Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 18 Thường niên năm C
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
CỦA CẢI PHÙ VÂN – THIÊN CHÚA VĨNH HẰNG
“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa,
thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gv 1,2; 2,21-23)
Khoảng năm 220 tCN, tại Giêrusalem có một nhà khôn ngoan tên là Côhelét, nghĩa là người tụ họp cộng đoàn. Ông được mô tả một số nét trong phần cuối của sách Giảng viên: “Ông Côhelét không những là một bậc thánh hiền, nhưng còn là một vị tôn sư dạy cho dân hiểu biết. Ông đã cân nhắc, suy tư và sáng tác ra nhiều châm ngôn. Ông Côhelét đã sưu tầm để tìm ra những lời hay ý đẹp, rồi trung thực viết ra những điều chân thật” (Gv 12,9-10).
Sống trong bối cảnh của một xã hội chạy theo lạc thú, giàu sang, Côhelét suy tư và tự hỏi: cuộc sống này có ý nghĩa gì, có đáng để con người phải lao công, cực nhọc, vất vả để thu tích mọi sự cho mình không khi mà theo ông, mọi sự ở đời này là phù vân, tất cả chỉ là phù vân (Gv 1,2.3; 2,11).
Bài đọc hôm nay diễn tả suy tư này của Côhelét về sự tích trữ của cải: “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa” (2,21).
Sau đó ông kết luận: “Lọt lòng mẹ trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chịu đựng bao gian lao vất vả, để rồi chẳng thể mang theo được gì. Đó cũng là một sự dữ làm tôi đau đớn. Đến làm sao, ra đi làm vậy. Thật là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” (5,14-15).
Vậy phải làm gì? ăn uống, ngủ nghỉ, ăn chơi thỏa thích mà không cần làm gì cả?
Côhelét đã khuyên những môn đệ của ông hãy hưởng lấy những điều mà cuộc sống mang lại cách lành mạnh. Tuy nhiên, giải đáp cho những vấn nạn hóc búa này vẫn bị bỏ ngỏ. Câu trả lời ta không tìm thấy nơi sách của ông, nhưng Tin Mừng Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta câu trả lời. Chính Đức Giêsu sẽ mở toang những chân trời và khuyên chúng ta đừng quá lo lắng về những điều vô nghĩa và chạy theo những điều phù vân.
2. Bài đọc II (Cl 3,1-5.9-11)
“Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới... hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Có phải đây là một lời mời gọi khinh chê thế gian này và khuyên con người hãy hướng lòng về trời cao?
Để hiểu rõ lời khuyến dụ này, chúng ta cần phải biết thánh Phaolô đang nói về phép rửa tội. Qua bí tích này, người Kitô hữu chết đi với đời sống xưa cũ của mình, được phục sinh với Chúa Kitô và cùng với Người bắt đầu cuộc sống hoàn toàn đổi mới (cc.1-4). Vì thế, “từ bỏ những gì thuộc hạ giới” không có nghĩa là chấm dứt thực tại thế gian, mà là chấm dứt bản chất thuộc hạ giới của con người, đó là “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam” (c.5).
Nơi bí tích rửa tội, người Kitô hữu được mặc lấy con người mới, được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa tuy vẫn chưa được tròn đầy. Vì thế, ngày ngày cần phải được cởi bỏ vô số những điều không xứng hợp vốn làm cho con người khác biệt với dung mạo của Thiên Chúa.
Đây không phải là một lời mời gọi khiến chúng ta nản lòng. Trái lại, thánh Phaolô muốn chúng ta ý thức rõ ràng về con người hiện tại của mình để cố gắng trở nên mỗi ngày giống Chúa hơn bằng cách sống đúng mực của người Kitô hữu.
3. Bài Tin Mừng (Lc 12,13-21)
Thánh Luca nhiều lần nói về sự giàu có. Đó là một đặc tính trong Tin Mừng của ngài. Liên tiếp trong chương 12 bàn về những điều liên quan đến vấn đề này: cuộc gặp gỡ với người đàn ông đang lo lắng về việc chia gia tài; dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc; khuyến dụ: “anh em đừng lo lắng về cuộc sống của anh em”; lời mời gọi tìm kiếm nước Thiên Chúa, kho tàng không bao giờ hư nát ở trên trời.
Trước câu hỏi từ một thực tế về bận tâm của cải của một người đàn ông, Chúa Giêsu từ chối can thiệp, thay vào đó, Người giúp anh ta suy nghĩ và thay đổi thái độ bằng cách kể cho anh nghe một dụ ngôn.
Dụ ngôn này cho phép chúng ta tiếp cận vấn nạn mà Côhelét nêu ra trong sách Giảng Viên: người phú hộ nghĩ về việc an hưởng những tài sản của mình. Tuy vậy, người phú hộ sẽ chết mà không được như ước nguyện.
Đoạn Tin Mừng giúp người phú hộ tỉnh ngộ và đưa ra một giải pháp: hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa thay vì tích trữ của cải cho bản thân. Dụ ngôn về người quản gia bất lương sau này (x. Lc 16,1-8) sẽ chứng minh cho chúng ta về điều này, khi anh ta biết cách dùng của cải để phục vụ đồng loại của mình.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. Đây là lời khẳng định của Côhelét về sự vô lý của những lao nhọc vất vả trong cuộc đời này. Vậy đâu là quy tắc sống giúp soi rọi và làm cho những nhọc nhằn của tôi có ý nghĩa hơn?
2. “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”. Là Kitô hữu, đâu là những giá trị mà tôi phải kiếm tìm?
3. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Của cải vật chất không bảo đảm mạng sống con người, hay rõ hơn, không bảo đảm sự sống đời đời; nhưng nếu được sử dụng tốt, nó sẽ là phương tiện phục vụ Tin Mừng. Là người Kitô hữu, tôi có nhận ra rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban, và mọi người là con cái Chúa trong gia đình chung Giáo hội, và vì thế, tôi có sẵn sàng rộng lòng chia sẻ những điều ít ỏi tôi có được cho những người thiếu thốn quanh tôi không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nơi nương tựa vững chắc và nguồn hạnh phúc đích thực cho con người. Chúng ta hãy chân thành cảm tạ và tha thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới như Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở.
1. Hội thánh có sứ mạng loan báo sứ điệp tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi sáng và hướng dẫn những nỗ lực phục vụ con người của Hội Thánh, để ánh sáng Tin Mừng ngày càng rạng ngời trong thế giới hôm nay.
2. Của cải vật chất là phương tiện Chúa ban để con người sinh sống và chia sẻ cho nhau. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức trách nhiệm tạo ra và phân phối của cải vật chất cách hợp lý, nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người.
3. Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở các tín hữu đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết cảnh giác với chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc, luôn khôn ngoan tìm kiếm và sống theo những giá trị Tin Mừng.
4. Làm giàu trước mặt Chúa là hết lòng vâng theo ý Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tương trợ và hợp tác với nhau trong bổn phận phụng sự Chúa cũng như phục vụ tha nhân.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận những ước nguyện chân thành chúng con dâng lên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và vĩnh cửu ngay trong cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B