Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Thường niên năm C

St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

LÒNG HIẾU KHÁCH VỚI CHÚA

“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10,42)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (St 18,1-10)

Sách Sáng Thế chương 18 mô tả Abraham là một vị chủ nhà hết sức rộng rãi, nồng hậu tiếp đón những người khách. Khi ông nhìn thấy ba vị khách dừng lại gần lều của mình, ông vội vã chạy đến chào hỏi và mời họ nghỉ chân ở đó. Ông còn mang nước cho họ rửa, dọn bánh cho họ ăn, giết bê đãi thịt, mang sữa tiếp đãi và hầu bàn trong lúc các vị khách dùng bữa. Tiếp đón khách là một điều bình thường ở các nước vùng Trung đông cổ xưa, nhất là khi các vị khách phải trải qua những cuộc hành trình dài. Người chủ giúp họ được tắm rửa cho sạch sẽ, ăn uống và nghỉ ngơi để họ đủ sức có thể tiếp tục lên đường. Điều đáng chú ý ở đây là thái độ và cung cách tiếp đón của ông Abraham. Thấy họ ông vội vàng chạy đến mời; khi họ vào ông chọn những thức ăn thật ngon thật tốt tiếp đãi họ; ông còn đứng phục vụ khi họ ăn uống. Những điều này cho thấy ông đã có một sự rộng rãi, nồng hậu, quý mến đối với khách; ông không ngại gian nan tốn kém vất vả hay tính toán hơn thiệt.

Sự đón tiếp các vị khách là truyền thống xã hội, nhưng có thể hiểu được nó bắt nguồn từ quan niệm tôn giáo: con người được Thiên Chúa tiếp đón và cho cư ngụ dưới bầu trời này qua những gì Người đã dựng nên. Việc tiếp đón khách đáp trả lại việc Thiên Chúa đón tiếp con người, và mỗi người cũng là hình ảnh của Thiên Chúa và Người hiện diện nơi họ, nên đón tiếp con người cũng chính là đón tiếp Thiên Chúa.

Sự đón tiếp của ông Abraham và bà Sara không ngừng lại ở việc tiếp đãi nhưng đi xa hơn là đón nhận lời hứa của Thiên Chúa. Ông bà cần một niềm tin để đón nhận những điều tưởng như là không thể. Nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Như thế, ông Abraham đã tiếp đón những người khách vô vị lợi vì lúc đầu ông chưa nhận ra Thiên Chúa đang đến với ông. Sự tiếp đón của ông có thể xem là cầu nối cho lời hứa của Thiên Chúa thực hiện nơi ông. Nhưng để tiếp nhận lời hứa của Thiên Chúa thì ông cần nhiều hơn một sự hiếu khách và tính nồng hậu; ông cần niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên cả vũ trụ này có thể làm mọi sự.

2. Bài đọc II (Cl 1,24-28)

Thánh Phaolô nhận mình là người phục vụ Hội Thánh, chịu mang lấy những đau khổ, để thực hiện điều Thiên Chúa ủy thác là rao giảng về Đức Kitô. Với niềm xác tín kiên vững là chính qua Đức Kitô, qua lời của Người, Thiên Chúa ban cho con người được hưởng vinh quang, Thánh Phaolô, một đàng đón nhận những đau khổ, đàng khác kiên trì nhẫn nại rao giảng, dạy dỗ để cho mọi người đón nhận lời của Thiên Chúa và giúp mọi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Thánh nhân đã nghe lời Thiên Chúa và hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa là rao giảng về Đức Kitô, ơn cứu độ cho con người. Con người đón nhận lời Thiên Chúa cũng phải hành động, sửa đổi con người mình nên hoàn thiện.

3. Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42)

Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta nghe trong ngày Chúa nhật hôm nay rất là quen thuộc, kể lại cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở nhà của chị em Mátta và Maria. Thánh sử kể cho chúng ta nghe cách đón tiếp khác nhau mà hai chị em đã dành cho Chúa Giêsu. Hai cách đón tiếp xem ra quá trái ngược nhau: một bên bận rộn chuẩn bị nhiều thứ, còn một bên chỉ ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe. Câu trả lời của Chúa Giêsu đáp lại lời phàn nàn của bà chị Mátta có vẻ như cho chúng ta đáp số về cách tiếp đón nào là cách Chúa muốn: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy ổn với câu trả lời của Chúa Giêsu và vẫn đặt lại câu hỏi khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay: Có phải Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe Lời Chúa hơn là bận rộn lo lắng chuẩn bị nhiều việc khác nghĩa là Người loại trừ hay coi thường công việc tiếp đón của bà Mátta?

Đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay trong toàn cảnh của Tin Mừng Luca, chúng ta sẽ hiểu là Chúa Giêsu không xem nhẹ việc phục vụ, vì chính Người đã dạy các môn đệ: Người lãnh đạo là người phục vụ anh em, và chính Người đã ở giữa các môn đệ như một tôi tới phục vụ (Lc 22,24-27). Câu trả lời của Chúa nhằm nhắc nhở Mátta, như một người môn đệ, việc lắng nghe Lời Thầy của mình là quan trọng nhất. Lòng mến của hai chị em đối với Thầy Giêsu có thể như nhau, nhưng cách quan tâm đến lời dạy của Người thì có khác nhau. Maria, như một môn đệ, khao khát lắng nghe và ngồi bên chân Chúa diễn tả lòng khao khát và sẵn sàng vâng theo lời dạy. Còn Mátta, quá bận rộn, bị chia trí với những công việc mà bà nghĩ là cách tiếp đón Chúa tốt nhất của một người chủ nhà chứ không phải của người môn đệ lắng nghe dù bà đang gọi Chúa Giêsu là Thầy. Mátta trong khung cảnh này đã xác định sai, và Chúa Giêsu đã hướng bà về điều cần trong lúc này.

Việc lắng nghe lời Chúa cũng cần phải đặt trong sự nối kết với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trong Chúa nhật tuần XV về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Thầy tư tế hay thầy Lêi đều là những người nghe và đọc Lời Chúa rất nhiều, nhưng họ không thật sự “lắng nghe” và do đó việc nghe của họ không sinh hoa trái, không đưa họ đến việc hành động. Còn người Samaritano trong dụ ngôn đã có lòng thương xót, và hành động để giúp đỡ. Ông được xem như con người của lắng nghe thật sự và hành động. Lời Chúa như hạt giống gieo vào lòng người phải nảy mầm sinh bông hạt.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Chúng ta nghĩ gì về tương quan của chúng ta với những người xung quanh? Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ những người lâm cảnh khốn khó cần chúng ta trợ giúp? Chúng ta có giúp đỡ cách vô vị lợi, không so đo tính toán, hay chỉ giúp cho những người “có qua có lại” với chúng ta? Chúng ta cần cầu xin Chúa giúp ta nhìn thấy Chúa nơi những người khốn khổ này.

2. Chúng ta có phải là Mátta, bận rộn lo toan quá nhều thứ nên không chú ý đủ đến lời Chúa dạy? Hay chúng ta cũng chỉ là Maria giả hiệu, lắng nghe lời Chúa để trốn chạy trách nhiệm, thực tế, lời Chúa vào tai này lại ra tai kia? Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta lắng nghe cách khao khát như Maria và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta đón tiếp và gắn bó mật thiết với Chúa qua việc lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa. Với tâm tình tin yêu và lòng khao khát chân thành, cộng đoàn chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng đem niềm vui cứu độ đến cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và nhiệt tình trong công cuộc phúc âm hóa, có nhiều sáng kiến nhằm giảm bớt nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của nhân loại.

2. Con người thời đại đang chạy theo tiền của, danh vọng, thú vui mà lãng quên cùng đích của cuộc đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, cách riêng những ai chưa tin nhận Chúa, được ơn nhận biết chỉ có Người mới là nguồn hạnh phúc đích thật và vững bền.

3. Hai chị em Matta và Maria đã niềm nở đón tiếp, lắng nghe và phục vụ Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu biết nhận ra Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ bất hạnh, để luôn đồng cảm và tận tình giúp đỡ cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

4. Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết siêng năng học hỏi và hăng say thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để không ngừng được biến đổi và nên hoàn thiện.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin đoái thương nhìn đến những ước nguyện của chúng con và ban ơn trợ giúp để chúng con không ngớt ca ngợi và hết lòng phụng sự Chúa, hầu được sống mãi trong Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top