Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
(1 V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44)
THIÊN CHÚA THẤU TỎ MỌI SỰ
“Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43)
1. Bài đọc 1:
Bối cảnh đoạn sách Các Vua là lời loan báo của ngôn sứ Êlia về án phạt của Thiên Chúa đối với vua Acab vì vua đã tôn thờ thần Baal (1 V 16,29-33). Theo đó, trong đất nước của vua sẽ chẳng có mưa trong một thời gian dài. Trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém, Thiên Chúa có cách để lo liệu cho vị ngôn sứ của Người (x. 1 V 17,1-9). Nhưng điều gây ngạc nhiên hơn cả là việc Thiên Chúa biểu lộ sự quan phòng của Người qua hình ảnh tín thác của một bà góa nghèo (1 V 17,10-16).
Các bà góa trong Kinh Thánh luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi. Họ đa phần là những người nghèo, bị xã hội coi thường và lãng quên. Bà góa trong đoạn sách Các Vua cũng không phải là ngoại lệ. Ngôn sứ Êlia gặp bà lúc bà đang đi lượm củi để lo cho bữa ăn cuối cùng, một hình ảnh cho thấy cái nghèo đến cùng cực của bà trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém, đến nỗi bà có thể thấy trước cái chết của mình và con trai.
Bà góa này không những nhận ra Thiên Chúa là Chúa của vị ngôn sứ, mà bà còn thề trước Người (1 V 17,12), nghĩa là, cách nào đó, bà cũng thừa nhận Người là Chúa của bà. Không loại trừ khả năng bà là người gốc Israel, nhưng được gả chồng ở Sarépta, thuộc Siđon, vùng đất thuộc dân ngoại. Dù thế nào, bà góa này xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên và hiểu biết tất cả; bà ý thức rằng Thiên Chúa thấu suốt hoàn cảnh nghèo đói của bà.
Do vậy, trong hoàn cảnh bi đát của nạn hạn hán, bà vẫn sẵn sàng cho nước theo lời yêu cầu của vị ngôn sứ; đồng thời trong lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội, lúc thức ăn đã cạn kiệt, lúc bà và con trai đang đối diện với cái chết cận kề, bà vẫn sẵn sàng chia sẻ phần ăn với vị ngôn sứ. Sự sẵn sàng trao ban của bà theo yêu cầu của vị ngôn sứ thể hiện một lòng tin mạnh mẽ vào lời hứa của Êlia, và trên hết là niềm tin vào Thiên Chúa của vị ngôn sứ.
Phép lạ về bình dầu không cạn và hũ bột không vơi là một minh chứng cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng lo liệu khéo léo cho vị ngôn sứ của Người. Đồng thời, phép lạ còn là lời xác tín vững chắc rằng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những con người, dù nghèo khó, hèn kém và bị bỏ quên trong xã hội, nhưng vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào Người.
2. Bài đọc 2:
Thư Do Thái phác họa hình ảnh Đức Kitô Thượng Tế như là vị trung gian hoàn hảo, là cầu nối hữu hiệu giữa con người với Thiên Chúa. Những lý do sau đây chứng minh cho điều đó.
Một là, trong khi các thượng tế Do Thái chỉ có thể vào trong nơi cực thánh một năm một lần, nơi mà họ tin rằng có sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa, để dâng lễ đền tội cho mình và cho dân, thì Đức Kitô Thượng Tế lại vào chính cõi trời, diện đối diện với chính Thiên Chúa mà chuyển cầu cho dân (Dt 9,24). Đức Kitô phục sinh là vị Thượng Tế được siêu thăng cõi trời, hằng ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu hiệu quả cho dân mỗi khi cần chứ không phải chờ đợi mỗi năm một lần như trong định chế tư tế Lêvi.
Hai là, các thượng tế Do Thái mỗi năm đều phải mang máu con vật vào nơi cực thánh để xin Thiên Chúa tha tội cho mình và cho dân là vì máu đó không hoàn toàn xóa bỏ được tội lỗi. Đức Kitô Thượng Tế chỉ dâng hiến tế là chính máu của mình một lần, nhưng hoàn toàn tiêu diệt mầm mống tội lỗi và xóa bỏ tội muôn người (Dt 9,26.28). Theo quan niệm Do Thái, không có máu đổ ra thì không có ơn tha thứ (x. Dt 9,22), nhưng chỉ có máu của Đức Kitô Thượng Tế, Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Dt 7,26) mới đem lại ơn tha thứ một lần cho tất cả.
Ba là, Đức Kitô Thượng Tế sẽ trở lại lần thứ hai, nhưng không phải để tiếp tục dâng lễ đền tội, nhưng là để đem lại ơn cứu độ cho những ai trông đợi Người (Dt 9,28). Giá trị cứu độ của hy tế Đức Kitô mang tính trường tồn. Ơn cứu độ này chỉ dành cho những ai biết “trông đợi Người”, trông đợi bằng thái độ sống “tùng phục Người” (Dt 5,9). Như Đức Kitô đã “học vâng phục” qua đau khổ để trở nên nguồn ơn cứu độ thế nào, thì những ai chờ đợi Đức Kitô bằng thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa đều xứng đáng đón nhận nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu do hiến tế cứu độ của Người mang lại (x. Dt 5,8-9).
Đức Kitô Thượng Tế vào chính cõi trời, trước nhan Thiên Chúa, để dâng chính máu của mình, tiêu diệt hoàn toàn tội lỗi, hầu mang lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai đợi trông Người. Người thật là vị Thượng Tế hoàn hảo, là trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và con người.
3. Bài Tin Mừng:
Bài Tin Mừng mô tả hai hoàn cảnh không những khác nhau mà còn trái ngược nhau. Một bên là hình ảnh của các ông kinh sư bị Chúa Giêsu phê phán vì cách sống nặng tính phô trương vẻ bề ngoài. Bên kia là hình ảnh của bà góa nghèo được Chúa Giêsu khen ngợi vì đã âm thầm, kín đáo cho đi những gì quý giá nhất với cả tấm lòng.
Các kinh sư là những người có vai trò quan trọng trong việc giúp dân hiểu và giữ Lề Luật. Với vị thế, vai trò và lối sống đạo hạnh của mình, họ thường nhận được sự kính trọng của dân. Tuy nhiên, có lẽ thời Chúa Giêsu vẫn có những vị kinh sư chỉ chăm chú đến lối sống nặng tính hình thức bên ngoài như: khoe khoang mũ áo, thích được chào hỏi, ưa chuộng lời khen và ghế danh dự nơi công cộng, cầu nguyện hình thức… nhưng bên trong che đậy sự gian trá và lọc lừa ngay cả tiền bạc của các bà góa là đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Chúa Giêsu mạnh mẽ lên án lối sống giả tạo, vụ hình thức của họ, rằng họ sẽ bị Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can con người, kết án nghiêm khắc.
Trái lại, hình ảnh bà góa nghèo dâng cúng một số tiền rất nhỏ lại được Chúa Giêsu khen ngợi. So với những người giàu bỏ thật nhiều tiền, thì hai đồng tiền kẽm của bà góa chẳng đáng là gì. Chúa Giêsu khen bà góa đã dâng cúng số tiền nhiều hơn ai hết chắc chắn không phải dựa trên giá trị số tiền bà dâng mà dựa trên tấm lòng sẵn sàng cho đi “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 12,44). Lòng quảng đại của bà góa khi dám cho đi tất cả thì đáng quý hơn rất nhiều so với những người giàu chỉ cho đi những gì là dư thừa.
Hai hình ảnh trái ngược trong bài Tin Mừng gợi lên nhiều điều đáng để suy gẫm:
Một là, Thiên Chúa không nhìn vào dáng vẻ bên ngoài để đánh giá. Ngài là Đấng thấu suốt lòng dạ con người từ bên trong. Những gì thể hiện ra bên ngoài chỉ có giá trị thực sự khi phát xuất từ tấm lòng bên trong. Người ta có thể đánh lừa nhau vì cái mã bên ngoài, nhưng những gì phát xuất từ tấm lòng mới là điều Thiên Chúa trông đợi nơi con người.
Hai là, tất cả mọi hành động và của cải trao ban, dù nhỏ mọn, tầm thường, nhưng nếu xuất phát tự tâm hồn tốt lành, trung thực và quảng đại đều có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Của cho, dù ít hay nhiều, chắc chắc đều đáng quý, nhưng cách cho còn đáng quý hơn gấp bội.
Ba là, mọi người đều có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, dù họ là ai, ở địa vị nào. Người không bỏ qua hành động sai trái của kẻ mạnh, cũng không bỏ quên nghĩa cử cao đẹp của người thấp bé. Người đặc biệt quan tâm và dành tình thương cách đặc biệt cho những người nghèo, những người đang sống trong cô đơn, bị quên lãng hay bỏ rơi.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Phép lạ về bình dầu không cạn và hũ bột không vơi là một minh chứng sống động cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng khéo léo lo liệu cho vị ngôn sứ của Người, và là Đấng không bỏ rơi những con người nghèo hèn, bé nhỏ nhưng một lòng tin tưởng và phó thác vào Người. Tôi có tin rằng Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, quan phòng, ngay cả khi tôi gặp những hoàn cảnh cô đơn, nghèo hèn, khốn khổ, bi đát?
2/ Đức Kitô thật là vị Thượng Tế hoàn hảo, là trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và con người, Đấng vào chính cõi trời để dâng máu mình làm của lễ đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Người đã học vâng phục thánh ý Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đau khổ nhất nên không có nỗi khổ đau nhân loại nào mà Người không thể cảm thấu. Tôi có xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là trung gian hữu hiệu nhất dẫn tôi đến với Thiên Chúa, và là nguồn ơn cứu độ duy nhất của đời tôi?
3/ Chúa Giêsu nhìn thấu và lên án lòng dạ xấu xa bên trong của các ông kinh sư dù bên ngoài họ tỏ ra đạo đức, nhưng Người lại khen ngợi lòng quảng đại của bà góa nghèo, dù nhìn bên ngoài số tiền dâng cúng của bà chẳng là gì so với những người giàu dâng nhiều tiền. Tôi có thường sống với chiếc mặt nạ? Cách tôi sống, những việc tôi làm có xuất phát từ tấm lòng chân thành và trung thực?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng của con người, Ngài luôn quan tâm chăm sóc những ai có tâm hồn nghèo hèn nhỏ bé và ưu ái chúc phúc cho họ. Với lòng tin tưởng phó thác mọi sự nơi Chúa quan phòng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu đã phê phán thái độ giả hình của các kinh sư, biệt phái. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết tránh xa thói giả hình, luôn trung thành sống tinh thần nghèo khó Phúc Âm, và tận tâm phục vụ vì phần rỗi của mọi người.
2. Lối sống ích kỷ vô cảm là điều đáng cảnh báo trong xã hội hôm nay. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết đề cao và khuyến khích mọi người sống tinh thần quảng đại hy sinh, nâng đỡ chia sẻ, nhằm xây dựng một xã hội văn minh liên đới.
3. Đức Kitô chỉ hiến tế một lần là đủ đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn xác tín vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô và tích cực tham dự vào hy lễ cứu độ của Người bằng một đời sống quên mình phục vụ.
4. Chúa Giêsu đánh giá cao tấm lòng của bà góa nghèo. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết theo gương bà góa trong Tin Mừng, luôn sống tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, sẵn lòng chia sẻ với anh chị em gặp khó khăn và đóng góp cho việc chung.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con ca ngợi và tôn vinh lòng thương xót hải hà của Chúa, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa theo gương Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B