Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm B
Is 55,1-11 – 1Ga 5,1-9 – Mc 1,7-11
PHÉP RỬA: CÙNG CHẾT VÀ PHỤC SINH VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 55,1-11
Đây là phần đầu tiên của ‘Lời mời gọi cuối cùng’ mà tác giả sách Isaia II muốn ngỏ với những người Israel sắp được hồi hương từ Babylon trở về để tái thiết đất nước. Với giọng văn đầy khích lệ, ngay từ những câu đầu tiên, sấm ngôn của Đức Chúa đã mở ra cho dân một thời đại mới với những sắc màu khác nhau của một cuộc sống sung túc và miễn phí: ‘nước đã sẵn đây hỡi những ai đang khát… đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào…’
Trong thời đại mới ấy, Đức Chúa còn bảo đảm cho dân sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị, được sống, được vinh hiển, được xót thương… nếu họ biết lắng tai nghe, biết tìm kiếm, biết kêu cầu Đức Chúa, nếu họ biết từ bỏ đường lối gian ác và tư tưởng bất lương của mình.
Thời đại mới mà Đức Chúa hứa ban còn là thời đại hoạt động đầy năng động của Lời: những tâm hồn quảng đại biết đón nhận Lời của Ngài chắc chắn sẽ đâm chồi nảy lộc để rồi sinh hoa kết quả dồi dào.
2. Bài đọc II – 1Ga 5,1-9
Tác giả thư 1 Gioan nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ tin vào Đức Giêsu dưới hai chiều kích bổ sung cho nhau: Tư cách con Thiên Chúa, nghĩa là người được Thiên Chúa sinh ra, không chỉ lệ thuộc vào tình yêu của họ dành cho Chúa cũng như cho anh chị em của mình, nhưng trước hết phải dựa trên thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Và ai có thể thắng được thế gian nếu không phải là người đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Như thế, chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.
Thái độ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa đặt nền tảng trên lời chứng của chính Thiên Chúa và Con của Người: Thần Khí, Đấng đã hiện diện để chứng thực tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu trong sông Giôđan, nước gợi nhớ lại phép rửa của Đức Giêsu tại sông Giôđan; còn máu làm nhớ đến cái chết của Người trên thập giá. Ngoài ra, khái niệm kép ‘nước và máu’ còn gợi nhớ đến hình ảnh ‘người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, nước cùng máu chảy ra’ (Ga 19,34), đây là biểu tượng của Bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể của Giáo hội.
3. Bài Phúc âm – Mc 1,7-11
Đoạn phúc âm gồm hai trình thuật chính:
1. Lời giới thiệu của Gioan về sự cao cả của Đức Giêsu cùng với sự phân biệt rõ ràng về hai phép rửa: - Phép rửa của Gioan: hành vi dìm mình trong nước. Điều này giả định đã có một sự hoán cải nội tâm trước đó và đặt người chịu phép rửa vào số những người tích cực mong đợi đấng Mêsia xuất hiện; - Phép rửa của Chúa Giêsu: được thực hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần là tác nhân chính hướng dẫn Đức Giêsu thực hiện công trình cứu độ loài người, cũng chính Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong bí tích rửa tội để biến họ thành chứng nhân của Đức Kitô.
2. Hành vi Gioan Tẩy giả dìm Đức Giêsu trong nước sông Giôđan khi thực hiện phép rửa cho Ngài chính là hình ảnh tiên trưng cho cái chết mà Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này trong cuộc thương khó. Đang khi kiểu diễn tả liền sau đó ‘vừa lên khỏi nước’ lại là hình ảnh tiên trưng cho sự trỗi dậy từ trong kẻ chết (sự phục sinh) của Đức Giêsu. Hai hành động đầy tính biểu tượng này của Chúa Giêsu đã được xác thực ngay sau đó bằng hai hành động: a/ ‘Thánh Thần, như chim bồ câu ngự xuống trên Người’: Thánh Thần chính là quà tặng của Chúa Cha để đồng hành với Đức Giêsu trên suốt hành trình sứ vụ; b/ ‘Có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.’: Đây chính là lời xác quyết minh nhiên với Đức Giêsu cho thấy rõ điều Đức Giêsu đang thực hiện là hoàn toàn đúng với thánh ý Chúa Cha.
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa còn là cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Thời đại mới này là thời đại hoạt động của Thánh Thần trong Đức Giêsu để mạc khải về Chúa Cha cho toàn thể nhân loại.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1. ‘Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.’ Ngôn sứ Isaia II tiên báo với dân Israel còn đang lưu đày về một thời đại mới đặt nền tảng trên việc lắng nghe chính Đức Chúa. Chính mối liên hệ chặt chẽ của dân với Thiên Chúa sẽ trở nên môt bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống của họ. Mối tương quan của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đoàn, của mỗi giáo xứ trong việc lắng nghe Lời Chúa sẽ là một bảo đảm chắc chắn cho đời sống đức tin của toàn thể Giáo hội.
2. ‘Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Kitô và là Con Thiên Chúa’. Chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.
3. ‘Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giôđan. Vừa lên khỏi nước…’ Phép rửa của Đức Giêsu là hình ảnh tiên trưng cho cái chết và sự phục sinh của Người sau này. Hành vi mỗi người bị dìm vào nước nơi bí tích rửa tội cũng trở nên hình ảnh tiên trưng cho một nỗ lực cùng với Đức Kitô phải chết đi mỗi ngày, điều đó như là một bước trước cần thiết cho việc được thông phần vào cuộc phục sinh vinh hiển với Đức Kitô (x. Rm 6,8).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian để khai mở một phép Rửa mới trong Chúa Thánh Thần, hầu tái sinh và dẫn đưa toàn thể nhân loại về với Người. Cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh là cộng đoàn những người đã chịu phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và nhiệt tâm với sứ mạng đã được ủy thác khi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
2. Niềm tin vào Đức Kitô giúp cho con người có khả năng chiến thắng thế gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người đang thành tâm tìm kiếm chân lý biết nghe theo sự soi dẫn của Thánh Thần mà tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
3. Gioan nói với dân chúng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu luôn ý thức và nhiệt tình giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho mọi người chung quanh bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
4. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống tâm tình của người con thảo, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa, để được sống trong tình thương yêu chăm sóc của Người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con, và giúp mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi của mình qua Bí tích Rửa tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B