Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 26 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 26 Thường niên năm C

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 26 Thường niên năm C

 Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

THIÊN CHÚA ỦI AN NGƯỜI KHỐN CÙNG TRONG NGÀY SAU HẾT

Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16,25)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Am 6,1a.4-7)

Chúng ta đang ở năm 750 tCN và Israel (vương quốc phía Bắc) đang thời cực thịnh cả về kinh tế lẫn chính trị. Khía cạnh tôn giáo cũng phát triển không kém: các đền đài phủ kín người tín hữu và khách hành hương; họ đến dâng lời cầu nguyện và những lễ phẩm. Các tư tế được vua trả lương hậu hĩnh chưa từng có. Và vì thế có lý do để người ta tạ ơn Chúa và tán dương nhà vua vì những thành quả đạt được.

Tuy nhiên, có một người đàn ông không hiệp cùng với ca đoàn tán dương nền chính trị của vua Giarópam II, đó là ngôn sứ Amos, một người chăn chiên trong sa mạc ở miền Nam của Bétlehem, miền Giuđa. Amos đưa ra những lời công kích kịch liệt, vì cho rằng đất nước đang giàu có và thịnh vượng, nhưng chỉ đúng cho một số người mà thôi. Những người nghèo chân lấm tay bùn đang bị bóc lột nặng nề, và những kẻ yếu thế cô thân bị đối xử cách bất công. “Chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. Chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen, và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ” (Am 2,6-7).

Trước bối cảnh này, ngôn sứ Amos đã lên tiếng tố cáo chống lại vua Giarópam II, các tư tế, những người chủ và người giàu có, và Amos đã cảnh báo họ về một hệ quả phải xảy tới là kiếp lưu đày đối với những việc làm xấu xa của họ.

2. Bài đọc II (1 Tm 6,11-16)

Trong những khuyến dụ của thánh Phaolô gởi cho Timôthê, thì những lời trong bài đọc hôm nay nhắm đến đời sống cá nhân của Timôthê hơn là ở khía cạnh mục vụ, đó là kiên trì với những nhân đức căn bản, tiếp tục chiến đấu cho đức tin.

Sự kiên trì đó dựa trên nền tảng ơn kêu gọi mà qua đó, Timôthê đã đáp trả bằng việc tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô; chính niềm tin sống động ấy làm cho Timôthê ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn.

Tác giả bức thư đã đặt những lời khuyến dụ này trong viễn cảnh về sự trở lại của Chúa Kitô; điều này đã thúc đẩy tác giả thốt ra những lời vinh tụng ca ở cuối đoạn, và chắc chắn, nó cũng được sử dụng trong các hội đường và cả các cộng đoàn Kitô hữu.

3. Bài Tin Mừng (Lc 16,19-31)

Dụ ngôn, theo cách thường thấy của thánh Luca, đã đặt để hai hình ảnh đối lập nhau là người đàn ông giàu có (không gọi là xấu) với anh Ladarô nghèo khó.

Sứ điệp của dụ ngôn là: Thiên Chúa ân thưởng cho người nghèo khó và trừng phạt kẻ giàu sang vô cảm trước đồng loại. Đây cũng là lời dạy của Tám Mối Phúc (6,2-23) và của một số dụ ngôn khác.

Ở đây ta còn thấy đề tài bữa tiệc, trước tiên là cảnh yến tiệc của người giàu có, và sau đó là khung cảnh đối lập của anh nghèo Ladarô trong lòng tổ phụ Ápraham giống như khung cảnh của Gioan với Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly (Ga 13,23). Rõ ràng đây là bữa tiệc thiên quốc (xem thêm bữa tiệc trong dụ ngôn người cha nhân hậu Lc 15,11-32).

Giữa người giàu có và anh Ladarô nghèo khó có một vực thẳm lớn. Vực thẳm này được tạo nên từ cách hành xử của người giàu có với anh Ladarô khi còn tại thế (x. 16,9-13) và không thể vượt qua được. Điều này cho thấy phán xử của Thiên Chúa không thể thay đổi được, và số phận được ấn định ở một nơi mà con người không thể thoát ra được.

Lời Chúa đủ để cho ai muốn lắng nghe Người. Thật vô ích khi cố gắng sai phái những vị sứ giả khác đến với người không chịu vâng nghe tiếng Chúa. Đây là một lời mời gọi hãy biết thành tâm đón nhận Lời Chúa.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Bất công xã hội luôn là một sự dữ mà Thiên Chúa, qua lời các ngôn sứ của Người, luôn lên án. Vậy trong vai trò ngôn sứ của mình, tôi cảm thấy thế nào mỗi lần tôi bắt gặp những bất công đó trong cuộc sống?

2. Vật lộn để sinh tồn trong cuộc sống này đã khó, nhưng vật lộn để sinh tồn trong cuộc sống mai hậu còn khó hơn nhiều. Qua bức tâm thư của Phaolô, tôi thấy tôi cần phải làm gì và phải như thế nào trong đời sống đức tin để được sự sống đời đời?

3. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó là một lời mời gọi cho tất cả chúng ta, nhất là những người được Chúa ban cho có điều kiện trong cuộc sống này, biết lưu tâm và mở lòng trước những gia cảnh khốn cùng của những người con cái Chúa trong cuộc sống hằng ngày, vì chính những điều ta sống hôm nay là quyết định cho tương lai của chúng ta trong cuộc sống mai hậu. Đâu là tâm tình của tôi khi chính tôi lâm cảnh ngặt nghèo? Đâu là thái độ của tôi khi tôi thấy bao cảnh người cơ khổ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa hằng yêu thương và bảo vệ những người bé mọn thấp hèn; Người cũng muốn tất cả chúng ta biết quan tâm và cư xử bác ái với nhau. Với quyết tâm thực thi lời Chúa dạy, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:

1. “Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn được ơn Chúa soi sáng và nâng đỡ, để các ngài chu toàn bổn phận qui tụ, chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên mà Chúa đã ủy thác.

2. Sự ích kỷ góp phần làm gia tăng nạn nghèo đói. Chúng ta cùng cầu xin cho các quốc gia phát triển và những cá nhân thành đạt, biết quảng đại chia sẻ của cải vật chất cùng những thành tựu khoa học, nhằm đẩy lui đói nghèo bệnh tật và thăng tiến đời sống con người.

3. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa của đức tin.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người đang chịu bách hại vì đức tin, luôn can đảm vượt qua mọi thử thách và trung thành tuân giữ lề luật Chúa.

4. Đức tin được năng động nhờ đức ái. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa dạy, biết sống tinh thần trách nhiệm đối với tha nhân bằng việc quan tâm đáp ứng những nhu cầu vật chất lẫn tâm linh của người chung quanh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và ban Thánh Thần giúp chúng con hết lòng thực thi giới răn “mến Chúa yêu người” trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top