Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14

TIỆC VUI NƯỚC TRỜI CHO MỌI NGƯỜI

“Vậy các ngươi đi ra các ngả đường,
gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”
.
(Mt 22,9)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Ngôn sứ Isaia loan báo về một bữa tiệc cánh chung thịnh soạn mà Thiên Chúa sẽ thết đãi muôn dân trên núi Sion. Qua bữa tiệc vui, hân hoan, Thiên Chúa xóa tan nỗi u buồn, tang tóc đang bao trùm muôn dân; Ngài tiêu diệt tử thần đang thống trị muôn nước. Nhờ đó, người ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng cứu độ.

Trước hết, ngôn sứ loan báo việc Thiên Chúa sẽ thết đãi một bữa tiệc. Với thịt béo, rượu ngon, Thiên Chúa mời gọi và sẵn sàng tiếp đón những ai đang đói khát tìm kiếm Chúa. Thiên Chúa sẽ cất đi chiếc khăn đang che phủ, chiếc màn đang bao trùm lên người ta làm cho họ như bị mù lòa thiêng liêng khi không nhận ra vinh quang của Thiên Chúa. Trong niềm vui mừng và hân hoan của một bữa tiệc, Thiên Chúa xóa tan ưu phiền, tang tóc vì chính Người là Đấng tiêu diệt tử thần. Hãy lên núi Sion, hãy nhìn lên, hãy tìm đến với Thiên Chúa, người ta sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng; họ sẽ được nhìn thấy vinh quang của Ngài, và sẽ được Ngài giải thoát khỏi ách tử thần đang đè nặng trên cuộc sống của họ. Đến với Thiên Chúa, người ta sẽ cảm nhận được niềm vui và an ủi.

Thêm vào đó, ngôn sứ nhấn mạnh rằng lời mời gọi đến dự tiệc cánh chung không dành riêng cho dân riêng của Chúa, mà là dành cho muôn dân, dành cho mọi dân tộc (Is 25,6-7). Bữa tiệc của Thiên Chúa là bữa tiệc phổ quát mở ra khoản đãi tất cả mọi người bất kể họ là ai, không phân biệt dân tộc, quốc gia, giai cấp, địa vị. Thiên Chúa chờ đợi và sẵn sàng tiếp đón tất cả mọi người đến với Ngài. Ngài không từ chối bất kỳ ai khao khát và tìm kiếm Ngài.

Sau cùng, ngôn sứ còn loan báo về viễn ảnh cánh chung trong đó người ta nhận ra Thiên Chúa chính là Đấng họ trông đợi, tìm kiếm và khát khao. Họ nhận ra và tuyên xưng Chúa chính là Thiên Chúa của họ: “Đây là Thiên Chúa của chúng ta” (Is 25,9). Thiên Chúa không còn là đối tượng ở xa, ở ngoài, không dính dáng gì đến họ, nhưng là Thiên Chúa của họ, gần gũi thiết thân với họ. Chính Ngài là Đấng họ đã từng trông chờ và là Đấng cứu độ họ (Is 25,9).

Muôn dân hân hoan, vui mừng và đồng thanh xưng tụng rằng Thiên Chúa mà họ từng trông chờ chính là Thiên Chúa của họ, Đấng ban cho họ ơn cứu độ.

2. Bài đọc 2

Sau khi rời Philípphê, thánh Phaolô đến Thêxalônica, nhưng các tín hữu Philípphê vẫn tiếp tục tiếp tay giúp đỡ thánh nhân (Pl 4,15-16). Khi thánh Phaolô bị cầm tù, các tín hữu Philípphê đã gởi một cộng sự viên đến giúp đỡ (Pl 2,25-30). Chính vì thế mà thánh Phaolô bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng của các tín hữu Philípphê (Pl 4,10.14).

Dù thánh Phaolô biết rằng Chúa Giêsu cho phép người rao giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng, vì “làm thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7; 1 Cr 9,14), nhưng ngài muốn sống triệt để hơn, muốn dấn thân quyết liệt hơn bằng cách khước từ quyền đó. Thánh nhân đã ngày đêm làm lụng khó nhọc để không trở thành gánh nặng cho người khác (1 Cr 4,12; 1 Tx 2,9; 2 Tx 3,8). Vì thế, việc thánh nhân nhận sự giúp đỡ của các tín hữu Philípphê hẳn là vì giữa thánh nhân và họ có một mối tình cảm thân thiết cách đặc biệt.

Quan trọng hơn, qua sự kiện này, thánh Phaolô mở ra cho các tín hữu Philípphê một cái nhìn rộng mở hơn, sâu xa hơn về sức mạnh thật sự của người sứ giả Tin Mừng. Quả vậy, đối với thánh Phaolô, những nhu cầu về vật chất không phải là yếu tố thiết yếu của người rao giảng Tin Mừng, dư dật cũng được mà thiếu thốn cũng không phải là vấn đề (Pl 4,12). Sự nâng đỡ thật sự cho thánh Phaolô không đến từ những nhu cầu vật chất mà đến từ Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô vì “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).

Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu Philípphê hiểu rằng chỉ nơi Thiên Chúa và trong Đức Giêsu Kitô, người tín hữu mới được thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất, thỏa mãn một cách tuyệt vời nhất (Pl 4,19). Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới là đối tượng đáng khao khát và ưu tiên tìm kiếm, còn những thứ khác chỉ là phụ thuộc mà thôi, hệt như lời dạy của Chúa Giêsu: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 5,33).

3. Bài Tin Mừng

Chúa Giêsu tiếp tục nói về Nước Trời bằng một câu chuyện tiệc cưới. Qua câu chuyện này, độc giả hiểu thêm về những khía cạnh khác nhau của Nước Trời.

Trước hết, Nước Trời là một bữa tiệc vui Thiên Chúa tổ chức và mời thực khách đến dự. Ngài chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng để tiếp đón khách mời vào chung vui với Ngài: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (Mt 22,4). Ngài mời gọi, kiên nhẫn đợi chờ và tiếp tục dùng những trung gian khác nhau để nhắc lại lời mời khi khách mời không mấy mặn mà với bữa tiệc.

Thêm nữa, Nước Trời là một lời mời gọi nên người ta có quyền chọn lựa. Bữa tiệc của Thiên Chúa vẫn chỉ là một trong số những lựa chọn của con người. Câu chuyện cho thấy có những người chọn những giá trị khác mà họ cho là quan trọng và cấp thiết hơn, lại có những người phản ứng tiêu cực và bạo lực trước lời mời tha thiết của Thiên Chúa. Người ta có quyền chọn lựa hay từ chối, nhưng sự đón nhận hay chối từ Nước Trời không hề là một chọn lựa hời hợt, vô thưởng vô phạt, mà là một chọn lựa quyết liệt, mang tính quyết định cho đời người (Mt 20,7).

Sau cùng, câu chuyện Nước Trời mở ra một bước ngoặt mới khi những người xem ra là không xứng đáng cũng được mời vào dự tiệc vui Nước Trời. Bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đều được mời vào Nước Trời. Ở đây vang vọng lời loan báo cánh chung của Isaia về một bữa tiệc dành cho muôn dân, muôn nước (Is 25,6). Lời loan báo của Isaia giờ đây đã trở thành hiện thực khi Thiên Chúa mở cửa Nước Trời cho tất cả những ai muốn vào. Tuy nhiên, Nước Trời không hề là nơi mà người ta muốn ra vào tùy thích. Nước Trời hẳn có những điều kiện nhất định mà những ai muốn vào đều phải đáp ứng (Mt 22,11-13).

Tóm lại, Nước Trời là một bữa tiệc vui của Thiên Chúa mà mọi người đều được mời vào tham dự. Đón nhận hay từ chối lời mời là sự chọn lựa tự do của con người và họ phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Một khi chọn lựa, người ta cần phải đáp ứng những đòi hỏi của Nước Trời.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Ngôn sứ Isaia loan báo một bữa tiệc do Thiên Chúa thết đãi muôn dân. Qua bữa tiệc này, Ngài sẽ cất khỏi họ nỗi u sầu, buồn bã vì Ngài là Đấng cứu độ họ. Tôi cũng được mời lên núi dự tiệc vui với Chúa, tôi có sẵn sàng nghe theo tiếng mời gọi của Ngài ? Chỉ có Chúa mới là Đấng cứu độ tôi, tôi có tin tưởng, phó thác nơi tình thương và quyền năng của Chúa ? Tôi có để cho Ngài cất đi những phiền muộn, lo lắng, nặng nề trong cuộc sống ?

2/ Thư Philípphê kể lại sự dấn thân quyết liệt của thánh Phaolô vì Đức Kitô và Tin Mừng. Đối với thánh nhân, có Đức Kitô là có tất cả. Đức Kitô là chân giá trị tuyệt đối, còn những gì khác chỉ mang tính phụ thuộc. Đức Kitô có nằm trong số các bậc thang giá trị mà tôi vẫn hằng theo đuổi ? Đức Kitô có là ưu tiên chọn lựa của tôi ? Tôi có dám hy sinh những điều khác để được Đức Kitô làm lẽ sống đời mình ?

3/ Bài Tin Mừng làm nổi bật chủ đề Nước Trời. Nước Trời là một lời mời gọi tất cả mọi người đến dự tiệc vui với Chúa, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi người ta phải chọn lựa chấp nhận hay từ chối, cùng với những điều kiện kèm theo. Tôi có nghe thấy lời mời gọi thiết tha của Chúa đến dự tiệc vui Nước Trời ? Tôi chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của Ngài ? Tôi có sẵn sàng hy sinh những gì riêng tư, chấp nhận những điều kiện, để được vào Nước Trời ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn yêu thương và mong muốn con người được hạnh phúc, Người mời gọi tất cả chúng ta vào dự tiệc Nước Trời và vui sống đời đời. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin.

1. Hội Thánh có sứ mạng dẫn đưa mọi người đến dự tiệc vui nước trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn biết quan tâm chăm sóc từng con chiên trong đàn cũng như ngoài đàn, để tất cả tìm được nguồn sống dồi dào nơi Đức Kitô.

2. Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra trong những ngày tới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, tác động để các Giám mục của chúng ta đồng tâm nhất trí một đường hướng mục vụ thiết thực cho Giáo hội Việt Nam.

3. Chọn lựa sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là một thách đố cho nhiều người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ, luôn can đảm tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh và mọi quyết định của mình.

4. Khi đã chọn lựa, người ta phải nỗ lực đáp ứng những đòi hỏi của Nước Trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày, và luôn nêu cao giá trị Tin Mừng trong đời sống gia đình cũng như môi trường làm việc.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn ơn lành giúp chúng con sống trọn vẹn tư cách là con cái Chúa, để ngày sau xứng đáng tham dự tiệc vui Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top