Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

(Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30)

ĐỨC GIÊSU - MẠC KHẢI CỦA CHÚA CHA
VÀ LÀ TRƯỜNG HỌC KHIÊM HẠ

“Hãy học nơi tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Dcr 9,9-10)

Bài đọc I được trích từ sấm ngôn về thời cánh chung của ngôn sứ Dacaria tiên báo về vị vua mới tương lai của Giuđa. Vị vua này hoàn toàn khác xa với với hình ảnh truyền thống: thay vì ngồi trên chiến xa hay chiến mã, thì vị vua mới “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa”, là loài được sử dụng rộng rãi trong thời bình. Đoạn trích này tiên báo cuộc vinh thắng của Đức Giêsu trong Chúa Nhật Lễ Lá, khi Người ngồi trên lưng lừa tiến vào thành thánh Giêrusalem, để chứng tỏ rằng Người không phải là một Đấng Messia của thời chiến, với những cuộc chinh phạt bằng võ khí, nhưng là một vị Thiên Chúa khiêm hạ và hiền hòa, một vị Thiên Chúa “bẻ gãy mọi cung tên và công bố hòa bình cho muôn dân”.

2. Bài đọc II (Rm 8,9.11-13)

Bài đọc II trích thư gởi tín hữu Rôma nói về Thần Khí trong sự tương phản với tính xác thịt. Bởi vậy, nếu như Kitô hữu chúng ta sống và hành xử chỉ theo tính xác thịt, thì sẽ hướng đến những nết xấu và sự chết; còn nếu chúng ta sống theo Thần Khí, thì không những sẽ loại trừ được những hành vi xấu xa nơi con người chúng ta, mà còn hướng chúng ta đến những giá trị tốt đẹp, vững bền, nhất là sự sống mới trong Đức Kitô. Vì thế, những ai có Thần Khí của Đức Kitô được xem như là thuộc về Đức Kitô và mang lấy hình ảnh cũng như bản chất của Người.

3. Bài Tin Mừng (Mt 11,25-30)

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay được một số người xem như là một “hòn ngọc” của Tin Mừng Matthêu. Nếu như toàn bộ phần đầu của Tin Mừng cho đến việc tuyên xưng của Phêrô ở chương 16 trình bày hình ảnh Đức Giêsu như là Đấng Messia, thì ở đây thật sự là một bước ngoặt và chóp đỉnh, một trang Tin Mừng đầy mạnh mẽ nhưng êm dịu.

Bối cảnh ở đây thật khó tin: Đức Giêsu vừa trải qua một thất bại trong sứ vụ. Thành công ban đầu trong sứ vụ rao giảng, được gọi là “mùa xuân Gallilê”, đang trên đà giảm dần. Biển hồ Gallilê, nơi chính Đức Giêsu thiết lập ‘chỗ ở’ của Người, nay đã từ chối Người. 

Trong đống đổ nát hoang phế đó, chúng ta có thể nói như thế, Đức Giêsu lại không oán trách hay kêu than; trái lại, Người cất lên với Chúa Cha lời ca tạ ơn, một lời ca đầy kinh ngạc và ngập tràn niềm vui. Điều này chỉ có thể xuất phát từ một con người chiêm niệm, có thể đọc ra lịch sử và dấu chỉ của Thánh Ý, cũng như nhận kế hoạch của Thiên Chúa.

Sự cứng lòng của những bậc thông thái và khôn ngoan đã làm cho Đức Giêsu xác quyết hơn sự ưu tiên trong kế hoạch của Chúa Cha: đó là cho những người bé mọn, là những người không có khả năng áp đặt ai, hay là những người không được xem trọng.

Với thế gian, người thông thái và bậc khôn ngoan luôn được xem trọng, và trong giới tôn giáo Do Thái, đó là những luật sĩ và Pharisêu, những người luôn thích lập đi lập lại câu cửa miệng: “người vô tri không thể thoát án tội, và người nông dân không thể thuộc về Chúa”. Đức Giêsu đang chứng minh rằng họ đã sai và nhất là cho họ thấy ý định của Thiên Chúa thật là khác biệt.

Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu, qua chính lời nói và con người của mình, đã mạc khải về bản tính Thiên Chúa, đó là hiền hậu và khiêm nhường. Ở đây thánh Matthêu đã tiên báo những gì mà Tin Mừng Gioan sẽ nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Nếu như hiền hậu và khiêm nhường mạc khải về Chúa Cha, thì ta hiểu lý do tại sao những người bé mọn lại đón nhận mạc khải của Thiên Chúa; đó là bởi vì mạc khải Tin Mừng đã bị dừng lại trước những bậc thông thái và khôn ngoan, họ không có khả năng đọc được nơi Đấng mạc khải, là Đức Giêsu Kitô hiền hậu và khiêm nhường. Chính Người, là “kẻ bé mọn nhất trong Nước Trời” như Người đã nói trước đó, là nơi chứa đựng mạc khải Chúa Cha.

Bởi thế, ánh mắt Đức Giêsu luôn hướng nhìn về những kẻ bé mọn, là những người biết đón nhận Nước Trời, và Người nhìn thấy nơi họ những ách nặng phải chịu do những bậc thông thái và khôn ngoan cài lên cổ.

Ở đây Đức Giêsu nói về hai cái ách: một cái đè nặng, một cái nhẹ nhàng.

Cái ách trước không hẳn là Luật Tôra, và cái sau cũng không hẳn là Tin Mừng. Nếu như những người bé mọn bị vất vả và gồng gánh nặng nề là do những kẻ giải thích Luật Tôra, họ quên rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa của những kẻ bé mọn, Đấng đã giải thoát những con người nô lệ và đưa họ tới một tình trạng tự do.

Vì thế, “ách của tôi” mà Đức Giêsu nói đến như là sự kiện toàn luật Tôra, như Người đã nói trước đó: “Tôi đến không phải để hủy bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,7). Vì thế, Tin Mừng Nước Trời là tin mừng về dung mạo của Chúa Cha. 

Tiên vàn luôn có ân sủng; tiên vàn luôn có hoạt động của Thiên Chúa; và sau là Luật Tôra. Vì thế, tuân giữ Luật Tôra có nghĩa là làm cho ân sủng trổ sinh hoa trái chứ không ngược lại.

“Ách của tôi” còn là vì chính Đức Giêsu là người đầu tiên đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và vác lấy trong phận người. Ách còn đòi hỏi khiêm hạ tuân phục quyền tối thượng của Thiên Chúa, đồng thời từ bỏ con người mình. 

 “Hãy học nơi tôi” (mathete) không có nghĩa là học kinh Tôra, nhưng là trở thành môn đệ (mathétés), là bước theo Đức Giêsu khiêm nhường và hiền hậu. Trong Cựu ước, đây là hai thái độ cần có trước mặt Thiên Chúa và con người: trước Thiên Chúa, đó là thái độ tin tưởng, tuân phục và ngoan ngùy; với con người, niềm nở, nhẫn nhục, thận trọng, sẵn lòng phục vụ và tha thứ. Nhìn về Đức Giêsu ta sẽ thấy Người như thế, và như vậy Người mạc khải Chúa Cha cho chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1.Người bẻ gãy mọi cung tên và công bố hòa bình cho muôn dân”. Đấng Messia được loan báo và trông đợi sẽ mang hòa bình đến cho con người. Là những người tin theo Chúa, tôi trông đợi gì nơi Đức Giêsu: một Đấng sẽ giúp tôi chinh phạt mọi thứ bằng mọi giá hay một Đấng sẽ giúp tôi cùng với Người mang lại những giá trị tốt đẹp cho những người chung quanh?

2.Nếu nhờ Thần Khí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống”. Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta không sống theo tính xác thịt, mà theo Thần Khí. Cảm nghiệm lại đời mình, có bao nhiêu lần tôi đã sống và hành xử theo cung cách của những người là con cái Chúa? 

3.Hãy học nơi tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Đức Giêsu đã mạc khải một dung mạo hiền hòa và nhân lành về Thiên Chúa cũng như về một kế hoạch yêu thương dành cho những người bé mọn. Tôi đã có những kinh nghiệm gì về những điều này với Chúa trong cuộc đời tôi? Và tôi có can đảm học nơi Người những bản tính tốt đẹp này không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tự tỏ mình là Đấng “hiền lành và khiêm nhường”. Với tâm tình yêu mến Chúa và quyết tâm học với Người, cộng đoàn chúng ta cùng chân thành dâng lời nguyện xin:

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sứ vụ của Hội Thánh: Xin cho các vị chủ chăn của dân Chúa luôn nỗ lực sống tinh thần của Đấng Cứu Thế, hầu phản ánh trung thực dung mạo của Thiên Chúa nhân từ bao dung cho con người thời đại hôm nay.

2. Chúng ta hãy cầu nguyệnA cho hòa bình của thế giới: Xin cho các dân tộc và quốc gia biết xoá bỏ ngăn cách hận thù, không phân biệt màu da, ngôn ngữ hay tôn giáo, mọi người biết cộng tác với nhau xây dựng thế giới này thành ngôi nhà chung.

3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc phúc âm hóa gia đình: Xin cho các bậc cha mẹ đang mang gánh nặng gia đình và ưu tư vì con cái, biết chạy đến với Chúa để được tình yêu Người nâng đỡ và thêm sức, hầu chu toàn bổn phận Chúa trao phó.

4. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cộng đoàn đang hiện diện: Xin cho từng người chúng ta biết siêng năng đến với Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể để học cùng Người bài học khiêm tốn chân thành khi sống với và sống cho mọi người chung quanh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin nhìn đến chúng con đang tin tưởng nguyện cầu và khát khao được biến đổi. Xin giúp chúng con biết học nơi Con Chúa bài học khiêm tốn dịu hiền, hầu trở nên khí cụ mang bình an của Chúa đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top