Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C
(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)
CHỦ ĐỀ: THÁNH GIA
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
“Người đi xuống cùng với cha mẹ,
trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.
Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng”
(Lc 2,51).
Ngay số mở đầu của Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, ĐGH đã lấy tư tưởng từ Kinh Thánh và Công Đồng Vat.II để viết: “‘Lúc đến thời gian viên mãn’ (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (DMLTX, số 1). Như vậy, để mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình, được gọi là Thánh Gia.
Hằng năm, vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh mừng kính Lễ Thánh Gia gồm Đức Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse để đề cao một mẫu gương nổi bật cho các gia đình Kitô hữu noi theo. Các bài đọc hôm nay cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi thành viên trong gia đình phải có, đó là các người làm mẹ cần học nhân đức âm thầm của Đức Maria, các người làm cha noi gương sống tín thác của Thánh Giuse và những người làm con cần học cho biết sống vâng phục như Đức Giêsu.
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA
1. BÀI ĐỌC I (Hc 3,3-7.14-17a)
Bài đọc I trích sách Huấn Ca dạy những người làm con phải thảo kính cha mẹ vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Gia đình nào có con cái hiếu thảo thì người cha được vẻ vang, người mẹ thêm uy quyền. Đối với người làm con, việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:
- Với Thiên Chúa: họ bù đắp các lỗi lầm thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
- Với bản thân: họ sẽ sống trường thọ và không bị người đời quên lãng.
- Với con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, đó là sẽ được vui mừng vì con cái họ, nghĩa là sẽ được con cái sau này hiếu thảo lại như chính họ đã hiếu thảo với cha mẹ của mình.
Từ những hệ luận trên, Lời Chúa khuyên con cái thảo hiếu cha mẹ mình được diễn tả qua những sắc thái khác nhau: “thờ cha” “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.
2. BÀI ĐỌC II (Cl 3,12-21)
Bài đọc II trích từ thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê cho chúng ta thấy nguyên lý của đời sống gia đình dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô. Theo đó, đời sống gia đình của những người đã được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương; nói cách khác, đời sống của một gia đình Kitô hữu, phải có những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào một nhân đức nền tảng, đó là “lòng bái ái” (xem Bài ca Đức mến 1Cr 13) vì lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo. Từ những nguyên lý đó, hệ luận kéo theo là: vợ chồng yêu thương, phục tùng lẫn nhau và đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Về phần con cái, họ phải vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Muốn có được điều đó, gia đình cần có men xúc tác là “lòng thương xót”, nhờ được nuôi dưỡng bởi lời Chúa với đời sống cầu nguyện qua việc dâng lên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa đã thương xót chúng ta như thế nào.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 2,41-52)
Luật Cựu Ước đòi buộc người Dothái hành hương tới Giêrusalem vào ba dịp Đại lễ: Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều (x. Xh 23,14-17; 34,22-23; Đnl 16,16). Tuy nhiên vào thời Đức Giêsu, người ta thường chỉ hành hương một lần duy nhất vào dịp lễ Vượt Qua, và chỉ đòi buộc những người nam từ 13 tuổi trở lên giữ tập tục này. Tuy nhiên, Đức Giêsu năm ấy đã đi hành hương lúc mới lên 12 tuổi và trong dịp đó, Người đã ngồi giữa các thầy dạy mà đối đáp với họ. Hành động này ở độ tuổi 12 làm cho người ta liên tưởng Đức Giêsu với những người nổi bật của Thiên Chúa như Giuse giữa những người Aicập; hay Samuen hoặc Đanien giữa những người Dothái, là những người có trí khôn ngoan sáng suốt và quyền phân xử độ tuổi 12. Dầu vậy, con số 12 ở đây còn mang ý nghĩa cao hơn, vì là con số “hoàn hảo” hay “hoàn tất”, qua đó nói lên rằng Đức Giêsu bắt đầu “hoàn tất” bổn phận mà Thiên Chúa Cha trao phó cho Người.
Tuy nhiên, điều Phụng vụ Hội Thánh muốn nhấn mạnh trong ngày lễ Thánh gia là cả gia đình đã hành hương lên Giêrusalem theo phong tục, như là một mẫu gương của gia đình sống đạo; đồng thời, đề cao việc Đức Giêsu trở về Nadarét, hằng vâng phục cha mẹ và ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. Như thế gia đình là trường học; qua đó, Đức Giêsu đã sống 30 năm để chuẩn bị mọi mặt cho việc chu toàn bổn phận Thiên Chúa Cha đã trao phó. Bên cạnh, bài Tin Mừng cũng đề cao bổn phận của cha mẹ đối với con cái qua việc trở lại Giêrusalem tìm con dù đã mệt mỏi sau một ngày đường, và sau ba ngày mới tìm được Đức Giêsu. Dù vậy, họ vẫn kiên nhẫn “suy niệm trong lòng” những điều chưa hiểu về chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi người con của mình và trở về Nadarét dưỡng nuôi Đức Giêsu.
Những tư tưởng này cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi thánh ý Thiên Chúa như đã đề cập trong bài đọc I và II để chúng ta noi theo.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ…” (x. Hc 3,3-6). Tư tưởng này rất phù hợp với đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” của người Việt Nam. Ngày nay đời sống gia đình nói chung, và gia đình Công giáo nói riêng, đang trên đà xuống dốc: con cái hư thân bất hiếu. Là con cái, chúng ta có ý thức được phận làm con của mình, cụ thể là sống hiếu thảo thì sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng cha mẹ, tích đức cho bản thân và đến lượt, sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai, sẽ được con cái kính trọng như mình đã kính trọng với cha mẹ của mình hay không?
2. “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, và trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (x. Cl 3,12-14). Gia đình Kitô giáo phải được xây dựng trên những nhân đức nền tảng của đời sống mới trong Đức Kitô, nhất là lòng bác ái (đức ái/ tình yêu). Chúng ta có ý thức được rằng các đức tính trên, nhất là đức ái, sẽ giúp mỗi thành phần trong gia đình vượt qua được mọi khủng hoảng của đời sống gia đình như cha mẹ ly dị, gia đình tan vỡ…; đồng thời, giúp mỗi người sống chính danh: cha mẹ sống đúng vai trò của mình, chu toàn bổn phận chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ nhưng cũng tôn trọng con cái; con cái chu toàn bổn phận làm con, sống thảo hiếu với cha mẹ hay không? Chúng ta có ý thức rằng mỗi thành viên trong gia đình cần thực thi các đức tính, nhất là đức ái của Kitô giáo và cần có “lòng thương xót” để thông cảm và tha thứ cho nhau, nhờ đó cùng nhau gắn kết hầu chung tay xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương hay không?
3. “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các Người. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Gia đình là trường học đầu tiên để con cái học biết cách làm người, và như ĐGH Phanxicô đã lưu ý trong diễn văn khai mạc hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ do Tòa Thánh tổ chức vào ngày 17/11/2014: “gia đình cung cấp nơi chính yếu để ta vươn tới sự cao cả khi ta biết cố gắng thể hiện khả năng trọn vẹn của ta trong việc sống nhân đức và đức ái.” Con người ngày nay đang tự cô lập chính mình, sống chủ nghĩa cá nhân, đánh mất lòng thương cảm đối với tha nhân, trẻ em “học văn” rất nhiều mà “học lễ” rất ít. Trong bối cảnh đó, chúng ta có ý thức gia đình phải là trường dạy đầu tiên để con cái học biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau và là nơi đào tạo con cái có “lòng thương xót”, rồi lan tỏa “lòng thương xót” đến mọi người hay không?
III. LỜI NGUYÊN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là gương mẫu về đời sống nhân đức cho các gia đình Công Giáo. Với quyết tâm noi gương các ngài, chúng ta cùng tha thiết cầu xin, cách đặc biệt cho các gia đình:
1. Hội Thánh được thiết lập như một đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức bảo vệ và vun đắp sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, cùng nỗ lực loan báo lòng thương xót cho thế giới.
2. Đời sống gia đình ngày hôm nay đang bị khủng hoảng trầm trọng. Chúng ta cùng nài xin Lòng Chúa Thương Xót luôn nâng đỡ để các gia đình đang gặp đau khổ và thử thách sớm vượt qua mọi khó khăn, mau tìm lại được bình an và hạnh phúc.
3. Giáo dục gia đình là nền tảng cho đời sống đức tin và nhân bản. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bậc cha mẹ luôn chu toàn bổn phận trong gia đình là yêu thương chăm sóc con cái, và quan tâm dạy dỗ con cái cho nên người và nên thánh.
4. Thảo hiếu cha mẹ là nét đẹp của truyền thống dân tộc và cũng là giới răn của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống trọn đạo làm con, để luôn được Chúa yêu thương và ban nhiều ơn lành hồn xác.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương đoán nhìn gia đình Chúa đang sốt sắng cầu nguyện, và giúp chúng con cảm nghiệm được Chúa luôn ở kề bên chăm sóc và nâng đỡ cuộc sống chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B