Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng năm C
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C
(Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6)
Chủ đề: CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN CHÚA
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa…
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4.6)
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị để đón mừng Chúa đến. Phụng vụ không chỉ cử hành việc kính nhớ Con Thiên Chúa đến với loài người lần đầu tiên cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng còn hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Bởi thế các bài sách Thánh của các Chúa nhật Mùa Vọng đều có ý nghĩa giúp các tín hữu sống tinh thần chờ đợi Chúa đến. Trong Chúa nhật II của Mùa Vọng, Phụng vụ Lời Chúa trình bày cho chúng ta một nhân vật có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Đó là thánh Gioan Tẩy Giả, người đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu bằng những lời mời gọi hãy thức tỉnh và dọn đường cho Chúa đến. Chính nhân vật Gioan Tẩy Giả cũng là người nối kết những lời hứa của Thiên Chúa qua các ngôn sứ với ơn cứu độ được thực hiện nơi vị Cứu Thế được loan báo là Chúa Giêsu. Lời mời gọi chuẩn bị tâm hồn của vị tiền hô cũng được thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu giáo đoàn Philípphê và tất cả chúng ta hôm nay.
I CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Br 5,1-9)
Đoạn sách Barúc vẽ lên bức tranh về cuộc hồi hương của con cái Israel từ nơi lưu đày. Nếu như trước đó Giêrusalem, như một người mẹ than khóc vì các con của mình bị lưu đày xa xứ vì những tội lỗi của họ, thì giờ đây mẹ Giêrusalem được bảo hãy cởi bỏ áo tang chế để mặc lấy áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội triều thiên vinh quang, vì con cái của người đang trở về theo lệnh truyền của Thiên Chúa và dưới sự lãnh đạo của Người. Bức tranh tác giả vẽ lên ở đây cần được nhìn dưới ánh sáng của sách ngôn sứ Isaia, trong đó sứ điệp của Thiên Chúa về sự an ủi và phục hồi Israel trong vinh quang khi Đấng cứu thế xuất hiện được loan báo rất rõ ràng (Is 40-65). Thiên Chúa không quên lãng hay bỏ rơi Israel, và chính ở Giêrusalem là nơi Người sẽ quy tụ con cái của mình (Is 2,1-5).
Điều ngôn sứ Isaia loan báo hay sứ điệp mà chúng ta nghe trong sách Barúc hôm nay là sứ điệp của hi vọng, vì Thiên Chúa đã tha thứ và xóa bỏ hình phạt vì tội lỗi của con người. Khi Đấng Cứu thế đến, chính Người sẽ khôi phục lại những gì bị hư nát do tội lỗi. Người đến mang bình an và hạnh phúc cho con cái Thiên Chúa, những người đã trông cậy và chờ đợi Người. Con cái Israel không còn chỉ là những người thuộc sắc tộc Israel theo màu da tiếng nói, nhưng là mọi người ở khắp mọi nơi, những người tin tưởng và mong đợi Người. Giêrusalem ngày đó không còn là thành theo địa giới, nhưng chính là vương quốc mà Đấng Cứu thế thiết lập trong vinh quang cho những ai thuộc về Người. Những người con Chúa đã sống trong âu sầu tủi nhục của áp bức bất công, của gánh nặng lỗi tội, nay sẽ vui mừng hoan lạc vì ơn giải thoát mà Đấng Cứu thế mang đến cho họ.
2. Bài đọc II (Pl 1,4-6.8-11)
Từ trong chốn ngục tù thánh Phaolô đã viết những lời tâm huyết cho các tín hữu giáo đoàn Philípphê, những người đã quảng đại và nhiệt thành cộng tác với ngài trong việc truyền giảng Tin Mừng. Điều quan trọng là lúc này đây, khi thánh nhân không còn ở giữa họ, các tín hữu vẫn tiếp tục sống tốt lành như khi ngài còn bên họ, bởi đó chính là điều Thiên Chúa muốn, cũng như Người sẽ không cho phép họ buông rơi những điều tốt lành mà họ đã thực hiện. Điều này thể hiện một niềm tin, một niềm hi vọng, trông chờ ngày Đức Kitô quang lâm. Chắc chắn đây là điều thánh Phaolô luôn dạy bảo và nhắc nhở họ, là Đức Kitô sẽ quang lâm, nên bấy giờ ngài vẫn tiếp tục nhắc họ điều này.
Thánh Phaolô, như một người cha và như một người bạn, yêu thương và thấu hiểu được điều cần thiết đối với các tín hữu nên đã tha thiết cầu xin cho họ. Ngài cầu xin cho họ lớn lên trong tình yêu hiểu biết và cảm thông. Yêu là con đường đi đến hiểu biết; vì yêu người ta sẽ tìm hiểu thêm để rồi thêm yêu mến. Yêu cũng là con đường đi đến trái tim để cảm thông chia sẻ. Khi yêu người ta sẽ không gây tổn thương cho nhau. Nhưng trên hết, ngài cầu cho cuộc sống của các tín hữu sẽ là lời khen ngợi và làm vinh danh Thiên Chúa, vì chính qua cuộc sống của họ mà người ta nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6)
Gioan Tẩy Giả đã được ông Giacaria, cha của ông, nói tiên tri về sứ vụ của mình trong tương lai. Trong bài ca “Chúc tụng” – Benedictus (Lc 1,67-79) Giacaria đã loan báo rằng hài nhi Gioan sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao và sẽ đi trước để mở lối cho Người. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe nối kết với chương 1 về việc Gioan Tẩy Giả chào đời. Sự xuất hiện của Gioan được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hiện thực hóa lời ngôn sứ của Giacaria. Sứ vụ của Gioan cũng như của Chúa Giêsu, là chương trình của Thiên Chúa, thực hiện cho con người. Nó phải là một sự xuất hiện công khai, nối kết với lịch sử con người chứ không nằm ngoài lịch sử. Do đó thánh sử Luca đã không ngần ngại trình bày cho độc giả về thời gian và không gian Gioan Tẩy Giả bắt đầu sứ vụ ngôn sứ.
Gioan bắt đầu thực hiện sứ vụ ngôn sứ của Đấng Cứu thế bằng việc rao giảng, kêu gọi chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Và như một ngôn sứ, Gioan đến để hiện thực lời ngôn sứ Isaia đã loan báo xưa kia. Ông được giới thiệu là người được Thiên Chúa gọi để chuẩn bị cho việc bắt đầu một giai đoạn mới của ơn cứu độ; ông chính là người mở đường, dọn sẵn con đường cho Đức Chúa. Gioan kêu gọi dọn đường cho Đức Chúa bằng một cuộc hoán cải nội tâm thật sự, chứ không phải chỉ bằng việc học hỏi lề luật. Lời mời gọi ngôn sứ của Isaia nhấn mạnh đến việc xa tránh tội lỗi và trở về cùng Thiên Chúa. Đặc biệt lời ngôn sứ Isaia nói về ơn cứu độ cho hết thảy mọi người được thánh sử Luca trích dẫn để giải thích cho việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả có một ý nghĩa rất quan trọng. Điều này chứng minh cho sứ vụ của Gioan, là người đi trước dọn đường cho ơn cứu độ phổ quát sẽ được thực hiện nơi chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế.
Như thế Gioan Tẩy Giả đã hiện thực lời loan báo của ngôn sứ Isaia và của chính ông Giacaria. Sứ vụ của ông là mời gọi hoán cải, một cuộc hoán cải sâu sắc tận tâm hồn của mỗi người. Cuộc hoán cải này không chỉ dừng lại ở những thay đổi bên ngoài như sống đơn giản và chia sẻ, nhưng còn bằng việc nhìn nhận và xưng thú tội lỗi của mình để thay đổi canh tân tâm hồn mình, dẹp đi những núi đồi của tội lỗi, và san bằng những vực thẳm của sự chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả có thức tỉnh tâm hồn mỗi người chúng ta trong mùa Vọng này, thời gian chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm biến cố Ngôi Hai giáng sinh, và đặc biệt có nhắc nhở chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho cuộc quang lâm vinh hiển của Đức Kitô vào ngày cánh chung không? Chúng ta sẽ làm gì để dọn đường cho Chúa đến?
2. Chúng ta có như Gioan Tẩy Giả, nhỏ đi để cho Chúa lớn lên, để cho mọi người được nhận ra Chúa hay không? Chúng ta có sẵn sàng làm người mở đường cho Chúa như Gioan Tẩy Giả, hoặc sẵn sàng cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng như các tín hữu giáo đoàn Philípphê hay không?
3. Lời cầu xin của thánh Phaolô cho các giáo hữu Philípphê: gia tăng lòng mến và nhận ra điều tốt xấu, tinh tuyền và không có gì đáng trách, làm vinh danh Chúa qua cuộc sống, có là điều chúng ta cầu xin và cố gắng mỗi ngày hay không?
4. Tình thương của thánh Phaolô đối với giáo đoàn của mình có là bài học cho mỗi người chúng ta trong từng vị trí chức vụ của mình suy nghĩ và học hỏi theo gương của thánh nhân không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng ơn cứu độ cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Người. Trong tâm tình hân hoan chờ đón và với quyết tâm dọn lối sửa đường cho Chúa đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu và dọn đường để Chúa đến với mọi tâm hồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ mạng ấy qua nỗ lực dấn thân hằng ngày, nhằm diễn tả trung thực khuôn mặt của Đức Kitô cho thế giới.
2. Chúa Kitô là ánh sáng và nguồn hy vọng cho trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những tâm hồn sầu khổ thất vọng luôn cảm thấy có Chúa hiện diện và nâng đỡ ủi an, để họ thêm bền đỗ trong đức tin và kiên vững vượt qua mọi cơn gian nan thử thách.
3. “Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết tích cực sống tinh thần tỉnh thức của Mùa Vọng bằng quyết tâm loại trừ những thói hư tật xấu, canh tân đời sống và thực thi các mối phúc của Tin Mừng.
4. Thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết đến với nhau bằng sự khiêm tốn chân thành, yêu thương và phục vụ theo gương Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân lành, xin đón nhận những ước nguyện chúng con dâng tiến, giúp chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng và tích cực hoán cải, hầu xứng đáng đón nhận hồng ân cứu độ mà Con Chúa đem đến cho nhân trần. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B