Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C
(Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18)

NIỀM VUI THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG

“Hãy vui lên… vì Chúa đã gần đến” (Pl 4,5)

 

 

Lễ phục màu hồng của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là dấu chỉ cho thấy Mùa Vọng ngầm chứa và hướng về niềm vui, vì Thiên Chúa đã gần đến để cứu chúng ta, như được diễn tả trong các bài đọc: “Hãy vui lên”. Tuy nhiên, để có được niềm vui đó, chúng ta cần có một cuộc hoán cải nội tâm, biến con người cũ thành con người mới.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đoc I (Xp 3,14-18a)

Ngôn sứ Xôphônia xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 7 tCN ở Vương Quốc Giuđa (phía Nam Israel). Vào thời đó, đời sống của dân Do-thái bị suy đồi về luân lý bên trong, ngoại bang xâm lăng bên ngoài. Đời sống của toàn dân nằm trong tình trạng bi thảm, tồi tệ. Trong tình cảnh đó, ngôn sứ Xôphônia loan báo “Hãy hoan hỉ, hãy cất tiếng ca, hãy hân hoan, hãy nhảy mừng…”.

Các tâm tình đầy vui tươi phấn khởi này đã được vị Ngôn Sứ gửi tới cho thiếu nữ Sion, tức thành Giêrualem cũng như cho nhà Israel để trấn an họ rằng Đừng sợ! Chúa là Thiên Chúa, Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người yêu thương ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ sung sướng reo mừng. Người sẽ quy tụ các con cái hư hỏng của ngươi lại.

Sứ điệp này diễn tả niềm vui hai chiều: niềm vui của toàn dân Israel vì họ sắp được cứu thoát. Đó cũng là niềm vui của chính Thiên Chúa vì Người muốn dân hoán cái, thay đổi đời sống để Người ra tay hành động hầu bảo vệ và chở che cho Dân riêng của Người.

2. Bài đọc II (Pl 4,4-7)

“Hãy vui lên” là lời mời gọi tha thiết được thánh Phaolô gửi tới cho cộng đoàn Kitô hữu ở Philipphê. Lý do chính của niềm vui này chính là vì “Chúa đã gần đến”. Tuy nhiên, niềm vui này không đơn giản chỉ là một cảm xúc mau qua, nhưng là hoa trái của một nỗ lực sống đức tin được thể hiện qua các chiều kích khác nhau trong viễn ảnh hướng về ngày Chúa đến.

Về mặt xã hội: sống sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.

Về đời sống thường nhật: đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.

Về đời sống đạo: để cho bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.

3. Bài Tin Mừng (Lc 3,10-18)

Trong thời gian dân chúng đang mong đợi Đấng Mêsia, Gioan Tẩy giả đã xuất hiện để kêu gọi mọi người lãnh nhận Phép Rửa tỏ lòng sám hối để cầu ơn tha tội (Lc 3,3). Như thế, Phép Rửa của Gioan chính là dấu chỉ hữu hình của thái độ hoán cải thay đổi đời sống.

Thái độ hoán cải được diễn tả qua thao thức “chúng tôi phải làm gì?” Đây không chỉ đơn thuần là những thao thức muốn thay đổi bên ngoài nhưng là muốn biến đổi nội tâm. Câu trả lời của Gioan Tiền Hô cho thao thức này không chỉ là một lời mời gọi hay lời khuyên chung chung, nhưng là những đề nghị và quyết tâm cụ thể tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người. Với dân chúng là sự chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Với người thu thuế là an vui với hiện tại: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Với binh lính là không áp bức hà hiếp: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình”.

Chính nỗ lực hoán cải không ngừng đã làm cho thời gian đợi chờ của người Do-thái mang một sắc thái tích cực và như thế niềm vui không chỉ đến với họ khi Đấng Mêsia xuất hiện, nhưng đã thực sự bắt đầu ngay từ những nỗ lực hoán cải, thay đổi đời sống theo hướng tích cực, tùy theo bối cảnh sống của họ hằng ngày.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa… Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Dân chúng thời Ngôn sứ Xôphônia vui mừng vì biết rằng Thiên Chúa sắp đến giải thoát họ, nhưng đâu là lý do làm Thiên Chúa lại phải giải thoát họ? Xôphônia không ngần ngại khẳng định rằng: Thiên Chúa hân hoan vui mừng vì yêu Dân người. Như thế, niềm vui của con người xuất phát từ niềm xác tín Thiên Chúa luôn yêu thương mình, nên Người sẽ làm cho tâm hồn con người luôn ngập tràn niềm vui và hy vọng, mặc cho những bất ổn hay biến động của thời cuộc ngày đêm ập đến như hòng muốn cướp mất đi niềm vui của con người.

2. Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. Một trong đòi hỏi hàng đầu đi kèm với lời mời gọi “Hãy vui lên” chính là đời sống đức tin trong tương quan với Thiên Chúa trong niềm mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô ngự đến. Các nỗ lực hoán cải bản thân, những dấn thân trong việc thực thi bác ái sẽ chẳng mang lại một giá trị vĩnh cửu nào trước nhan Chúa nếu chúng không được đặt trên nền tảng của một đời sống đức tin. Thành tâm trình bày những ước vọng của mình lên Chúa, gói ghém cả tấm lòng vào những câu kinh lời nguyện như làn hương trầm tỏa bay lên trước tôn nhan Chúa… Tất cả những tâm tình thực hành tôn giáo này sẽ quyện vào nhau khiến cho mọi hoạt động trong đời sống Kitô hữu có được một định hướng đúng đắn và biểu lộ niềm vui chờ ngày được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.

3. “Chúng tôi phải làm gì?” là câu hỏi mà người môn đệ Chúa Kitô hoặc mỗi Kitô hữu phải đặt ra cho mình. Ông Gioan Tiền Hô đã gợi ý ba điều: - một cuộc sống biết không ngừng chia sẻ; - một thái độ biết an vui với cuộc sống hiện có; - một nỗ lực không để cho bạo lực và giả dối thống trị thế giới này. Ba điều này vừa chung nhưng cũng áp dụng riêng cho từng đối tượng tùy theo hoàn cảnh riêng của mình. Nếu tôi đến với ông Gioan Tiền Hô, tôi sẽ nhận được đề nghị nào, và từ đó có những quyết tâm cụ thể nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của riêng tôi, để giúp tôi thay đổi đời sống hầu đón Chúa đến?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Phaolô đã mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa.” Niềm vui trong Chúa phải thúc đẩy những hành động cụ thể trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô ngự đến. Với niềm hân hoan tin tưởng, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin:

1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa là nguồn sức mạnh và chỗ nghỉ ngơi cho những ai vất vả mệt nhọc, ban cho các ngài luôn có đủ nghị lực và lòng nhiệt thành để hướng dẫn đàn chiên của Chúa.

2. Cầu cho các dân tộc trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa là nguồn vui và hạnh phúc của nhân loại, ban cho các dân tộc trên thế giới được vui sống trong bình an và tình huynh đệ, cho nhà cầm quyền các quốc gia biết tôn trọng sự thật và thực thi công lý.

3. Cầu cho những người nghèo khổ thiếu thốn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa là Vua Tình Thương soi lòng các Kitô hữu để họ luôn biết nỗ lực sống tinh thần bác ái phục vụ, giúp những người thiếu thốn hay kém may mắn cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa.

4. Cầu cho cộng đoàn đang hân hoan chờ mong Chúa đến. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban Thánh Thần cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, để Người liên kết và dẫn đường chỉ lối giúp chúng ta biết tìm đến nguồn an vui đích thực là Ðức Kitô, Ðấng cứu độ trần gian.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một đến trần gian để giải thoát và ban ơn cứu độ cho nhân loại. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, ban ơn thanh tẩy và thánh hóa tâm hồn, để chúng con xứng đáng đón nhận ơn cứu độ mà Con Chúa ban tặng. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top