Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỄ KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8, 31b-39; Lc 9,23-26
CHÍNH LÚC CHẾT ĐI LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24)
Con người luôn lo âu khắc khoải trước đau khổ và cái chết, nhưng đau khổ và sự chết không thể làm gì được những người công chính vì họ biết linh hồn họ luôn ở trong tay Chúa. Đối với họ, đau khổ có khi là cơ hội thử thách giúp họ thanh luyện đức tin và biểu lộ lòng trung thành và tình yêu với Chúa và cái chết vì sự công chính là bước vào cõi sống muôn đời.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: 2Mcb 7,1.20-23.27b-29
Sách Maccabêô đánh dấu một giai đoạn đau thương trong lịch sử của dân Chúa khi Đền thờ và nền phụng tự đã bị quân ngoại bang xâm phạm nặng nề. Đoạn sách Maccabêô hôm nay là một thiên hùng ca về những người Do Thái sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cả cái chết để trung thành với Lề luật và Tôn giáo của cha ông.
Đối với người Do Thái, tuân giữ Lề luật cách đầy đủ và nghiêm ngặt là một cách chứng tỏ sự trung thành tôn thờ Thiên Chúa. Một người Do Thái được xem là công chính khi giữ trọn “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa” (x. Lc 1,6). Câu chuyện về bà mẹ và bảy người con thà chấp nhận cái chết chứ không chịu vi phạm Lề luật được thuật trong Bài đọc I là biểu hiện rõ nhất về lòng trung tín của dân đối với Thiên Chúa.
Sở dĩ bà mẹ và những người con sẵn sàng chấp nhận cái chết là vì họ xác tín rằng sự sống của họ là do Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ “thần khí và sự sống”, chứ không do họ tự tạo ra. Đồng thời, họ cũng tin rằng một khi họ “trọng luật lệ của Người hơn bản thân mình” đến nỗi dám hy sinh sự sống để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa họ thờ, thì chính Người sẽ trả lại cho họ thần khí và sự sống (x. 2Mcb 7,22-23).
Trong câu chuyện bà mẹ và bảy người con, niềm tin phục sinh và sự sống đời sau đã tỏ lộ. Thật vậy, bà mẹ tin rằng nếu các con bà “chấp nhận cái chết” vì trung thành với Lề luật của Thiên Chúa, thì “đến ngày Chúa thương xót”, chính Người sẽ trả các con về lại cho bà (x. 2Mcb 7,29). Như thế, việc người công chính chịu đau khổ và cái chết biểu lộ niềm tin phục sinh. Cần biết rằng lúc đầu người Do Thái chưa được mạc khải về sự sống đời sau, nhưng kể từ thời Maccabê, điểm giáo lý này mới bắt đầu hình thành, được sách Khôn Ngoan - sách được viết cuối cùng của Cựu Ước (năm 130 tCN) đào sâu, và những người theo phái Pharisêu sau này sẽ nhấn mạnh. Từ niềm tin đó, sách Maccabêô cho rằng việc thưởng phạt của Thiên Chúa không chỉ nằm ở đời này như quan niệm của truyền thống, mà còn kéo dài sau cái chết. Do vậy, những người chịu chết vì trung thành với Lề luật sẽ được sống lại cả hồn lẫn xác đời sau.
Bà mẹ và bảy anh em (2Mcb 7,1-41) đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Họ được xem như là hình bóng của các vị tử đạo của Kitô Giáo sau này.
2. Bài đọc II: Rm 8, 31b-39
Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma là một bài ca tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc trao hiến Đức Giêsu, Con Một của Người.
Trước hết, việc Thiên Chúa trao ban Đức Giêsu, Con Một của Người cho nhân loại là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu cao cả và vô điều kiện mà Người dành cho con người. Khi trao hiến chính Con Một là kho tàng quý giá nhất của mình, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng Người đã cho nhân loại tất cả mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Đồng thời, khi Thiên Chúa để cho Đức Giêsu chết cho tội lỗi nhân loại, Người đã thật sự tha thứ cho mọi lỗi lầm của nhân loại.
Hơn nữa, thánh Phaolô còn xác tín rằng một khi được Thiên Chúa yêu thương hết mực như thế, con người không còn gì phải lo lắng hay sợ hãi nữa. Ai hay điều gì có thể tách nhân loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Ngài khẳng định rằng dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo (x. Rm 8,35); dù là sự sống hay sự chết, ma vương hay quỷ lực, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một sức mạnh nào, cũng không thể chia cắt con người khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu (x. Rm 8,38-39). Vậy những ai thật sự cảm nhận và xác tín sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì dám chết để chứng tỏ sự trung thành và sức mạnh vô song của tình yêu ấy.
Cuối cùng, dù được Thiên Chúa yêu thương hết mực và vô điều kiện, con người vẫn không thể tránh khỏi những sự dữ trong thế giới này. Dầu vậy, những thử thách trong thế giới lại là cơ hội để con người chiến đấu mà chứng tỏ sự trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa. Cũng cần lưu ý rằng ngay cả con người có thể chiến thắng trong những cơn thử thách, thì đó không phải do công sức riêng của con người, mà cũng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).
Qua và nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Người yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững chắc đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể lay chuyển. Các thánh Tử đạo Việt Nam đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho các vị đến nỗi cái chết cũng không thể chia cắt tình yêu đó.
3. Bài Tin Mừng: Lc 9,23-26
Sau khi Phêrô, đại diện cho các môn đệ, tuyên tín cách hùng hồn rằng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (x. Lc 9,18-21), Đức Giêsu liền mạc khải cho các môn đệ biết con đường Người phải đi và con đường họ đang theo là con đường khổ giá (x. Lc 9,22).
Trước hết, điều kiện để theo Đức Giêsu là “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thật vậy, Đức Giêsu cho biết con đường dành cho những ai muốn theo Người là con đường của sự từ bỏ hy sinh để thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Đó còn là con đường chấp nhận vác “thập giá hàng ngày”, đón nhận mọi sự xảy đến trong niềm tin tưởng và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa. Đức Giêsu đã đi trên con đường như thế và Người muốn các môn đệ noi theo gương Người.
Hơn nữa, người môn đệ Đức Giêsu phải ghi nhớ rằng tất cả mọi sự, ngay cả sự sống, cũng đều phát xuất từ Thiên Chúa; và tất cả cuộc sống của người môn đệ hoàn toàn thuộc về Chúa, như lời xác quyết của thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Vì thế, cuộc sống của người môn đệ không phải là đi tìm bản thân, tìm sự sống và vinh quang cho mình, nhưng đi tìm cách sống cho Chúa và làm vinh danh Người. Khi người môn đệ dám bỏ mình vì Chúa và sống cho Chúa, thì họ lại tìm được chính bản thân, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Sau cùng, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Giêsu và lời của Người trước mặt người khác. Đó được xem như là điều kiện để họ được Người chứng thực trước mặt Thiên Chúa trong ngày quang lâm. Đức Giêsu nói: “ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình…” (Lc 9,26).
Các thánh tử đạo là những người đã trung tín đi trọn con đường mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: đó là từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình với tinh thần phó thác, đến nỗi sẵn sàng “liều mất mạng sống” để làm chứng cho Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “sẽ cứu được mạng sống ấy” trong ngày Đức Kitô quang lâm.
II. GỢI Ý MỤC VỤ:
1. “Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.” Bà mẹ và bảy anh em đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Họ xác tín rằng một khi họ hết mực trung thành với Lề luật của Thiên Chúa, Đấng ban cho họ “thần khí và sự sống”, thì Người sẽ ban cho họ sự sống bất diệt. Niềm tin vào sự phục sinh là sức mạnh giúp họ vượt thắng cả cái chết. Họ xác tín rằng cuộc sống trong thời gian này chẳng đáng là gì so với cuộc sống vĩnh cửu.
Tinh thần của các Thánh Tử đạo Việt Nam có là nguồn sức mạnh giúp tôi hướng về sự sống đời sau, bằng cách vượt thắng những cám dỗ hưởng thụ, biết hy sinh hãm mình để tích lũy nhân đức trong cuộc sống thường nhật. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid, khi cái chết vẫn xảy ra hằng ngày với người thân yêu, tôi có dám sống theo lời mời gọi trong thư Mục vụ của HĐGMVN viết ngày 12/10/2021: “Cùng với cầu nguyện là chay tịnh. Trong thời dịch bệnh, mọi người phải chấp nhận những hạn chế về ăn uống, vui chơi giải trí. Thay vì chỉ coi đó như sự bó buộc phải chịu, chúng ta hãy nhìn những hạn chế đó như cơ hội sống chay tịnh để hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và cầu nguyện cho những anh chị em đang phải chiến đấu với bệnh tật”?
2. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” Qua và nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Người yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững chắc đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể lay chuyển. Các thánh tử đạo đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho các Người đến nỗi chấp nhận cái chết để minh chứng cho sức mạnh của tình yêu đó. Tôi có mạnh mẽ xác tín rằng Đức Kitô đã chết vì yêu thương tôi, đến nỗi không có gì có thể chia cắt tình yêu của Người dành cho tôi? Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa thể hiện nơi cái chết và sự sống lại của Đức Kitô có là động lực thúc đẩy tôi yêu thương anh chị em mình hơn?
Trong bối cảnh đại dịch Covid, tôi có dám duy trì tinh thần tương thân tương ái mà HĐGMVN đã kêu gọi trong thư Mục vụ: “Mọi thành phần Dân Chúa hãy làm tất cả những gì có thể, để ứng cứu đồng bào ruột thịt đang vất vả vì đại dịch. Anh chị em đã đáp lời hết sức tích cực, Văn phòng Hội đồng giám mục và Caritas đã tiếp nhận hàng cứu trợ đến từ khắp nơi, hằng trăm linh mục, tu sĩ và giáo dân lên đường ra tuyến đầu phục vụ bệnh nhân... Chúng tôi khuyến khích anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ hãy tích cực tham gia những hoạt động bác ái, vì hoạt động đó giúp chúng ta mở lòng ra với tha nhân và sống đúng tư cách môn đệ Chúa Giêsu.”
3. “Được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” Điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu là từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình với tinh thần tin-cậy-mến, đến nỗi sẵn sàng “liều mất mạng sống” để làm chứng cho Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “sẽ cứu được mạng sống ấy” trong ngày Đức Kitô quang lâm. Tôi có dám chấp nhận từ bỏ ý riêng để xứng với tư cách làm môn đệ Đức Giêsu? Tôi đang tìm cách làm vinh danh Người hay tìm vinh danh tôi? Tôi có sẵn lòng chấp nhận thiệt thòi hiện tại để được kho tàng vĩnh cửu ở trên Trời?
Đại dịch covid khiến chúng ta nhận ra cuộc sống trở nên mong manh, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Lễ kính các Thánh tử đạo Việt Nam là dịp thuận tiện để chúng ta hiệp thông với tinh thần mà HĐGMVN đã đề ra: “Chúng tôi xin chia buồn với các gia đình đã mất đi người thân trong đại dịch, hợp ý cầu nguyện cho người quá cố và xin Chúa ban ơn nâng đỡ anh chị em trong lúc đau buồn. Chúng tôi cũng thường xuyên nhớ đến những anh chị em đang bị nhiễm bệnh, xin Chúa ban cho anh chị em sức khỏe xác hồn để vượt qua giai đoạn thử thách này.”
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cùng họp nhau hôm nay để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống cho Chúa và gieo mầm đức tin cho con cháu, cộng đoàn chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ. Xin cho các ngài luôn can đảm và nhiệt thành loan báo Tin Mừng, tận tâm chăm lo cho đoàn chiên theo gương Chúa Kitô mục tử, cùng nỗ lực hoạt động vun đắp sự hợp nhất của cộng đoàn Dân Chúa.
2. “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” Xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bất công, và kỳ thị, luôn xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện để che chở nâng đỡ cùng chia sẻ mọi niềm vui và nỗi đau của họ.
3. “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Xin cho mọi kitô hữu, cách riêng là các bạn trẻ biết theo tiếng Chúa mời gọi, tránh xa lối sống vô cảm, luôn dấn thân phục vụ với tinh thần trách nhiệm, nêu cao tinh thần bác ái tốt đẹp của Kitô giáo.
4. Máu các Thánh Tử Đạo làm nảy sinh hạt giống đức tin. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, biết can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh tử đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành với đức tin và gương sáng tiền nhân để lại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B