Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 24 Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THƯƠNG XÓT,
NGƯỜI VUI MỪNG TRƯỚC SỰ HOÁN CẢI
“Cha nó chợt trông thấy,
liền động lòng thương” (Lc 15,20b)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1- Bài đọc I (Xh 32,7-11.13-14)
Ngay từ đầu, khi được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo dân Israel và đưa họ ra khỏi Ai cập, Môsê đã thấy trước được đây là một trách nhiệm nặng nề và khó khăn. Và thật thế, dân Israel, như Thánh kinh nói, là một dân cứng đầu cứng cổ, hay phàn nàn và nổi loạn. Trong suốt hành trình họ đã liên tục kêu trách Chúa khi khổ cực hay gặp nguy hiểm, và ngay cả khi Thiên Chúa bắt đầu ký kết giao ước với họ, họ vẫn không kiên trì tin tưởng. Như bài đọc I hôm nay kể lại, vì chờ đợi ông Môsê quá lâu, trong khi Thiên Chúa vẫn ẩn mặt, Israel đã mất niềm tin tưởng, họ đã hoảng sợ, nản chí và do đó đã gom góp vàng bạc để đúc một con bò và thờ lạy như Thiên Chúa của mình. Chắc chắn hành động này đã làm cho Thiên Chúa nổi giận và Người muốn trừng phạt dân tộc bất trung này.
Như mọi lần, Môsê vẫn luôn là vị trung gian khẩn cầu cho đoàn dân của mình, dù rằng chính ông cũng đã phải nổi giận với họ. Ông đưa ra bốn lý do để cầu khẩn Thiên Chúa tha thứ cho dân mình nhưng tất cả đều dựa trên tình thương của Người dành cho dân riêng của mình. Vì yêu thương Người đã cứu họ ra khỏi Ai cập, lập giao ước với họ, nhất là Người đã thề hứa từ trước với các tổ phụ là làm cho họ trở thành một dân đông đảo, cư ngụ trên đất nước rộng lớn. Môsê đã xin Chúa thương xót đừng đoán phạt dân Israel, kẻo họ phải tiêu diệt. Thiên Chúa lại một lần nữa tha thứ cho dân Israel, vì Người là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm nổi giận và giàu lòng xót thương.
2- Bài đọc II (1Tm 1,12-17)
Chính Thánh Phaolô là người đã cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót Chúa đối với ngài. Thánh nhân trong thư gửi cho Timôthê đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về lòng thương xót của Người. Thánh nhân thú nhận mình đã từng ăn nói lộng ngôn, bạo ngược, bắt đạo, nhưng Thiên Chúa vẫn kêu gọi ngài phục vụ cho Tin Mừng. Với những tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa như vậy, thánh Phaolô cảm thấy mình là người tội lỗi và cần được Thiên Chúa tha thứ và cứu độ trước tiên, Đức Giêsu đã đến thế gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh nhân làm chứng và xác tín về điều nay, về lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai, dù là những người tội lỗi. Điều cần thiết là chúng ta đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và quay về với Người. Cuộc đời thánh Phaolô là chứng tá cho lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng là lời mời gọi hoán cải cho mọi người.
3- Bài Tin Mừng (Lc 15,1-32)
Nếu như chúng ta vẫn thường nghe nói Tin Mừng theo Thánh Luca là Tin Mừng của tình yêu và lòng thương xót, thì chương 15 chính là trung tâm của Tin Mừng của lòng thương xót này. Chương 15 còn có thể gọi là chương của “những niềm vui tìm được”. Trong chương này, tác giả dùng những hình ảnh khác nhau trong ba dụ ngôn để nói về “niềm vui tìm lại được”: tìm lại con chiên thất lạc, tìm thấy đồng tiền đánh mất và tìm được đứa con tưởng đã chết mà nay vẫn sống. Tác giả đã dùng những hình ảnh ám dụ này để diễn tả tình thương và niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi ăn năn hối cải. Niềm vui dường như hơi bất thường so với thực tế khi người chủ để lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, hay vất vả đi tìm đồng tiền đánh mất, để khi tìm được thì hân hoan và mời xóm làng chung vui. Chỉ khi đọc câu cuối của mỗi dụ ngôn chúng ta sẽ hiểu tại sao lại có niềm vui này. Con chiên lạc hay đồng tiền đánh mất là hình ảnh của người tội lỗi, và việc tìm lại được là hình ảnh của sự hoán cải của những con người này.
Đọc lại Tin Mừng thánh Luca, chúng ta sẽ thấy là trước ba dụ ngôn “tìm lại được” này, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về tiệc cưới với những khách được mời dự tiệc xin kiếu không đến dự. Những người khách này là dân Israel, là các người đã chu toàn các lề luật Chúa, là những người nghĩ là mình chắc chắn sẽ được vào Nước Trời và không cần nỗ lực nào cả. Ba dụ ngôn trong chương 15 có thể được đọc và hiểu trong sự liên kết với dụ ngôn bữa tiệc. Những người không nằm trong danh sách khách mời, những người gặp thấy trên đường chính là những người mà người ta nghĩ là không xứng đáng; có thể nói họ chính là những người thu thuế và tội lỗi trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nhưng cuối cùng, họ đã được mời và họ chứng minh là mình xứng đáng hơn cả những người được mời trước đó, vì họ đã mau mắn đáp lời mời gọi, vì họ đã hoán cải. Những người xem ra không xứng đáng thì lại là những người đón nhận lời mời, chấp nhận trở nên môn đệ Chúa bằng cách nghe những lời giảng dạy của Người. Tin Mừng không nói rõ những người thu thuế hay tội lỗi này đã trở nên tốt hay chưa, nhưng qua việc lui tới nghe Chúa Giêsu giảng, chúng ta nhận thấy họ đã có sự bắt đầu chấp nhận nên môn đệ của Người. Điều này rõ ràng hơn qua ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Những người thu thuế hay những kẻ tội lỗi giống như những con chiên lạc, hay những đồng tiền đánh mất đó. Họ đã mất nhưng Thiên Chúa đã tìm lại được họ.
Thánh sử Luca nói cho chúng ta biết ba dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra là để trả lời cho những lời xầm xì của những Pharisiêu và kinh sư khi họ nhìn thấy những người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu. Họ chê bai Người là giao tiếp với những phường tội lỗi, những người mà chắc chắn các kinh sư và Pharisiêu khinh bỉ và tránh xa. Họ xem Chúa Giêsu là Người đã phớt lờ những ranh giới xã hội khi Người tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi như những anh em của Người. Nhưng Thiên Chúa thật sự vui mừng khi đón nhận những tâm hồn hoán cải trở về với Người.
Hai dụ ngôn về con chiên lạc và đồng tiền bị mất cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, cho dù chỉ là một con người tội lỗi, bị loại bỏ bên lề xã hội, hay là một người thân phận yếu đuối. Đối với Người, tất cả đều có ý nghĩa và cần được cứu độ, và thực tế Ngươi đã đón tiếp họ. Dụ ngôn người con hoang đàng càng cho thấy tình yêu khoan hồng và lòng xót thương của Người. Dù tội lỗi của người con đã làm cho trái tim cha già tan nát, hành động của người con đã xúc phạm đến tình yêu cao vời của cha mình, nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, luôn sẵn lòng tha thứ cho những người biết ăn năn hối cải. Niềm hân hoan của người cha già nhìn thấy con trở về là hình ảnh Thiên Chúa luôn chờ mong người tội lỗi hoán cải và sẵn sàng đón họ trong vòng tay của Người, khôi phục lại cho họ địa vị con Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Thiên Chúa nhân lành không bỏ rơi chúng ta dù ta tội lỗi xấu xa, Người vẫn chờ đợi chúng ta ăn năn hoán cải. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, để đừng thất vọng khi phạm tội, nhưng luôn dám thoát ra khỏi tội lỗi, hoán cải và biến đổi cuộc đời mình.
2. Thánh Phaolô là gương mẫu cho chúng ta về việc hoán cải và để cho Thiên Chúa dùng mình như khí cụ hữu ích. Nếu chúng ta có sa ngã, chúng ta cần tin cậy vào Chúa, không để cho những mặc cảm tội lỗi chôn vùi mình, tách mình ra khỏi xã hội. Chúng ta hãy biết cộng tác với mọi người để làm những việc thiện điều tốt trong khả năng của mình.
3. Chúng ta phải tránh thái độ của những người Pharisêu hay kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta ai cũng là người tội lỗi cần được Thiên Chúa thương xót, và chính chúng ta cũng phải thương xót các anh em xem ra bị xa lánh vì những lỗi phạm công khai. Chúng ta cần chia sẻ nâng đỡ để cho họ cảm thấy được yêu thương và có thể hoán cải, thay đổi đời sống.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi biết thật lòng ăn năn trở về. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện.
1. “Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ hy vọng và tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho con người trong thế giới hôm nay.
2. Con người thời đại đang chạy theo đam mê dục vọng mà chối bỏ Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người tội lỗi lầm lạc được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn ban ơn lành cho tất cả những ai tin cậy vào Người.
3. “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn biết thường xuyên xét mình, thành tâm sám hối, và siêng năng đến với Chúa qua những cử hành bí tích để được ân sủng của Chúa tái sinh và biến đổi.
4. “Chúng ta phải ăn mừng, vì em con đã chết nay sống lại.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đoàn kết yêu thương nhau, biết cảm thông chia sẻ với mọi người, và sẵn sàng góp phần vào những chương trình công ích.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Chúa muốn chúng con theo gương Chúa biết tha thứ và yêu thương hết mọi người; xin nghe lời chúng con cầu nguyện mà chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B