôi thắng vượt mọi cam go, thử thách trên bước đường đầu truyền giáo.
Dự định trước mắt của tôi là cất một trường học để các em có nơi vui chơi và học hành. Đúng như dự định, sau mấy tháng vất vả lặn lội đi về, xuôi ngược giòng sông, chuyên chở vật liệu xây cất do Cơ Quan Caritas Saigon ủng hộ với sự cộng tác đắc lực của anh em quân đội thuộc đặc khu Rừng Sác, một ngôi trường đã mọc lên giữa cánh đồng hoang lầy lội. Ngôi trường đơn sơ, mái tôn vách ván, dài hơn 20m, rộng 10m, mang tên Thánh tử đạo Philipphê Minh. Trường được chia ra hai phòng học gồm bốn lớp sơ cấp, dung nạp được gần 200 học sinh do hai thầy phụ trách.
Kể từ tháng Tám năm 1968, các em lũ lượt trên các các bờ đê cắp sách đến trường. Tội nghiệp cho các em trong những ngày mưa gió đường đê trơn trợt, hay những lúc nước sông dâng lên, tràn ngập mênh mông như biển cả. Các em không quản ngại, vẫn luôn vui vẻ xăn quần, chống gậy, bấm chân mò đường để đến trường. Đến trường là các em quên hết mọi vất vả khó nhọc. Các em coi nhà trường như một địa điểm hẹn hò, gặp gỡ và vui chơi thú vị nhất, bất chấp lầy lội nắng mưa, giờ giấc.
Rồi thời gian trôi mau. Trung Thu, Noel, Tết với những quà bánh và một năm học đã kết thúc với ngày phát thưởng cuối cùng. Hai tháng Hè của năm 1968 cũng vừa hết. Một năm học mới lại bắt đầu với những gương mặt mới, những thầy giáo mới…
Kiểm điểm lại công việc của chúng tôi, những người nói được đã có công “khai phá”, chúng tôi tự nhận chưa làm được gì đáng kể vì thiếu phương tiện, thời giờ và nhất là nhân lực. Nếu có gì đáng kể thì đó chính là niềm vui chân thật, một tia sáng hy vọng đang lóe lên với các em và gia đình các em ở hoang đảo đèo heo hút gió này…
Tuy nhiên, năm mới này cũng như những năm trước, vấn đề nhân lực vẫn là chủ yếu: thiếu thốn, khó khăn. Vì khung cảnh sống và môi trường hoạt động ở đây đòi hỏi các “nhà truyền giáo” rất nhiều hy sinh và gian khổ. Nếu có những tâm hồn thiện chí muốn “vào nghề” mở Nước Chúa thật sự thì thiết tưởng đây là một thí điểm tốt nhất để họ có dịp thực tập sống đời sống của các vị Tông đồ truyền giáo Việt Nam. Đây chỉ là một hạt giống đã gieo xuống lòng đất đang chờ những bàn tay cần cù vun xới để nảy nở và hứa hẹn một mùa gặt tươi tốt giữa cánh đồng vàng bát ngát của khu Rừng Sác này…
Trên đây là trích đoạn của 3 bài rất đặc sắc được đăng trong sách Nhịp Sống Tin Mừng tháng Mười Một 2019 có chủ đề PHỦ XANH ĐỊA CẦU & TRUYỀN GIÁO - do Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thực hiện và Truyền Thông Công Giáo Việt Nam biên soạn - với các nội dung phong phú, đặc biệt là các phần sau đây:
Chủ đề ‘Phủ xanh địa cầu - Truyền giáo’, trang 13
Bối cảnh Tin Mừng, trang 47
Tư duy tích cực về bản thân, trang 29
Chăm sóc những thương tích gia đình, trang 85
Tắc Ông Nghĩa 1968: Thí điểm truyền giáo tại Rừng Sác, trang 92
Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền Giáo (tóm tắt) , trang 22
Đức Cha Jean Cassaigne: Truyền Giáo và Văn Hoá (tt), trang 33
Từ Kinh cầu Đức Bà đến Thánh Mẫu Thi Kinh, trang 40
Ngọt như tình phụ tử, trang 79
Tràng chuỗi con dâng, trang 38
Thời sự Công giáo đáng nhớ, trang 80
Kính mời mọi người đón xem và rất mong đón nhận được những ý kiến đóng góp, những bài viết, cùng sự ủng hộ của Quý Độc Giả.
Kính chúc Quý Độc Giả luôn được tràn đầy ân lộc của Thiên Chúa.
Ban Biên tập NSTM
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Tháng Hoa thời Đại dịch -
Ra đi thanh thản -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân