Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 30 thường niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 30 thường niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 30 thường niên - Năm C

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C

(Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14)

CHỦ ĐỀ:
THIÊN CHÚA NHẬM LỜI CẦU NGUYỆN
CỦA NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)

Thái độ khiêm nhường và việc chấp nhận những giới hạn của con người làm đẹp lòng Thiên Chúa, và Người sẽ lắng nghe tiếng họ kêu cầu. Nếu chúng ta thực sự nhận ra khiếm khuyết của bản thân, và nếu chúng ta nhận rằng mình cần sự trợ giúp của Thiên Chúa trong đời sống, thì Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. BÀI ĐỌC I (Hc 35,12-14.16-18)

Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu xin của người nghèo khổ và bị áp bức. Sách Huấn Ca đã viết: “Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm”. Nói cách cụ thể, lời cầu nguyện của người nghèo thấu đến Thiên Chúa. Chúng ta thấy rất nhiều lần Kinh Thánh đề cập đến việc Thiên Chúa bảo vệ, bênh vực những người nghèo khổ. Những ai gây ra tội ác chống lại người nghèo, Thiên Chúa sẽ không dung tha cho họ: “Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than của người góa bụa”. Trong truyền thống Cựu Ước, người nghèo không chỉ là kẻ thiếu thốn vật chất mà còn sống trong tình trạng thiếu thốn của “người hành khất”. Họ có thể thuộc nhóm “anawim” (người nghèo) của YHWH, là những kẻ nghèo khó về vật chất nhưng được Cựu Ước đề cao họ về phương diện tinh thần. Họ là những người trung thành với Thiên Chúa, khiêm nhường và phụ thuộc vào sự che chở của Thiên Chúa và được Thiên Chúa nhân từ quan tâm cách đặc biệt: cho đón nhận Tin Mừng (Xh 22,25-27; 23,11; Lv 19,9-10; Đnl 15,7-11; Tv 9,19; 40,18; nhất là: Is 61,1). Họ không tự hào về chính mình, nhưng luôn cậy dựa vào Thiên Chúa là sức mạnh của mình. Vì thế, Thiên Chúa nhận lời cầu xin của họ.

2. BÀI ĐỌC II (2Tm 4,6-8.16-18)

Phaolô đang bị cầm tù, Người viết thư để khích lệ Timôthê, người môn đệ của mình. Đoạn thư này cho thấy thánh Phaolô đã khiêm nhường tín thác vào Chúa, ngay cả trong tình trạng khốn khổ nhất. Cuộc sống của Phaolô đang gặp khó khăn, nhưng Người vẫn vững tin vào Thiên Chúa: “Thiên Chúa sẽ giải thoát tôi khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu rỗi và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”. Dù đối diện với những khó khăn bởi việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả bị nhiều người bỏ mặc, Phaolô vẫn kiên tâm tiếp tục sứ vụ rao giảng của mình, vì biết rằng sức mạnh của Thiên Chúa luôn ở với Phaolô: “Nhưng có Thiên Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng”. Một người có thể thốt ra được những lời như thế, chắc chắn là một người có tâm hồn cầu nguyện trong tín thác.

3. BÀI TIN MỪNG (Lc 18,9-14)

Tuần trước, chúng ta đã nghe Đức Giêsu nói về việc cần thiết cầu nguyện không ngừng qua dụ ngôn “Ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”; còn tuần này chúng ta nghe Người tiếp tục dạy các môn đệ bài học về lòng khiêm nhường khi cầu nguyện qua dụ ngôn về “Hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Hai người cùng cầu nguyện, nhưng thái độ cầu nguyện của họ thật khác xa nhau. Người Pharisêu thì tự hào về đời sống “chuẩn mực” của mình. Vì thế, ông tự đề cao chính mình và dễ dàng xét đoán người khác: “Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia’”. Ông kể những công trạng của mình với Thiên Chúa: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Trong khi đó, người thu thuế khiêm nhường nhận ra con người yếu đuối và tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng…”. Ông đã thốt lên lời thú tội từ cõi lòng sám hối chân thành với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Kết thúc dụ ngôn Đức Giêsu ca ngợi thái độ khiêm nhường của người thu thuế. Thiên Chúa yêu thích người khiêm nhường và đón nhận lời cầu nguyện của họ.

Thêm vào đó, dụ ngôn này diễn tả cách nào đó về một chủ đề quan trọng trong Tin Mừng: những đối tượng bị người ta xem là không xứng đáng hưởng phần thưởng Nước Trời, thì vẫn được Thiên Chúa ân thưởng. Trong chương trình của Thiên Chúa và mầu nhiệm Nước Trời, những đối tượng này thậm chí còn được ưu tiên hơn. Chính Đức Giêsu đã xác nhận: “tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Dụ ngôn này trước hết nhắc nhở rằng chúng ta được mời gọi sống khiêm nhường thực sự trước mặt Thiên Chúa và người khác. Đừng xét đoán tha nhân bởi vì chúng ta không hoàn hảo hơn ai. Kế đến, dụ ngôn cảnh bảo rằng nếu con người chỉ căn cứ vào “việc làm” của bản thân, thì cũng giống với người Pharisêu kia. Họ tự cao khi xem mình có nhiều công trạng, nên chắc chắn được hưởng phần thưởng. Công trạng của con người chẳng đáng là gì trước mặt Thiên Chúa, không thể nào cân xứng với phần thưởng và ân huệ vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Thiên Chúa không bỏ qua bất cứ nỗ lực của con người mà không ban thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, phần thưởng mà mỗi người nhận được không hoàn toàn tùy thuộc vào công trạng của mình, nhưng tùy thuộc vào lòng quảng đại đầy thương xót của Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm”. Chúng ta có đến với Thiên Chúa với tâm hồn đơn sơ trong cầu nguyện? Chúng ta có thái độ khiêm nhường và phụ thuộc vào sự che chở của Thiên Chúa hay không?

2. “Nhưng có Thiên Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng”. Chúng ta có cảm nhận sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa trong đời sống của mình? Chúng ta có sợ hãi khi nói về Thiên Chúa cho người khác? Chúng ta có biết kín múc sức mạnh nội tâm trong cầu nguyện không?

3. “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”. Tôi có thực sự can đảm chấp nhận con người yếu đuối và đầy giới hạn của mình để mở ra đón nhận hồng ân của Thiên Chúa? Tôi có ý thức rằng Thiên Chúa luôn ân thưởng xứng đáng cho mọi nỗ lực của con người, nhưng phần thưởng mà mỗi người nhận được không hoàn toàn tùy thuộc vào công trạng của mình, nhưng tùy thuộc vào lòng quảng đại đầy thương xót của Thiên Chúa?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa hằng lắng nghe và đáp lại lời cầu xin chân thành của những người khiêm tốn. Trong ngày cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo hôm nay, với thao thức chia sẻ niềm vui đức tin đã lãnh nhận cho nhiều người chưa nhận biết Chúa, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:

1. Người thu thuế cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, biết ý thức thân phận con người tội lỗi để không ngừng sám hối và hoán cải bản thân; đồng thời luôn nỗ lực trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Chúa cho thế giới hôm nay.

2. Thánh Phaolô khẳng định chính Chúa đã phù hộ và ban sức mạnh để ngài hoàn tất việc rao giảng. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết ý thức trách nhiệm truyền giáo, tích cực cộng tác với ơn Chúa trong việc tuyên xưng và thông truyền đức tin, hầu giúp cho nhiều người tin nhận Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất.

3. Biết bao người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra tại các tỉnh miền Trung. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, cùng với sự đồng cảm chia sẻ cả tinh thần lẫn vật chất của mọi người xa gần, để sớm khắc phục thiệt hại và mau chóng ổn định đời sống.

4. “Ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết tránh xa lối sống giả hình, luôn chân thành khiêm tốn đối với Chúa và với nhau, tích cực cộng tác để xây dựng cộng đoàn trong tinh thần yêu thương hợp nhất.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và gửi Thần Khí Chúa đến biến đổi mỗi người chúng con nên khí cụ hữu hiệu mở mang nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top