Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Phục sinh năm A
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)
NIỀM TIN PHỤC SINH
“Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20,8b)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Phục sinh là tâm điểm của kinh nghiệm đức tin mà những kitô hữu đầu tiên trải qua, nhưng đây là một kinh nghiệm thật khó diễn đạt bằng lời, bởi đó không phải là kinh nghiệm của các giác quan, cũng không phải là kinh nghiệm được rút ra từ sự suy gẫm. Phục sinh là một điều gì đó đến từ Thiên Chúa và được Người thực hiện, và chúng ta chỉ có thể nhìn nhận mầu nhiệm này trong đức tin và bởi đức tin. Mặc dầu phục sinh là một sự kiện không phụ thuộc vào chính chúng ta, nhưng cả cuộc đời chúng ta lại là một sự khao khát không ngừng cho biến cố này, đó là một niềm hy vọng về một sự sống viên mãn vượt trên những giới hạn và khiếm khuyết của con người. Vì thế, sự phục sinh mà thánh lễ hôm nay loan báo là một mầu nhiệm làm sáng tỏ cả cuộc đời của Đức Giêsu và cùng lúc đó soi rọi vào trong chính cuộc sống của chúng ta. Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của sự kiện quan trọng này cũng như những hoa trái mà biến cố Phục sinh mang lại trong cuộc đời chúng ta.
1. Bài đọc 1
Ngay từ buổi đầu tiên của sự kiện phục sinh, Giáo hội đã bắt đầu sứ mạng kerigma – rao giảng của mình, qua chứng từ của Phêrô từ sách Công vụ Tông đồ mà ta nghe trong bài đọc 1. Tại nhà của viên đại đội trưởng Conêliô, Phêrô đã rao giảng về kế hoạch cứu độ con người của Thiên Chúa. Tiếp theo sau người môn đệ được yêu quý, giờ đây Phêrô cũng đã tin vào sự kiện phục sinh. Và trong sứ mạng rao giảng của mình, Phêrô đã giải thích mầu nhiệm này như là kết quả từ hành động của Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành trong suốt hành trình của Đức Giêsu, chính Người đã cho Đức Giêsu trải nghiệm cái chết và được sống lại, không những thế, Người còn cho Đức Giêsu làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Vì thế, tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu có nghĩa là nhận ra đó là sự kiện toàn việc Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và cũng là sự kiện toàn trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa cho con người. Ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được ơn tha tội, được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi.
2. Bài đọc 2
Ở bài đọc 2 trong thư gởi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô giúp chúng ta đào sâu ý nghĩa niềm tin vào sự phục sinh: Kitô hữu chịu phép rửa là người bước vào trong mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế, ý nghĩa thật sự của đời kitô hữu chỉ được khám phá qua kế hoạch của Thiên Chúa, từ “những sự trên trời”, và không để cho những bản năng trần thế chi phối. Tuy nhiên, tiến trình phục sinh nội tại này có tính tiệm tiến, không xảy ra chỉ trong một lần, và phải được mỗi người ao ước và chọn lựa cách tự do. Theo cách thức tiệm tiến này, sự phục sinh của Đức Giêsu nơi mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội giúp chúng ta được tự do và không còn theo cách thức lượng giá mọi điều chỉ với chiều ngang trần thế, và còn giúp chúng ta sống ngay bây giờ niềm mong đợi về cuộc gặp gỡ tối hậu với Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng
Trong bài Tin mừng, ký ức của các tông đồ vào những năm cuối của thế kỷ thứ nhất đã được dựng lại trong một trình thuật của niềm tin về kinh nghiệm phục sinh đầu tiên. Maria một mình chạy ra mộ Chúa, là dấu chỉ có thể nhìn thấy được lần cuối cùng về sự hiện diện của vị thầy, để khóc thương cho cái chết của Người, và bà đã ngạc nhiên về những gì xảy ra: ngôi mộ được đóng kín vào hôm chiều thứ sáu nay đã mở ra. Bà chạy về và báo lại cho các môn đệ với lời giải thích là ai đó đã đánh cắp xác Chúa Giêsu. Và các môn đệ bắt đầu kiểm chứng lời của Maria. Phêrô đến và bước vào trong, ông thấy những dây băng và tấm khăn liệm và ông loại trừ khả năng đánh cắp. Cuối cùng, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cũng bước vào, ông đã thấy và ông đã tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Chỉ đến giây phút này, tác giả Tin Mừng mới nói với chúng ta về ý niệm phục sinh, một ý niệm mà chính Kinh Thánh đã loan báo trước, nhưng đã không bao giờ tồn tại trước đây trong suy nghĩa của các môn đệ. Trước ngôi mộ trống, người môn đệ được yêu mến đã tiên phong hành trình đức tin của mình, ông đã thấy và ông đã tin.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. Là người đang sống trong nô lệ của tội lỗi và sự chết, tôi có cảm nghiệm được niềm vui khôn tả và lòng biết ơn sâu xa khi đón nhận hồng ân phục sinh của Chúa Kitô, một biến cố mà những ai tin sẽ được sự bình an trong tâm hồn, được chữa lành, được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi không ?
2. Với kinh nghiệm phục sinh được nếm trải qua biến cố hoán cải đời mình, Thánh Phaolô đã dạy chúng ta hãy hướng lòng về thượng giới và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới. Là kitô hữu hôm nay, đang mang trong mình niềm tin là Đức Kitô Phục sinh, tôi đang dùng những giá trị của trần thế hay những giá trị của Nước Trời để xây đắp và làm nền tảng cho cuộc sống của tôi ?
3. “Ông đã thấy và ông đã tin”. Cũng như các môn đệ năm xưa, tôi cũng tuyên xưng niềm tin của mình mỗi ngày. Nhưng liệu lời tuyên xưng ấy của tôi có giá trị và hệ quả của một niềm tin đích thật vốn không phụ thuộc nhiều vào những giác quan môi miệng hay suy gẫm của lý trí, nhưng là một ơn ban được đón nhận với hoa trái đi kèm là sự canh tân, biến đổi đời sống, và được cụ thể hóa bằng một đời sống chứng tá sống động về Đức Kitô phục sinh cho những người chung quanh không ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại hiển vinh bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Đấng Phục Sinh, chúng ta được đón nhận sức sống mới và bảo chứng cho sự sống đời đời. Trong niềm hân hoan của ngày đại lễ hôm nay, chúng ta cùng dâng lời chúc tụng và cầu xin.
1. Đức Giêsu Kitô Phục Sinh là tâm điểm của niềm tin Kitô giáo. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và hăng say loan báo niềm hy vọng phục sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng cùng với chứng tá sống động trong đời sống hằng ngày.
2. “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới biết mở lòng đón nhận Tin Mừng Phục Sinh và tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ trần gian, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.
3. Đức Kitô phục sinh đã chiến thắng đau khổ, tội lỗi và sự chết. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho những người đang đau khổ hồn xác, các gia đình đang gặp khó khăn mọi mặt được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm can đảm đón nhận và vác thập giá hàng ngày mà bước theo Chúa.
4. “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa”. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi người tham dự phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa Phục Sinh, luôn hướng về trời cao bằng một đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối và ánh sáng cho người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa hằng sống, Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con tha thiết cầu xin, và cho niềm vui phục sinh hôm nay biến đổi chúng con trở nên những con người mới, hăng say loan báo niềm vui ấy cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B