Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C
(Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6. 8-11; Lc 3, 1-6)

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

Có tiếng người hô trong hoang địa:
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3,4).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Bối cảnh của đoạn sách ngôn sứ Barúc là thời kỳ hậu lưu đày. Dân Chúa được hồi hương nhưng việc tái thiết Đền Thờ và xây dựng lại đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Điều này làm cho dân chúng ngã lòng và chán nản. Đặt trong bối cảnh đó, đoạn sách ngôn sứ Barúc là một lời khích lệ tinh thần dân Chúa, vì dù giữa bao biến động của lịch sử, Thiên Chúa không hề bỏ rơi nhưng vẫn luôn đồng hành với họ.

Trước hết, ngôn sứ mời gọi thành Giêrusalem hãy cởi bỏ nỗi u sầu, khổ nhục của một thời kỳ đen tối đã qua, và hãy mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng sẽ ban bình an cho dân Người, “bình an xây dựng trên công chính” và sẽ cho dân mặc lấy vinh quang của Người, “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa” (Br 5,4). Dù trong cảnh đau thương của kiếp lưu đày, nếu dân Chúa vẫn một lòng sống công chính và biết kính sợ Thiên Chúa, thì chính Người sẽ ban cho dân vinh quang của Ngài, vinh quang chiếu tỏa cho khắp cả hoàn cầu (Br 5,3).

Sau nữa, ngôn sứ khích lệ dân cư Giêrusalem hãy đứng lên, vui mừng và tự hào vì Chúa chính là Đấng qui tụ con cái tản lạc từ khắp đông tây về một mối. Nếu ngày xưa con cái dân Chúa phải bước đi trong lầm lũi, tủi nhục của cảnh lưu đày, thì nay họ được trở về trong ánh sáng rực rỡ của vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ trong cảnh khốn cùng, nhưng hằng dõi bước theo họ cho đến khi trở về trong hân hoan (Br 5,5-6).

Cuối cùng, chính Thiên Chúa ra lệnh dọn đường để chào đón dân Người trở về. Núi cao phải được bạt cho thấp, gò nổng phải được san bằng, thung lũng phải được lấp đầy, để dọn đất phẳng phiu mà đón dân Chúa tiến bước an toàn (Br 5,7). Thiên Chúa, Đấng từ bi và đầy công chính, sẽ như rừng xanh và quế trầm tỏa bóng trên Israel, dẫn họ đi trong ánh sáng vinh quang của Người (Br 5,8-9). Thiên Chúa thật là Đấng dọn đường để dân Chúa trở về trong hoan lạc và bình an.

Dù phải đối diện với bao khó khăn khi trở về từ cuộc lưu đày, dân Chúa vẫn có lý do để vui mừng và hân hoan vì có Chúa là Đấng luôn đồng hành và che chở họ, bảo đảm họ được trở về trong an bình và hoan lạc.

2. Bài đọc 2:

Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Philípphê đặt trong bối cảnh của ngày quang lâm. Để dọn đường cho ngày Chúa trở lại, thánh Phaolô dâng lời cầu nguyện và mong mỏi các tín hữu Philípphê tiếp tục rao giảng Tin Mừng, thể hiện tình yêu mến và sống công chính.

Trước hết, khi cầu nguyện, thánh Phaolô bày tỏ niềm vui vì sự nhiệt thành của các tín hữu Philípphê trong việc cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Sự nhiệt thành đó, dưới cái nhìn của thánh Phaolô, phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã khởi sự một việc tốt lành như thế nơi họ thì cũng sẽ đưa tới chỗ hoàn thành. Vậy, con đường mà các tín hữu Philípphê cần phải đi, trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm, là tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ.

Sau nữa, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, thánh Phaolô còn mời gọi các tín hữu Philípphê sống tình yêu mến. Tình thương phát xuất từ Đức Kitô, được cụ thể hóa nơi lòng quý mến mà thánh nhân dành cho họ, cần phải được thể hiện ra trong đời sống của các tín hữu Philípphê. Thánh nhân mong mỏi tình thương mến giữa họ phải ngày càng dồi dào hơn, để mỗi ngày hiểu biết và cảm nếm hơn nữa tình thương của Thiên Chúa.

Cuối cùng, để dọn đường cho ngày Chúa lại đến, thánh Phaolô mong mỏi cho đời sống của các tín hữu Philípphê ngày càng trở nên tinh tuyền và không làm điều gì đáng trách. Nhờ ơn sủng của Đức Kitô, chính đời sống công chính của họ là hoa trái dồi dào mà họ dâng lên Thiên Chúa để tôn vinh và ngợi khen Người. Đó là cách thức xứng hợp để chờ đợi Chúa đến trong ngày quang lâm.

3. Bài Tin Mừng

Để chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả được sai đi trước như là người dọn đường. Sự hiện diện của Gioan Tẩy trong một thời khắc của lịch sử nhân loại nhằm giới thiệu Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể để đi vào lịch sử con người nhằm mang con người về với Thiên Chúa.

Trước hết, tương tự cuộc truyền tin cho ông Dacaria (1,5) và việc loan báo sự ra đời của Đức Giêsu (2,1-2),thánh Luca đặt sứ vụ công khai của ông Gioan Tẩy Giả, và đồng thời cũng là khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu (3,1-2), vào trong bối cảnh lịch sử nhân loại. Tác giả Tin Mừng thứ ba muốn xác quyết rằng Thiên Chúa đã thực sự hiện diện trong dòng lịch sử con người. Quả thật, vào một thời khắc xác định trong dòng chảy không ngừng của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã đến “cắm lều” (Ga 1,14) và sống giữa con người để thực hiện công trình cứu độ của Người.

Hơn nữa, thánh Luca xác định rõ ràng rằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là dọn đường theo lệnh của Thiên Chúa (3,2). Trước kia ngôn sứ Isaia được sai đi để kêu gọi dọn đường cho Đức Chúa đến, thì nay Gioan Tẩy Giả đến để làm cho nên trọn lời ngôn sứ xưa. Việc dọn đường không chỉ ở bên ngoài (lấp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn đường cho thẳng), không chỉ là phép rửa mang tính nghi thức bên ngoài, mà là một sự hoán cải (μετάνοια), một sự thay đổi từ bên trong, một sự từ bỏ con đường lầm lạc mà trở về với Chúa. Một sự thay đổi triệt để như thế là điều kiện để được thứ tha tội lỗi (3,3).

Sau cùng, tất cả việc chuẩn bị, dọn đường, hoán cải đều nhằm để được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (3,6). Chính ông Simêon khi ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay cũng đã thốt lên: “chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (x. Lc 2,25-32). Như thế, ơn cứu độ không còn là một lời công bố, một lời hứa viễn vông mà được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu. Thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không gì khác hơn là được gặp gỡ, tiếp xúc với một con người, Đức Giêsu Kitô. Thêm vào đó, ơn cứu độ không chỉ là vinh quang của dân Chúa, mà được dành sẵn cho muôn dân và là ánh sáng cho dân ngoại (2,31-32). Ơn cứu độ, theo cái nhìn của tác giả Tin Mừng thứ ba, dành cho tất cả mọi người phàm [πᾶσα σὰρξ] (3,6). Bất cứ ai có tâm hồn sám hối, dứt bỏ những gì sai trái mà quay về đường chính trực, đều xứng đáng được thấy ơn cứu độ, đều được gặp chính Đức Giêsu.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Chính lúc dân Chúa chán nản, thất vọng, u sầu, Thiên Chúa vẫn ở kề bên họ để an ủi và khích lệ. Chính Chúa là Đấng quy tụ dân Chúa tản lạc về; Người dọn đường để dân trở về với Người trong bình an và hân hoan vui sướng. Những lúc tôi lạc bước, sai lầm, thất vọng chán nản, Chúa không hề hất hủi, bỏ rơi, nhưng dọn sẵn cho tôi con đường để trở về với Người trong bình an. Tôi có sẵn sàng lên đường trở về với Chúa những lúc lạc xa Người?

2/ Để đón chờ ngày Đức Kitô trở lại, thánh Phaolô khích lệ và cầu nguyện cho các tín hữu Philípphê hãy tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ, hãy sống với nhau trong tình yêu mến, và hãy sống thánh thiện, tinh tuyền. Trong tâm tình Mùa Vọng, mùa kỷ niệm Con Thiên Chúa nhập thể và trông đợi Người trở lại trong vinh quang, thánh Phaolô cũng mời gọi tôi hăng say rao giảng Tin Mừng, sống chứng tá tình thương và mỗi ngày nên tinh tuyền, thánh thiện. Tôi có sẵn sàng đáp trả lời mời gọi này?

3/ Thánh Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Độ. Bất cứ ai có tâm hồn sám hối, dứt bỏ những gì sai trái mà quay về đường chính trực, đều xứng đáng được thấy ơn cứu độ, đều được gặp chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Tôi cũng được mời gọi dọn đường cho Chúa đến, trước là trong lòng tôi để tôi cũng được biến đổi mà trở nên sứ giả của ơn cứu độ cho muôn người. Tôi có sẵn sàng cộng tác với Chúa?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng ơn cứu độ cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Người. Với tâm tình hân hoan chờ đón và quyết tâm dọn lối sửa đường cho Chúa đến, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu và dọn đường để Chúa đến với mọi tâm hồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ mạng ấy, qua nỗ lực dấn thân hằng ngày nhằm diễn tả trung thực khuôn mặt của Đức Kitô cho thế giới.

2. Chúa Kitô là ánh sáng và nguồn hy vọng cho trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm nhiều hơn đến những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, giúp họ tìm thấy ánh sáng và có thêm niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại.

3. “Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết tích cực sống tinh thần tỉnh thức của Mùa Vọng bằng quyết tâm loại trừ những thói hư tật xấu, nỗ lực canh tân đời sống và thực thi các mối phúc của Tin Mừng.

4. Thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết đến với nhau bằng sự khiêm tốn chân thành, yêu thương và phục vụ theo gương Chúa Giêsu.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân lành, xin đón nhận những ước nguyện của cộng đoàn chúng con và ban ơn phù trợ, giúp chúng con tích cực canh tân đời sống, hầu xứng đáng đón nhận hồng ân cứu độ mà Con Chúa đem đến cho nhân trần. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top