Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

(Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45)
Chủ đề: TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC THỂ HIỆN QUA SỰ HIẾN THÂN
“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
(Mc 10,45)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Trong cuộc sống hằng ngày, lòng ích kỷ và tính toán hơn thiệt đang làm cho con người không biết rung cảm trước những nỗi đau khổ của tha nhân. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống phục vụ trong yêu thương, và Đức Giêsu đã dạy chúng ta bài học này qua chính đời sống và gương hy sinh của Người. Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta, thì chúng ta sẽ biết đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ mọi người.

1. Bài đọc I (Is 53,10-11)

Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta hình ảnh về người Tôi trung của Thiên Chúa. Người Tôi Trung chịu những đau khổ để trở nên “lễ vật đền tội” và “sẽ gánh lấy tội lỗi” của muôn người. Nhờ trải qua nỗi thống khổ, với bản thân, Người Tôi Trung sẽ “nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện”; với người khác, Người Tôi Trung sẽ làm cho muôn người nên công chính. Như thế, qua những hy sinh và đau khổ, Người Tôi Trung sẽ hạnh phúc vì được tôi luyện để thi hành được ý muốn của Thiên Chúa, và qua Người Tôi Trung, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại. Truyền thống Kitô giáo nhìn Người Tôi trung là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đón nhận mọi khổ hình và cái chết trên thập giá để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, hầu đem lại ơn cứu độ cho con người.

2. Bài đọc II (Dt 4,14-16)

Tác giả thư Do thái đã mô tả cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã chia sẻ thân phận con người và biết cảm thương những nỗi yếu hèn của con người, dù Người không hề phạm tội. Trong cuộc sống dương thế, Người cũng đã chịu thử thách về mọi phương diện. Qua cuộc đời của Đức Giêsu, con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu ngược đời, theo những cách thế ngược với cách thức của con người. Thật vậy, dầu là Con Thiên Chúa, nhưng Người đã trút bỏ mọi sự vì loài người chúng ta và đã mặc lấy thân phận yếu hèn của con người để cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói về Đức Giêsu: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).

3. Tin Mừng (Mc 10,35-45)

Ngay sau khi Đức Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã đến gần Đức Giêsu để xin “cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Lời cầu xin này gây bất ngờ trong khi Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó mà Người phải chịu: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”. Thầy đang bước vào đường thương khó, thế mà hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại tìm kiếm chỗ đứng quan trọng và vinh quang theo kiểu con người. Các môn đệ khác cũng có tham vọng như Giacôbê và Gioan, cho nên họ bực tức với hai môn đệ này, vì đã dành quyền của họ.

Dù tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng các môn đệ chưa hiểu về sứ vụ Người. Có thể các ông nghĩ Đức Giêsu sẽ đi lên Giêrusalem để làm vua, nên các ông sẽ được làm quan. Vì thế, lời thỉnh cầu của các ông là lời cầu quyền cầu danh. Đức Giêsu không quở trách, nhưng đã dạy cho họ bài học về sự phục vụ và hy sinh vì người khác. Hơn hết, chính Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương sống động về những gì Người dạy bảo: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Rồi Người đã mời các môn đệ cùng chia sẻ sứ vụ của Người: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; Phép Rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Cuối cùng, họ đã chấp nhận lời mời gọi này, vì nhận ra mình đang theo một vị Thầy trên con đường hy sinh phục vụ, và hiến mạng vì tha nhân chứ không phải ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, đòi người ta phục vụ mình.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”. Hình ảnh của Người Tôi Trung được thể hiện cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô: là Đấng đã sống và chết cho người khác. Tôi có muốn bước theo Đức Giêsu trên con đường dấn thân vì người khác, dù biết trên con đường này tôi có thể gặp đau khổ hy sinh? Tôi có nhận ra rằng “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình); nhờ đó, tôi tìm được ý nghĩa của cuộc sống?

2. “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta”. Quả thật, Đức Giêsu đã chia sẻ thân phận yếu hèn của con người, đến gần để đồng cảm với con người hầu kéo con người về với Thiên Chúa. Tôi có một tinh thần gần gũi và nâng đỡ những người mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi trong cuộc sống? Tôi có một quả tim biết rung cảm trước những nhu cầu cấp thiết của anh chị em?

3. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Quyền lực và địa vị, ích kỷ và lòng tham luôn là những cám dỗ đối với con người. Ngay các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi điều đó. Đức Giêsu không chỉ mời gọi các môn đệ mà còn mời gọi tất cả kitô hữu tiếp nối sứ vụ phục vụ của Người. Đáp lại, trong đời sống đạo, có nhiều người nam cũng như nữ và nhiều bạn trẻ đã quảng đại hy sinh bản thân mình vì tình yêu đối với Tin Mừng và việc phục vụ anh chị em mình. Riêng trong đại dịch Covid này, tinh thần phục vụ của Đức Giêsu đã được thể hiện nơi sự dấn thân của các bác sĩ, của các linh mục tu sĩ và anh chị em thiện nguyện trong các bệnh viện để chữa trị các bệnh nhân F0. Kho tàng của Thiên Chúa được mở rộng và chất đầy bằng việc mở hầu bao của các nhà hảo tâm, sự quảng đại đóng góp vật chất kẻ ít người nhiều theo khả năng của anh chị em trên khắp mọi miền đất nước. Cánh tay thi ân của Thiên Chúa được nối dài nơi những bàn tay của anh chị em tình nguyện đến từng con hẻm ngắn, ngõ ngách sâu đang bị phong tỏa để trao những túi quà nhỏ chứa đựng lương thực và nhu yếu phẩm nhưng chất đầy tâm tình to. Vào lúc này, xã hội và Giáo hội đang rất cần chúng ta “tiếp tục nâng đỡ người nghèo vượt qua khó khăn” bằng sự chia sẻ vật chất, và cả việc “An ủi, động viên và giúp đỡ những anh chị em đang đau khổ. Một lời chia sẻ cảm thông, những lần thăm viếng thường xuyên, sẽ đem lại sức mạnh và nghị lực tinh thần để họ đứng dậy tiếp tục bước đi” (Thư Mục Vụ TGP. Sài gòn ngày 4/10/2021). Về phần mình, tôi có sử dụng những gì mà Thiên Chúa thương ban cho tôi để phục vụ người khác thay vì đòi hỏi được phục vụ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh và cho thế giới hôm nay:

1. “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới bằng một đời sống yêu thương phục vụ theo gương Chúa Giêsu.

2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới biết mở lòng khi nghe rao giảng, để đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô; cũng xin cho các bạn trẻ Công Giáo luôn ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng ngay trong môi trường và hoàn cảnh của mình.

3. Đức Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta. Xin cho các bệnh nhân Covid-19, và tất cả những ai phải gánh chịu nhiều thiệt hại do đại dịch, luôn tin tưởng và cậy trông nơi lòng thương xót của Thiên Chúa để được chữa lành và nâng đỡ.

4. Đức tin dẫn chúng ta vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc cha mẹ trong cộng đoàn chúng ta luôn chu toàn bổn phận giáo dục đức tin cho con cái bằng những lời chỉ dạy khôn ngoan và một đời sống tốt lành gương mẫu.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Chúa Thánh Thần, giúp chúng con luôn tích cực cộng tác và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Con Chúa nơi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Top