Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Lễ Chúa Lên Trời
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)
TRỜI CAO BẮT ĐẦU TỪ ĐẤT THẤP
“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi,
có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,19-20)
Lễ Chúa Thăng Thiên diễn tả hai chiều kích đặc biệt: một mặt, hướng chúng ta về thực tại trên trời, là quê hương đích thực của người tín hữu; mặt khác, mời gọi những người môn đệ của Chúa, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, biết rao truyền và làm chứng cho đức tin trong mỗi thực tại sống của mình, góp phần cải biến thế giới này theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 1,1-11)
Biến cố Đức Giêsu về trời trong bài đọc 1 hôm nay có nét tương tự một trình thuật trong Cựu ước, 2V 2,9-15, ở đó, ngôn sứ Êlia được rước lên trời. Có lẽ, tác giả của đoạn Công vụ Tông đồ này đã kết hợp trình thuật về Êlia để trình bày một thực tại cao siêu không thể quãng diễn bằng lời, đó là: sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô và biến cố Người bước vào trong vinh quang Chúa Cha. Vì thế, trình thuật này chính yếu nhấn mạnh khía cạnh thần học: Đức Giêsu là người đầu tiên bước qua bức màn trướng trong Đền Thờ để nối kết con người với Thiên Chúa.
Cũng như Êlisa năm xưa, các tông đồ và những người tin theo Đức Giêsu cũng ngước nhìn về trời cao chiêm ngưỡng biến cố vinh quang của thầy mình. Cái nhìn của họ diễn tả niềm hy vọng về một sự trở lại tức thì của Đức Kitô để hoàn tất sứ mạng dang dở. Nhưng tiếng nói từ trời đã thức tỉnh các ông: không phải Đức Kitô, mà chính là các ông là những người tiếp nối sứ mạng này, bởi các ông đã trải qua thời gian bốn mươi ngày, là thời gian mà trong ngôn ngữ Do Thái là cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ thực thi một sứ vụ, với việc trao ban Thần khí đi kèm.
Bởi thế, biến cố thăng thiêng của Đức Giêsu diễn tả giai đoạn chuyển giao: đừng đứng đó nhìn về trời cao, nhưng chính từ nơi đất thấp mà các ông phải tiếp tục sứ mạng cứu độ của thầy mình. Đức Giêsu sẽ trở lại, chắc chắn điều đó, nhưng niềm hy vọng này không được trở thành lý do để sao nhãng những vấn nạn của thực tại trần gian, bởi lẽ, phúc cho đầy tớ nào khi chủ trở về, vẫn thấy đầy tớ ấy còn tỉnh thức và đang lao công vất vả cho những người anh chị em mình (x. Lc 12,37).
2. Bài đọc II (Ep 1,17-23)
Thánh Phaolô trong đoạn trích thư gởi tín hữu Êphêsô đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu được ơn khôn ngoan. Dĩ nhiên, khôn ngoan ở đây không phải là thứ khôn ngoan trần thế, nhưng là ơn khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa, và để nhận ra đâu là niềm hy vọng và gia nghiệp đích thật của người tín hữu.
Nếu như bài đọc I mời gọi các tín hữu không được sao nhãng những trách vụ cụ thể của mình trong thực tại trần thế, thì bài đọc II kiện toàn cái nhìn này khi khuyên bảo các tín hữu đừng quên rằng đời sống của họ không được giới hạn nơi chân trời nhỏ hẹp của thế giới này, bởi lẽ, những sinh hoạt và trách vụ mà ta đang có luôn phải được nối liền với thực tại tương lai trên trời, trong niềm hy vọng chắc chắn là chính Đức Kitô sẽ trở lại và hoàn tất mọi sự.
3. Bài Tin Mừng (Mc 16,15-20)
Đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô cũng bao hàm hai khía cạnh đặc biệt của Lễ Thăng Thiên, đó là mô tả ý nghĩa biến cố Đức Giêsu lên trời và sứ vụ của người môn đệ được trao phó.
Trình thuật mở đầu bằng khung cảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho nhóm Mười Một và chỉ thị cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thụ tạo”. Thuật ngữ này dĩ nhiên ám chỉ cho mỗi người, nhưng còn mở rộng chân trời ơn cứu độ của Thiên Chúa cách phong phú và sung mãn cho toàn thể vũ trụ này. Thánh Phaolô cũng diễn tả điều tương tự khi nói rằng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).
Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn bảo đảm sứ mạng của các tông đồ đi kèm với những dấu lạ (17-18); và những dấu lạ này cũng hiện diện ngay cả nơi những người tin. Qua những dấu lạ này, Thiên Chúa muốn bảo đảm sự hiện diện của Người trong mọi công cuộc và mời gọi tất cả cùng hướng về mầu nhiệm ơn cứu độ.
Câu 19 như tóm gọn đề tài của lễ hôm nay: Đức Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Thuật ngữ “ngự bên hữu Thiên Chúa” là một diễn tả đậm chất thần học. Hình ảnh này gợi cho ta bối cảnh cung đình vùng trung cận đông cổ thời, khi một thần dân sau khi chứng thực lòng trung thành của mình cách oai hùng thì được triệu về hoàng cung và được ngồi bên hữu Đức Vua. Cách dùng này ta còn thấy thể hiện nơi Thánh vịnh 110,1 trong nghi lễ phong vương: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” Vì thế, do bởi sự trung tín trong thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu cũng được các tác giả Tân ước quảng diễn như được siêu tôn (x. Pl 2,6-11), được cất lên trời (x. Ep 4,8-9), muôn loài được đặt dưới chân Người (x. 1Cr 15,27), và “ngự bên hữu Thiên Chúa” (x. 1Pr 3,18-22; Dt 10,12-14).
Câu cuối trong đoạn trích Tin Mừng: “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” đã chứng thực sự xác tín của các môn đệ đầu tiên khi cho thấy các ông không đơn độc trong sứ vụ của mình, nhưng luôn có Chúa đồng hành, và cùng với họ, Người thực hiện những kỳ công ơn cứu độ cho con người.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Điều này đã khẳng định cho các Kitô hữu về một quê hương đích thật trên trời, đồng thời khai mở niềm hy vọng lớn lao cho người tín hữu. Là Kitô hữu, tôi có luôn xác tín và ý thức về cùng đích tối hậu này? và niềm xác tín đó đã ảnh hưởng gì trên cuộc sống của tôi?
2. Thánh Phaolô đã mong mỏi các tín hữu ở Êphêsô, nhờ thần khí khôn ngoan, biết nhận ra đâu là những giá trị đích thật của người Kitô hữu. Nhìn lại đời mình, đâu là những giá trị tôi đang theo đuổi và ôm ấp; và những giá trị đó có phục vụ cho Nước Trời?
3. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?” Thăng thiên và sứ mạng chứng tá của Giáo hội là hai biến cố không thể tách rời nhau; và quê hương trên trời của người tín hữu phải được khởi sự ngay từ đất thấp. Vậy tôi phải khởi sự điều gì nơi chính cuộc sống của tôi? Đâu là sứ mạng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó cho riêng tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên củng cố và nuôi dưỡng khát vọng nước trời cho mọi kitô hữu đang trên hành trình dương thế. Trong niềm hy vọng và xác tín Chúa Phục Sinh luôn hiện diện và đồng hành với mỗi người, cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi dân tộc. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những nỗ lực truyền giáo của mọi thành phần trong Hội Thánh luôn gặp thuận lợi và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.
2. Ai tin vào Chúa Giêsu và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ. Chúng ta cùng cầu xin cho những người chưa tin Chúa ở khắp nơi trên thế giới, biết đón nhận Tin Mừng và luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để họ cũng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
3. Giáo Hội chọn Lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông biết dùng khả năng và phương tiện hiện đại với lương tâm ngay lành để bảo vệ và loan báo sự thật.
4. Chúa Phục Sinh luôn cùng hoạt động và củng cố lời giảng dạy của các tông đồ. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta cũng luôn biết cộng tác với ơn Chúa, trở nên những chứng nhân sống động cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về trời và đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn vững bước trên con đường mà Chúa đã đi, để mai sau chúng con cũng được chung hưởng vinh quang cùng với Chúa trong Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B