Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 12 Thường niên năm A
Gr 20,10-13 – Rm 5,12-15 – Mt 10,26-33
TUYÊN XƯNG ĐỂ ĐƯỢC TUYÊN XƯNG HAY CHỐI BỎ ĐỂ BỊ CHỐI BỎ
“Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời,
thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy”. (Mt 10,32)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Gr 20,10-13
Đây là một phần trích từ lời bộc bạch của Giêrêmia với chính Thiên Chúa. Thực tế của cuộc sống mà vị ngôn sứ đang phải đối diện luôn làm ông bị day dứt, băn khoăn, chán nản... có khi chỉ còn muốn nguyền rủa tất cả, rũ bỏ mọi sự (x. Gr 20,14-15). Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn ông lại là một xác tín nền tảng: hãy ca tụng và ngợi khen Đức Chúa (x. Gr 20.13) vì ông đã dám chấp nhận để cho Chúa quyến rũ mình (x. Gr 20,7).
Bài đọc I diễn tả hai nỗi day dứt lớn mà Giêrêmia đang phải đối diện: 1/ Ông bị mọi người coi là ‘kẻ gieo khủng bố khắp nơi’ nên cần phải bị lên án, bị loại trừ; 2/ Ông bị bạn bè soi mói, mong ông là kẻ sai lầm khi thi hành sứ vụ, để tìm cơ hội trả thù.
Một đàng, Giêrêmia nhận ra rằng đau khổ, lo lắng, mệt mỏi... là cái giá mà ông phải trả khi thi hành sứ vụ, nhưng đàng khác ông cũng luôn xác tín rằng có Chúa ở cùng, có Chúa chiến đấu, có Chúa chiến thắng. Vì thế, công việc chính mà vị ngôn sứ cần làm trước tiên là giãi bày tâm sự cùng Chúa, ca ngợi tán dương Ngài, rồi đợi chờ trong tín thác chính Chúa sẽ ra tay.
2. Bài đọc II – Rm 5,12-15
Thánh Phaolô đưa ra một so sánh tương phản giữa Adam và Đức Giêsu khi lý luận rằng: Chính bởi thái độ bất tuân phục của một mình Adam, mà tội đã đi vào trần gian cùng với sự chết tràn lan tới mọi người, dù cá nhân mỗi người có phạm tội hay không. Trái lại, nhờ sự vâng phục cũng chỉ của một mình Đức Giêsu, ân sủng của Thiên Chúa được thông ban cho mọi người ở mọi thời.
Chèn lồng vào lý luận đó, thánh Phaolô còn cho thấy hai điều căn bản: 1/ Luật Môsê đã chẳng thể làm thay đổi số phận phải chết của con người, dù mỗi người phạm tội hay không; 2/ Tội đã hiện diện ở trần gian trước khi có luật, nhưng ‘không bị kể là tội’, đang khi tội bị coi là tội từ khi có luật được ban hành (x. Rm 5,13).
3. Bài Tin mừng – Mt 10,26-33
Nếu bài đọc I đề cập nhiều tới những ưu tư lo lắng của vị ngôn sứ, thì trong bài Tin mừng, Đức Giêsu ba lần trấn an các môn đệ: ‘Các con đừng sợ...’ (x. Mt 10,26.28.31).
Trong lời trấn an ‘đừng sợ’ thứ nhất, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ mạnh mẽ công bố mọi sự khi loan báo Tin mừng, bởi vì nội dung Tin mừng chính là Đức Kitô, Con Đường–Sự Thật–Sự Sống để dẫn đưa mọi người đến ân sủng cứu độ của Thiên Chúa.
Trong lời trấn an ‘đừng sợ’ thứ hai, Đức Giêsu khích lệ các môn đệ can đảm đối diện với cái chết thể lý khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sống tâm linh mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có toàn quyền quyết định. Chính vì thế, lòng tín thác vào một Thiên Chúa công minh và quan phòng sẽ giúp người môn đệ bình an để nhận ra giá trị cứu độ của những hy sinh, lao nhọc, thử thách, cả cái chết trên hành trình của sứ vụ.
Trong lời trấn an ‘đừng sợ’ thứ ba, Đức Giêsu chỉ ra vị trí thật quan trọng của người môn đệ trong ánh mắt của Thiên Chúa, khi xác quyết: ‘... mọi sợi tóc trên đầu đã được đếm, ... quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.’
Ba lời khuyến cáo ‘đừng sợ’ của Đức Giêsu nhằm dẫn người môn đệ đi đến một chọn lựa nền tảng khi thi hành sứ mạng: tuyên xưng để được tuyên xưng hay chối bỏ để bị chối bỏ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Ta đã nghe nhiều người thóa mạ và chế nhạo...’ Sống sứ mạng ngôn sứ của Giêrêmia đòi buộc ông phải chấp nhận những hệ lụy tất yếu đi theo: là sẽ bị thóa mạ và chế nhạo. Sống ơn gọi là Kitô hữu cũng đòi buộc mỗi người chúng ta phải trả giá cách này hay cách khác: sự thiệt thòi, sự mất mát, những khổ đau, những hy sinh, thậm chí cả cái chết.
2. ‘Ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.’ Qua cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ cho hết thảy mọi người. Mỗi Kitô hữu đã được cứu độ nhờ giá máu của Đức Kitô đổ ra trên thập giá, đồng thời mỗi người cũng được mời gọi để thông phần vào cái chết của Đức Kitô bằng những hy sinh hằng ngày để ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, qua Đức Kitô, được thông ban cho toàn thể nhân loại.
3. ‘Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy’ Ơn gọi là Kitô hữu không hệ tại ở một mớ những quy định phải nghiêm ngặt tuân giữ, nhưng là một sứ mạng để thi hành. Sứ mạng đó không gì khác hơn là tuyên xưng ‘Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất’ cho thế giới hôm nay. Đời sống đức tin của tôi đang hệ tại điều nào: tỉ mỉ tuân giữ hay nỗ lực tuyên xưng?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ơn gọi của mọi Kitô hữu là tuyên xưng tình thương cứu độ của Thiên Chúa trước mặt người đời. Thiên Chúa biết rõ và luôn sẵn lòng ban phát những ơn lành cần thiết để chúng ta hoàn tất ơn gọi của mình. Với lòng tín thác cậy trông, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Thầy.” Xin Chúa ban cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội thánh được dồi dào ơn khôn ngoan cùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để luôn can đảm làm chứng cho Đức Kitô giữa thế giới hôm nay.
2. Ân sủng của Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô luôn dồi dào cho muôn người. Xin Chúa cho các dân tộc hay quốc gia còn xa lạ với đức tin Kitô giáo được ơn lắng nghe và nhận biết Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa, hân hoan đón nhận và luôn vững tâm sống trong niềm vui mà Đức Kitô ban tặng.
3. “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn.” Xin cho những người đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin biết trông cậy vào quyền năng Chúa, cho mọi Kitô hữu biết tích cực tham gia các hoạt động tông đồ và luôn dấn thân trong công cuộc mở mang nước Chúa.
4. Sống ơn gọi Kitô hữu đòi buộc người môn đệ phải chấp nhận trả giá. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua Lời Chúa và Thánh Thể, để thêm kiên cường sống đức ái và làm chứng cho sự thật ngay giữa một xã hội đang chạy theo lối sống ích kỷ và giả dối.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin chúc lành cho những ước nguyện của chúng con; để nhờ ơn Chúa, chúng con luôn can đảm tuyên xưng và hăng hái làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B