Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm B
MỒNG BA TẾT: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30).
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến,
người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25,15).
Hòa với niềm vui Đầu Xuân với dân tộc, Hội Thánh Việt Nam dành ngày Mồng Ba Tết để xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm cho mọi người, nhằm giúp mỗi Kitô hữu hiểu rõ ý nghĩa của lao động trí óc cũng như chân tay: chúng ta làm việc không chỉ để tìm kiếm của cải vật chất mà còn để được thông phần vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: St 2,4b-9.15
Bài đọc I trích sách Sáng thế đề cao vai trò của con người và ý nghĩa của lao động trong việc tham dự vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế thuật lại rằng “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Thiên Chúa “thổi sinh khí vào” con người, và điều đó làm cho con người khác với các thụ tạo còn lại. Như thế, chỉ có con người được tạo dựng như một hữu thể sống đúng nghĩa, và sự sống đó đến từ Thiên Chúa.
Sau đó, trình thuật cho biết rằng Đức Chúa trồng một vườn cây rộng lớn và màu mỡ ở Êđen. Con người được đặt vào vườn Êđen để “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,8-9.15). Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng con người được Thiên Chúa dựng nên là “con người lao động”. Qua đó, con người được chia sẻ quyền tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người xây dựng thế giới, và làm cho thế giới càng ngày càng trở nên phong phú, triển nở và tươi đẹp theo ý của Thiên Chúa. Vì được chia sẻ quyền này, con người không chỉ thống trị muôn loài thụ tạo khác, mà còn phải “canh giữ” chúng, nghĩa là phải bảo tồn và gìn giữ tạo thành. Như thế, con người được ban quyền làm việc để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II: Cv 20,32-35
Trong bài đọc II, thánh Phaolô ngỏ lời với các kỳ mục ở Êphêsô về ý nghĩa của lao động:
1) Trước hết, lao động để nuôi thân. Thánh nhân nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34). Về điểm này, trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân giải thích rõ: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em” (2Tx 3,8); và ngài khuyến cáo “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).
2) Kế đến, lao động để có của cải mà giúp đỡ người khác. Thánh nhân nói: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 34-35).
3. Bài Tin mừng: Mt 25,14-30
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc ông chủ, trước khi đi xa, đã giao cho từng người những yến bạc để họ sinh lợi. Kẻ ít người nhiều, ai cũng được giao, tùy theo khả năng riêng của họ. Mỗi người cần cố gắng tối đa với những yến bạc đã lãnh nhận để làm lợi sao cho tương xứng. Hai người đầu tiên đã dùng những yến bạc được giao để làm ăn và sinh lợi gấp đôi. Người lãnh năm yến đã dùng số tiền đó để làm ăn buôn bán, và sinh lời được năm yến khác. Người đã lãnh hai yến cũng làm ăn và sinh lợi được hai yến khác. Họ đã đem hết khả năng của mình để làm lợi các yến bạc được chủ giao; vì thế, họ được ông chủ khen là “đầy tớ tài giỏi và trung thành”. Riêng người thứ ba, thay vì cố gắng làm ăn, lại đi đào lỗ chôn giấu số bạc được chủ giao cho mình, không hề sinh lợi; vì thế, anh ta bị chủ chê là “đầy tớ tồi tệ, biếng nhác và vô dụng”. Ít ra, anh phải làm theo cách tối thiểu nhất để sinh lợi yến bạc được giao, như ông chủ gợi ý, đó là: “gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ.”
Như vậy ông chủ không bắt ai làm quá sức lực của mình. Người đầy tớ bị phạt là người đã giấu đi yến bạc chủ giao, không hề làm sinh lợi. Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một vai trò, một công việc, tùy theo khả năng hoàn cảnh của từng người. Người không đòi hỏi gì hơn là mong chúng ta nỗ lực phát huy khả năng đó để sinh lợi, để kiếm của nuôi thân, để kiến tạo gia đình, để giúp đỡ người khác, và để góp phần xây dựng thế giới. Bao lâu con người lười lao động, như người đầy tớ lãnh một yến bạc kia, thay vì làm việc để sinh lợi, lại lười biếng, chỉ muốn nhàn cư thoả mãn chính mình, thì chính lúc đó, con người đánh mất vai trò của mình, đánh mất ý nghĩa của việc lao động mà Thiên Chúa muốn con người được thông phần và cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người.
Tuy nhiên, lao động chỉ có ý nghĩa thực sự khi quy hướng về ý định của Thiên Chúa. Ngược lại, chỉ lo làm ăn mà quên mất mục đích tối hậu của lao động thì lại nguy hiểm. Vì thế, Đức Giêsu đã khuyến cáo chúng ta đừng quá ham công tiếc việc: “Anh em phải coi chừng, phải tránh mọi thứ tham lam, vì không phải dư của cải mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12,15). Vì thế, mối bận tâm về công ăn việc làm và về của cải đời này không được lấn át việc tìm kiếm Nước Chúa và kho tàng đời sau: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
II. GỢI Ý MỤC VỤ:
1. “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” Như thế con người có vai trò làm triển nở và chăm sóc công trình tạo dựng của Chúa. Ý thức được điều này, trong Lời nguyện Nhập lễ ngày Mồng Ba Tết, Hội Thánh đã khẩn xin: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa.” Chúng ta có ý thức làm việc để góp phần phát triển và bảo vệ thiên nhiên theo tinh thần thông điệp Laudato Si’ ?
2. “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế.” Hiểu được ý nghĩa này của lao động, Hội Thánh đã bày tỏ trong Kinh Tiền tụng: “Người (Đức Giêsu) đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.” Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ người khác, đó không chỉ là cách đem lại phúc lộc cho bản thân, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”, mà còn là lối dẫn người ta đến với Chúa ?
3. “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người.” Yến bạc Chúa trao là tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người trong cuộc sống. Đó có thể là: bối cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, điều kiện vật chất. Đó có thể là giới tính, ngoại hình, sức khỏe. Đó cũng có thể là thời giờ, khả năng, chức vụ,…Ai đã nhận được gì thì cần làm lợi gấp đôi. Chúng ta có nhận ra những yến bạc Chúa trao cho mình, rồi tích cực phát huy mà làm việc sao cho sinh lợi, để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Chúa, để có của nuôi thân và để giúp đỡ tha nhân, nhất là những kẻ túng thiếu ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành, Người luôn quan phòng và sẵn lòng tuôn đổ muôn phúc lành cho con người. Trong dịp đầu năm, chúng ta cùng thành tâm xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm của chúng ta trong năm Tân Sửu này.
1. Con người được mời gọi làm triển nở các phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết sử dụng cách hiệu quả mọi tài năng Chúa ban để loan báo Tin Mừng và góp phần xây dựng Nước Trời nơi trần thế.
2. Chúa đã trao cho con người làm chủ vũ trụ và thiên nhiên. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm tạo công ăn việc làm, mưu cầu hạnh phúc cho người dân; đồng thời, có những chính sách ưu tiên cho việc bảo vệ môi sinh, môi trường.
3. Lao động là cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu khi ra sức làm việc nhằm tạo ra của cải, góp phần xây dựng xã hội và bảo vệ trái đất, luôn biết chú tâm tìm kiếm ý Chúa và làm vinh danh Người.
4. Người Kitô hữu được mời gọi thực thi ý Chúa: “cho thì có phúc hơn là nhận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành sống giới răn mến Chúa yêu người, biết sẵn lòng chia cơm sẻ áo cho những người túng thiếu bất hạnh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa mọi công việc làm ăn của chúng con, giúp chúng con nhận được thành quả tốt đẹp ở đời này, và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1;
Mc 1,40-45
SỰ THANH SẠCH VÀ LỀ LUẬT
“‘Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh’.
Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”
(Mc 1,41-42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46
Lêvi là quyển sách thứ ba trong bộ Ngũ Thư gồm năm quyển: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Đệ Nhị Luật. Bài đọc 1 nằm trong khối đơn vị văn chương thuộc hai chương 13 và 14 của sách Lêvi, vốn bàn đến những thứ bệnh da liễu, dưới tên gọi chung là sara‘at. Hạn từ này thường được chuyển ngữ là “bệnh phong hủi”, nhưng không nhất thiết là bệnh phong do vi trùng Hansen gây ra như cách hiểu của y học ngày nay.
Theo sách Lêvi, các vị tư tế đóng vai trò kiểm tra người bệnh, có quyền tạm thời cô lập người bệnh trong trường hợp chưa thể xác định được bệnh cách rõ ràng; sau 7 ngày tư tế sẽ tiến hành kiểm tra bệnh lần nữa, và tư tế sẽ tuyên bố người bệnh đã khỏi bệnh (thanh sạch) hay bị “phong hủi”.
Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, và kêu lên: “ô uế, ô uế”. Ba hành vi này hầu chắc nhằm diễn tả nỗi đau thương, tang tóc, như thể mình đã chết rồi, hay ít ra như thể mình đang đau đớn phiền muộn trước cái chết của người thân. Quả vậy, St 37,34 nhắc đến chuyện ông Giacóp đã “xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giuse lâu ngày” sau khi nghe hung tin Giuse đã bị thú dữ ăn thịt. Lv 10,6 cũng nhắc đến chuyện ông Môisen ngăn cấm anh mình là thượng tế Aharon không được “xõa tóc và xé áo” trước việc hai người con của mình là tư tế Nađáp và tư tế Avihu đã chết thảm vì cả gan lấy lửa phàm tục mà tiến dâng Đức Chúa.
Hành vi kêu lên hai tiếng “ô uế, ô uế” hầu chắc nhằm cảnh giác cộng đoàn trước tình trạng “phong hủi” của người bệnh, để cộng đoàn có thể tránh được tình trạng lây bệnh, mà nhờ đó giữ được “sự thanh sạch” xứng hợp với Đức Chúa là Đấng Chí Thánh đang ngự giữa họ.
Việc người phong phải sống ngoài trại cũng nằm trong chiều kích phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Việc sống ngoài trại cũng làm nổi bật lên yếu tố “sự chết” trong dân Israel. Bộ Ngũ Thư cho chúng ta biết trong thời gian dân Israel đi trong sa mạc trên hành trình tiến về Đất Hứa, họ sống trong trại với nhau, giữa trại là Lều Hội Ngộ có Đức Chúa ngự trị. Việc sống ngoài trại, vì thế, biểu tượng cho sự xa cách Đức Chúa và tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Ngoài ra, khu vực ngoài trại là nơi những tội nhân và những người ô uế bị đưa đến đó (x. Lv 10,4-5; Ds 5,1-4; 23,14-15; 31,19-24). Án tử dành cho kẻ phạm trọng tội cũng diễn ra ở ngoài trại (x. Ds 15,35-36).
2. Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1
Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, 1Cr 10,31-11,1 là đoạn kết của một đơn vị văn chương, vốn bàn đến vấn đề “Thịt cúng và những mối nguy hiểm từ việc thờ ngẫu tượng” (1Cr 8,1-11,1). Trong đoạn kết này, vị tông đồ dân ngoại khuyên nhủ các tín hữu 3 điều cụ thể sau đây:
- Dù làm việc gì, người tín hữu hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa (x. 10,31)
- Người tín hữu đừng làm gương xấu cho bất cứ ai (x. 10,32)
- Người tín hữu hãy noi gương các vị thánh trong Giáo Hội, nhưng Đức Kitô mới là mẫu gương tuyệt vời nhất để họ noi theo (x. 11,1)
3. Bài Tin Mừng: Mc 1,40-45
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 6 Mùa Thường Niên năm B xuất hiện ngay sau trình thuật Chúa Giêsu âm thầm rời Caphácnaum để tiếp tục đi khắp miền Galilê, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Từ đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể rút ra những điểm chính yếu sau đây:
1/ “Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu” (c. 40a): Người phong hủi này một cách nào đó đã vi phạm Luật Môisen khi anh dám liều mình đến với Chúa Giêsu. Chiếu theo Luật Môisen như bài đọc 1 đã nói đến, người mắc bệnh phong phải sống tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Anh không được phép đến gần những người không mắc bệnh. Anh phải hô lên 2 tiếng “ô uế, ô uế”, một hành vi không chỉ diễn tả tình trạng đau thương của mình, mà còn để lưu ý người khác và để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn. Như vậy, trong mắt người phong hủi này, Chúa Giêsu phải là một người tuyệt vời, nhân lành và quyền năng lắm thay mới khiến anh dám đến với Ngài mà không sợ mang nặng cảm giác “vi phạm Luật” nơi mình, không sợ lây bệnh cho Ngài khiến Ngài phải trở nên ô uế, nhưng tin tưởng Ngài không chỉ có khả năng “miễn nhiễm” ô uế, mà còn có năng quyền chữa lành cho anh.
2/ “Anh quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (c. 40b): Người phong hủi đến với Chúa Giêsu với tâm tình của một người khiêm hạ. Anh dám nói lên mong ước của mình, nhưng cũng để Chúa Giêsu tự do quyết định điều gì Ngài cần làm.
3/ “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’” (c. 41): Tiếp nhận một người phong hủi đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu dám tiếp nhận sự ô uế vào mình. Là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Chúa Giêsu đã và đang gánh lấy bao nỗi khổ đau, bệnh tật và tội lỗi của con người. Ngài làm tất cả vì tình thương, vì “chạnh lòng thương” nhân loại lầm than và thống khổ, vì muốn con người được nên “thanh sạch”, được tái hòa nhập với cộng đoàn, được tham dự vào đời sống Phụng Vụ (thờ phượng Thiên Chúa chốn công khai), và sống hạnh phúc nhất với phẩm giá làm người. Tình trạng “ô uế” có thể lây từ người này sang người khác, nhưng không thể “gây hại” cho Chúa, vì sự chí thánh và lòng xót thương hải hà của Ngài xóa tan đi tất cả những gì là ô uế và nhơ nhớp.
4/ “Lập tức, chứng phong hủi biến mất khỏi anh, và anh được sạch” (c. 42): trạng từ “euthus” (lập tức), vốn được thánh Máccô ưa dùng (không dưới 44 lần), nhấn mạnh đến tính hiệu năng tức thời của lời Chúa Giêsu: “tôi muốn, anh sạch đi” (c. 41). Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta cũng bắt gặp những trường hợp tương tự trong các phép lạ chữa lành: Chúa Giêsu chữa người bại liệt (x. Mc 2,11-12); Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị băng huyết (x. Mc 5,28-29); Chúa Giêsu cho con gái ông Gaiah sống lại (x. Mc 5,41-42); Chúa Giêsu chữa lành anh mù Batimê ở Giêrikhô (x. Mc 10,52).
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Có “chứng bệnh” nào đang khiến tôi phải xa cách Chúa, và tách biệt khỏi cộng đoàn đức tin? Có “chứng bệnh” nào khiến tôi cảm thấy mình hết sức đau khổ, như thể đã chết?
2/ Người bị bệnh phong hủi mong ước được Chúa Giêsu chữa lành. Tôi cũng ao ước được Ngài chữa lành điều nào, vấn đề nào, “bệnh tật” nào trong cuộc sống của tôi?
3/ Người bị bệnh phong hủi rất khiêm tốn khi đến với Chúa Giêsu. Anh để Chúa tự do quyết định điều Ngài muốn. Còn tôi, tôi thường có thái độ nào khi đến với Chúa?
4/ Tôi có cảm nghiệm nào về Chúa Giêsu: Nơi Ngài tôi có cảm nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa? Nơi Ngài tôi có cảm nghiệm thấy quyền năng chữa lành? Tôi có nghiệm thấy Ngài đang giơ tay chữa lành tôi?
5/ Chúa Giêsu đã yêu thương chữa lành cho người bị bệnh phong. Có bao giờ tôi đã dám đón nhận “sự ô uế” từ người khác để tôi có thể chữa lành vết thương của họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để chữa lành và thanh tẩy hầu cứu độ mọi người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh và cộng đồng nhân loại:
1. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và đưa tay đặt trên người bệnh phong. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục và Linh mục trong Hội Thánh, luôn là dấu chỉ sống động của lòng Chúa thương xót đối với con người thời đại.
2. Người bệnh phong van xin Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ nơi thân xác hay tâm hồn ở khắp nơi trên thế giới, biết tin tưởng tìm đến với Chúa Giêsu để được Người chữa lành và an ủi.
3. Chúa nói với người bệnh: “Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu khi đón nhận biết bao ân huệ của Chúa cũng luôn biết sống tâm tình tạ ơn cho xứng đáng qua bổn phận thờ phượng và tuân giữ lề luật.
4. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết tích cực góp phần phúc âm hóa đời sống cộng đoàn bằng một đời sống thánh thiện và gương lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con, xin lắng nghe và chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, giúp chúng con luôn sống xứng đáng trong tư cách là nghĩa tử của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B